Các nhà thơ trong Phong trào Thơ Mới với Cách mạng Tháng Tám 1945

03:08, 17/08/2011

Với Phong trào Thơ Mới (1930-1945), Cách mạng Tháng Tám (CMT8/1945) có ý nghĩa như một dấu mốc khép lại “Một thời đại trong thi ca”(1) . Thời đại ấy đã được nhà phê bình Hoài Thanh khái quát: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi, mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh”(2). 

Với Phong trào Thơ Mới (1930-1945), Cách mạng Tháng Tám (CMT8/1945) có ý nghĩa như một dấu mốc khép lại “Một thời đại trong thi ca”(1) . Thời đại ấy đã được nhà phê bình Hoài Thanh khái quát: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi, mất bề rộng ta đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh”(2). 

Có một sự đổi thay lớn trong nhận thức và tình cảm của nhiều nhà thơ khi CMT8 thành công. Xuân Diệu (1916-1985) là một hiện tượng tiêu biểu. Trước CMT8, trong niềm cô đơn kiêu hãnh và tuyệt vọng, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” đã tự ví mình như đỉnh Hy Mã Lạp Sơn:

“Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất
 Không có chi bè bạn nổi cùng ta
 …
Đời đã hết. Chỉ riêng ta đứng mãi
 Ở đây không dấu vết loài người”
(Hy Mã Lạp Sơn)

Sau cách mạng, ông đã tìm thấy nguồn mạch mới cho thơ mình:

“Có một suối thơ chảy từ gần gũi
Rất xa xôi và lại đến gần quanh
Một suối thơ lá ngọt với hoa lành
Nói trong sớm và giỡn cười dưới phố”
                                 (Nguồn thơ mới)

Xuân Diệu là người đã bắt nhịp rất nhanh với nhịp điệu của cuộc sống cách mạng. Chỉ sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bao lâu, nhà thơ đã kịp hoàn thành bản trường ca "Ngọn quốc kỳ" (11-1945) bày tỏ niềm vui sướng, tự hào về thắng lợi của cách mạng, cảm nhận một cách sâu sắc thành quả to lớn mà cuộc cách mạng đã đem đến cho nhân dân - nền độc lập dân tộc sau 80 năm dài nô lệ - qua biểu tượng thiêng liêng cờ đỏ sao vàng:

“Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,
Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt.
Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết,
Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Việt Nam! Việt Nam! cờ đỏ sao vàng!
Những ngực nén hít thở Ngày Độc Lập!
Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!
Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca...”

Đầu năm 1946, Xuân Diệu viết tiếp trường ca "Hội nghị non sông". Trong bản trường ca này, nhà thơ đã so sánh Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam do nhân dân bầu ra với Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần, từ đó ca ngợi nền dân chủ cộng hòa vừa được thiết lập, khẳng định ý chí, sức mạnh của toàn dân quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Gần gũi với Xuân Diệu trong cảm nhận về đất nước và cách mạng, nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950), tác giả của bài thơ nổi tiếng “Tống biệt hành” (1940) đề cao chí làm trai của con người thời đại: “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong…” đã phản ánh sự đổi thay của đất nước qua màu cờ Tổ quốc:

 "Hồn thiêng khắp hết cõi bờ
Sáng nay óng ánh trên tơ vải điều".

Còn nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004) đã nhìn thấy những đổi thay của quê hương qua sự đổi thay của con người. Vẫn là cô thôn nữ duyên dáng “Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”  trong “Chợ Tết” được sáng tác trước CMT8 nhưng giờ đây hiện ra hết sức mới mẻ:
 
“Bao thôn nữ hôm qua còn yếm đỏ
 Miệng hoa cười tươi tựa ánh bình minh
 Hôm nay đều ra khỏi lũy tre xanh
 Với dòng máu quật sôi trong huyết quản”

Có thể nói, CMT8 đã mang đến  niềm vui lớn cho toàn dân, trong đó có các nhà thơ trong Phong trào Thơ Mới. Trước đây các nhà thơ mang cảm hứng sáng tạo và phong cách khác nhau, nhưng lúc này họ đều có chung nguồn cảm xúc trước những biến cố trọng đại của đất nước, cảm nhận được sự đổi thay lớn lao của dân tộc và đã nói lên một cách chân thành bằng những hình tượng nghệ thuật. Niềm vui của nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-1988), tác giả của “Tiếng địch sông Ô” (1935) được thể hiện bằng khát vọng sáng tạo:

“Đờn thi sĩ vốn từ lâu treo vách
 Ca sao đang trong buổi đất trời xiêu
 Bỗng thèm ca những công lao hiển hách
 Của Kim tinh chói lọi trên cờ điều”

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ( nhóm Xuân Thu Nhã tập ), người từng viết những câu thơ bí hiểm dường như chỉ một mình ông hiểu như: „Lẵng xuân / Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa” (Buồn xưa) , sau cách mạng đã có những vần thơ chân thật và giản dị bày tỏ tâm trạng vui sướng của mình:

“Ta khát vô biên ngọn sóng vang
Ta mừng hội gió lúc lên đàng”

Trần Huyền Trân (1913-1989) trước cách mạng đã có lúc phải thốt lên: “Đã toan ném bút, vùi thơ / Thõng không tay áo sợ dơ dáng đời”. Cách mạng thành công, nỗi buồn trong thơ ông đã nhường chỗ cho niềm vui và sự lạc quan: “Một sáng tung cờ đỏ/ Bố về với súng gươm/ Mừng lau hàng lệ rỏ/ Mắt mẹ tan mù sương/ Tám mươi năm bụi phủ/ Mưa rào phút sạch trơn” v.v...

Trước CMT8, hầu hết các nhà thơ đều mang tâm trạng cô đơn, buồn chán. Nhưng sau cách mạng, họ đã “lột xác” khá nhanh. Có được điều đó là nhờ trong mỗi một con người thi sĩ luôn luôn cuộn chảy dòng máu yêu nước và tinh thần dân tộc, cho dù họ là lớp người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới đã tham gia mặt trận Việt Minh, Hội Văn hóa Cứu quốc từ trước năm 1945 như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân... Vì vậy, họ không một chút băn khoăn, do dự khi đi theo cách mạng, đồng hành cùng nhân dân trên con đường đấu tranh giành độc lập cho đến cả sau này.

Con đường đến với cách mạng cũng là con đường dẫn đến sự thay đổi quan niệm và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật - “Từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người. Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (Paul Eluya, nhà thơ Pháp). Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã nhận thức về sự biến đổi của mình:

“Ta là ai? Như ngọn gió vô hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
Ta vì ai? Khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh…”

Tuy nhiên, đổi mới quan niệm và cảm hứng sáng tạo có mang lại những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn hay không cũng là một vấn đề. Những năm đầu sau CMT8 và kháng chiến chống Pháp, sáng tác của các nhà thơ đã thành danh trong Phong trào Thơ Mới không chỉ khiêm tốn về số lượng mà cả về chất lượng nghệ thuật. Đối với không ít nhà thơ, những tác phẩm được viết trước CMT8 mãi mãi là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của họ. Nhưng cũng có những nhà thơ khác vẫn giữ được vị trí hàng đầu trong nền thơ Việt Nam hiện đại như Xuân Diệu, Chế Lan Viên.
                                                                          
                                                                                                  Vác-sa-va  tháng 8 - 2010
                                                                                                  Đà Lạt tháng 8 - 2011
 (1) và (2): Hoài Thanh, Hoài Chân  – “Thi nhân Việt Nam”,1942
 
Hoàng Trọng Hà