Người đàn bà yêu gió

03:09, 07/09/2011

Ka Thoan học một lớp với tôi, nhưng nhìn chị có vẻ già hơn tôi đến năm, bảy tuổi. Là học sinh dân tộc ít người, chị được ưu đãi một số chế độ riêng. Nhưng Ka Thoan rất độc lập trong suy nghĩ. Cái gì biết thì nói biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa của Bình Nguyên
Ka Thoan học một lớp với tôi, nhưng nhìn chị có vẻ già hơn tôi đến năm, bảy tuổi. Là học sinh dân tộc ít người, chị được ưu đãi một số chế độ riêng. Nhưng Ka Thoan rất độc lập trong suy nghĩ. Cái gì biết thì nói biết. Cái gì không biết thì nói không biết. Đi học, chị vẫn mặc y phục truyền thống của mình, trong khi bạn bè trang lứa với chị họ mặc quần jean, áo pull, đi guốc cao gót. Hai năm rồi, Ka Thoan thi trượt tốt nghiệp phổ thông, nhưng chị vẫn học lại. Kiên nhẫn như chị là một điều hiếm thấy trong các cô gái người dân tộc K’ho. Thật ra, Ka Thoan cũng quên luôn cái tuổi rồi. Mẹ chị đẻ chị trong rừng, thiếu thốn mọi phương tiện y tế. Đêm đó, địch càn vào buôn, mẹ chị là cán bộ cách mạng, một mình vượt cạn, rồi một mình bọc con trong gùi chạy lên núi. Người mẹ bị thương. Đứa con còn sống sót là may mắn lắm rồi!

 
- Sao da Ka Thoan đen quá vậy? - Tôi ngây ngô hỏi.

Ka Thoan không giận, chị mỉm cười trả lời, người mình ai mà không đen. Người dân tộc mà, cực khổ lắm! Mình thích đi làm cái nương hơn đi học.

Đi học khó quá, nhưng cách mạng bảo phải biết cái chữ, phải giỏi cái khoa học mới có cuộc sống tốt đẹp được. Mẹ mình nghe theo cách mạng, cách mạng giúp Ka Thoan, nên Ka Thoan phải đi học thôi…

Tôi rất cảm động bởi những lời chân thật của Ka Thoan. Cuối tuần mẹ gói ít thức ăn, tôi chia cho Ka Thoan một nửa. Chị thật thà không dám lấy, tôi nói mãi Ka Thoan mới nhận, nhưng trông chị có vẻ ngượng ngùng lắm thì phải. Chị ít nói chuyện với ai, rất chăm chú học bài nhưng thường là điểm yếu. Thấy thế, tôi luôn dành thì giờ ôn tập cho chị. Đổi lại, Ka Thoan thường hát cho tôi nghe điệu hát ru của dân tộc mình. Giọng ca rất hay, nhưng lời thì tôi không hiểu, Ka Thoan phải làm "thông dịch viên" cho tôi. Thuở đó, tôi đã có năng khiếu về văn học nên tôi nhận ra một số giá trị trong những lời ru ấy. Sau này, những bài thơ tôi viết về mảnh đất Tây Nguyên đều có cái âm hưởng dân ca của dân tộc chị. Thấy tôi yêu dân ca, chị rất thích, chị nói rằng mình cảm thấy xa lạ với các bạn dân tộc của mình, là họ thích hát nhạc ngoại, nhạc giật gân, dẫu có những người hát rất hay chị cũng ít thích. Rồi cuối năm đó, thi tốt nghiệp xong mỗi người đi mỗi ngả.

Nhận công tác ở miền núi, tôi gặp lại Ka Thoan sau tám năm xa cách. Chị vẫn thế, nụ cười hiền và thích độc lập. Chị hỏi tôi làm lớn à, tôi đáp không. Tôi hỏi chị làm gì, chị đáp kỹ sư. Tôi giật mình ! Nhưng Ka Thoan không nói chơi. Tôi biết tính chị từ thời còn ngồi ở trường phổ thông. Bởi người miền núi nói là làm. Tính trung thực của chị tôi cảm phục từ lâu.

