Tổ quốc tượng hình từ những câu thơ

03:08, 31/08/2011

Chưa bao giờ ý nghĩa của hai từ Tổ quốc lại trở nên thiêng liêng và gần gũi trong tôi đến thế như trong những ngày thu này.

Chưa bao giờ ý nghĩa của hai từ Tổ quốc lại trở nên thiêng liêng và gần gũi trong tôi đến thế như trong những ngày thu này. Là bởi trước đó tôi có dịp đi dọc đất nước, đi bằng tất cả sự say mê khám phá như chỉ sợ là không còn kịp. Đi để thấy Tổ quốc mình hùng vĩ mà lại cũng vô cùng bình dị, đi để thấy rộng dài mà lại chẳng ngái xa…

Đến Lý Sơn, tôi đã bắt chước những ngư dân ưỡn ngực mình trước sóng để cảm nhận vị mặn của những hơi gió biển từ nơi cách đất liền mấy chục hải lý, cảm nhận cái sự giống và khác của hạt cát nơi chân mình đứng, cái vệt nắng cuối chiều khi hoàng hôn lướt về, cái tia ban mai rực rỡ từ đôi mắt buồn dịu dàng xa vắng của người con gái Lý Sơn.  Đến để cảm nhận cái ranh giới hữu hạn vô hạn, để thấy cái mong manh và cũng vĩnh hằng của biển, của trùng khơi vạn thuở từng khai mở trên hòn đảo nhỏ bé mang tên Lý Sơn này.
 
100 bông sen kết thành hình đất nước tại hồ Thuyền Quang (Hà Nội)
100 bông sen kết thành hình đất nước tại hồ Thuyền Quang (Hà Nội). Ảnh Internet

Đến vịnh Bái Tử Long lại là một cảm giác khác. Yên bình và sinh nở. Tôi gặp ở đấy một ông "chúa đảo" khác người. Một cựu chiến binh mang nguyên nét lính vào thương trường, và... đánh trăm trận trăm thắng. Ông gọi những nhà văn chúng tôi là đồng đội, bởi ông quan niệm, mặt trận bây giờ văn hoá phải xông lên hàng đầu. Từ hai bàn tay trắng, ông biến đảo Bánh Sữa thuộc xã bản Sen, huyện Vân Đồn thành một ngư trường nuôi nhuyễn thể cao cấp và không hề ảnh hưởng môi trường vì nhuyễn thể, cụ thể là tu hài, không phải cho ăn mà lại nhanh lớn và thu lợi cũng nhanh. Tất nhiên nó cũng phải khó đến như thế nào để không phải ai cũng có thể đầu tư vào được, cũng có thể làm được, phải đến khi anh chàng cựu chiến binh Đỗ Tờ này đấu thầu nguyên cả cái đảo với mênh mông mặt nước vịnh nữa thì nó mới trở thành đặc sản của Bái Tử Long.

Tôi cũng ngược Vĩnh Phúc thăm làng Thổ Tang và mới cảm nhận được hết sức sống của người Việt chúng ta. Một cái làng rất nhỏ, rất ít đất nhưng dân rất giàu bởi họ biết cách biến hàng hoá của người khác thành của mình, chỉ bằng trí thông minh và khả năng thương trường hơn người. 30 tháng 4 năm 75 giải phóng miền Nam thì ngay hôm sau, hàng đoàn xe tải chở cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ của dân Thổ Tang đã tràn vào miền Nam ... Ba tôi là dân tập kết, những ngày ấy vô cùng nôn nao tìm cách để vào mà cũng phải cả tháng sau mới "đi chui" vào được, thế mà dân Thổ Tang chả liên quan gì lại cứ phi từng đoàn ô tô vào thì mới thấy cái giỏi của họ. Giờ Thổ Tang là địa phương nhất làng nhất xã, dân giàu kinh khủng, xe ô tô chật đường làng, và đi giữa làng thì lại cứ ngỡ đi giữa phố, mà là phố lớn, bởi nhà cao tầng đổ bóng xuống đường không bị nắng và cũng có cả cảnh kẹt xe, kẹt liên tục. Nơi đây là đất sinh ra những nhân vật lịch sử của Việt Nam như Nguyễn Thái Học và Vũ Hồng Khanh và nhiều người yêu nước nữa...

