Trong vỉa tầng ký ức đời người, mùa thu thường hiện lên trong tôi một không gian cao rộng của tầng không.
Mùa thu xứ Huế. Ảnh Internet |
Hơi thở của mùa thu cũng nhè nhẹ hơn, không hừng hực như mùa xuân tràn đầy, không riết róng như mùa hạ nóng bỏng và không xuýt xoa như mùa đông lạnh giá… Ngày xửa ngày xưa, mùa thu gieo hạt giống trong ký ức trẻ thơ là những dòng thu sang “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh. Gần như không chỉ trong tôi, mà trong nhiều người khác, đó là một áng văn đẹp nhất về buổi tựu trường.
Năm nào đó, giữa xứ Huế đọc xong bài “Thu điếu” của thi hào Nguyễn Khuyến, lòng thơ trẻ của tôi hình dung mùa thu là giấc ngủ trưa yên ả dưới khóm trúc nín thinh trong gió. Đến khi đọc “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, mùa thu gõ vào nhịp tim tôi là tiếng lá khua động trong không gian tĩnh mịch rừng thưa của con nai mơ hồ nào đó. Và khi nhìn thấy phiên bản bức tranh “Mùa thu vàng” của Lê-vi-tan in trên giấy bóng trong tạp chí ảnh của Liên bang Xô Viết cũ, tôi nhận ra thế giới mùa thu không chỉ có tiếng dế mèn trái mùa nơi bãi biền ven sông, mà còn có cái mênh mông của thảm lá vàng rơi… Mùa thu tích cóp dần trong tôi qua tháng năm toàn là những kỷ niệm kiểu như thế, và lòng tôi luôn luôn mở cửa đón nhận những vị khách mơ hồ, hiền hòa và đầy bất ngờ cao rộng của sự nhẹ nhàng không biên giới, trải dài vô bờ bến như những làn sóng lăn tăn trên một dòng sông dìu dịu…
Trong mênh mông tuổi dại của tôi, mùa thu đóng thành một lớp ẩm mục và thường thơm mùi sách vở trẻ thơ. Thế nhưng, mưa nắng đất Kinh kỳ cũng dạy dỗ cho tôi biết rằng giữa mùa thu trong trang sách với mùa thu thực tế ở Huế, đã có một khoảng cách biệt rộng lớn. Ngày đầu tiên đi học của tôi, không có nắng vàng tươi rực rỡ trên cao, không có hoa cỏ hai bên đường và không có cả lá ngoài đường rụng nhiều…, mà hôm đó là một ngày “nắng tháng Tám nám trái bưởi”, nắng đổ mồ hôi cháy da cháy thịt mà cái nóng của nó hãy còn đeo đuổi tôi đến hơn ba mươi năm sau, đến tận bây giờ.
Hôm trước mở blog thấy có một người bạn nhắc nhở đặt dấu hỏi Huế làm gì có mùa thu? Bèn nói thật là tôi nghĩ mùa thu Huế quá ngắn đến mức nhiều người không kịp cảm nhận ra rằng Huế có mùa thu. Và rồi, cũng có thể vay mượn trong trí tưởng tượng một chút thu sang từ mơ hồ xa xôi nào đó để ứng với Huế, như thể cũng có mây bay trôi ngang đỉnh Ngự, như thể lá rụng đầy sông Hương hay trong những khu vườn Huế. Thế rồi mới thấy là không thể tưởng tượng ra mãi, bởi vì vòm long não trên đường Lê Lợi vẫn ngang nhiên xanh, không nhuốm một chút vàng nào để rụng. Vậy Huế có mùa thu không, và mùa thu Huế nó thế nào?...
Có lẽ cái mát dịu của mùa thu xứ Huế cũng chỉ đến với người len lén trong khuya sâu như thế thôi. Hình như Huế chỉ có mùa thu về mặt thời gian, còn về mặt không gian thì họa hoằn lắm mới có được những ngày thu sang thắm thiết. Nhưng mà vẫn thấy mùa thu Huế chuyển rõ ràng sau những cơn mưa bất chợt như nước mắt vợ chồng Ngâu rơi xuống vào những ngày cuối hạ. Mưa nhẹ thôi, từ tang tảng sáng, hay từ xê xế trưa, để im vắng một khoảng trời nhung nhớ truyền thuyết thủy chung từ đó giăng nhớ sang chiều, sang đêm. Mùa thu xứ Huế về mặt không gian thì nhẹ nhàng, ngắn ngủi như không có gì, diễn ra cũng chỉ vài ngày im ắng, song về mặt thời gian thì lại nặng bao khối ân tình. Ngoài chuyện vợ chồng Ngâu qua cầu Ô Thước gặp nhau trong ngày Trùng Thất, Huế còn có cả một mùa Vu Lan con cái báo hiếu cho cha mẹ. Huế có gần một nghìn ngôi cổ tự, ngày rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, con cái lên chùa lễ Phật cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Sông Hương năm nào cứ đến ngày rằm tháng Bảy, hoa đăng nhà chùa thả giăng đầy mặt sông, như màu thu hoa đăng rực lên trong đêm về ý niệm sống nhân bản. Trong cả năm, mùa phóng sanh nhiều nhất của người dân Huế cũng là vào dịp này.
Thế nhưng, tất cả những câu chuyện ân tình ấy lại diễn ra rất đỗi nhẹ nhàng như tiếng chuông chùa nhẹ đưa, như lá trúc khẽ chao nghiêng trước gió. Ở đây có hai điều cần nói. Thứ nhất là tính cách Huế chi thì chi đi nữa, vẫn là thứ tính cách nhẹ nhàng, khoan thai hạng nhất thế giới, nên tính cách Huế cũng có thể ví von như tính cách mùa thu (khác xa với tính cách sôi nổi rộn ràng như mùa xuân, tính nóng như lửa của mùa hè, tính lạnh như mùa đông). Thứ hai, người Huế thường hay đùa về cái tình cảm của mình “chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thăng trầm”, thấy cũng y như mùa thu xứ Huế. Như thể cái mát dịu được chắt chiu cả năm, để dành ra mát dịu cho đời được vài ngày thu Huế ngắn ngủi…
Lững thững về làng mùa thu, mùi rơm phơi dọc đường làng dậy lên tươi mới thơm thơm ngọt ngọt. Sau những ngày nắng gắt, rau cỏ trong vườn như tươi non hơn sau những cơn mưa chuyển mùa. Để ý thì mới thấy rau muống dịp này ở Huế ngon nhất trong năm. Như thể cơn mưa sau chuỗi ngày nắng gắt mùa hạ đã đánh thức tất cả những mầm sống của cọng rau, khiến cái đọt rau nó trườn ra mãnh liệt, khiến cái ngọt thanh của cọng rau muống cũng được dịp mà non, mà mềm. Ăn rau muống dịp này nên ăn cả nước luộc vắt tí chanh, đơn giản vậy mà khó có sơn hào hải vị nào sánh bằng…
Về làng gặp lúc ngay sau trận mưa lớn, có khi lụt tiểu mãn, bấy giờ cánh đồng làng vừa gặt xong, cá rô, cá trê từ hói rúc lên đồng, chỉ cần đặt chẹp là bắt được khối cá. Con cá rô đợi sang tháng Mười mới ngon, nhưng lúc này cũng là lúc cá trê đã vàng lượm cái lườn béo ngậy. Cá rô bấy giờ mang đầy trứng kho với dưa cải, chắc không ai quên được món nồng đậm đồng quê…
Mùa thu Huế ơi, sao ngắn chẳng tày gang mà bao nhiêu câu thơ viết hoài không hết…