Năm đó, đậu tốt nghiệp phổ thông xong, Ka Thoan học sư phạm và làm giáo viên ở quê hương của mình. Chị yêu Y Điêng, bắt Y Điêng làm chồng. Có với nhau một đứa con Y Điêng tỏ ra hư đốn vì rượu chè. Cơ quan nói Y Điêng là một cán bộ thoái hóa. Ka Thoan đã thẳng thắn nói chuyện với chồng. Nhưng rồi chị đã nhận được một cú tát như trời giáng. Y Điêng bỏ đi biệt tăm. Ka Thoan xin nghỉ dạy để đi tìm chồng tận thành phố Hồ Chí Minh vì nghe phong phanh Y Điêng đi làm ăn ở trong đó.

Sau nhiều ngày lần theo dấu vết Y Điêng, chị mới vỡ lẽ ra chồng mình đã nghe theo bọn xấu làm chảy máu cái cồng, cái chiêng. Đau đớn quá, chị quyết chí phải cho Y Điêng một bài học. Y Điêng bị bắt, và cả cái đường dây kia cũng trở lại nhận tội với buôn làng. Nhưng con ngựa hoang Y Điêng đã ăn phải cái bả xấu của cuộc sống đồi trụy. Y Điêng đã không còn là người của rừng núi nữa rồi. Cái bụng của nó đã ăn cái bả ma túy. Ka Thoan lại tất tả đi tìm chồng, đưa nó vào trại cai nghiện. Nhưng thiện chí của chị không được bù đắp. Y Điêng đã chết trong một lần lén chích quá liều. Thế là Ka Thoan mất chồng, mất việc làm.

Một địu, một con, chị vật lộn với mảnh đất cha ông để lại. Vất vả vẫn hoàn vất vả. Ka Thoan có học nên Ka Thoan phải nghĩ khác. Ban ngày đi làm, ban đêm Ka Thoan tự học. Dưới ánh lửa củi ngo ròng rã ba năm trời, công khó của Ka Thoan đã được bù đắp. Chị thi vào Đại học Nông Lâm với điểm ưu. Hoàn cảnh dẫn chị đến với đại học về rừng không éo le bao nhiêu, nhưng nỗi đau vì nó thì nhiều. Bởi chị là đứa con của núi rừng. Từ lúc lọt lòng mẹ,  chị đã gắn bó với nó, được nó nuôi nấng, đùm bọc. Nhưng cái kiến thức về nó, thì chị phải nhờ cái mặt trời kia soi chiếu, dẫn dắt. Chị chỉ là một bông dã quỳ thôi, cái bông hấp thụ thứ ánh sáng ấm áp và trong lành ấy để điểm tô cho sắc núi, hương rừng bừng lên với ngày lúa mới, ngày lễ hội cồng chiêng.

Ka Thoan bồi hồi kể lại những ngày gian truân. Mẹ chị đã sống trong rừng, được rừng nuôi đi theo cách mạng. Cái ơn đó lớn lắm, Ka Thoan mang mãi trong lòng. Chị quý từng loài chim, từng cành cây rêu phủ. Thế mà bọn người xấu dám phá cái rừng của chị, lòng chị tan nát. Chị quyết xin cho được quyền bảo vệ cái rừng thân yêu. Xét công lao của chị đã từng tố cáo bọn người ăn cắp của rừng, từng dập tắt nhiều đám cháy rừng cùng với bà con trong buôn bản, Hạt Kiểm lâm của huyện đã giao đất giao rừng cho chị. Chị trông coi phần rừng của mình như máu, chị thuộc từng loài cây, từng con suối, từng ngõ ngách, từng loài thú.