Tôi lại cũng quay về Thanh Hoá thăm lại thành nhà Hồ để lần nữa chiêm ngưỡng sức mạnh của tinh thần Việt. Chỉ trong ba mươi ngày, vua Hồ Quý Ly đã cho xây xong thành nhà Hồ, ngôi thành mà cho đến bây giờ, sau rất nhiều tranh luận, con người hiện đại hôm nay vẫn chưa biết người xưa có thể xây bằng cách nào. Bằng cách nào mà những viên đá hàng trăm tấn xếp đều tăm tắp trên thành không vôi vữa, mà cái cổng thành hình vòm kia chứa những viên đá khổng lồ cũng chả gá vào cái gì mà khin khít không nhìn thấy vết ghép. Bờ thành nhẵn như bây giờ thợ chuyên nghiệp hậu thế dùng máy để mài. Rồi bằng cách nào đưa đá về đây, cách nào xếp đá lên, cách nào hòn nào hòn ấy phẳng phiu vuông vắn, cách nào mà lấy la bàn soi tăm tắp đông tây nam bắc, cách nào mà thấy nơi đây là thế rồng chầu hổ cuộn giữa một không gian rộng lớn mà lại không có điểm cao và phương tiện vươn lên như bây giờ... chịu. Còn làm sao mà chỉ trong ba mươi ngày xây xong thì lại càng chịu...
   
Những cảm xúc ấy dẫn tôi về với Tết Độc lập năm nay...
   
Tổ quốc hiện hình như thế này đây: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông” Rồi: "Đất là nơi anh tới trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi chúng mình hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...". Tôi đọc lại và thấy sao ông Điềm... tài thế. Viết về đất nước, một đề tài rất lớn, rất vĩ đại, mà cứ như không, nhẹ tênh tênh, mà gợi, mà da diết đắm say, đọc mà rưng rưng thấy thương một đất nước gần gũi nhân hậu.
   
Lứa chúng tôi khi ngồi trên ghế nhà trường thì không ai không học văn học kháng chiến, không biết các tác giả từ Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc... đến Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo... Thời sinh viên chúng tôi đã từng đọc đến nhàu "Bài thơ về hạnh phúc" của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết cho chị Dương Thị Xuân Quý đầy yêu thương dằn vặt, nhiều nữ sinh viên đã khóc khi chúng tôi đọc tặng bài thơ này trong một ngày mùng 8 tháng 3 năm ấy.

"Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân nở mãi/ Trời chiến trường không một phút bình yên/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...". "Nhớ không em cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt mái tóc mềm đẫm ướt...".

Chị Quý hy sinh không chỉ để lại một cái chết oanh liệt xả thân cho Tổ quốc, để lại những trang văn đẫm máu rất đẹp, mà còn để lại một tình yêu tuyệt đẹp. Đấy là tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi. Mấy năm trước đây, cái tin tìm được di hài nhà thơ Dương Thị Xuân Quý sau gần 40 năm chị lẫn vào với đất Quảng Nam đã khiến rất nhiều người biết chuyện xúc động. Rồi đọc "Dấu chân qua trảng cỏ" của Thanh Thảo vô cùng hào sảng và tài hoa, "Đường tới thành phố" của Hữu Thỉnh đau đáu nỗi niềm và buốt đau thân phận…

Tôi yêu Tây Nguyên rồi đến với Tây Nguyên là bởi... nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Thu Bồn. Đọc 2 ông tôi hình dung ra sự hoành tráng diễm lệ, đầy phi thường mà cũng hết sức lãng mạn của Tây Nguyên. Thế thì tại sao không thử một chuyến nhỉ? Thế là tốt nghiệp đại học, tôi làm đơn xung phong lên Gia Lai dù đã có vài thành phố đồng bằng nhận.

