Trôi trên những mùa màng sắc màu

04:08, 31/08/2011

Một phần tinh hoa văn hóa văn nghệ của Đà Lạt có bóng dáng người nghệ sĩ phù vân Đinh Cường. Đây là một họa sĩ Việt Nam đương đại tài danh, mà tài hoa đã vượt ra khỏi lãnh thổ quê xứ từ lâu.

Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng (Tranh Đinh Cường)
Chân dung Nhà thơ Bùi Giáng
(Tranh Đinh Cường)
Một phần tinh hoa văn hóa văn nghệ của Đà Lạt có bóng dáng người nghệ sĩ phù vân Đinh Cường. Đây là một họa sĩ Việt Nam đương đại tài danh, mà tài hoa đã vượt ra khỏi lãnh thổ quê xứ từ lâu. Trong con người này cái chất "Đà Lạt" vẫn tinh khiết, đậm rõ như ngày nào, nghệ sĩ “thật” (chứ không hư danh hay núp bóng…); và nếu có một cốt cách “Người nghệ sĩ phố núi” thì Đinh Cường là một đặc mẫu, đại diện, mà không nhất thiết ăn đời ở kiếp, chung sống với nó năm dài tháng tận. Tâm hồn và những sáng tạo của Đinh Cường lành như Đà Lạt, thật gần trời đất Đà Lạt, nên cả đời ông mang nó theo, cả khi sang Mỹ. Còn nhớ, khi Trịnh Công Sơn viết nhạc ở B'lao thì Đinh Cường vẽ ở Dran, Đà Lạt_ họ là đôi bạn mộng tưởng chân tình, một kẻ lộng lẫy trên con đường hội họa còn kẻ kia trên con đường âm nhạc...
   
Quán cà phê Tùng của 50 năm trước nay vẫn còn treo một bức tranh Đinh Cường vẽ cũ xưa, mà chủ nhân thì không bao giờ muốn bán đi. Con đường Hoa Hồng ngày nào của phố núi (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) còn in dấu họa sĩ Đinh Cường đâu đó, với căn phòng nhỏ ông thuê để ở vẽ, và đi lang thang... Vừa rồi Đinh Cường có cuộc triển lãm tranh lần thứ hai ở Đà Lạt, sau 46 năm của đời một danh họa mà nơi này là nguồn sữa tinh khôi dưỡng tạo nên tâm hồn cùng tài hoa đó (mà chưa chắc sẽ có thêm những lần tiếp). Người phụ nữ hay mang cà phê ra cho Đinh Cường uống, cũng là chủ quán, vừa mất, nên cà phê Tùng_nơi một thời đằng đẳng anh ta thường ngồi mơ tưởng cuộc đời và suy tư hội họa_ "để tang" quán một số ngày. Tôi bèn kéo Đinh Cường sang cà phê Artista và hỏi:
   
Họa sĩ Đinh Cường ơi ông nghĩ thế nào về đời cầm cọ?

Họa sĩ Đinh Cường: ... Không bao giờ tìm được người hiểu nó, hiểu đích thực về hội họa. Sống thì hoàn toàn cô đơn, ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, thập niên này sang thập niên nọ. Nhưng mà chấp nhận thôi, nghệ thuật là sự cô đơn, là bạc bẽo. Hồi trẻ trai suốt ngày nhìn núi, nhìn mây, khói sương, người đời... mà vẽ. Giờ và chắc mãi mãi cũng thế, y chang một thế giới mơ mộng hiện ra, lúc nào cũng mơ tưởng, muốn bày hết lên toan. Đã cầm cọ thì đói rách cũng vẽ. Chúng tôi có thể vẽ đến hai ba giờ sáng. Chúng tôi có thể vẽ cả đời, vẽ đến khi buông cọ, cầm nó không được nữa. Mà tranh là thứ không bao giờ dễ bán... trên cuộc đời này. Họa sĩ hay nghệ sĩ, là kẻ tự dâng hiến, dù chẳng ai ép buộc. Sinh nghề tử nghiệp, vậy thôi, đâu ai cấm anh mở khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu, đi buôn, lập doanh nghiệp, lên xe xuống ngựa...
 