Bao giờ chim k’chock sẽ kêu. Mùa nào thì nấm mọc, hoa pơlang sẽ đỏ trời. Chị nghe được từng cơn gió, bởi theo Ka Thoan gió là nhịp tim của rừng. Chị hiểu được bệnh của rừng mà lo chăm sóc. Ngày trước mẹ Ka Thoan đã dùng năng khiếu này mà làm giao liên cho cách mạng. Ka Thoan không học ở mẹ nhưng tự nhiên, những kinh nghiệm của mẹ lại ở trong cái đầu của Ka Thoan. Ngày Ka Thoan sinh ra, gió đã báo cho mẹ biết có địch sắp về càn, mẹ đã báo cho nhiều tổ chức cách mạng ra khỏi vòng địch vây hãm. Và gió đã cứu mẹ con Ka Thoan, vì gió cứ mãi xuôi theo sườn núi, gió len lỏi vào những hang hốc mà địch không ngửi thấy. Nếu chẳng may gió ngược lại, thì cái mùi dầu của trẻ sơ sinh do mấy chú gửi cho mẹ, đã tố cáo với địch rồi. Thoát khỏi vòng vây rồi, mẹ huýt gió để cảm ơn, gọi gió để hít vào phổi rồi thở ra ấm nồng, để hà sự sống cho con. Ka Thoan đã trở thành người con gái yêu gió từ đó.

Sau này chị học thêm ở con sóc, con nhím, con chồn, con cáo, con nai, con chó để biết nơi nào có bọn phá rừng, nơi nào có bọn thợ săn. Chị biết khi nào thì con hổ xám đã về và bầy voi đã đi đâu. Khi con chim kơtía bị bắn, chị đã lập tức phát hiện ra bọn người đi săn. Chị đã đánh trả với bọn họ để giữ gìn loài chim rừng hót hay này. Bao năm sống với rừng, Ka Thoan sống với kỷ niệm của hang Kơm Puốt, nơi chị được cất giấu những bước chân của mẹ. Hang Kơm Puốt sâu và có lỗ thông hơi, mỗi trận gió về đều báo hiệu thời tiết ở bên ngoài. Những mùa gió lạnh, bốn miệng hang run lên những điệu nhạc như chiếc khèn buồn. Vì vậy, người xưa đã đặt tên là hang Kơm Puốt. Cũng chính từ đây, Ka Thoan nằm ngẫm nghĩ ra cách luyện thi vào trường đại học. Và chị đã học trong hang này cùng với gió, với nước, rễ cây tinh lọc tâm hồn Ka Thoan trong vắt. Nay chị đã thành kỹ sư, nhưng cái hang này là một kỷ niệm trong đời lao động và học tập của Ka Thoan.

Hứa hẹn mãi, rồi mùa hè năm nay tôi mới có dịp vào hang Kơm Puốt. Hai mẹ con chị đang dọn dẹp lối ra vào để đón khách. Chị khoe:

-  Mình đang chuẩn bị trồng rừng đấy!

Nhìn về phía tay chị chỉ, những quả đồi trọc loang lỗ như vết rách trên da một con hổ xám. Năm nay Ka Gem đã cùng mẹ đào ba ngàn cái hố để trồng cây. Tôi khen:

- Ka Gem giỏi thật! Gắng theo mẹ trồng cái rừng để nuôi con thú quí hiếm, cái rừng biết cái ơn Ka Gem lắm nghe!

Ka Gem chỉ tõn tẽn cười theo mẹ, chị Ka Thoan vừa vẫy gió vừa nói với tôi:

- Bao giờ những quả đồi này mọc thành rừng như xưa thì gió sẽ về nhiều. Gió về mình sẽ nghe được tiếng gió kể, mùi của nó sẽ cho mình biết nơi nào có người tốt, kẻ xấu.

Nghe rồi, Ka Gem biến đi như con sóc. Một thoáng sau nó về, trong tay cầm mấy chùm phong lan tặng tôi. Những chùm phong lan rất đẹp, bởi mùa này có gió về muộn. Gió sẽ mang phong lan bay khắp rừng và ký gửi một cuộc sống ở từng cành nhánh, nách bẹn của cây. Cứ thế, gió thổi vào mẹ con Ka Thoan cái hơi thở nồng nàn của núi rừng và nuôi họ lớn lên, xanh veo những ý nghĩ trong sáng về cuộc đời. Ka Thoan đang giành lại cái đẹp cho cuộc sống chung và cho con cháu mai sau.

Tôi ngồi xuống ghế đá và nghe gió thổi vô hang trầm bổng như giai điệu một bản hùng ca. Tôi chợt nhận ra mùi hương của nhiều thứ hoa đang tỏa quanh đây.

Lâm Hà chớm thu
Truyện ngắn của NGUYỄN THÁNH NGÃ