Má tôi học chữ

03:08, 31/08/2011

Ba má tôi người xứ khác và đến Đà Lạt sinh sống giống như nhiều người ở ngã ba này. Ba tôi người miền Bắc, ông vào Nam lâu lắm rồi nên giọng nói chỉ còn hơi hướng âm điệu của miền quê Nam Định, một vùng ven biển...

Ba má tôi người xứ khác và đến Đà Lạt sinh sống giống như nhiều người ở ngã ba này. Ba tôi người miền Bắc, ông vào Nam lâu lắm rồi nên giọng nói chỉ còn hơi hướng âm điệu của miền quê Nam Định, một vùng ven biển. Má tôi lại là người Bình Định, bà vào đây sinh sống khoảng thập kỷ 40 thế kỷ trước. Bà đem vào quê mới những bài hát ru con và bà ru chị em chúng tôi bằng những bài hát mà từ thuở nhỏ tôi đã thuộc nằm lòng. “Phạm Công chưa đụng Cúc Hoa/ đến trường ăn học đã ba năm rồi…”. Với tôi, những bài hát ấy của tuổi thơ là những bài hát hay nhất và nó hằn vào trí óc non nớt những đắng cay của cuộc đời. Tất nhiên, hồi nhỏ tôi không nhận thức được điều đó, lớn lên nỗi ám ảnh của một xã hội phong kiến với những cảnh đời của một con người đầy cay đắng cứ ám vào đầu óc của tôi.
 
Khi theo mẹ mưu sinh trên phố. Ảnh: Thanh Đạm
Khi theo mẹ mưu sinh trên phố. Ảnh: Thanh Đạm

Làm vườn là nghề của những cư dân các ấp Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu mà người ta hay gọi là Đa Thành hay là cây số 6. Người ta giải thích rằng gọi cây số 6 do ở đây cách cây xăng Kim Cúc (vòng xoay Đài Truyền hình hiện nay) đúng 6 ki lô mét. Ngày ấy cây xăng Kim Cúc đúng là cửa ngõ của Đà Lạt, đó cũng là nơi chấm dứt đèo Prenn. Hồ Xuân Hương mà thời thuộc Pháp gọi là Grand Lac (hồ lớn) hiện ra trước tầm mắt của người lên Đà Lạt đẹp cứ như mơ. Má tôi kể rằng, thời còn Tây cai trị xứ này, muốn lên Đà Lạt không phải dễ, phải có “lít xăng” (giấy phép). Thực dân Pháp kiểm tra nhân thân những người muốn sống ở Đà Lạt rất kỹ bởi họ định xây dựng Đà Lạt thành một “tiểu Paris” để làm nơi nghỉ dưỡng, nhất là trong thế chiến thứ 2 những quan Pháp không dễ gì về Pháp để mà thưởng thức một chút lạnh của xứ hàn đới. Vậy thì Đà Lạt là một lựa chọn tuyệt hảo. Thuở ấy Đà Lạt lạnh hơn bây giờ nhiều, má tôi kể rằng mùa đông phải tám giờ mặt trời mới xua tan được sương mù, ra đường lúc nào cũng phải mặc áo len dày cộm. Nhà ai cũng ráng tìm mua một áo trấn thủ của lính Pháp thải ra, đó là một áo ba đờ suy may bằng vải nỉ rất dày, được gọi là áo “com pốt”, chỉ có áo đó mới chịu đựng được mùa đông Đà Lạt khi ra ngoài trời đêm. Còn trong những ngôi biệt thự của người Pháp, mỗi tối lò sưởi được đốt lên mang hơi ấm tỏa ra khắp nhà, ánh lửa bập bùng lẫn với mùi nhựa thông lan tỏa, mới nghe kể thôi đã thấy một không gian lãng mạn, sang trọng và… Tây quá!
  
Còn nhà của cư dân Đà Lạt lúc ấy phần nhiều làm bằng ván thông, một loài gỗ bản địa. Cũng có những ngôi nhà được xây bằng gạch ất lô nhưng rất hiếm, vì xi măng dùng xây nhà phải mang từ Pháp qua. Nói vậy để biết rằng người Đà Lạt chịu lạnh ghê lắm bởi nhà ván lâu ngày cong vênh, vách hở, gió lùa là chuyện bình thường. Những cơn gió lạnh cắt da lùa vào nhà khiến ai cũng co ro xuýt xoa vì lạnh. Nhưng đã là dân làm vườn thì dù lạnh cỡ nào cũng phải xuống vườn. Làm cỏ, bắt sâu, tưới cây, nỉa đất… là những việc làm đều bằng sức của con người. Nặng nề nhất là tưới “la ghim” vào mùa nắng, bắt đầu khoảng cuối tháng 11 Tây. Bằng hai thùng thiếc có gắn xoa móc vào hai sợi xích xe đạp luồn qua hai cái đùm xe, cái đùm xe đạp được gắn vào đòn gánh bằng một đoạn sắt hình chữ U là có một đôi thùng tưới. Thùng nước trượt dễ dàng bằng sợi xích và những dòng nước nhỏ từ cái xoa tưới làm ướt những rò đất trồng rau đang thiếu nước mà không làm xói đất. Đa số người dân cây số 6 trồng bắp sú, cải thảo, hành tây, bó xôi, khoai tây… cung cấp cho thị dân Đà Lạt và cho người ta buôn về Sài Gòn. Muốn vậy, hàng ngày họ phải dậy thật sớm để gánh những gánh rau lặc lè đi chợ bán, sau này khi xã hội phát triển, xe ngựa đã thay con người việc nặng nhọc này. Chợ Cây mà ngày nay là rạp 3 tháng 4 là nơi họp chợ, lúc ấy chợ mới còn là một vùng đất sình trồng rau xà lách son.
  
