Một số câu ca dao hài hước về người phụ nữ

02:08, 10/08/2011

Khác với ca dao trữ tình được sáng tác nhằm giãi bày tâm tư tình cảm, ca dao hài hước dùng tiếng cười để mỉa mai, châm biếm những hiện tượng chưa lành mạnh, những thói hư tật xấu trong xã hội. Lẽ tất nhiên, phụ nữ cũng trở thành một đối tượng của ca dao hài hước. 

Khác với ca dao trữ tình được sáng tác nhằm giãi bày tâm tư tình cảm, ca dao hài hước dùng tiếng cười để mỉa mai, châm biếm những hiện tượng chưa lành mạnh, những thói hư tật xấu trong xã hội. Lẽ tất nhiên, phụ nữ cũng trở thành một đối tượng của ca dao hài hước. 
 
Đánh ghen (Tranh dân gian Đông Hồ)
Đánh ghen (Tranh dân gian Đông Hồ)

Nếu trong ca dao trữ tình, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, đáng trân trọng thì trong ca dao hài hước lại là những nét đáng cười, đáng phê phán như vô duyên, đểnh đoảng, lười nhác, tham ăn hay thiếu đoan chính…
  
Một trong những nét làm nên sự đáng yêu của người phụ nữ chính là duyên. Cái duyên đó không chỉ là trời cho mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người về bản thân. Cũng vì thế, sự vô duyên lập tức trở thành một đối tượng trào phúng:

“Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu”
  
Khó có chân dung nào độc đáo hơn người vợ trong bài ca dao này về sự khiếm khuyết từ ngoại hình cho đến tính cách, mặc dù anh chồng đã cố sức bênh vực theo đúng tinh thần câu tục ngữ “yêu nên tốt, ghét nên xấu” (qua cấu trúc lặp đi lặp lại  “chồng yêu chồng bảo...”). Những hình ảnh: “Lỗ mũi mười tám gánh lông”, “Trên đầu những rác cùng rơm”, “ngáy o o”, “hay ăn quà” đã tạo nên ấn tượng rằng đây là một người phụ nữ mang nhiều thói xấu từ nết ăn, nết ngủ cho đến sự lười nhác, không chịu chăm chút bản thân mình - luộm thuộm, ở bẩn.
  
Cũng vô duyên, vô tâm như người vợ trong bài ca dao trên, nhưng còn có thêm cái tính tham ăn là người phụ nữ trong câu sau:

“Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Đêm nằm thì ngáy o o
Chửa đi đến chợ đã lo ăn quà”
 
“Cơm ăn mỗi bữa nồi năm
Ăn đói ăn khát mà cầm lấy hơi
Cơm ăn mỗi bữa nồi mười
Ăn đói ăn khát mà nuôi lấy chồng”
    Có khi sự vô duyên biểu lộ ở khía cạnh khác, ở tính khí thất thường:
“Gái đâu có gái lạ lùng,
Chồng chẳng nằm cùng, nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao.
Đêm đến chồng lại lần vào,
Vội vàng vác sọt đi trao chó về”.
 
 Ngoài những phụ nữ vô duyên, một đối tượng khác của ca dao hài hước là những kẻ lười nhác, vụng về, không biết làm gì nhưng lại lắm điều:

“Đàn bà yếu chân mềm tay,
Làm ăn chẳng được, lại hay nỏ mồm”

“Đàn bà chẳng phải đàn bà
Thổi cơm cơm khét, muối cà cà ôi”
 
 Nhìn chung, thái độ của dân gian đối với những người phụ nữ vô duyên, vụng về, lười nhác là mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng. Ca dao về đối tượng này không chỉ vạch ra những cái đáng cười mà còn là những lời nhắc nhở phái đẹp phải luôn luôn có ý thức điều chỉnh hành vi, cử chỉ của mình; giữ gìn, chăm chút hình thức bề ngoài lẫn tính nết.
  
Trong ca dao hài hước, có một số lượng đáng kể những câu nhằm vào loại phụ nữ lẳng lơ, thiếu đoan chính. Tác giả dân gian đã chế giễu, mỉa mai sâu cay loại phụ nữ này dù có thể đó là những bà già... “chưa trót đời”:

“Bà già đi chợ cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”
                 
“Rung rinh nước chảy qua đèo
Bà già tập tễnh mua heo cưới chồng”

hay những cô gái trẻ bị cho dục vọng làm mờ mắt:

“Cầm chài mà vải bụi tre
Con gái mười bảy đi ve ông già!”
“Củ lang nấu lộn củ mì
Cháu lấy chồng dì kêu dượng bằng anh”

   Dưới đây là một trong những bài ca dao hài hước đặc sắc nhất về người phụ nữ thiếu đoan chính:

“Chính chuyên lấy được chín chồng
Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Ai ngờ quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”
  
Bài ca dao đã vạch trần sự giả dối của một người không đoan chính nhưng lại nấp dưới mặt nạ chính chuyên. “Cháy nhà ra mặt chuột” – “Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng” -  thiên hạ mới biết người phụ nữ ấy là kẻ như thế nào. Bài ca dao mở đầu bằng một câu đầy hàm ý mỉa mai: “Chính chuyên lấy được chín chồng”. Nhưng câu 2 và 4 lại là một sự bỡn cợt, khinh miệt các đấng mày râu. Phải chăng đây là thái độ phản kháng lại quan niệm “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng” tồn tại dai dẳng trong xã hội cũ?
 
Khi châm biếm, phê phán những thói hư, tật xấu; tác giả dân gian đã xuất phát từ lý tưởng thẩm mỹ về người phụ nữ gắn với “công, dung, ngôn, hạnh”. Do vậy những gì trái với những chuẩn mực truyền thống đều trở thành đối tượng hài hước, trào phúng. Mặt khác cũng phải thấy rằng người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến có địa vị hết sức thấp kém bởi quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội - “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Họ là những người phải gánh chịu nhiều nỗi cay cực trong cuộc sống, thân phận bị phụ thuộc, bị ràng buộc bởi lễ giáo. Những bài ca dao hài hước về phụ nữ ra đời cũng có thể hiểu là sự phản ứng lại thực tại bằng cách phóng đại, nói quá lên những thiếu sót và nhược điểm.
                                                                                                 
Đà Lạt tháng 8 - 2011

Đánh ghen (Tranh dân gian Đông Hồ)

Hoàng Trọng Hà