Chuyện học ở vùng căn cứ xưa

03:09, 21/09/2011

Cuối năm 1962, Ban cán sự T14 - Phân ban Tỉnh ủy Lâm Đồng phía nam đường 20, quyết định mở lớp học xóa nạn mù chữ, tập trung ngắn hạn 3 tháng ở buôn Đăng Lú.

Trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm tạo điều kiện đến trường. Ảnh BT
Trẻ em dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm tạo điều kiện đến trường. Ảnh BT
Một hôm lên lớp, dạy bài về lịch sử địa phương, có một học trò hỏi tôi rằng “Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Lâm Đồng, vùng căn cứ có lúc đến 10.000 dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa, ở đó có trường học cho thanh thiếu niên không, việc học hồi ấy tổ chức như thế nào?”

Ngay lúc ấy, tôi trả lời với học sinh là chắc chắn có tổ chức việc học trong vùng căn cứ kháng chiến, còn tổ chức như thế nào thì chính tôi cũng chưa rõ và xin khất đến một ngày khác sẽ trả lời cụ thể.

Về nhà, tìm được cuốn Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lộc (1930-1975) của Đảng bộ huyện Bảo Lộc in năm 1993, trang 67 có một đoạn ghi: “Trong năm 1963, Tỉnh ủy chủ trương mở các lớp học văn hóa tại vùng căn cứ, lớp học đầu tiên được tổ chức tại buôn Đăng Lú cho 40 em thiếu niên,…”. Như vậy, điều tôi nói với học sinh là không sai, còn tổ chức như thế nào, sau lớp học ấy, việc học ra sao, thì còn phải tiếp tục đi tìm hiểu thêm.

Chợt nhớ rằng, trước đây, tôi có biết một cán bộ tuyên huấn, từng được mọi người gọi là thầy giáo, nên nhân một buổi đẹp trời đầu tháng 9, tôi đến xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc, tìm nhà giáo Lê Văn Nghĩa.

Trong căn nhà có khu vườn rộng, cây trái sum suê, ngay trước cổng Trường Trung học cơ sở Lộc Nga, thầy Nghĩa nói với tôi rằng từ năm 1970, thầy dạy học tại Trường Văn hóa tập trung E 300 sau đổi tên thành Trường Nguyễn Văn Trỗi ở vùng căn cứ, nhưng giai đoạn khởi đầu thì phải tìm đến thầy K’Hành, một trong hai người ban đầu đã làm công tác giáo dục, tại vùng căn cứ của tỉnh Lâm Đồng thời kỳ kháng chiến, thì mới rõ ngọn nguồn. Thế là tôi thuyết phục thầy Nghĩa đi thăm người đồng nghiệp ngày xưa, đã lâu không gặp. Trong buổi gặp gỡ ấy, tôi được nghe kể về một lớp học chắc chỉ có trong thời kháng chiến ở nước ta.

TỪ CÂU CHUYỆN VỀ MỘT LỚP HỌC

Sau ngày khu tập trung Bắc Ruộng ở chi khu Hoài Đức bị phá tan, đồng bào các dân tộc về lại núi rừng nam Trường Sơn, căn cứ cách mạng phía nam đường 20 của tỉnh Lâm Đồng hồi ấy có khoảng 5.000 dân, toàn người Kơ Ho và Mạ, mà chẳng mấy ai biết chữ vì “Giàng không muốn cho người Thượng biết cái chữ”.

Chuyện ông bà lưu truyền lại rằng: “Ngày xưa, người Chàm, người Thượng, người Kinh cùng đi học chữ, người Kinh, người Chàm viết chữ trên miếng lá chuối, người Thượng viết chữ trên miếng da trâu. Do vô ý, người Thượng để chó ăn mất miếng da viết chữ ấy, nên Giàng tức giận không cho người Thượng học nữa. Vì vậy, người Thượng không biết chữ”. Gần hai chục buôn vùng căn cứ kháng chiến, chẳng mấy ai đi học, số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hồi ấy, tuyên truyền chủ trương chính sách đến các buôn làng, phải dùng cách truyền miệng là chính, mà “đi một vai xà gạc thì con gà sẽ to bằng con heo”, cán bộ đi tiếp thu chủ trương về truyền đạt cho dân sai lạc, thiếu sót nhiều, cớ sự cũng chỉ vì thiếu cái chữ, nên nhu cầu phải mở lớp học chữ trở thành một yêu cầu phải làm ngay, dù “ăn chưa no, mặc chưa ấm” và cuộc chiến tranh “đặc biệt” đang đến hồi quyết liệt.

