Đôi triêng gióng của mạ

03:09, 14/09/2011

Hình ảnh chiếc đòn gánh và đôi triêng gióng đối với thơ bé tôi không xa lạ gì, bởi mạ tôi và các bác nhai trầu hàng xóm ngày nào cũng vác đòn gánh trên vai với hai cái thúng nằng nặng ở hai đầu.

Tôi thuộc thế hệ 6X ở Huế. Bài học đầu tiên thời ấu thơ tuổi lên bốn, lên năm của tôi, là nghe chị tôi học bài địa lý nào đó, ví rằng đất nước mình ngoài cong cong hình chữ S, còn giống như một đôi triêng gióng (các nơi gọi là đôi quang gánh), mà hai miền Nam - Bắc là hai cái thúng, còn miền Trung như chiếc đòn gánh mảnh mai mà dẻo dai đến lạ kỳ. Hình ảnh chiếc đòn gánh và đôi triêng gióng đối với thơ bé tôi không xa lạ gì, bởi mạ tôi và các bác nhai trầu hàng xóm ngày nào cũng vác đòn gánh trên vai với hai cái thúng nằng nặng ở hai đầu.
 
Gánh hàng hoa
Gánh hàng hoa

Ngày đó, nhà tôi ở phố thị nhưng mạ vẫn trồng rau để đưa ra chợ bán. Sáng nào tinh mơ tôi cũng dậy sớm để làm cái công việc chạm tay vào hai đầu thúng vì mạ bảo làm như thế mạ bán hàng mau hết. Đến trưa, mạ đi chợ về, thường lồng hai cái thúng vào nhau, cái thúng nằm trên có hàng chợ về, bao giờ cũng hấp dẫn và hồi hộp, thường là mấy cái kẹo, mấy cái bánh gương tròn vuông bọc giấy xanh đỏ tím vàng. Cái thúng của mạ trong đôi triêng gióng coi vậy mà cả một bầu trời bé thơ đầy khát vọng huyền ảo và đầy mơ ước.

Những năm đó còn chiến tranh. Mạ tôi kể lần lượt mấy anh chị tôi thường được bỏ ngồi nơi hai đầu thúng để mạ gánh chạy tránh đạn lửa. Tôi nghe mà cười ré lên, nhưng rồi cũng có một lần nửa đêm bị xốc dậy cho vào đầu thúng và gánh chạy đi như thế, miệng lưỡi bé thơ ngày thường liến thoắng giờ im phắc lo sợ, nghe đạn vi vu trên đầu đan chéo trên trời cao những đường sáng như lời đe dọa cuối cùng. Sau này tôi mới biết té ra trong đời, đôi triêng gióng của mạ đã từng là ân nhân đưa mình rời xa cái chết.

Tôi nhớ vào những năm 70 thế kỷ trước, trên các nẻo đường phố Huế hồi đó sáng và trưa có rất nhiều đôi triêng gióng rủ nhau đi thành đoàn, trong đó có mạ tôi. Một trong những hình ảnh quá đẹp còn lưu lại trong trí nhớ là cảnh mạ trở đôi triêng gióng trên cái bao lơn giữa cầu Trường Tiền trong một chiều cả gió, tà áo mạ bay lên trong ráng chiều như một nét lãng mạn cuối cùng của một đời lam lũ vì đàn con thân yêu. Những cái bao lơn này, ngoài việc để cho người qua cầu hóng gió, còn là nơi cho các chị, các mệ dừng chân trở vai kẻo mỏi. Sau này người ta sửa cầu, làm mất cái bao lơn, tự thân đã vắng cái nhân văn của mấy ông sửa cầu, mà còn làm gãy đổ cả một trời ký ức của người dân Huế. Hồi đó báo chí nói rất dữ cái chuyện sửa cầu Trường Tiền mà làm sai lệch cả một biểu trưng văn hóa. Nên chi hình như mấy ông sửa cầu chịu không nổi đã hứa là sau này sẽ làm lại cái bao lơn trên chỗ dành cho người đi bộ, nhưng rồi năm tháng đi qua, lời hứa cũng theo gió qua cầu bay biến đi đâu rồi...

Sau này khi rời phố về làng, mạ tôi vẫn thủy chung với đôi triêng gióng, cho tới ngày hôm qua đó thôi, mạ lặng lẽ chùi nước mắt gác triêng gióng lên giàn bếp vì sức đã cùng kiệt rồi. Những đứa con khôn lớn do mạ nuôi từ đôi triêng gióng mòn vai đã bay đi, mạ ở lại chốn quê nghèo và đôi triêng gióng cũng không còn đung đưa trên nhịp bước đường quê được nữa...