Thế còn hạnh phúc ?

Đinh Cường: Mỗi một bức tranh ra đời là bao nhiêu say đắm trong đó. Qua màu sắc, suy nghĩ, tình cảm, yêu thương, nhận thức, rung động... của mình được lả lướt lên đó, bỏ vào đó. Đó là thứ lao động hư vô, với những kẻ sống cùng hư vô. Nhưng có hạnh phúc gì bằng khi hư vô biến thành nghệ thuật, bức tranh cụ thể. Tự mình tạo ra được cả thế giới riêng của mình. Rồi trời đất xung quanh, những khuôn mặt người quanh ta, bạn bè, nỗi nhớ, buồn vui... cứ vào tranh. Bức tranh tôi làm bạn vui trong chốc lát, chợt tha thiết cuộc sống, nhớ về một ai đó, một nơi chốn nào đó, hay thấy bình an khi đêm về... đã là điều đáng yêu, cao cả rồi.
 
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.
Gần 50 năm sau, Đinh Cường (bên trái) lại hội ngộ cùng HS Bửu Ý và người vẽ, người viết tạp bút trong quán café.

Tức là đi "cứu" cái đẹp?

May chăng còn vương vãi đâu đó chút ít trong bức này, bức kia thôi. Vũ trụ mênh mông, buồn vui mênh mông, sự rung động trong mỗi người cũng mênh mông. Khi mọi thứ đi vào tranh nó đã sống kiếp khác rồi, trở thành một thế giới khác, thế giới của tự tình, yêu thương, thì thầm, êm ái, mơ tưởng... Mọi cái đẹp cứ thênh thang, vụt bay, từ các cô gái đến cánh rừng, ngọn núi, con phố, làng thôn... Mỗi lúc ta nhận ra nó khác, cảm xúc khác, nên nó đi vào tranh cũng khác, và thành tranh cũng khác. Một người nào đó, một nụ cười nào đó, một vóc dáng nào đó, hay một cảnh quan nào đó, mỗi lần vẽ là một lần khác. Thế giới yêu thương cứ luôn sinh sôi, và hủy diệt. Những mùa màng nhan sắc cũng vụt qua, và sinh ra..., theo lẽ vô lượng, vô thường giữa trời đất.

Vậy là tiếc nuối dài dài, xót xa dài dài, với những mùa màng nhan sắc?

Những tiếc nuối đó rất mông lung, hoang vu, mơ hồ, không gọi tên được. Các cô gái trẻ, nhiều sức sống chợt cho người họa sĩ cảm giác về hoa trái của đất trời, hối thúc và rạo rực. Nhan sắc trên một cô gái cũng quan trọng, nhưng nhiều khi cũng chẳng là gì cả, vấn đề là sự đọng lại,và có thể đọng lại. Nhưng cái đẹp tươi trẻ có giá trị với sáng tạo hội họa, nhưng cái đẹp tàn úa ai bảo không đưa đến những bức tranh tuyệt vời, thậm chí có lúc tuyệt tác hơn. Nhan sắc là phù du, mà nghệ thuật cũng là phù du. Nghệ sĩ là kẻ đi rượt đuổi sự phù du.
 
Đố ai xem tranh Đinh Cường hiện tại mà biết đây là họa sĩ tuổi 72, nếu không thấy chữ ký Đinh Cường lên tranh. Cái chất "thanh niên", tươi mới, mơ mộng và nông nổi vẫn nguyên xi như thuở anh vẽ những vườn lơghim, đồi thông, ngựa, thiếu nữ Đà Lạt ngày nào. Chàng trai Thủ Dầu Một mà cứ nói giọng Quảng (nói tự nhiên,"vì bạn tôi toàn Quảng không à!") đến giờ, và cứ bảo Đà Lạt là quê quán của mình.
   
