Bão Rừng- cơn bão của lương tri

03:09, 28/09/2011

Phạm Đức Thái Nguyên đã xuất bản bốn tập truyện ngắn. “Bão rừng” là tập sách thứ năm, cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh.

Quê hương Phạm Đức Thái Nguyên (PĐTN) ở Đông Hưng, Thái Bình nhưng với mấy chục năm sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên, sự nghiệp văn chương của anh được khơi mở từ nơi đây, nên anh coi miền đất này là quê hương thứ hai. Một phần bút danh của anh là “Thái Nguyên”. Tuy nhiên, anh thường nói vui với bạn bè rằng từ “Thái” trong Thái Nguyên cũng mang ý nghĩa là Thái Bình.

PĐTN đã xuất bản bốn tập truyện ngắn. “Bão rừng” là tập sách thứ năm, cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh. Cả bốn tập truyện ngắn trước đó PĐTN thường hướng về các đề tài tình yêu, về đời sống công chức, về các mối quan hệ đồng nghiệp, tình gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngòi bút của anh thường dìu dịu, nhẹ nhàng, không “đao to búa lớn”. Anh ít đi vào các đề tài nổi cộm, hóc búa. Giữa năm 2011, hơi khác với lệ thường, PĐTN đã lặng lẽ cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Bão rừng”, một cuốn sách về đấu tranh bảo vệ rừng, một đề tài vốn luôn nóng bỏng và quyết liệt. Hơn nữa, tiểu thuyết của anh lại được khởi sự từ nguyên mẫu của một vụ án “Lâm tặc chống người thi hành công vụ” có thật ở một tỉnh miền núi cách đây chừng hơn chục năm. Người dân ở địa phương này cho đến tận ngày hôm nay chắc chắn vẫn chưa thể quên một “anh hùng sa lộ” nổi tiếng về sự nghêng ngang, liều lĩnh trong việc khai thác, bán buôn gỗ lậu cũng như hành xử trong xã hội. Kẻ ấy từng huênh hoang trước thiên hạ rằng hắn chỉ “giậm chân một cái có thể nghiêng ngả đất đai nửa tỉnh”.

Được viết dựa vào một sự kiện có thật, chắc chắn tác giả có được những thuận lợi nhất định nhưng mặt khác sẽ bị vấp phải những khó khăn về nhiều mặt. Nếu quá lệ thuộc vào tư liệu sống, vào nhân thân, tính cách của người thật việc thật thì tiểu thuyết dễ gần với một phóng sự dài, sẽ chỉ gây được những hiệu ứng về sự tò mò kiểu chuyện vụ án chứ không mang nhiều giá trị thẩm mĩ. Khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, PĐTN cũng đã từng bộc lộ những băn khoăn như vậy: “… đây là một câu chuyện mang tính thời sự, nếu không khéo thì tiểu thuyết sẽ biến thành kí. Cũng có người khuyên tôi không nên viết vì sợ có những rày rà”. Vì vậy, nó đòi hỏi tác giả phải thật sự cao tay trong xử lí tài liệu. Với một cuốn sách mang nhiều khó khăn, phức tạp, như vậy nhưng PĐTN đã dám hết mình với nó, lăn lộn trở trăn với nó để đến hôm nay, tác phẩm đã ra mắt trong sự tìm kiếm của độc giả cùng khá nhiều bài giới thiệu, bình luận trên báo viết, báo mạng trên cả nước. Điều này, không thể nói không là một thành công đáng kể.

Tiểu thuyết “Bão rừng” không quá dầy, 260 trang chia thành 32 chương. Với lối chia chương khá nhỏ như vậy thường là dấu hiệu của một lối viết gấp gáp, đầy ắp sự kiện.

