Nhút bình yên

02:08, 24/08/2011

Trung tuần tháng tám: Hội VH-NT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức trại sáng tác tại Đà Lạt. Báo Lâm Đồng cuối tuần xin trân trọng giới thiệu với độc giả một số tác phẩm của anh em văn nghệ sỹ thành phố biển Vũng Tàu.

LTS: Trung tuần tháng tám: Hội VH-NT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức trại sáng tác tại Đà Lạt. Báo Lâm Đồng cuối tuần xin trân trọng giới thiệu với độc giả một số tác phẩm của anh em văn nghệ sỹ thành phố biển Vũng Tàu.

Minh họa - Thanh Toàn
Minh họa - Thanh Toàn
Trúc nói nhiều, nhưng không vì thế mà tôi bớt yêu vợ mình. Mỗi buổi sáng thức dậy với chương trình phát thanh của nàng đã trở nên quen thuộc với tôi, như người ta quen uống cà phê sáng. Nói là ghiền mới đúng. Trong khi tôi rửa mặt thì nàng ngồi góc nhà tắm giặt quần áo. Tay vò đồ, miệng nói. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ nhà ra phố, trong nước rồi quốc tế. Từ giá một bó rau muống chợ xổm đầu phố cho tới giá vàng ở Mỹ. Từ một phiên tòa lưu động trên quận cho tới tình hình chiến sự ở dải Gaza… Tôi nghe nàng nói, không phải như một sự chịu đựng mà nhiều ông chồng vẫn than vãn với nhau. Tôi nghe nàng nói một cách chăm chú và vui vẻ. Đôi khi tôi nghĩ, nếu không có sự nói nhiều của nàng thì cuộc sống hạnh phúc của gia đình tôi đang xây dựng bằng cái gì? Vợ chồng gắn bó nhau bởi cái gì? Cứ 6h30 sáng tôi chở theo đứa con trai vừa vào lớp 1 tới trường và cắm đầu cắm cổ vào công việc cho tới tối mịt mới về. Ăn cơm qua loa và lên giường như một con robot.

Đôi khi rảnh rỗi ngồi tếu táo với bạn bè ở quán cóc lề đường, bất chợt hỏi nhau: Chúng ta đang sống vì cái gì? Hỏi nhau hay là tự hỏi mình. Chúng ta đang sống vì cái gì? Nhưng sự suy tư ấy chỉ kéo dài vài ba phút thôi, rồi, lại trở về với vòng quay cuộc sống. Cái vòng quay mà tất cả mọi thứ đều được định giá rành mạch. Quay nhanh, quay chậm, ngoài lề, giữa xoáy, còn tùy vào sức nặng của mỗi thứ.

Lên giường. Trúc vẫn còn nói. Rúc đầu vào nách tôi, cạ cạ mặt vào mấy sợi lông loe hoe không dùng thuốc sức nách của tôi, nói. Trừ những lúc phải dành hơi thở để hầm hập lấp lên nhau, Trúc nói. Cho tới khi giấc ngủ kéo mỗi đứa về một phía giường.

Mỗi ngày. Mỗi ngày. Như nhau.

Thằng con trai tôi, chưa đủ 7 tuổi, nhưng cũng quen dần với sự nói nhiều của mẹ nó. Có những ngày, Trúc không nói gì, thằng bé gọi điện cho tôi: - Ba ơi! Không biết mẹ buồn bực gì? Hay là có chuyện gì?... Tôi hỏi: - Sao con biết? – Vì, thấy mẹ không nói một tiếng nào…

Những ngày Trúc không nói một tiếng nào, quả thật đáng sợ. Dài lê thê bữa ăn trưa. Dài lê thê bữa ăn tối. Dài lê thê giờ lên giường. Thường thì, tôi ngồi rất lâu ở chiếc bàn con cũng là bàn trang điểm của nàng. Châm thuốc hút.

- Anh tắt ngay đi!

Chỉ có khói thuốc mới cắt ngang sự im lặng đang kéo dài của Trúc.

- Gì vậy em ?
- Ở quê lại điện thoại lên.
- Bữa trước em nói nhà ngoài đó chỉ bị cuốn mất cái chuồng gà thôi mà. Anh đã gởi tiền cho mẹ rồi. Lại có chuyện gì sao?

Tiếng thở dài của Trúc mới thật là tiếng thở dài nhất trong đời tôi nghe được.

- Mẹ nói, mẹ cho vợ chồng mình nửa miếng đất dưới ấy. Nửa cho thằng Út.
- Nhưng sao em lại lo? Chuyện mừng mà !
- Mừng gì mà mừng ! Mười năm nay vợ chồng mình rót dần rót mòn những đồng bạc gom góp tiết kiệm về cho mẹ. Con cái trả hiếu như một nghĩa vụ. Tự nhiên, hôm nay mẹ lại cho mình một tài sản lớn như vậy – em lo. Không biết mẹ còn khổ cực bao lâu nữa. Một năm, con cái chỉ về quê một lần, ngó nghiêng ngó dọc, quấy rầy mẹ mấy bữa rồi đi. Tội nghiệp.

