Ký ức cá rô

03:08, 24/08/2011

Đời sống người nông dân Việt Nam khắc ghi dấu ấn cảnh vật quen thuộc xung quanh, trở thành những hình tượng thẩm mỹ - văn hóa khó phai mờ trong tâm thức nhiều thế hệ “Con Rồng cháu Tiên”.

Đời sống người nông dân Việt Nam khắc ghi dấu ấn cảnh vật quen thuộc xung quanh, trở thành những hình tượng thẩm mỹ - văn hóa khó phai mờ trong tâm thức nhiều thế hệ “Con Rồng cháu Tiên”. Có thể kể ra một số hình tượng tiêu biểu như “Cây tre trăm đốt”, “Cái cò bay lả bay la…”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Con chuột rúc rích bờ ngòi/ Thằng Dần, cái Tý nó đòi lấy nhau”… Với loài cá thì lại càng phong phú: “Cá Chuối đắm đuối vì con”, “Cá Mè đè cá Chép”, “Thân lươn bao quản lấm đầu”… Nhưng có thể nói, đặc sắc hơn cả vẫn là dấu ấn cá rô!
 
Tranh dân gian Đông Hồ tả cảnh chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Ảnh: TL
Tranh dân gian Đông Hồ tả cảnh chơi trò “bịt mắt bắt dê”. Ảnh: TL

Người Việt - từ những “bố Cu”, “mẹ Hĩm” quanh năm chân lấm, tay bùn đến các bậc nho sĩ, những anh hùng, chiến sĩ trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, các đại gia bôn tẩu lập nghiệp ở khắp thế giới đương đại… cả đến những chính khách thời hội nhập này, đều không thể quên hình ảnh cá rô. Con cá rô gần gũi với người dân Việt hơn các loài cá tự nhiên khác. Nó có mặt ở bất cứ nơi nào cá nước ngọt sống được. Tháng ba âm lịch mưa rào. Chỉ độ dăm bữa nửa tháng là rô ron tràn ngập mọi nơi. Dưới ao bèo, rô màu xanh ngọc pha đen. Trong ruộng lúa, ao đồng, rô mang màu vàng của đất sét… Đàn đàn, lũ lũ tung tăng, phơ phởn. Dưới chiếc cầu ao một thời đầy kỷ niệm, người ngồi vo gạo, rửa bát phía trên, rô nhặt hạt vãi, hạt rơi phía dưới. Người tắm đứng kì cọ, thỉnh thoảng có con rô trườn qua, đớp vui vài nhát vào chỗ này, chỗ kia, cảm giác nhồn nhột, thinh thích. Chàng trai trẻ sớm mai lên đường nhập ngũ, đêm khuya cùng bạn gái tâm sự bên cầu, nụ hôn đầu đời sưởi ấm cả một khoảng nước sóng sánh ánh trăng. Chú cá rô tung mình đánh “tõm”, như chia vui cùng lứa đôi…

Cá rô trong mâm cơm người Việt khiêm nhường mà khó quên. Cá rô rán giòn “lớn bùi, bé mềm”. Cao sang hay dân dã thì cũng đều đưa tất những cái giòn, bùi, mềm ấy cùng với rượu “quốc lủi” vào nơi không trời không đất một cách đắc ý. Cá rô nấu rau cải, bỏ thêm nhánh gừng đập dập. Cá rô nấu rau muống, loáng thoáng cọng rau rút, nhánh ngổ. Nổi trên mặt bát canh hàng ngàn hạt trứng cá rô màu hoa cau. Chưa đưa vào miệng đã biết đấy là món canh mà dù đi xa đến chân trời, góc bể vẫn nhớ. Câu tục ngữ “Có cá đổ vạ cho cơm”, luận kiểu gì cũng không thể phủ nhận ấn tượng đầu tiên để minh họa là “cá rô kho riềng, bếp trấu”. Nếu bàn đến chuyện “đặc sản”, thì từ cách đây hàng trăm năm, vùng Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã có câu: “Dưa La, húng Láng/ Nem Bảng, tương Bần/ Nước mắm Vạn Vân/ Cá rô Đầm Sét.

