Hơi thở muối

02:09, 14/09/2011

Muối, trong con mắt thế gian, nó được tách ra từ nước biển bởi sự bốc hơi, nên nó cũng là một loại lửa được giải phóng từ nước, nó là tinh hoa và sự đối lập…

Ngày nhỏ, khi đọc cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi đã gần như rớt nước mắt khi nhà văn kể về những cơn đói muối của dân làng Kông Hoa của người Ba Na trên vùng đất Tây Nguyên. Đói muối đến người lớn trẻ con lả dần, đi không nổi, đứng không vững, mắt mờ hẳn, phải tìm cái ăn nào cho thỏa cái mặn môi. Đói muối, kẻ thù nham hiểm dùng muối để thách thức lòng trung kiên của dân làng. Đói muối, phải bứt dần cả mái tranh trước hiên nhà đốt thành tro. Đói muối, phải đi tìm quả cây có vị mặn đến mức ăn nhằm trái độc... Thưở đó, tôi cũng có những cơn đói gắn liền với muối, trong cơn đói triền miên của tuổi mới lớn những năm tám mươi, cố ăn thật nhiều muối để rồi khát, kích thích uống nhiều nước cho cái dạ dày đỡ kêu gào...
 
Hoàng hôn trên biển.  Ảnh BN
Hoàng hôn trên biển. Ảnh BN

Tuổi thơ tôi có nhiều thứ gắn liền với muối. Chơi trò ném đất bị trúng một cục đất rang u đầu: muối. Chia phe chơi đập bậy u đầu, sưng mặt: muối. Trèo cây gãy cành rớt toàn thân ê ẩm: muối. Đá banh chân đất ham đến độ toác móng: muối... Gần như chỉ có mấy năm thời thơ ấu, cả người chỗ nào cũng có ít nhất một lần được mạ nhai muối đắp lên, đến mức cái sống sít của muối còn bám trên da đến tận bây giờ là bốn mươi năm sau và còn kéo dài nữa. Sau này nghiệm ra, muối của mạ mau lành hơn bất cứ một loại thuốc thang nào khác...    
   
Để ý một chút, thấy đời sống của mạ gắn liền với muối nhiều lắm. Ở Huế, cúng quẩy gần như quanh năm. Tháng Giêng cúng rằm Nguyên Tiêu, có áo cháo gạo muối, hột nổ mạ bỏ chung trong cái dĩa, thêm cục đường. Từ đó cho đến tháng mười hai, bao giờ cúng mạ cũng chuẩn bị lễ vật có muối. Hôn lễ chị Hai, mạ gói cho chị nắm muối củ gừng, dặn chờ khi làm lễ động phòng, đưa cho chồng mới cưới cùng ăn, gọi là “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Thực tế thì cả nước Việt cùng tôn thờ hạt muối theo những ý nghĩa nhân văn khác nhau như thế. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm cho biết: “Để cho quan hệ vợ chồng bền vững, khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao nhau nắm đất và gói muối. Nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó đất đai-làng xóm-quê hương; gói muối là lời cầu chúc cho tình nghĩa giữa hai người mặn mà chung thủy”. Chị Hai làm nhà mới dọn về ở, mạ dặn phải chuẩn bị trước một thùng gạo đầy, một thùng nước đầy, một thùng muối đầy. Mạ nói ba thứ đó là rất cần thiết, có nó thì cuộc sống mới sung túc, mới đầy đủ được...
   
Lớn lên đọc sách, nhận ra trong tiến trình tồn tại cùng nhân loại, muối còn gắn với rất nhiều biểu trưng khác nữa. Muối, trong con mắt thế gian, nó được tách ra từ nước biển bởi sự bốc hơi, nên nó cũng là một loại lửa được giải phóng từ nước (L.C de Saint Martin), nó là tinh hoa và sự đối lập. Ngược lại, hạt muối khi hòa tan trong nước, lại là biểu tượng của phái Mật tông về sự hòa tan của cái tôi cá nhân trong cái ta phổ biến. Người Nhật Bản, trong những nghi lễ Thần đạo, đã đem muối xếp thành từng đống nhỏ cạnh lối vào nhà, trên thành giếng..., như muối chính là biểu tượng của sự tẩy uế và bảo vệ. Với người Do Thái cổ, toàn bộ vật hiến tế phải thánh hóa bằng muối. Việc họ cùng ăn muối với nhau (người ta chia sẻ muối với nhau như chia sẻ chiếc bánh mì), được xem như là cùng theo một tình ngưỡng, cùng có mối liên hệ như tình anh em. Người Sémites cho rằng cùng nhau ăn bánh mì và muối là biểu tượng không thể phá hủy được. Nhiều dân tộc khác nhau cũng đã xem muối như là lời hứa không thể phá hủy, muối của sự giao ước là không thể hư hỏng mà ngay đến Chúa Trời cũng không thể phá hủy...
   
Ngày nọ, người bạn gái phương trời viết thư, quê mình làm muối, đến hơi thở cũng mặn, bạn có muốn về thăm không? Dạo đó khó khăn, mỗi chuyến đi xa là cả một vấn đề, thành ra hơi thở muối của bạn, tôi không bao giờ được cảm nhận. Trong những giấc mơ ngày đó, có lần tôi mơ thấy tôi đứng trước cánh đồng muối, hít đầy lồng ngực cái không khí nằng nặng mùi vị mặn đúc kết trong không gian, lòng cảm khái như thể mình đã thực hiện một cam kết gì đó rất trọng đại trong đời. Tiếc thay đó chỉ là giấc mơ.

Nhiều năm sau, tôi có nhiều lần qua lại các cánh đồng muối dọc miền Trung. Những cánh đồng muối rất đẹp lúc chiều về, những hạt muối trắng nhưng nhức như những tinh hoa của đất trời hội tụ vun thành núi cao. Nó đứng vững chãi như một xác tín về lòng tin, bất chấp không gian đang ngập trong thứ màu vàng vọt phôi pha của buổi chiều tà. Mạ tôi nói, khi nào đi đường mỏi mệt thì ngậm một hột muối. Tôi đã nhiều lần làm theo lời mẹ dặn khi đi qua những cánh rừng già. Và trong những lúc mỏi mệt trong đời, tôi thường nhớ đến hình ảnh của những rặng núi muối dọc miền Trung gió cát, ở đó có cho tôi vị mặn hồi sinh, như thể tôi đang đứng trước một niềm tin lớn lao trắng xóa tinh khiết đằng kia, và bên cạnh là những sợi tóc mặn mòi bay bay trong gió...
               
THANH NGỌC