Quả đúng như vậy, cốt truyện trong tiểu thuyết xoay quanh cuộc chiến một mất một còn giữa các chiến sĩ kiểm lâm với bọn lâm tặc, đứng đầu là tên Lê Văn Quất, một thanh tra giao thông biến chất, thừa dã tâm và mưu mô quỉ quyệt. Không chỉ có thế, trên con đường làm ăn phi pháp của mình, Quất đã mua chuộc được khá nhiều cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm, công an, thậm chí là một số người có chức sắc ở địa phương. Hắn mua chuộc không chỉ bằng tiền bạc, gái đẹp, bạo lực mà còn cả bằng…“tình nghĩa”. Một trưởng phòng của công an tỉnh cũng bị lung lạc bởi trong lúc bĩ cực, vợ chết, con mới sinh, bản thân thì quá bận rộn trước nhiệm vụ, đã được Quất tình nguyện mang đứa trẻ mới lọt lòng về nuôi và nhận làm con, hoặc một vài cán bộ lãnh đạo được mệnh danh là “bố lâm tặc” cũng đã bị Quất mua chuộc. Đủ thấy, Quất không chỉ là một tay võ biền mà còn có đầy đủ bản lĩnh của một tên xã hội đen, một tên ma- phi- a có hạng. Tất nhiên, với một kẻ dương oai, tác quái như thế chắc chắn trước sau phải có ngày sa vào lưới pháp luật. Đó là cái thuận lí của luật pháp. Nhưng tiểu thuyết “Bão rừng” không dừng ở sự phân tích cái thuận lí xuôi chiều ấy mà tác giả đã rượt theo cái trái chiều, cái nghịch lí vẫn thường diễn ra trong xã hội ngày hôm nay. Sau bao tháng ngày điều tra, trinh sát ổ lâm tặc của Quất, các chiến sĩ kiểm lâm đã bắt quả tang tại nhà Quất một vụ chuyên chở gỗ lậu lớn. Tưởng đó sẽ là một chiến công có thể đưa lũ lâm tặc ra ánh sáng. Nào ngờ, sự việc lại hoàn toàn đảo ngược. Quất không những ngang nhiên đánh đập dã man các chiến sĩ kiểm lâm, nhà báo đang thi hành công vụ rồi còn điện cho công an tỉnh (cho vị trưởng phòng đã được Quất mang đứa con sơ sinh về nuôi dưỡng) với lời vu cáo là có những kẻ giả danh kiểm lâm đến áp đảo tại nhà hắn. PĐTN đã hoàn toàn có lí khi lấy tình tiết này làm điểm mở của toàn câu chuyện. Trước hành động ngang ngược của Quất, các chiến sĩ của Chi cục kiểm lâm tuy đã nhận biết rất rõ uy lực đen tối của ổ lâm tặc, nhưng các anh vẫn sẵn sàng bước vào cuộc chiến. Theo lẽ thường tình thì thế mạnh phải thuộc về những người thi hành luật pháp là các chiến sĩ kiểm lâm. Vậy mà trên con đường tranh đấu đầy cam go ấy, các chiến sĩ kiểm lâm thường bị tên Quất dồn vào thế bí. Cuộc chiến dữ dội đến mức, chính Chi cục trưởng Nguyễn Xuân Bình đã phải tuyên bố một câu đầy hào khí nhưng ít nhiều nhuốm mầu bi quan: “dù có phải cởi bỏ mũ áo kiểm lâm cũng phải đưa những kẻ tội phạm ra ánh sáng” (đây là câu nói của nhân vật Nguyễn Xuân Bình trong tiểu thuyết, nhưng được biết nó cũng đúng là lời tuyên bố của vị chi cục trưởng ngoài đời hồi đó). Quả như sự tiên lượng của Xuân Bình, cái vụ việc tưởng rõ như ban ngày ấy nhưng do tài “phù thủy” của tên Quất và một số người có quyền lực biến chất, vụ án đã đi đến chỗ bất lợi cho các chiến sĩ kiểm lâm và chân lí nhiều lúc tưởng như lung lay. Lúc này, nhân vật Xuân Bình đã được hiện diện như một người anh hùng - một anh hùng trong thời hiện đại. Ông không chỉ có ý chí sắt đá mà còn là người tài trí. Song song với việc đấu tranh với bọn lâm tặc bằng các phương pháp nghiệp vụ, ông còn tranh thủ sự ủng hộ tuyệt đối của những cán bộ lãnh đạo trong tỉnh và đặc biệt là của giới báo chí, các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh… những người tâm huyết dám quên mình vì nhân dân, đất nước. Nhân danh chính nghĩa, vậy mà họ đã phải trải qua không ít gian nan, đổ không ít mồ hôi và nước mắt, cuối cùng tên Quất và đồng bọn mới được phơi bày mọi tội lỗi. Cuộc chiến tưởng như đến đó là kết thúc. Vậy mà chưa. Khi đã lĩnh án, tên Quất vẫn tiếp tục được một số cán bộ có trọng trách giúp hắn chống lại bản án. Đã có lúc Quất như được thoát tội nếu không có sự kiên cường chống cái xấu đến cùng của lực lượng kiểm lâm, của báo chí và đặc biệt của các vị lão thành, các cựu chiến binh ở địa phương.

