Cơn mưa ngọt ngào

01:09, 28/09/2011

Sau chiến dịch Thu đông, Trung đoàn chủ lực liên khu về đóng quân tại vùng giáp ranh giữa miền xuôi và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi để “rèn cán chỉnh quân” và nơi ấy cũng là địa bàn đứng chân lâu dài trước đây của Trung đoàn. Tình quân dân cá nước gắn bó mặn nồng…

Phút lãng mạn của người cựu chiến binh. (Ảnh minh họa: PVE)
Phút lãng mạn của người cựu chiến binh. (Ảnh minh họa: PVE)
Sau chiến dịch Thu đông, Trung đoàn chủ lực liên khu về đóng quân tại vùng giáp ranh giữa miền xuôi và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi để “rèn cán chỉnh quân” và nơi ấy cũng là địa bàn đứng chân lâu dài trước đây của Trung đoàn. Tình quân dân cá nước gắn bó mặn nồng…

Hôm ấy tôi đi học chính trị về gần trường cấp III của huyện thì gặp tiểu đội trưởng Tân, Tân cố nài nỉ: Tối nay trung đoàn có tổ chức biểu diễn văn nghệ để mừng chiến thắng vừa qua và cũng để phục vụ đồng bào nơi đóng quân, cậu hãy ở lại xem.

Sân khấu dựng ngay sân trường học. Đèn măng-sông chiếu sáng trưng. Người đến xem đông nghịt. Đông nhất vẫn là các bà, các cô và đám thanh niên nam nữ.

Tiếng í ới, tiếng trò chuyện, tiếng cười đùa như ngày hội. Lâu lắm cả huyện mới lại được xem "văn công" nên đồng bào háo hức đến sớm lắm. Tân dắt tôi chui qua cổng sau trường học vòng ra trước sân khấu. Tân bảo:

- Chỗ này được rồi. Diễn viên có bé bằng cái kiến cũng thấy rõ. Kê dép cao su, Tân và tôi ngồi phịch xuống đất.
- Diễn viên là cái đinh gì, lên sân khấu là thành diễn viên tuốt.
- Nghe nói có diễn viên mới toanh đóng vai chính đấy, là hoa khôi của huyện và có thể cả tỉnh nữa kia đấy. Không xem thì phí. Tân nói xong cười cười.
- Có thế mới bõ công ngồi trệt xuống đất, nghểnh cổ lên sân khấu lại mỏi cả lưng.
- Và cũng vì thế tớ mới cố chen, huých kéo cậu đến "vị trí tiền tiêu" này chứ. Bỗng tiếng loa phóng thanh vang vang: Đồng bào trật tự! Vở kịch  "Tình quân dân cá nước" sẽ mở màn cho buổi diễn tối nay. Tiếng vỗ tay vang dậy cả sân trường.

Không hiểu sao tôi thấy hồi hộp nên lấy thuốc lá mời tiểu đội trưởng Tân và tự châm một điếu.

Tiếng nhạc phát ra từ loa phóng thanh nghe dồn dập, thúc giục, vẫy gọi thanh niên lên đường tòng quân giết giặc. Tiếng nhạc vừa dứt, trên sân khấu xuất hiện một đôi trai gái đang bịn rịn, lưu luyến chia tay, chàng ôm ghì lấy nàng và nàng gục đầu vào ngực chàng thổn thức, nước mắt đầm đìa... Hai người quấn quýt như không nỡ rời nhau.

Tôi há hốc mồm và như không tin vào mắt mình. Tro tàn thuốc gió thổi bay tung tóe và tàn thuốc rơi xuống sém cả quần mà vẫn không hay biết. Tôi buột miệng:

- Ôi! Cúc! Đúng là Cúc rồi. Sao lại thế?
- Thì Cúc, chứ sao với trăng gì, là Hoa khôi kiêm diễn viên đấy.
- Thôi! Thôi!

Cơn ghen bắt đầu xông lên đỉnh đầu. Tôi bỗng nổi cáu, vùng vằng đứng lên: Tôi về đây.

- Ồ! Sao lại thế! Sao lại về? Kịch đang hồi mùi mẫn mà.
- Hay hướng, mùi mẫn cái con khỉ! Tôi văng tục.

Tôi hằm hằm xách ba lô rẽ đám đông, đi thẳng. Tôi đi thật nhanh như cố chạy trốn màn kịch vừa xem. Cái cảm giác bị xúc phạm, bị phản bội cứ dâng lên đến tột cùng.