Tôi hiểu vợ mình đang nghĩ gì. Mẹ vợ tôi có một cuộc đời lam lũ như bao nhiêu người phụ nữ miền Trung nắng gió. Bà đã mất chồng năm 74. Lặn lội thân cò nuôi con. Trúc học ở Sài Gòn 5 năm, rồi lấy chồng và bỏ lại ký ức nhọc nhằn những đợt gió Lào bỏng rát cho quê hương, dường như lâu lắc lâu lơ không nghe nàng nhắc gì về quãng ấu thơ chật vật khôn lớn ấy. Dạy con, nàng rất ít kể những chuyện khổ ải cơ cực thời bao cấp ở cái làng quê bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Quá khứ là món quà không phải ai cũng muốn trưng ra cho thời gian phủi bụi, Trúc cất chúng vào một cái rương thanh xuân và khóa kín ở một góc nhà.

Căn nhà nhỏ thó của chúng tôi đón bàn tay sần sùi của mẹ Trúc khi nàng chuyển dạ sinh thằng cu đầu lòng. Bữa ăn đầu tiên bà nấu cho con gái ăn, là món canh nhút. Nhìn Trúc gắng gượng nuốt lấy nuốt để những thứ rau xơ đủ loại đã phơi khô, tôi xót. Ngay ngày hôm sau, tôi tranh thủ ra chợ mua về một cái chân giò với quả đu đủ non thì đã thấy mẹ vợ dọn xong bữa cơm. Lại canh nhút với hai quả trứng gà luộc dầm mắm sống.
- Mẹ ơi, vợ con mới sinh cháu mà…
- Cái anh này hay nhể ! Mẹ chưa từng sinh đẻ gì a? Không phải cô vợ xinh xẻo của anh chui ra từ cái bụng già này a?

Trúc cắt ngang cơn xung đột chuẩn bị bắt đầu bằng những giọt nước mắt lăn dài. Nàng nấc ức:

- Anh định nấu món gì ngon đãi mẹ à ! Từ chiều nay, mẹ không phải xuống bếp nữa. Chồng con phải nấu ăn cho cả nhà.
- Gớm. Chị biết cách bênh chồng hay nhể!
 
Bà thở dài. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt khắc khổ của mẹ vợ mình. Hình như, cái lưng vốn ít ỏi duy nhất bà để lại cho con gái mình – là tiếng thở dài sườn sượt rất đặc trưng.
   
Thằng cu tròn tháng, bà về. Hai tuần sau, vợ tôi ra bưu điện khệ nệ ôm một gói bưu phẩm về. Của mẹ! Mở ra, nhút! Nước mắt Trúc chảy dài. Tôi không giàu có gì, ra trường với tấm bằng làng nhàng và đổ mồ hôi kiếm được một công việc cũng làng nhàng không kém. Nhưng, thời sinh viên chung đụng trăm ngàn mối lo dạy cho tôi hiểu rằng, không có gì để phải tự làm khổ mình. Tỷ như chuyện đổi một chầu nhậu với bạn bè bằng cả suất học bổng, hay, lãnh tiền tháng nhà gởi lên chỉ đủ để trả tiền ăn chịu quán xá. Sống nhanh sống chậm – chỉ là 2 cách gọi phung phí cho một cuộc đời bằng phẳng. Trúc yêu tôi, bắt đầu từ một gã sinh viên đạp xe cà tàng dạy thêm sôi nước mắt đổ mồ hôi cho đến một kẻ đầu bù tóc rối kiếm cơm nuôi cả phòng mấy đứa bạn thất nghiệp. Cái nhà eo óp của chúng tôi – vừa vặn công sức hai đứa tích cóp mấy năm trời.

Trúc quyết định về quê. Nàng đặt vé cho cả tôi và thằng con nữa. Không cần biết cha con tôi có nghỉ phép được không.

Trên xe, nàng im lặng. Đành rằng nơi tập thể nhồi nhét chật cứng với tiếng nhạc ầm ình thì không nên góp thêm tiếng động nào nữa, nhưng sự im lặng dai dẳng của nàng suốt mấy trăm cây số làm tôi khó thở.

- Sao vậy em ?
- Tới đâu rồi anh ? Gần về nhà chưa?

Trúc như thế đấy. Len lén lúc xe nghỉ dọc đường, tôi dắt thằng con xuống cho nó uống nước và mình thì hút lấy hút để điếu thuốc không kịp tàn. Một ổ bánh mỳ lên xe cho vợ.

- Không biết có kịp ăn cơm chiều với mẹ không?

Nàng mới lên tiếng. Mẹ vợ đón chúng tôi bằng vẻ mặt rầu rĩ vô cùng:

- Bây vào rửa mặt rồi nghe mẹ nói chuyện!

Nghiêm trọng rồi ư? Một nửa miếng đất để lại cho vợ chồng tôi hay còn điều gì khác nữa? Không thấy thằng em vợ đâu cả. Thằng cu con lâu lâu mới nghe mùi ruộng đồng, chạy lăng quăng ra vườn sau.