Cuối năm 1962, Ban cán sự T14 - Phân ban Tỉnh ủy Lâm Đồng phía nam đường 20, quyết định mở lớp học xóa nạn mù chữ, tập trung ngắn hạn 3 tháng ở buôn Đăng Lú. Mà cái khó là người Kơ ho, Mạ không muốn đi học, một phần sợ làm trái ý muốn của Giàng, một phần vì sợ các thầy dùng roi vọt như dưới thời Pháp thuộc, nên phải tổ chức hẳn một cuộc vận động già làng các buôn, khuyến khích con em họ đi học, tổ chức một cuộc “rước chữ Bác Hồ” và mít tinh của thanh niên các buôn.

Sáng ngày 28/2/1963, từ các buôn Măng Tố, Đạ Trao, Kon Rum, các đoàn thanh niên nam nữ cùng với già làng, tay cầm đuốc lồ ô, cháy phừng phừng chạy đến các buôn khác, vừa chạy vừa hô “Bác Hồ muôn năm” và “ Hăng hái học chữ Bác Hồ”. Họp nhau lại từ các ngả, tất cả tập trung về buôn Đăng Lú, chỗ ngôi trường mới dựng. Cuộc mít - tinh khai giảng lớp học được tổ chức ở đấy. Lớp chỉ có 30 học viên, giáo viên có thầy Lê Thanh Hà và thầy K’Hành.

Trường làm bằng tranh tre, bàn ghế của thầy trò đều ghép bằng cây tròn, bảng lúc đầu căng bằng tấm nylon đen trên khung tre, sau làm bằng bạnh gỗ của cây cổ thụ B’làng, loại cây này có mấy cái bạnh to ở gốc, dùng rìu chặt cái bạnh thành hình chữ nhật, đem về đẽo mỏng, cạo láng, lấy bột đen trong cục pin cũ ngâm dầu lửa, quét lên thay sơn là có một tấm bảng, mỗi chiều hơn một mét. Ban đầu còn có ít phấn viết về sau phải dùng khoai mì, đất sét nặn thành viên phơi khô, … bảng con làm bằng bẹ tre, thiếu giấy, có em lột miếng lụa tre, ghim lại thành tập như tập vở để viết bài.

Hai thầy giáo thì một thầy chưa biết tiếng dân tộc, một thầy tiếng Kinh còn chưa sõi. Tài liệu giảng dạy không có, các thầy tự biên soạn lấy theo trí nhớ và theo kinh nghiệm. Chương trình cũng do hai thầy tự soạn, gồm có các môn tập đọc, tập viết, chính tả, số học. Hai tháng đầu, dành cho phần học vần, sang tháng thứ ba dành cho môn tập đọc, chính tả và các phép tính.

Việc lên lớp ban đầu do thầy K’Hành đảm nhiệm, thầy Thanh Hà chỉ dự lớp để vừa nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm và học tiếng dân tộc, về sau, thầy Thanh Hà mới lên lớp một số buổi. Cuối buổi học, học viên tập trung vở học, thầy Thanh Hà viết bài vào vở cho học viên theo những chữ mà thầy K’Hành đã dạy.

Học viên ở tại chỗ, tự tổ chức hái rau, nấu ăn lấy, nhiều khi phải ăn khoai mì, măng tre vì gia đình các em cũng thiếu đói, không có lương thực gởi đến. Ban ngày học trên lớp, buổi tối học viên đốt đống lửa lên học theo nhóm hoặc tập văn nghệ, rồi một đội văn nghệ có 15 học viên được lập ra, phong trào vừa học vừa hát làm học viên hứng thú, đua nhau học tập.

Lớp học thiếu thốn như thế mà suốt 3 tháng, không học viên nào bỏ học, cuối khóa có 2/3 học viên đạt yêu cầu. Phần thưởng cuối khóa cũng hết sức đặc biệt: Mỗi học viên được thưởng một gói muối kèm lời dặn “Khi về buôn thì tiếp tục ôn bài học cũ và tổ chức các lớp học, dạy lại cho nam nữ thanh niên trong buôn, giúp cho họ cũng biết chữ như mình”.

Vậy là, với 30 học viên ban đầu, phong trào xóa nạn mù chữ lan ra khắp các buôn làng của căn cứ Nam Lâm Đồng, nên đến tháng 10 năm đó, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức một lớp huấn luyện giáo viên ngắn hạn 3 tháng, ở buôn Ficot trong vùng 3 và từ đó phong trào lan rộng, khắp các căn cứ kháng chiến trong tỉnh.