Một tuần sau cái đêm văn nghệ ấy, tôi bảo cậu liên lạc trung đoàn vốn là bạn thân:

- Nhờ cậu đưa thư này cho Cúc. Nhớ là đưa tận tay không qua ai khác.

Sắp đến giờ tan học của trường cấp III rồi đấy. Cậu đi đi! Chẳng mấy chốc cậu liên lạc đã quay về, vẻ hốt hoảng:

- Anh viết thư nói gì thế? Chị xem thư xong, vẻ bực dọc, xé nát vụn, ném tung tóe ra đường. Anh mới đi học về, chị cũng mong anh lắm, sao lại thế? Chị còn bảo: Anh chú là người "ghen bóng ghen gió". Mới đi học về đã biết gì về cái đêm diễn ấy mà đã nặng lời với chị như thế. Lần này anh chú có quỳ xuống van xin, chị cũng không tha cho đâu. Chú về nói lại với anh, chị mệt mỏi đợi chờ để rồi nhận được những lời hằn học trách cứ như thế à?

Nước mắt chị chảy ròng ròng và tiếng nói như nghẹn lại trong lồng ngực.

- Thôi chú về đi.
- Thôi! Thôi! Cậu đi đi!

Lá thư ấy chỉ là cái "đòn gió" tôi thử phản ứng của nàng. Không ngờ nàng phản ứng quyết liệt đến vậy. Tính  nàng vẫn thế. Có lần nàng kể: Nàng cương quyết từ chối lời hứa hôn của cha nàng khi nàng còn là cái bào thai trong bụng mẹ, mặc cha nàng coi lời hứa ấy như một lời nguyền của dòng họ. Nếu cha nàng cố ép thì nàng sẽ tìm đến cái chết. Cha nàng đành nhượng bộ. Thế mà tôi lại dại dột đi viết lá thư kia.

Tôi gục đầu xuống bàn. Tôi mơ thấy nàng. Nàng như luôn ở quanh tôi: phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, lúc ẩn lúc hiện. Nàng nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng trách móc.

- Này, này! Thức dậy đi! Ông tướng.

Tôi giật mình mở mắt nhìn thấy tiểu đội trưởng Tân đứng bên cạnh.

- Đã ngủ gật còn ú ớ nói mê. Cậu làm sao thế? Bệnh rồi phải không? Bệnh này y tế trung đoàn cũng chào thua. Tớ vừa ở nhà mẹ Cúc về. Bà nhắn cậu vào chơi đấy. Bà có thuốc giải cảm gia truyền. May ra... Tân lại bóng gió.

Chiều hôm sau tôi đến nhà nàng với nỗi lòng khó tả. Mẹ nàng đang quét sân. Thấy tôi đến, bà vứt chổi, đon đả:

- Con vào nhà! Con đi học về lâu chưa?
- Con chào mẹ! Thưa mẹ! Con về gần tháng nay nhưng bận quá, hôm nay mới đến thăm mẹ được. Mong mẹ tha lỗi. Tôi nói dối.
- Ồ! Không sao! Bộ đội các con lúc nào mà chẳng bận. Bà nhìn tôi trìu mến. Một lát sau mẹ mang ra một ly nước chanh đầy:
- Đây là nước chanh mẹ pha với mật ong đấy. Mật ong này em nó mua trữ hàng mấy lít, chờ con về. Nó bảo con thích uống nước chanh với mật ong. Con uống đi!

Cầm ly nước chanh mà lòng tôi bồi hồi, xao xuyến. Tôi đã nghi oan cho nàng. Với lá thư dại dột kia tôi đã mất em thật rồi. Thấy tôi ngồi trầm ngâm, mẹ bảo:

- Mẹ biết cả rồi. Hai con đang giận nhau. Mẹ cũng đã bảo em nó đừng có tham gia kịch cọt gì khi con đang đi học xa. Nhưng nghẹt cái, đoàn thanh niên huyện với cả đơn vị của con cứ đến nhà vận động. Mẹ có mỗi mình em nó. Nếu nó có làm sao thì mẹ sống sao nổi. Thấy không từ chối được nó mới nhận lời. Con không nên trách em nó. Con ngồi uống nước, mẹ phải quét cho xong cái sân. Mây đen đang vần vũ. Trời sắp mưa tới nơi rồi. À! Tý nữa mẹ quên con chạy ra dây phơi quần áo lấy hộ mẹ quần áo của em nó và cả nhà phơi lúc sáng, mẹ đang vướng tay.