Tôi phải kể tỉ mỉ những điều trên theo lời kể của má tôi như vậy để thấy rằng những người lên Đà Lạt làm ăn khổ lắm mới có cái ăn, cái mặc. Đà Lạt chỉ có rau và lạnh thôi, còn tất tần tật những nhu yếu phẩm khác phải đưa từ Sài Gòn hoặc Phan Rang, Nha Trang lên bằng những chuyến xe đò hay xe lửa, vì vậy so với miền xuôi thì mắc lắm. Nhất là gạo, nhà nào cũng phải trữ hàng tạ gạo trong nhà mới yên tâm, bởi lâu lâu lại đứt đường vận chuyển vì thời cuộc hoặc nhiều nguyên nhân khác. Còn muối thì nhà nào cũng dùng một thứ muối Cà Ná, mặn chát, lâu lâu phải hầm một mẻ để dành ăn dần bằng nồi đất, để thành một thứ muối hầm. Hầm muối là cho muối vào một cái nồi bằng đất và rang lên, muối nổ lách tách trong nồi rồi vỡ ra thành những hạt nhỏ, lúc ấy mới dùng muối này để nêm nếm thức ăn.
  
Những năm của thập kỷ 40, ở Đa Thành còn hoang vu lắm. Hai bên đường Ankrooet (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) là những ngôi nhà ván rời rạc cất theo những lô đất của từng gia đình, nhà nọ cách nhà kia khoảng hai, ba mươi mét. Con đường chạy trên triền đồi, phía dưới thung lũng người ta trồng rau dọc hai bờ suối. Ngày trước, con suối lúc nào cũng có nước, nước chảy róc rách đủ để tưới cho những vạt la ghim tươi tốt. Ngày ấy người Đà Lạt trồng rau bằng phân cá, những chiếc xe tải chở những bao phân đan bằng một loại lá buông màu vàng từ Phan Thiết lên bán cho người trồng rau. Nhiều lúc khi rọc bao phân ra, người ta thấy những con cá mòi to cỡ bàn tay bên trong, đó là xác cá mà người Phan Thiết thải ra khi làm nước mắm. Cá mòi nhiều xương nhưng béo lắm, má tôi bảo vậy. Sau này không thấy loại cá đó bày bán ngoài chợ, mất mát đó quả là một điều thua thiệt cho người tiêu thụ. Do dùng thứ phân cá còn chứa rất nhiều muối nên đất vườn mau bị “chai”, nghĩa là mất độ tơi xốp màu mỡ, vì vậy người ta phải thay bằng một lớp đất khác, gọi là đổ đất. Đó là một trong hai phát kiến của dân Đà Lạt trong việc trồng rau, phát kiến kia là việc mở những vạt đất thành những “băng” (mảnh) vườn để chống xói mòn (ngày nay người ta gọi là ruộng bậc thang).
  
Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, người Đa Thành hồ hởi hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh. “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…”, còn người Đa Thành đi cướp chính quyền bằng nỉa. Đó là một công cụ làm vườn mà nhà nào cũng có, cái nỉa giống y như cái “phuộc sét”- một vật dụng dùng để ăn của người Pháp, nhưng lớn hơn nhiều. Ngày ấy, người làm vườn ở Đà Lạt đều dùng loại nỉa hiệu Pờ rô, đó là tên một hãng sản xuất nổi tiếng của Pháp, qua năm tháng những cái nỉa đều nhọn hoắt. Oái ăm thay, nỉa của Pháp lại giúp người Đà Lạt đánh Pháp đuổi Nhật. Má tôi kể lại rằng, những ngày Cách mạng tháng Tám ở Đà Lạt người ta rùng rùng kéo lên cướp chính quyền tại Dinh Tỉnh trưởng, ông Tỉnh trưởng Ưng An dâng ngay ấn tín cho Mặt trận vào ngày 23 tháng 8. Má tôi kể lại rằng sau ngày cướp chính quyền thành công, quả là người dân Đà Lạt đổi đời. Nhiều đoàn thể được hình thành sau đó một cách nhanh chóng. Thanh niên trai tráng thì tham gia lực lượng tự vệ, ba tôi tham gia Hội Nông dân Cứu quốc, còn má thì vô phụ nữ… Những ngày đó vui lắm, má tôi kể, vì những ông Tây bà Đầm ngày trước vẫn khinh khỉnh gọi người Việt là bọn An Nam mít khi ra đường cứ cúi gầm mặt xuống đất. Còn bọn Nhật lùn thì hết thời vênh vang trốn biệt vô những trại lính chờ ngày về nước. Má tôi kể rằng khi Nhật đảo chánh Pháp, người Đà Lạt khổ lắm. Nhật lên nắm chính quyền hành xử theo kiểu quân phiệt, đã có một người bị bọn Nhật mổ bụng giữa chợ vì cái tội cho ngựa ăn lúa độn mạt cưa! Nói sao cho hết nỗi nhục của người dân nô lệ! Vì vậy khi chính quyền về tay người mình, bà con hả hê ghê lắm, cách mạng là ngày hội của quần chúng mà.
  