ĐẾN CHUYỆN VỀ MỘT THẦY GIÁO CỦA RỪNG NÚI

Từ Bảo Lộc theo đường 20 qua chợ Lộc An, huyện Bảo Lâm, chúng tôi theo con đường mới tráng bê tông nhựa phẳng lỳ vào thôn B’Dor, xã Lộc An, mãi gần cuối đường mới tới nhà ông K’Hành, ra đón là một ông già quắc thước, tóc bạc trắng, tuổi khoảng thất thập mà da dẻ còn hồng hào, nói tiếng Kinh chẳng khác người Kinh.

Ngồi bên ấm trà mới pha, ông kể về thời gian làm nhà giáo của ông.

Thưở ấy, người dân tộc thiểu số rất sợ đi học, một phần vì nghe kể các thầy giáo dùng roi vọt ghê lắm, một phần vì quan niệm Giàng không cho người thiểu số học chữ, nên chẳng ai muốn con đi học, nếu muốn con được ở nhà, cha mẹ phải lo lót heo gà, rượu cho chánh tổng, phó lý. Vì là con nhà tộc trưởng nên ông đành phải đi theo lệnh của tổng lý ra BLao học chữ. Hồi ấy, cả một vùng rộng lớn của tỉnh Đồng Nai Thượng chỉ có một trường sơ học ở Blao, một ở Djiring và một trường tiểu học ở Dran dành cho người bản địa, trung học chỉ Đà Lạt mới có.

Đỗ bằng Dip - lôm ở Đà Lạt xong, ông về tập sự dạy học ở trường sơ học Djiring. Hơn một năm sau, ông thoát ly tham gia công tác cách mạng tại Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Thuận, rồi về Ban Tuyên huấn tỉnh Lâm Đồng vừa thành lập, bắt đầu thời kỳ gian khổ “muối trường kỳ, củ mì chiến lược” có lúc ông chuyển về Đội công tác vũ trang tuyên truyền K4, nhưng chẳng bao lâu, ông lại đi vận động bà con người dân tộc thiểu số vùng căn cứ nam Lâm Đồng, rồi mở lớp học ở buôn Đăng Lú. Đến tháng 10/1963 ông cùng thầy giáo Lê Thanh Hà mở lớp đào tạo cấp tốc giáo viên đầu tiên, cho vùng căn cứ Lâm Đồng ở buôn Fikot. Từ đó, khắp các K, tương đương như cấp huyện bây giờ, chỗ nào cũng có ban giáo dục, cũng tổ chức các lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân. Ngay trong lực lượng vũ trang địa phương, năm 1965 cũng mở các lớp bổ túc văn hóa, học vào buổi trưa cho gần 500 chiến sĩ.

Ông kể rằng, vì không biết chữ, cán bộ người Kơ Ho, Mạ đi họp chỉ nhớ việc trong đầu, khi về “vấp phải cái lá cây là quên một nửa, trượt té xuống suối là quên hết”, về đến buôn, chẳng còn nhớ gì nữa, nên dạy cho họ biết đọc, biết viết đúng là một nhu cầu bức xúc lúc ấy. Thế là, ông Lê Thanh Hà và ông K’Hành lại mở một lớp học tập trung cho cán bộ chủ chốt và thanh niên các xã vùng 3 và K1 tại vàm suối Đạ Rơmít buôn Dor Blàng- người Kinh gọi là buôn Tố Lan. Có lẽ đó chính là gợi ý cho ý tưởng lập ra Trường Văn hóa tập trung E 300 tức Trường Nguyễn Văn Trỗi sau này.

Khi Trường E 300 thành lập cuối năm 1969 đầu năm 1970, thầy K’Hành lại tham gia giảng dạy đến năm 1972 mới về lại Ban Tuyên huấn tỉnh Lâm Đồng chuyên phiên dịch và biên tập bản tin song ngữ Việt - Kơ Ho.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông được phân công vận động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng bỏ lối sống du cư, chuyển sang làm vườn trồng cây công nghiệp dài ngày, tổ chức các vùng định canh định cư, vận động đồng bào lầm lạc theo Fulro trở về với nhân dân.

Khi về hưu năm 1993, ông ở tại buôn B’Dơr, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, làm Bí thư chi bộ, vận động bà con xây dựng buôn văn hóa và lại tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Kơ Ho và trực tiếp giảng dạy trong nhiều năm.

Trong câu chuyện ông bảo, đúng ra tên ông đầy đủ phải là K’Ming Brah Yeàng, tên tiếng Kinh là Hoa Huy Hành mới phải, K’Ming là họ của mẹ, Brah Yeàng là tên một ngọn núi cao ở gần Di Linh, nhưng bây giờ mọi người quen gọi là K’Hành rồi.