Tôi chạy nhanh ra hai dãy dây phơi và, chỉ cần đi dọc theo hai dãy dây phơi là tôi có thể nhận biết quần áo nào là của Cúc. Thứ mồ hôi quyến rũ từ quần áo của nàng từ lâu đã thấm vào hệ thần kinh và khứu giác của tôi rồi.

- Thưa mẹ! Đây là quần áo của cả nhà và đây là của em Cúc ạ!

Bỗng mẹ cuống quýt: Con để đấy được rồi. Con cầm cái áo mưa này đi đón em nó ngay. Chiều nay đi học nó không mang theo áo mưa. Chốc nữa về, ướt hết. Con đi nhanh đi! Mẹ nhìn tôi khích lệ.

Tôi cầm áo mưa đi như chạy vì đã quá giờ tan học của trường. Tôi đi đến gần trường thì trời đổ mưa. Thấy tôi đến, các bạn gái cùng đi với nàng vội tách ra, vượt lên trước.

Tôi bước nhanh đến khoác áo mưa vào vai nàng. Ro.oạt! Nàng hất, chiếc áo mưa rơi xuống đất. Tôi cúi người nhặt, giũ nước mưa, chạy theo... Ro.oạt! Chiếc áo mưa lại rơi. Tôi lại nhặt và cố đuổi theo. Lại hất, áo mưa lại rơi.

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt và lòng tự ái nổi lên, tôi định bỏ cuộc. Nhưng nhớ lại ánh mắt khích lệ của mẹ nàng, tôi nhẫn nhục chạy theo. Lần này chẳng những nàng đứng yên cho tôi khoác áo, nàng còn kéo tôi đứng sát vào người, rồi kéo mép áo kia choàng vào người tôi. Khi lật nghiêng chiếc nón Cúc đang đội để choàng áo mưa, tôi nhìn thấy hai dòng nước mắt chảy dài theo hai má trộn lẫn những giọt nước mưa xiên hắt vào. Tôi bỗng thấy lòng se lại. Tình yêu thương Cúc bỗng dâng lên đến tột cùng và, cũng có thể nàng đã thương cảm về sự hối lỗi của tôi và, nghĩ rằng "đòn tra tấn" sự ghen bóng ghen gió của tôi đến thế đã đủ.

Lúc này quần áo bằng lụa mỏng của nàng đã thấm ướt, những đường cong thiên thần hiện ra rõ nét. Tôi e ngại và sợ sợ thế nào ấy.

- Sao chỉ mang có một áo mưa? Ướt hết cả rồi. Cảm lạnh lại làm khổ "người ta". Nàng nói trống không.

Nghe nàng nói thế tôi vui sướng  như không có gì vui sướng hơn. Tôi như đứa trẻ có lỗi, được tha lỗi lại còn được cho quà. Chúng tôi cứ đi trong mưa trong im lặng.

Tôi mong con đường cứ dài ra dài ra mãi đến vô tận để tôi được đi bên nàng mãi mãi. Nhưng con đường dẫn đến nhà nàng sắp hết. Bỗng nàng đứng lại, xoay người nhìn thẳng vào mắt tôi, dùng ngón tay trỏ bàn tay phải dí vào trán tôi kéo xuống gần chót mũi và, vừa nói nàng vừa nhấn ngón tay như để tăng thêm sức mạnh cho lời cảnh báo của nàng:

- Đừng, đừng có bao giờ lại viết thứ thư "đoạn tuyệt" học lỏm của các ông Tự lực văn đoàn ấy nữa. Nếu lại còn... thì tuyệt là... là mất - mất em thật đấy. Nhớ nghen!

Nói xong nàng dướn người ôm lấy cổ tôi hôn đánh chụt vào má rồi chạy biến vào nhà.

Tôi đưa tay lên má như cố giữ lại hương vị của nụ hôn nhớ đời. Đêm ấy tôi ngủ một giấc ngon lành như chưa hề được ngủ như thế bao giờ. Tôi mơ thấy nàng và tôi quấn quýt, bay bổng, tan biến, hòa nhập vào nhau dưới bầu trời đêm đầy sao đang nhấp nháy.

Đợt "rèn cán chỉnh quân" kết thúc. Trung đoàn được tăng thêm quân số, bổ sung hỏa lực, quân lương... chuẩn bị mở chiến dịch "Tây tiến" lên miền tây liên khu.

Trong đoàn quân tây tiến năm ấy có anh bộ đội Cụ Hồ mang theo hình bóng nàng "diễn viên" xinh đẹp vào trận đánh với tinh thần quyết chiến, quyết thắng và mơ đến ngày kết thúc chiến dịch thắng lợi trở về.
 
Truyện ngắn: Nguyễn Tùng Châu