Tôi quen Huỳnh Chính* vào năm 1982. Khi ấy, tôi vừa mới nhận việc giảng dạy văn học nước ngoài tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được mấy tháng. Còn Huỳnh Chính công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng...
Hồ Xuân Hương - Đà Lạt. Ảnh BN |
Những người quen anh thường gọi anh bằng tên thật Hữu Lợi. Bút danh Huỳnh Chính có từ khi anh in những truyện ngắn đầu tiên trên tờ Văn hóa Lâm Đồng. Huỳnh là tên người cha, Chính là tên con trai đầu lòng của anh. Lấy bút danh Huỳnh Chính, anh tự nhận mình là cái gạch nối giữa hai thế hệ ông và cháu.
Đầu những năm 80 thế kỷ XX, Lâm Đồng chưa có Hội Văn nghệ và Tạp chí LangBian. Nên tờ Văn hóa Lâm Đồng (sau đổi thành Văn hóa Văn nghệ Lâm Đồng) đã trở thành diễn đàn văn nghệ, nơi hội tụ sáng tác của những cây bút tên tuổi ở địa phương lúc bấy giờ và cả sau này như nhà thơ Hà Linh Chi, nhà văn Trần Hữu Lục, nhà viết kịch Phạm Kim Anh, nhà văn Huỳnh Chính, nhà văn Chu Bá Nam, nhà thơ Lâm Tuyền Tĩnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca, nhạc sĩ Hà Huy Hiền, nhạc sĩ Trọng Thủy, nhạc sĩ Đình Nghĩ…
Huỳnh Chính sống trong khuôn viên Sở Văn hóa – Thông tin Lâm Đồng. Căn nhà anh được cấp tuy cũ nhưng khá rộng, hai phòng và bếp. Căn nhà ấy nay không còn nữa, thay vào đó là một khối kiến trúc đồ sộ của Trường CĐ Nghề ĐL. Bạn bè đến chơi nhà anh đùa rằng: “Cầm một cành tre gai kéo từ nhà trong ra nhà ngoài không vướng một cái gì cả.” Nghĩa là nhà trống không! Thật ra, thời bấy giờ hầu hết cán bộ, công nhân viên nhà nước, ai cũng nghèo như anh cả thôi. Có được một cái TV cũ, đen trắng đặt trong nhà cũng tạm gọi là có của, là sang trọng lắm rồi!
Huỳnh Chính thường hay đi. Anh đi bộ rất dẻo dai, không biết mệt là gì. “Tour” của anh có thể từ nhà đến Đại học Đà Lạt, từ ĐHĐL sang CĐSP, từ CĐSP đến Chi Lăng, rồi trở về nhà chỉ trong vài ba tiếng. Dạo đó, tôi còn là một gã trai trẻ, độc thân, ham chơi, ti toe học đòi viết lách. Nhà tôi ở gần nhà anh. Thế là tôi trở thành “cái bóng” của anh. Mỗi khi đi đâu anh thường kéo tôi theo. Tôi chở anh trên chiếc xe đạp SGGP của mình. Đạp một quãng. Lên dốc. Thở phì phò. Lại phải dắt bộ. Khi xuống dốc thì xe lao vù vù, bặm môi bóp phanh mà chỉ sợ dây phanh đứt phựt. Nhiều lần Huỳnh Chính bảo tôi vất xe ở nhà, đi bộ cho khỏe, đỡ vướng víu.
Kể cũng lạ, thời ấy tôi không biết uống rượu nhưng lại thường đi với anh - một người rất mê rượu. Rượu đối với anh giống như xăng đối với máy bay, nó giúp anh “khởi động”, giúp anh bắt vào mạch văn, để rồi hào hứng “cày ải” trên những trang giấy trắng hằng đêm. Anh có một sở thích là lâu lâu ghé tiệm thuốc bắc Ngô Như Khương trên đường Phan Đình Phùng, làm một ly rượu thuốc chính hiệu. Người mua đưa tiền và nhận rượu qua ô cửa nhỏ. Uống xong, trả lại ly qua ô cửa và …đi. Tiệm thuốc bắc ấy, bây giờ cũng đã thành dĩ vãng.
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ: So với chúng tôi bây giờ, sức uống của anh thật không thấm vào đâu! Nhưng anh hay uống. Uống không cần thức nhắm. Dường như chẳng bao giờ anh quan tâm đến chuyện ăn. Lưng bát cơm, quả su su luộc chấm muối, rồi cũng xong. Sau ngày anh mất, trong “Nhớ bạn Lưu Linh”, nhà thơ Phạm Quốc Ca đã viết:
“Giờ mênh mông bia rượu
Tiệc chỉ thiếu gan trời
Riêng chung bát ngát nhậu
Thì chẳng còn bạn tôi?”