Khi rời quê theo bà chị vào Đà Lạt, má tôi không biết chữ. Thuở ấy, việc được học hành, biết chữ để đọc nhật trình là hiếm lắm. Cả Đa Thành số người biết chữ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có ông Đỗ Bình. Ông thứ 9 nên người ta hay gọi là ông Chín Bình. Sau ngày lập nước, ông Chín Bình tham gia ngay đội Bình dân học vụ, việc đầu tiên là phải vận động bà con Đa Thành tham gia diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Nhà tôi và nhà ông Chín sát nhau nên người đầu tiên ông kêu gọi là má tôi, má tôi kể lại rằng khi nghe ông Chín tới vận động, bà nói:

   - Tui đàn bà con gái biết gì, anh kêu người khác đi.

   Ông Chín không chịu:

   - Chị nói lạ, đổi đời rồi thì đàn ông đàn bà gì cũng phải tham gia, mà đây là giặc dốt, ai cũng phải diệt.

Má tôi khăng khăng không chịu đi học, bà kể, do bà sợ “dị” với người ta, lớn bộn rồi mà còn phải ngồi chung với bọn trẻ con để học bà không chịu được. Ba tôi trong khoảng thời gian lăn lộn khắp nơi, trước khi lên Đà Lạt ở hẳn đã biết chút ít chữ quốc ngữ nên ông Chín không vận động. Ông vận động hết những người người trong ấp Cao Bá Quát ra lớp mỗi đêm. Má tôi kể rằng, trong những ngày ấy, trong làng trong xóm hễ rảnh là người ta đọc vang “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu”. Má tôi háo hức lắm, nhưng lỡ tuyên bố không bao giờ đi học bình dân học vụ với ông Chín nên đành im lặng. Một hôm ông Chín ghé qua nhà, má tôi mời ông uống nước. Uống xong chén nước, ông Chín nói:

   - Chị Sáu biết đây là cái gì không?
   Má tôi nói:
   - Cuốn sách cuốn vở chi đó phải không chú Chín?

   Ông Chín nói tiếp:

   - Đúng, đây là cuốn truyện Tàu, cuốn Tam hạ Nam Đường, tui cho chị mượn?

   Má tôi phân vân:

   - Nhưng tui không biết đọc thì mượn làm gì?
   - Vậy chị chịu khó ra lớp, tui nói thiệt chỉ hai tháng thôi là chị đọc thông viết thạo liền.

Ông Chín biết má tôi mê truyện Tàu nên ông lập một cái mưu như trên. Má tôi mắc mưu liền, đêm đó bà theo bà Tư Lành ra lớp học tại nhà xóm của ấp Cao Bá Quát.

…Má tôi giờ đã già lắm rồi, bà trên chín mươi tuổi đang hưởng những ngày cuối đời với con cháu. Hiện mắt bà đã mờ, nhưng vẫn còn đọc sách được. Đó là những cuốn kinh Phật, tập thơ hay cuốn tiểu thuyết mà tôi đem về. Bà thích nhất cuốn tiểu thuyết “Mai anh đào” của Nguyễn Thái Huyền và nói về nhân vật Vĩnh, Lệ Hằng với một thái độ thích thú vô cùng. Đơn giản vì tiểu thuyết ấy viết về Đà Lạt, quê hương thứ hai của bà. Bà thường kể rằng, nhờ được học lớp Bình dân học vụ nên bà đọc được chữ, hiểu được lẽ đời và nhất là quyết tâm cho anh em tôi ăn học tới nơi tới chốn. Thủơ nhỏ, hễ nghe anh em tôi nói đến việc học là bà ưu tiên liền, nên tôi ham học lắm. Tôi thừa hưởng tánh ham học hỏi của má tôi và cố truyền cho hai đứa cháu nội của bà, giờ đây các con tôi cũng bắt đầu có chút thành công trên bước đường đời. Bây giờ việc học khác hẳn ngày xưa, không có học thì suốt đời khổ sở….

Cái uyên nguyên của một phong trào Bình dân học vụ thuở lập nước đã vận vào biết bao nhiêu người như tôi, tôi nghĩ chắc là không ít.

Truyện ký:  Võ Anh Cương