Mỗi một mối tình kết nghĩa đều mang cảm hứng thi ca, là tiếng gọi thân yêu từ con tim, thúc giục ta lên đường vì nghĩa lớn…
Hát múa “Hà Nội – Huế - Sài Gòn |
Hồi ấy, chương trình môn văn của học sinh cấp Một ở miền Bắc có những bài học thuộc lòng, phổ biến là văn vần, mang ý nghĩa chính trị - thẩm mỹ khá sâu sắc. Bài thơ Học đi mà nhớ mãi: “Học đi em, học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái/ Quê hương ta, đồng ruộng phì nhiêu/ Đủ bốn mùa hoa trái/… Học đi em, học đi mà nhớ mãi/ Đất ta liền một dải/ Như máu chảy trong người/ Kẻ nào định chia đôi/ Chia lòng ta sao được/ Em học đi cho thuộc/ Rằng lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”- Lời thơ giản dị, biểu thị lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước, quyết tâm đấu tranh để giang sơn một mối. Bài thơ Cây dừa nói lên nỗi lòng của một thiếu niên ở Tam Quan (Bình Định) theo bố mẹ tập kết ra Bắc: “…Em nhớ trái dừa tròn/ Của quê em Bình Định/ Bấm ngón tay em tính/ Ngày trở lại vườn dừa”. Một tình yêu ngời sáng niềm tin vào ngày thống nhất không xa…
Mỗi một mối tình kết nghĩa đều mang cảm hứng thi ca, là tiếng gọi thân yêu từ con tim, thúc giục ta lên đường vì nghĩa lớn: “Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt/ Chưa trọn nghĩa Sài Gòn, Đà Nẵng/ Ta tạm biệt xa nhau/ Chào phố biển thân yêu”. Người ở lại bảo vệ và xây dựng hậu phương, hứa hẹn tương lai với miền Nam: “Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngửng đầu/ Trăm trận đánh, quê ta kiên cường/ Hải Phòng ơi! Hôm nay bé nhỏ/ Mai ta sẽ thấy rộng dài, rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn - Đà Nẵng quê hương”(Bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ của Lương Vĩnh).
Giữa những ngày Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc năm 1965, bất chấp máy bay địch có thể ập đến bắn phá, Đoàn chèo miền Đông tỉnh Hải Hưng (nay đã tách thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) vẫn về các làng quê, phục vụ nhân dân vở Những ngày đầu sóng gió của tác giả Ngọc Phúng - Hoài Giao, ca ngợi tinh thần lao động sản xuất của người ở hậu phương hướng ra tiền tuyến; chống thói lười biếng, sự bạc nhược của một số phần tử tiêu cực trước bom đạn giặc. Dưới ánh đèn măng xông, hình ảnh những anh chị dân quân vai đeo súng trường, bao đạn ngang lưng, giơ tay thề: “Vì Phú Yên (tỉnh liên kết với Hải Dương) - Long An (tỉnh kết nghĩa với Hưng Yên) ruột thịt sắt son”. Câu khẩu hiệu được nghệ thuật hóa, trở thành mệnh lệnh trái tim, vượt xa ý nghĩa của chính nó khi được viết trên panô hay những bức tường! Cũng năm đó, ở Hà Tĩnh, Đại đội pháo phòng không Bình Hà (ghép 2 chữ đầu của tên 2 tỉnh kết nghĩa: Bình Định - Hà Tĩnh) bắn rơi chiếc F105D của Mỹ. Chiến công ấy như là món quà tặng vậy: “Ai vào Bình Định quê ta/ Nhắn giùm: Bình Hà vừa hạ máy bay/ Một thằng thần sấm tan thây…”
Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong những tác giả diễn tả cảm xúc về kết nghĩa Bắc Nam khá đặc sắc. Từ Hai chị em “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh/ Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình/ Hai chị em trên hai trận tuyến/ Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”, tác giả khắc họa hình tượng người con gái Việt Nam với tầm cao hơn: “Trang sử vàng chống Mỹ, cứu nước/ Sáng ngời tên những cô gái Việt Nam”, song cũng rất giản dị: “Tan giặc về, em hát chị nghe”. Trong nhạc phẩm trứ danh viết về Quảng Bình anh hùng, Hoàng Vân đã nói được tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân nơi đây đối với tỉnh kết nghĩa bên kia dòng Hiền Lương: “Quảng bình, quê ta ơi!/ Muôn người như một gửi về Trị-Thiên tấm lòng sắt son/ Hẹn ngày thống nhất/ Ta sẽ về chung một nhà”… Hay như trong nhạc phẩm Hà Nội - Huế - Sài Gòn, ông viết “Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội/ Bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu…”
Không thể kể hết những xúc cảm phản ánh tình kết nghĩa Bắc-Nam. Như lửa thử vàng. Tình nghĩa ấy đã trải qua những thử thách vô song. Nó xứng đáng được nâng niu như những gì quý giá nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, và không chỉ trong ký ức…