Trúc hỏi, khi chúng tôi đã lặng lẽ trang nghiêm trước mẹ nàng:

- Mẹ có khỏe không ? Gọi tụi con về gấp có chuyện gì hệ trọng à?

Bà mẹ có lẽ không nghe con gái nói, ngước nghiêng đầu ngó xa xăm ra cửa.

- Thằng Út nợ ngân hàng mấy chục triệu, trả không nổi.
- Sao mà nợ ? Nợ làm sao ? – Trúc nôn nóng.
- Năm trước nó mượn sổ đỏ của mẹ để cầm cố lấy tiền nuôi tôm. Mấy vụ liền chưa thu hồi vốn, lại vừa bị lũ cuốn đi hết, ngân hàng không cho gia hạn nữa.
- Sao bây giờ mẹ mới nói ? – Trúc cáu bẳn.

Tôi thấy nếp nhăn trên khuôn mặt hai người đàn bà có lẽ nhiều và sâu như nhau. Để tránh thêm những sự so sánh kỳ cục, tôi dõi mắt theo thằng con đang nhướng chân hái một quả khế ngoài vườn.

Suốt ngày hôm đó, không thấy thằng em vợ về nhà. Cả đêm cũng vậy. Hai cha con tôi ngủ ở cái phản gỗ gian đầu, là nơi thằng Út ngủ mỗi ngày. Trúc nằm với mẹ ở gian sau. Hai người đàn bà một già một trẻ rục rịch trở mình suốt đêm. Tôi thức dậy hút thuốc mấy lần, đi qua gian nhà sau bằng hai bàn chân nặng trĩu. Hương đồng ruộng mùa mưa gió phả vào tôi nhiều nỗi niềm chưa bao giờ có trong đời.

Sáng hôm sau, thằng Út về. Nó đem theo một người đàn ông. Tôi thấy Trúc có một chút bối rối thoáng qua khi gặp người này. Họ chào hỏi nhau thân thiện và tôi mau chóng hiểu được rằng, người đàn ông tên Nam – bạn học suốt 12 năm của Trúc ở vùng quê này. Biết đâu chừng, nếu Trúc không gặp tôi, có thể chồng nàng đã là người đàn ông chân tay thô ráp trước mặt.

Nam không buồn ngó tôi, anh ta bận rộn giải thích về kế hoạch nuôi tôm đã thất bại của mình và thằng Út. Sau cùng, anh ta quyết định rành rẽ:

      - Thưa bác, con sẽ thế chấp mảnh vườn của con để vừa trả nợ cũ vừa có vốn tiếp tục nuôi tôm vụ kế tiếp. Không thể thất bại nữa.

Mẹ vợ tôi không biểu hiện thái độ gì, bà ngước nhìn Trúc.
- Ý cô sao?
Trúc ngó tôi :
- Ý anh sao?

Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận hết sức nặng của tính chất bắc cầu quái quỷ học đi học lại suốt thời cắp sách đến trường. Rồi cũng phải đưa ra một quyết định cuối cùng.

- Mẹ và gia đình cứ bàn bạc với nhau. Con dẫn cháu đi thăm ruộng.

Hai cha con tôi đi. Rẻo đất miền Trung oằn lưng cam chịu mưa nắng bão bùng bao đời nay, có mất có thêm được chút màu mỡ nào sau từng thành bại của những thực thể ký sinh trên nó ? Thằng con tôi lọt chân xuống ruộng. Nó cười khoái chí ,cứ để nguyên 2 bàn chân dưới nước phèn, khua nghịch lũ bèo tấm.

- Ba ơi, rau nhút là rau này hả ?
- Vào sau nhà rửa chân đi con – tôi quát nhỏ thằng bé để tránh phải trả lời. Thực tình, tôi chưa hề biết phải định nghĩa nhút ra làm sao. Nó là món tình món nghĩa – đồng nghĩa với kỷ niệm những ngày tháng mẹ vợ tôi vào Sài Gòn nuôi cháu còn đỏ hỏn. Vợ tôi lớn lên cùng nhút. Thằng con tôi bú mẹ và bám víu vào quê hương mẹ bằng dai dẳng những sợi nhút dài nhút ngắn nhút cay nhút đắng. Có xứ sở nào nuôi con cái mình bằng vàng bạc châu báu đâu.

Tôi vào nhà. Nam vẫn còn ngồi đó. Cả mẹ, vợ và thằng Út nhà tôi đều đắm chìm trong im lặng. Có lẽ, họ chưa tìm ra giải pháp tốt nhất cho hiện tại khó khăn. Tôi nói với mẹ vợ tôi, dõng dạc vừa đủ:

- Nhà mình còn món nhút không mẹ ? Con thèm quá.
- Cháu thèm nhút quá, ngoại ơi. Nhút nhút ngon ngon ! Thằng cu con rửa chân còn lấm lem chạy lên vội vàng xen vào.

Trúc hiểu tôi. Và mẹ nàng hiểu con mình. Tất cả chúng tôi cùng đứng dậy. Miền Trung luôn có sẵn những ngày tháng bình yên sau lũ.

Tháng 11/2010
 
Truyện ngắn: Trịnh Sơn