Ngôi nhà của Huỳnh Chính luôn rộng cửa đón bè bạn. Anh cởi mở trong giao tiếp và thích đọc văn của mình, giống như người làm thơ đọc thơ. Anh có thói quen đọc to bản thảo truyện ngắn cho mọi người cùng nghe, cả khi nó chưa hoàn chỉnh. Không cần đợi viết xong truyện, được đoạn nào là anh lại rủ tôi cùng Phan Quốc Lữ (Tiến sĩ Ngữ văn, Trường CĐSP ĐL) và một số bạn bè khác đến nghe, góp ý. Bản thảo truyện ngắn của anh dày cộp. Bởi anh viết trên những mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay người lớn. Anh bảo viết như thế rất tiện, không ưng ý là thay ngay. Nếu dùng giấy lớn, muốn bỏ một đoạn, phải chép lại cả trang, rất mệt. Vì vậy, có giấy khổ lớn, anh cũng cứ rọc đôi, rọc tư. Quả là một kinh nghiệm quý cho người viết văn trong thời bao cấp, khi mọi thứ đều khan hiếm, chưa có computer. Những truyện ngắn của anh như “Người vợ chồng tôi”, “Tròng mắt hạt chè”, “Theo con suối chảy về phía mặt trời mọc”… được hình thành từ những xấp bản thảo như thế.
Người ta nói: “Văn là người.” Ngoài đời Huỳnh Chính rất hiền. Anh hay cười. Mỗi khi cười, mặt anh đầy nếp nhăn. Phan Quốc Lữ nhận xét những lúc ấy trông anh giống M.Gorki. Truyện ngắn của anh cũng rất “hiền” và ấm áp tình người. Nhân vật chính là những con người vừa bước ra khỏi chiến tranh với bao nhiêu khó khăn, trở ngại, thử thách nhưng vẫn luôn giữ được tấm lòng nhân hậu như Lân (“Người vợ chồng tôi”), Phúc (“Chúng tôi sống như thế đấy”), ông nội và Phúc (“Mẹ con tôi”) v.v… Diễn biến câu chuyện có thể gai góc nhưng kết thúc thường có hậu. Anh rất ngại để cho nhân vật của mình phải chết hoặc kết thúc đầy bi kịch. Anh nói: “Cái tạng của mình nó thế!”. Một số sáng tác sau này của anh có xu hướng phê phán những hiện tượng chưa lành mạnh trong cuộc sống. Đó là những truyện ngắn “Người được lãnh thưởng”, “Người viết chân dung ông giám đốc”, “Một nỗi buồn chung”… Anh muốn tìm tòi, đổi mới – viết khác cái “tạng” của mình đi. Nhưng cách nhìn người, nhìn đời của anh thì vẫn không thể khác được, vẫn chất phác và đôn hậu.
Năm 1998, từ nơi xa nghe tin anh qua đời. Tôi sững sờ. Không hề nghĩ sẽ không còn được gặp lại anh nữa! Tôi bỗng nhớ cái ngày xa xưa, khi tôi hăm hở mang bản thảo truyện ngắn đầu tay của mình đến… Vừa liếc qua, anh đã nói: “Cái tít này không phải của truyện ngắn.” Anh chăm chú đọc hết truyện. Đọc xong hồi lâu, anh chép miệng bảo: “Viết văn xuôi nhọc lắm! Hay là ông làm thơ đi!” (Anh bao giờ cũng xưng hô với tôi là “ông” và “mình” mặc dù anh chỉ kém mẹ tôi hai tuổi). Tôi sầu não mất mấy ngày.
Những lúc nghĩ đến Huỳnh Chính, tâm tưởng tôi lại vang lên những câu thơ hiếm hoi của anh - “Kỷ niệm một cơn mưa chiều” - qua giai điệu mượt mà của Đình Nghĩ hơn 20 năm trước. Bài hát - bài thơ gợi lại trong tôi những kỷ niệm về một thời rất trẻ từng được làm bạn vong niên với anh:
“Đã có nhiều người nghĩ
Về những cơn mưa chiều
Và đã biết bao nhiêu
Thơ chiều mưa Đà Lạt.
Em có thấy ai ướt
Cơn mưa chiều ấy chưa?
Anh chỉ thấy trời mưa
Rắc đầy đường hoa tím!...”
Đà Lạt tháng 8 – 2011
* Bút danh của Nguyễn Hữu Lợi (1942 – 8/1998). Tác phẩm: “Theo con suối chảy về phía mặt trời mọc”, Sở VH-TT LĐ xuất bản; “Chúng tôi sống như thế đấy”, Hội VHNT LĐ, 2001