Đi đâu Đinh Cường cũng mang theo "phụ tùng" nghề nghiệp, gọi sang trọng là "họa cụ_ Đúng là "nô lệ" của cây cọ. Chợt gặp lại kẻ cô đơn "mãn tính" Đỗ Tư Nghĩa_ một dịch giả ẩn sĩ ở Đà Lạt, như thấy được huynh đệ là khách hàng thường xuyên của các quầy thuốc Tây với trọng lượng luôn "ổn định" 39 kg này gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào, nên Đinh Cường mang cọ ra vẽ chân dung tặng ngay. Đỗ Tư Nghĩa dĩ nhiên phải ngồi yên, còn tôi và Đinh Cường cứ cà kê theo nhịp cọ của anh:
 
Cái gì khác nhau của một họa sĩ trẻ hồi trẻ của họ và một họa sĩ khi về già?

Ngày trẻ, thường người ta vẽ những cái gì cụ thể, kể cả một cô gái đẹp. Hình như tuổi kia, vì họa sĩ là một chàng trai, nên cái mơ mộng cũng thật, người thật, việc thật, hình bóng thật, nhu cầu thật, xuôi theo một cảm xúc rõ ràng hơn, tình yêu hay sự rung động cũng cụ thể. Lớn tuổi, miền mơ tưởng mênh mang, hoang vu hơn. Nhưng đố ai đã là nghệ sĩ thật sự mà "có tuổi"_ không "trẻ" làm sao sáng tạo. Sự chững chạc, chín chắn của người nghệ sĩ nằm ở sự chân thật, trong sáng, hết mình với thế giới mình yêu, và đóng góp vào cho đời bằng tác phẩm của mình.
 
Tức, như lúc này anh không rạo rực trước những cô gái căng mọng, trẻ xinh?

Tôi vẫn trân trọng cái trẻ và xinh xắn nơi các cô gái ngày nay. Thấy một cô gái trẻ đẹp ngang đường mình cũng lâng lâng, "cảm ơn nhan sắc" gợi cho một ý tứ gì đó cho hội họa. Tôi có thể vẽ khoảnh khắc nhan sắc ấy lướt qua, bằng cảm nhận mang đến cho hội họa, chứ không cần chiếm hữu nhan sắc ấy. Nhan sắc giữa trời đất kia, chứ không phải nguyên con người sinh học (body/libido), mới mang đến nghệ thuật. Nhưng với tôi, từ khi cầm cọ đến giờ, chỉ cô gái nào buồn, gầy guộc, thánh thiện, tôi mới cảm được, vẽ được.

Tôi và Sơn (Trịnh Công Sơn) giống nhau ở chỗ, phải cái đẹp mong manh của một người con gái mới cho mình sáng tạo được, mới đi vào tranh, vào nhạc, và có thể hình dung nó bằng hình ảnh: " ... vai em gầy guộc nhỏ/ như cách hạc về chốn xa xôi...". Nàng nào có đẹp tới trời, thước tất chuẩn mực như đám đông qui định, nhưng vô duyên, thì dí sách vào cổ, hay đưa bạc tỉ đôla đến chúng tôi cũng không thể vẽ thành tranh được. Tôi chỉ vẽ (và bạn bè) được những người con gái nhân hậu, sầu mộng, yêu văn chương, không hốt hoảng trước cuộc đời, vật chất. Tôi sợ cái đẹp lồ lộ, ngồn ngộn cơ thể, và ngồn ngộn tiện ích, vật chất. Tôi yêu cái đẹp của tôi, kiểu riêng tôi, dù có khi không có nhan sắc(như đám đông nhận thấy), một nụ cười nghê thường, khiếm khuyết, một nếp nhăn, hay một khoảnh khắc bất hạnh của ai đó, ấy thế mà có thể phóng cọ thâu đêm.

Ông không yêu nhiều ? Thế còn những cô gái trong tranh ông vừa mang về Việt Nam và triển lãm ở Đà Lạt sau 46 năm của lần triển lãm đầu tiên ở phố núi) lần này ?