Một mình một ba lô tôi "ngược núi" và trở thành nhà thơ từ đất này, dưới "bóng" của các ông. Sau này 2 tác phẩm về Tây Nguyên khiến tôi nghiêm túc hơn trong nghề nghiệp là truyện ngắn "Đêm nguyệt thực" và tiểu thuyết "Lạc rừng" cùng của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Hai tác phẩm viết về chiến tranh chống Mỹ, đầy những éo le thân phận, đầy bạo liệt nhưng cũng đầy nhân tính. Điều quan trọng là tôi nhận ra một chiều khác của văn hoá Tây Nguyên từ đấy.

Sau này nghe nói có những người viết trẻ không thèm đọc của ai trong nước, tôi ngạc nhiên lắm. Mỗi thời đại có một hệ thống tác phẩm tương ứng. Thế hệ chúng tôi đã tiếp thu được rất nhiều từ những tác phẩm văn học ra đời thời kỳ ấy. Mà làm sao có thể quên được những câu thơ như thế này nhỉ: "Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe/  Cánh rừng còn kia trận mạc còn kia/ Vài bước nữa thì tới đường số một/ Vài bước nữa thế mà không thể khác/ Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi"... hoặc như: "Em cứ tô đậm nữa đi em/ Tô thật đậm để hiện ra đất nước/ Hiện ra ngày chúng ta hằng mong/ Đất nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ/ Đất nước đêm nay năm mươi triệu người không ngủ/ Đang bóc đi tờ lịch cuối cùng"... Những câu thơ ấy của một trong những nhà thơ tài hoa nhất, hay nhất thời chống Mỹ: Hữu Thỉnh, đến tận bây giờ đọc có cũ đâu?...
   
Chợt nhẩn nha nghĩ, lại chạnh buồn khi thấy điểm văn sử của học sinh vừa thi đại học sao mà thấp quá. Thấp đã đành, nhiều em hổng toàn bộ kiến thức cơ bản. Những là ông Xuân Quỳnh, chị Tô Hoài, Chế Lan Viên dùng tàu đánh bắt xa bờ... buồn mà thương các em, bởi các em cũng chỉ là nạn nhân mà thôi, sách hướng dẫn dạy học còn yêu cầu dạy rằng Nguyễn Trãi là người đầu tiên ở Việt Nam có ý thức... bảo vệ môi trường kia mà. Buồn quá. May thay vẫn còn những câu thơ về Tổ Quốc như thế này đây: Tổ Quốc tôi cứ như vậy âm thầm/ Người tồn tại như cỏ xanh như lửa ấm/ Trong nỗi đợi chờ người về không chán nản/ Của mẹ già, vợ trẻ, những đứa con/ Và chúng tôi ngày ngày lớn bổng lên/ Không thể khác trong tay cầm khẩu súng/ Không thể khác, Tổ quốc tôi phải sống/ Sống cho người mẹ già, người mẹ trẻ, những đứa con...- Nguyễn Hoa. Những câu thơ một thuở làm ta rưng rưng và mới hiểu ý nghĩa tận cùng của nước mắt: "Có gì mong manh hơn nước mắt, nhưng cũng không có gì mạnh bằng nước mắt. Dẫu trong veo nhưng mặn chát nghìn trùng. Ai cũng hiểu nước mắt đâu chỉ là nước mắt, nó là bể dâu sấp ngửa phận người. Nó được chắt ra từ tận cùng khổ đau tận cùng sung sướng, từ tận cùng nhịp thổn thức trái tim. Nó cứng như đá hoa cương mềm như hoa cải ven sông, mềm hơn cả những gì dịu dàng nhất. Nó là tinh hoa của hạnh phúc, là những điều không thể nói người ơi".
 
VĂN CÔNG HÙNG