Đọc “Bão rừng”, ta nhận thấy rất rõ một điều, đây không còn là cuộc chiến của riêng lực lượng kiểm lâm với lũ lâm tặc một cách cụ thể nữa mà là cuộc chiến giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa dã tính và nhân tính. Vì vậy, nó không chỉ dừng lại ở ngành kiểm lâm mà đã trở thành những vấn đề xã hội. Cơn bão rừng trong tiểu thuyết chính là cơn bão ẩn dụ của lương tri con người. Đó  là cái triết lí nổi bật trong tiểu thuyết. PĐTN cũng đã dành nhiều công sức, tâm huyết trong nhiều trang sách để luận một cách khá sắc sảo về vấn đề này. Cái được của tiểu thuyết “Bão rừng” có lẽ chính ở điểm ấy. Một trong những giá trị mà cuốn sách đạt được là ở tính luận đề khá sâu sắc.

Các nhân vật chính trong “Bão rừng” không nhiều. Chủ yếu tác giả chỉ tập trung ngòi bút vào việc mô tả, mổ xẻ hai nhân vật trung tâm là Lê Văn Quất, và Nguyễn Xuân Bình, hai nhân vật đối lập nhau, đại diện cho hai cực. Cũng có một vài nhân vật phụ nhưng chiếm được cảm tình của độc giả. Ví như nhân vật Lài- vợ Quất, người trực tiếp được Quất giao việc nuôi đứa con sơ sinh của Thăng- trưởng phòng P35 của sở công an, người đã vì cái ơn nghĩa sâu nặng nọ mà bảo vệ Quất một cách mù quáng. Lài xuất hiện trong tiểu thuyết không nhiều nhưng chị là một phụ nữ chân chất, giầu tình cảm, tuy là vợ một tên xã hội đen chính hiệu nhưng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có thể ví nhân vật Lài như một ốc đảo hiếm hoi giữa cái sa mạc bất lương của lũ người đê tiện. Chị giống như một chấm xanh làm dịu mát bức tranh vốn ngập tràn những gam mầu nóng. Tuy Lài chỉ là nhân vật phụ nhưng nó đã góp một phần quan trọng để làm hoàn thiện hơn tính luận đề của cuốn tiểu thuyết.

Về bút pháp, “Bão rừng” chưa có những đổi mới đáng kể. Vẫn là lối viết truyền thống quen thuộc. Tác giả chỉ xoay quanh hệ thống tình tiết để tạo nên một cốt truyện hoàn chỉnh với một điểm nhìn là người dẫn chuyện. Kết truyện vẫn hướng ngòi bút vào luật nhân quả, có hậu. Các nhân vật cũng luôn được tác giả cố công khắc họa tính cách nhiều hình nhiều vẻ. Âu đó cũng là lối viết quen thuộc của các nhà văn Việt Nam trong nhiều thập kỉ nay. 

Là một cây bút quen với thể truyện ngắn nên ở tiểu thuyết này cả sở trường và sở đoản của PĐTN dường như đều được bộc lộ cùng lúc. Ngắn gọn, khúc triết vốn là thế mạnh của các nhà văn viết truyện ngắn. ở “Bão rừng”, PĐTN cũng đã tận dụng được ưu điểm này. Nhưng đồng thời, cái yếu của người viết truyện ngắn khi mới viết tiểu thuyết có khi lại chính ở chỗ quá kiệm lời. Vì thế, không gian, thời gian, những mạch phụ… của “Bão rừng” chưa được PĐTN quan tâm một cách đúng mức.

Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng ở các cuốn tiểu thuyết tiếp theo, PĐTN sẽ khắc phục được những nhược điểm vừa nêu. 
 
Hồ Thủy Giang
(Tiểu thuyết “bão Rừng” của Phạm Đức Thái nguyên.
Nhà xuất bản văn học- năm 2011)