*

Một sáng nào đó, nghệ nhân thêu thùa số một hiện nay ở Huế là ông Lê Văn Kinh khoe với tôi bức tranh thêu những người đàn bà gánh triêng gióng qua cầu ngói Thanh Toàn, soi bóng xuống dòng sông Như Ý. Chắc nhiều người biết tiếng ông Kinh ngoài cổ vật cành vàng lá ngọc, ông còn là chủ nhân nhiều chiếc ấm cổ như Mạnh Thần, Tuyên Đức, chiếc nghiên mực bằng gỗ lim đã có vài trăm năm tuổi, là chiếc đế đèn khắc đầu rồng năm móng và hàng bao nhiêu thứ khác nữa...Tuy nhiên, câu chuyện về bức tranh làm tôi xúc động là hình ảnh người mẹ của ông. Người con gái ấy tuy con quan Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo, nhưng từ thửơ thiếu nữ lại đã hàng ngày dậy sớm, rời khỏi phủ quan ở Thành nội Huế để đi bộ năm bảy cây số ra chợ An Hòa mua gạo về buôn đi bán lại. Cha của ông Lê Văn Kinh, ngày đó là một anh học trò bất đắc chí phải làm nghề thiêu lụa, được vời vào trong phủ để trang hoàng. Họ phải lòng nhau và quan lớn cảm động trước tình yêu của đôi trai tài, gái sắc ham lao động đã đứng ra tác thành cho họ. Ông nói bức tranh ấy được làm ra trong một ngày mà nỗi nhớ về mẹ của ông đã cao như núi, dài như sông. Chiếc cầu ngói trong tranh đúng nguyên bản nguyên thủy của nó, chỉ làm bằng gỗ và ngói, chưa có bê tông cốt thép như những lần tu bổ sau này. Nhưng lạ nhất là những người con gái gánh gạo qua cầu thì lại đang mặc những chiếc áo dài nối tay. Chiếc áo dài này quả là đặc biệt, bởi phía trên thân và tay áo có màu trắng, trong lúc đôi tà áo lại màu nâu. Té ra ngày xưa con gái Huế đã có những chiếc áo dài nhiều màu như mốt thời trang hiện đại bây giờ, và cùng đi với “model” áo nối tay ấy, là chiếc nón lá trên đầu và đôi triêng gióng trên vai. Ông Kinh cho biết, ngày xưa con gái đi lấy chồng, cha mẹ thường cho một đôi triêng gióng, dụng ý dạy con về làm dâu phải biết “đòn gánh đè vai” để lo tròn đạo làm dâu...

Tôi biết không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đã nao lòng trước những bức ảnh các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật chụp những người mẹ đi qua cồn cát trắng miền Trung bất kể sáng hay trưa hay chiều. Mô típ cái bóng nhỏ với đôi triêng gióng vắt qua vai như vắt qua những nhọc nhằn của phận người, giữa mênh mông cát trắng thường làm cho người ta buồn một nỗi buồn thẳm sâu. Những chớp thu ấy gợi nhắc về những đôi triêng gióng nặng trên vai những người phụ nữ quê tôi, vất vả qua tháng năm nối những bước chân chạy chợ từ đồng sâu, biển vắng đến núi thẳm, nguồn xa để mang về cơm áo cho gia đình. Không có mái tranh nghèo khói lam chiều thương nhớ cho mỗi bước chân về, những người phụ nữ chân yếu tay mềm không thể chịu nỗi cái oằn vai trên đường xa vạn dặm . Tôi thấy tôi nợ mạ tôi không chỉ miếng cơm, lời giáo huấn, mà nợ cả hình ảnh đôi triêng gióng thường trực gần như suốt cả cuộc đời trên vai mạ...

*

Ngày mạ tôi gác lên bếp đôi triêng gióng, tôi cảm nhận rất rõ một thế hệ đang khép lại những bước chân nhọc nhằn song đầy hy sinh và quá thừa nhân ái ngay trước mắt tôi. Tôi nhận ra bây giờ chợ phố hay chợ quê đều ít có đôi triêng gióng hơn xưa. Người ta không còn gánh rau xuống chợ mà chở bằng xe honda, xe goòng, người ta thôi gánh đôi triêng gióng đi chợ mà thay vào đó là cái giỏ nhựa, và cái vô duyên nhất (song oái ăm là tiện lợi làm cho người ta trở nên lười biếng nhất), là tất tần tật những gì đi chợ đều cho vô những túi ni lông, rồi sau đó thải ra đất đai làm ô nhiễm môi trường kinh khủng. Chao ôi, ngày xưa, những tàu lá chuối trên những cái thúng đựng theo lớp lang bao nhiêu là thứ, và khi xong việc, cái tàu lá chuối tự nó lẳng lặng nằm xuống góc vườn rồi hóa thân trong đất, bình dị như một đời triêng gióng của những người phụ nữ tảo tần như mạ tôi...
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC