Lạ, dễ thương, “Thơ viết trong Album” là tên một thi phẩm của Phạm Quốc Ca vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt cuối năm 2010.
Đến với “Thơ viết trong Album”, người đọc được thả hồn mình vào những câu thơ thâm trầm, dạt dào cảm xúc yêu thương, trải qua bao cung bậc của tình yêu đôi lứa. Nhà thơ hồi tưởng lại từ cái rung động đầu đời rất đỗi trong sáng, tinh khôi tới độ chàng trai gọi người yêu một cách ngây thơ “cô bạn nhỏ”. Không thể thổ lộ nhưng tình yêu đầu đời đã thổi bùng ngọn lửa trong tim chàng trai: “Tình yêu tôi ngộp thở/ Trong túi ngực ngày đêm” (Bài thơ chưa gửi). Càng về sau, tình yêu trong thơ Phạm Quốc Ca càng sâu sắc, mãnh liệt, cháy bỏng hơn: “Nhạc lòng anh cứ thầm thì tên em/ Nơi có em không gian thành dịu ngọt/ Cái quầng sáng của vầng trăng gương mặt/ Đốt lòng anh bổi hổi những đêm trường” (Tiếng trầm). Nhưng tình yêu muôn thuở có bao giờ viên mãn. Ta luôn luôn bắt gặp ở đây một tâm trạng rạo rực, bồn chồn chờ đợi người yêu, đau đớn vì xa cách mong sao thời gian trôi qua thật nhanh: “Sáng ra là gặp em rồi/ Còn đêm nay nữa nằm ngồi không yên/ Giọt sao rụng bỏng đêm đen/ Nôn nao gà gáy trước thềm rạng đông” (Đợi). Có lúc âm thầm nhớ nhung “Anh một mình ngồi đốt đêm thành khói/ Tro tương tư đầy trắng gạt tàn” (Đêm trắng). Đã vướng vào tình yêu thì buồn, cô đơn là lẽ thường:
Đêm trong suốt
Gió thầm thì với gió
Những vì sao trò chuyện với vì sao…
Anh ngồi với nửa phần ghế đá
Ngắm những lứa đôi
Sương lạnh mái đầu
(Nửa phần ghế đá)
Tuy vậy, thơ tình Phạm Quốc Ca không rơi vào bi lụy. Với nhà thơ, được nhớ được đau là niềm hạnh phúc, đắng cay thành dịu ngọt, xa nhau chỉ làm tình yêu thêm say đắm: “Lòng anh như dã quỳ đến hẹn/ Vàng rực mùa hoa chờ em” (Hoa chờ em).
Ngoài một số thi phẩm đã khá nổi tiếng trích in lại như: “Thời áo trắng”, “Tiếng trầm”, “Hoa chờ em”, “Mưa xuân”… phần còn lại của tập thơ được sáng tác theo bút pháp mới cô đọng, hàm súc cho thấy một hồn thơ giàu trải nghiệm. Cảm xúc, hình ảnh thơ rất gần gũi, bình dị nhưng được soi rọi bởi cái nhìn đầy suy tư, thâm thúy:
Hồng dại bên đường không ai hái
Phong lan đỉnh núi lắm người tầm
Thương mến hỡi, xin em đừng buồn nản
Lặng im cây Gió nên trầm.
(Viết trong Album)
Thơ tình Phạm Quốc Ca không kể lể dài dòng mà vẫn truyền cảm. Tập thơ trông xinh xinh bởi hàng loạt bài tứ tuyệt nhưng lại ẩn chứa nhiều suy tưởng sâu lắng, đậm màu triết lý. Thơ Phạm Quốc Ca vốn trong sáng, giản dị. Tình yêu dẫu có nồng nàn tha thiết, khát khao vô biên thơ vẫn cứ nhẹ nhàng kín đáo. Đôi lúc xen vào những câu hỏi, những ước mơ đẹp ngộ nghĩnh (Trang thơ bầu trời, Chiều xanh) hay những tứ thơ thú vị kiểu “Tình khúc Lang Bian”. Có thể ví tập thơ như một đóa hoa lạ quyến rũ nhiều hương. Đó là cái duyên ngầm của người làm thơ, là nét riêng độc đáo cuốn hút của tập thơ. Đọc và suy ngẫm, người đau khổ hay hạnh phúc đều sẽ thấy trân trọng tình yêu mình đang có bởi đó chính là những phút giây đáng yêu đáng quí nhất trong cuộc đời. Riêng tác giả, tình yêu đã trẻ hóa tâm hồn thi nhân giúp người thơ quên đi nỗi xót xa đời người ngắn ngủi: “Trong giấc mơ anh dịu dàng dáng nhỏ/ Tóc thả ngang chiều bay mềm sợi gió/ Quên tuổi năm mươi râm bạc mái đầu/ Anh khờ dại tìm em lần nữa.” (Khờ dại).
Bằng “Thơ viết trong Album”, tác giả cho chúng ta thấy cái mới lạ của thơ không phải tìm kiếm ở đâu xa, mới từ sự bồi đắp, mới từ sự trở về với cội nguồn, với bản chất đích thực của thơ. Và giờ đây, Phạm Quốc Ca không chỉ được biết đến là nhà thơ của tình quê, của trữ tình chính trị mà còn là một nhà thơ tình yêu rất có duyên. Bởi thi nhân đã gửi trọn vào thơ mình cái tình ý vị sâu sắc lại thêm một chút dịu dàng của nàng thơ nên đâu chỉ người trẻ tuổi mới thích đọc. Khám phá và chia sẻ cùng thi nhân qua những vần thơ để cuộc sống và tình yêu thêm hương thêm sắc!