VÀ NHỮNG SUY NGHĨ VỀ ĐỊA DANH LIÊN QUAN ĐẾN TIẾNG BẢN ĐỊA

Nhân câu chuyện về cái tên, ông K’Hành than thở:

- Bây giờ buôn làng nay có điện, có đường trải nhựa, nhà cửa khang trang hơn xưa, ti vi, xe máy nhiều nhà có, đời sống đã nâng lên một bước rồi, chuyện ấy là “trúng cái bụng, ưng cái lỗ tai” của bà con dân tộc thiểu số. Nhưng nhà không có số, đường không có tên còn quá nhiều, mà việc gắn cho mỗi nhà một con số để người lạ dễ tìm đâu phải là một điều quá khó. Như cái con đường dẫn vào đây, cứ đặt là đường B’Dơr đi, không đặt thì bà con ở đây cũng đã gọi rồi.

Còn dùng tên cũ của người dân tộc bản địa để đặt địa danh là việc nên làm, nhưng còn tùy tiện quá, người ta không biết chữ Kơ Ho nên viết sai hết cả. Thị trấn Madagui thuộc huyện Đạ Huoai từ xưa đã có tên Mà Dàguôil. Dran, Blao nay trở thành D’Ran, B’Lao. Đấy là chưa kể một cái tên mà mỗi nơi viết một khác, tỷ như ở thành phố Bảo Lộc có “Khu Du lịch thác Đam B’ri” và cũng có xã mang tên ấy, nhưng chỉ đi hai chục cây số, xuống dưới đèo Bảo Lộc có thị trấn Đạ M’ri, cùng cái tên đó, có người còn viết là Đạm Ri, Đăm Ri, Đâm Ri nữa ấy chứ, mà lẽ ra nó phải viết là Dà M’bri mới đúng. Còn nếu Kinh hóa thì cũng phải viết là Đạ M’bri, chứ ai lại để tùy tiện như thế.

Ông cười bảo:

- Để tránh cho việc đặt đổi tên đường, tên xã tên buôn theo tiếng dân tộc bản địa cách cảm tính, thiếu cơ sở khoa học thì nên có hội đồng tư vấn, các nhân sĩ, trí thức người bản địa chắc rằng sẽ sẵn lòng làm việc ấy, nó “trúng cái bụng” của họ mà.

Nhấp tách nước trà đặc sánh, thầy giáo K’Hành cho là:

- Sẽ vui biết mấy, khi tên các buôn làng được viết ra đúng như người bản địa nói, nó cũng là một phần truyền thống và cả bản sắc văn hóa của các tộc người bản địa đấy.

Nghĩ lại, tâm tư mong muốn của thầy giáo già, không phải là không có lý và nếu thực sự muốn bảo tồn bản sắc văn hóa, của vùng cao nguyên Mạ này, có lẽ cần phải có một cách làm phù hợp, đúng tầm văn hóa của sự việc, để người bản địa thấy được dấu ấn của dân tộc họ, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ngày nay.

THAY CHO LỜI KẾT

Cuộc chiến tranh vệ quốc đã trôi qua hơn 30 năm, những ký ức về thời kỳ “gian lao mà anh dũng” ấy, đang dần trôi vào dòng thời gian bất tận, khi mà những người sống qua cuộc chiến tranh đang ngày một cao tuổi.

Các việc lớn đã có nhiều sách vở, tài liệu nói đến, còn những việc cụ thể, ở địa phương, như hoạt động của ngành giáo dục trong các vùng căn cứ cách mạng Lâm Đồng hồi ấy, chưa có chỗ nào ghi lại đầy đủ. Có muốn tìm, cũng không biết nguồn tư liệu ở đâu. Lớp trẻ hiện nay, cả giáo viên lẫn học sinh, có bao nhiêu người biết về giai đoạn đáng tự hào ấy, giai đoạn có cả máu, mồ hôi và tâm sức của bao thầy cô giáo, học sinh?

Làm cho học sinh ngày nay biết và tự hào, về giai đoạn phôi thai của ngành giáo dục trong vùng căn cứ kháng chiến, chính là một hành động uống nước nhớ nguồn, tri ân những người đi trước, là một việc cần thiết để giáo dục cho các em giá trị sống, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên trong học tập. Đó cũng là giáo dục tính tự hào dân tộc, dạy cho học sinh lòng yêu nước thông qua người thật, việc thật.
 
Ký sự của NINH THẾ HÙNG