Xóm chúng tôi ở rừng Ô rô thời ấy đâu chừng mươi cái nhà hầm. Đấy là những “nhà” nằm sâu dưới đất khoảng vài mét, trên gác cây đổ đất chắc chắn, nhằm tránh pháo Mỹ bắn vào thường như cơm bữa.
Ảnh minh họa. |
Xóm nhà hầm gần trạm dưỡng thương. Một hôm chẳng biết người lớn và Trạm bàn thế nào, mở cho chúng tôi một lớp học. Thầy giáo là chú bộ đội, tên Khúc, da xanh tái, chắc là do bị thương.
Lớp học cạnh hầm nhà tôi. Học trò ngồi bệt trên nền đất thành hình bán nguyệt theo gốc cây xây. Vở là mặt cát mịn nơi vuông đất ngay trước mỗi đứa. Viết thì dùng ngón tay hoặc que.
Do nhiều trình độ khác nhau, từ i tờ đến biết đọc biết viết. Nên việc dạy của thầy Khúc khá vất vả. Học chỉ có ba môn: Tiếng Việt, Toán và… Chuyện kể. Môn nào thầy dạy cũng rất hay. Chúng tôi mừng vui nên học suốt, trừ những ngày mưa, có phi pháo hay thầy bận mà thôi. Trong ba môn thầy dạy, thích nhất là kể chuyện! Với bộ quân phục bạc màu, giọng miền Bắc rất ấm, cách dạy ung dung… Tất cả ở thầy tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ, giúp chúng tôi hòa nhập rất nhanh vào thế giới câu chuyện, từ lịch sử đến cổ tích, anh hùng… Còn điều đặc biệt nữa ở thầy: Trên tay lúc nào cũng cầm cuốn sách! Và cũng chỉ độc cuốn sách bìa bọc nhựa màu xanh. Thầy dạy môn nào tùy hứng, song trên tay không thể thiếu nó. Thi thoảng thầy lại mở sách ra, nhìn vào. Chữ nghĩa, con số, chuyện gì cũng từ đấy mà ra cả.
Một hôm đến lớp, thầy lặng nhìn chúng tôi hồi lâu, rồi buồn buồn bảo:
- Có lẽ ngày kia, anh phải xa các em để… theo đơn vị.
- Sao vậy thầy? Thầy chưa khoẻ mà! Chúng tôi hốt hoảng.
- Anh khoẻ rồi! Thầy tiếp: Hôm nay… buổi học cuối cùng, các em muốn dạy môn gì?
- Kể chuyện. Kể chuyện đi thầy!
Thầy Khúc người Bắc. Xa nhau và đang chiến tranh, chúng tôi biết trong đời sẽ khó gặp lại thầy. Là biệt ly! Cuối buổi chúng tôi bàn nhau, mai mời thầy bữa cơm trưa. Thầy vui vẻ nhận lời.
Hôm sau, chúng tôi chia nhau, tốp đi kiếm lá giang, tốp bẫy giông… Bữa cơm mời thầy đầy ắp thịt giông. Bẫy loại này là… nghề của chúng tôi. Tuyệt vời hơn, thằng Chúp xoay đâu được xị rượu, mời thầy. Trong bữa cơm vừa vui vừa buồn dưới tán xây ấy, thầy xúc động đã uống hết chỗ rượu khiến chúng tôi rất hả hê. Cơm xong, thầy treo võng dưới gốc xây, đọc sách chờ trời mát về. Cũng vẫn cuốn bìa nhựa xanh.
Khi tôi trả bẫy giông về. Thầy đã ngủ, úp hờ trên ngực là cuốn sách. Cái “bửu bối” mà từ đó thầy lôi ra dạy mấy tháng nay, tưởng không bao giờ cạn. Giá mình được cuốn sách ấy, khác chi có thầy một bên. Tha hồ học! Trong ước ao bất ngờ lại tột cùng đó, không dừng được, tôi nhẹ đến bên thầy, khẽ nâng sách ra khỏi ngực…
Sau khi vùi sách dưới lá khô ở bìa rừng, tôi về trụt xuống nhà hầm, trùm mền giả ngủ. Ngủ thật càng tốt. Nhưng… ngủ sao nổi, khi bửu bối đó từ bây giờ đã thuộc về mình!
Không lâu sau, thầy xuống hầm:
- Tám, em có thấy khi anh ngủ, ai mượn cuốn sách không?
- Em… ngủ hồi giờ. Ai lại mượn sách của thầy cà? Tôi dụi mắt, theo bài bản đã vạch sẵn.
Nghe trả lời thế, thầy tất tả lên hầm. Chắc là đi hỏi thăm những đứa khác.
Rồi thầy nhắn lại trước khi đi: “Anh đi gấp quá, em nào mượn sách thì gửi lại Trạm cho anh. Nhớ đừng mất lá thư! Và, đây là lá thư ấy:
Ngày 17 tháng 10 năm 1971
Anh yêu nhớ,
Sau anh đi mấy tháng, em cũng vô TNXP, vào theo. Em đã gửi anh 4 lá thư, 2 ở địa chỉ cũ. Anh nhận được không?
Em ở đây căng lắm, hết trực chiến tới thông đường. Em vừa nhận thư nhà. Thầy bảo sang chơi bên ấy, có nghe cái Thắm đọc thư anh gửi về. Anh có biết em đi chưa mà không thư cho em? Ở đây lúc nào cũng nhớ anh. Nhất là có trăng như mấy đêm nay, em lại càng… nhớ cái “đêm ấy”. Nghĩ… chúng mình cũng thật liều! May mà…
Anh nhớ thư cho em theo địa chỉ: Nguyễn Thị Nụ: B2, C571 – HT. 2368.
Gấp quá, em dừng. Chúc anh mạnh khoẻ đến ngày toàn thắng và… lúc nào cũng nhớ em.
Hôn anh,
Nguyễn Thị Nụ
Tái bút: Nhớ ghi địa chỉ vào sách tiếng Nga em tặng cho khỏi lạc.
Phải mất gần ba trưa vật lộn với chữ viết, tôi mới đọc hết lá thư này. Khi hiểu ra, thì đã muộn! Ba tôi lại là người đánh con khiếp nhất xóm nhà hầm.
Bửu bối của thầy chỉ là cuốn sách tiếng Nga loằng ngoằng, tiếc rằng do chiến tranh tôi không giữ được. Riêng lá thư hiện vẫn còn. Tôi giữ nó như là cơ may để liên lạc nếu thầy còn sống. Mấy mươi năm rồi, đêm qua tôi lại mơ thấy thầy. Thầy không đòi sách, mà chỉ hỏi: “Em giờ còn đi học không?”. Thầy ơi…! Vạn nhất chẳng may…, bài này xin là nén hương em mãi nhớ về thầy.