Loài cá rô bẩm sinh đã kết đoàn, thật thà, ngay thẳng. Rô ron hồn nhiên xúm xít quanh mồi như thiếu nhi phá cỗ Trung thu. Đi thưởng thức mưa rào, đi đón nước thủy nông về đồng, đi kiếm ăn… rô thường kết thành đàn, đớp mồi nhiệt tình, dứt khoát, cắn câu là “căng cước” ngay, không dền dứ bao giờ. Hồi chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ xâm lược, các bạn nữ thường hay mặc quần phíp đen, đi xe đạp. Gấu quần bị đĩa và xích xe “nhai” mất từng đám nhỏ bằng hạt ngô; câu ví “Ống quần cá rô đớp” thật sát nghĩa, vui tai.

Con cá rô đi vào đời sống tinh thần người nông dân Việt Nam với những ấn tượng hữu tình. Trong câu trách: “Con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn” cho thấy rô được đề cao, đặt ở vế đầu. Cũng là vì sự “tiếc” mang hàm lượng nhân tính cao hơn sự “muốn”. Hình tượng cá rô gắn với tình cảm, thân phận của người Việt. Câu xẩm hài: “Trời mưa đi xét (tìm, bắt) cá rô/ Gặp thằng cu Tý đội ô, cởi truồng” đầy phong vị quê kiểng, hài hước nông dân - Thằng cu Tý con nhà phú nông, đội ô của lão gia để tránh mưa nhưng vẫn “tiết kiệm” cái quần đùi!

Nghệ thuật chèo cổ Việt Nam có câu hát Sắp (Sắp cá rô): “Thân em như con cá rô/ Nằm trong cái vũng chân trâu/ Để năm, bảy cái cần câu chầu vào”. Xin được mạo muội nói về thủ pháp văn chương và hình tượng nghệ thuật của câu hát trên vào một dịp khác. Ở đây, chỉ đề cập đến các yếu tố vật chất mà nhà văn Việt Nam sử dụng để làm nên câu hát: “thân em”, “con cá rô”, “vũng chân trâu”… đều thân thuộc với người dân đất Việt. Con nhà cấm cung nơi lầu son, gác tía hay quanh năm ở chốn đô hội thị thành thì không thể biết tình cảnh con cá rô nằm trong cái vũng chân trâu như thế nào. Đương nhiên, không thể xuất ký một câu than độc đáo như vậy!

Trung tá Phạm Văn Vân, nguyên Chính trị viên Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 91 (bộ đội Quảng Đà) kể cho tôi nghe về việc hạ Đồn Cao thuộc Chi khu quân sự Ái Nghĩa của địch bên dòng sông Vu Gia (Đại Lộc - Quảng Nam) giữa đêm 25-4-1971, mưa như thác đổ. Có một chi tiết thú vị. Số là, đang tìm cách vượt rào thép gai để vào trung tâm đồn địch thì anh nghĩ tới đêm mưa đi bắt cá rô ở quê nhà. Cá rô từ dưới ao rạch ngược rãnh nước chảy lên vườn cây làm cho rãnh ngày một sâu thêm. Thế là anh cùng đồng đội men rãnh nước từ đỉnh đồi Đồn Cao chảy xuống, moi thành rạch sâu dưới tầng rào mà toài lên…

Câu chuyện “sử thi” ấy làm tôi khắc sâu thêm ký ức cá rô. Giờ đây, tìm được con cá rô đồng “xịn” thì khó khăn lắm. Ngoa ngôn một chút có thể nói, cái sự khó khăn ấy chỉ kém “đãi cát tìm vàng”.

PHẠM XƯỞNG