Dù làm họa sĩ, nhưng thật ra đời tôi chỉ có vài hình bóng khiến đeo bám, khiến tôi cầm cọ thôi. Tôi vẽ đến giờ, vẽ nhiều cho, đôi cô gái xưa cũ đó, mà chừng đó thôi vẽ cả đời không hết. Mà đời có mấy cô gái yêu họa sĩ đâu. Tôi chia sẻ điều này, vì họ cần phải sống, phải tồn tại, mà họa sĩ là cái gì đó quá... vô thường. Vì mỗi lần nghĩ về họ họ hiện ra khác, cho mình cảm xúc khác. Như đã kể, chỉ những ai mong manh, có hồn tôi mới cảm được.
  
Và quả đúng như ông bày tỏ. Tranh ông chỉ toàn người hiền... bước vào. Những người con gái đi trong mù sương, bàng bạc phúc âm, và hoa cỏ trong trời đất. Nếu có cô gái nào đó, thì cũng là nàng tóc dài, dài đến ngang vai. Dĩ nhiên, những cô gái tóc ngắn, hiện đại, mà bước đến phòng tranh của anh sẽ ganh tị với những cô gái thuộc về miền mơ tưởng kia. Lời nhạc của bạn Sơn(Trịnh Công): "...Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" lại là thế giới thật của người lành và đa mang như Đinh Cường.
   
Tranh ông đơn giản, từ màu sắc đến ý tứ, chủ đề, không khiến suy nghĩ nhiều, nhưng buộc người ta ngắm nhiều. Tranh ông là nguồn cảm hứng và mong ước của nhiều người mê tranh, sưu tập tranh. Anh sống bằng tranh, và sống như thế kể từ ngày ông tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Huế và lưu lạc lên Đơn Dương - Đà Lạt vào tuổi 23 đến giờ. Sống đạm bạc, qua ngày, không nghĩ đến tiện nghi, hay giao du với giới thượng lưu sang giàu. Anh ấy chơi trong đời, thơ thẩn như thế cùng cái đẹp, thế giới nghệ thuật mơ mộng. Anh có một "quĩ" bạn bè là những người mơ mộng, hiền lành, "tính ác, không chân thật, hèn, là không giao du, không bao giờ làm bạn".

Nhưng người đời thường ít để ý đến thứ văn nghệ phẩm gọi là..."tranh", kể cả nhà giàu, đại gia, tỷ phú ?

Ờ, thì xưa nay người ta ít để ý đến tranh. Vì không có tranh chẳng ai chết. Nhưng tranh làm người ta sống êm đềm, bình an, phong phú hơn. Người ta ít khi "sắm" tranh. Thường người ta hay ngĩ về xe cộ, nhà cửa, và đem tiền gửi ngân hàng hơn là mua sắm tranh về treo. Các phòng khách của nhà giàu có, cũng hay thấy bức ảnh thật to hơn là tranh. Ở các nước văn minh, người ta thường treo tranh và sắm tranh. Nhưng con người là chung, ở đâu rồi cũng có lúc người ta cần đến tranh mà. Từ từ người đời sẽ hiểu hội họa, và hội họa mãi mãi tồn tại.
  
So với phim ảnh, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, và kể cả văn chương đều "đại chúng hơn", trần đời hơn, còn hội họa cứ... tự sang trọng xa xỉ trong con đường của mình, nhất là ở người Việt mình, VN mình?

Nhưng họa sĩ vẫn không ai chết; lây lất nhưng cứ "thênh thang" trong miền mơ tưởng của mình, thế giới sắc màu của mình.

... Có thêm kiếp nữa, Đinh Cường chọn nghề gì?

Thì hội họa thôi. Với hội họa, một kiếp cũng không đủ đâu. Nghệ thuật là sự khôn cùng, mơ tưởng là miền dấu yêu bất tận, và tôi đây không mơ tưởng thì làm sao tôi sống. Mắc gì tôi phải chọn nghề khác, khi với hội họa tôi có được miền yêu thương kỳ ảo thân thuộc, tình yêu, tình bạn, buồn vui (ngoại trừ vật chất), vạn vật xung quanh cứ nồng nàn kể cả trong bất hạnh của nỉ.
Nguyễn Hàng Tình