Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng: Đôi điều cần trao đổi thêm

10:09, 20/09/2011

(LĐ online) - Theo kết quả điều tra xã hội học, thì số lượng người hoàn toàn không đọc sách ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 26%; trong khi đó số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%.

Đọc sách. Nguồn Internet
Thanh niên Tp. HCM hưởng ứng ngày hội đọc sách. Nguồn Internet
(LĐ online) - Dự thảo dự án: “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng hiện đang được triển khai lấy ý kiến của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành và rộng rãi dư luận. Dự án là bước cụ thể hoá thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đọc đến năm 2020, với mục tiêu “xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.

* Những số liệu chưa thuyết phục

Dự thảo dự án này cũng nêu rõ là theo kết quả điều tra xã hội học, thì trong số người được điều tra có khoảng 59% số học sinh, sinh viên và 56,8% người trưởng thành sử dụng thời gian rỗi để đọc sách. Khoảng 20% gia đình có thư viện, tủ sách và 25% người được điều tra đã giành thời gian đọc sách trong một ngày là trên một giờ. Cũng theo kết quả điều tra này, thì số lượng người hoàn toàn không đọc sách ở nước ta chiếm tỷ lệ khá cao so với thế giới, tức là vào khoảng 26%; trong khi đó số người đọc nhiều, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%, số thỉnh thoảng đọc là 40% (người viết nhấn mạnh).

Là một trong những người có nhiều năm làm công tác liên quan đến văn hoá đọc, tôi nhận thấy những kết quả trên đây là chưa đúng với thực tế. Ít nhất là khi đối chiếu với phong trào đọc sách ở tỉnh ta trong nhiều năm qua. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở hoạt động phục vụ bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng của tỉnh. Ngay tại thư viện tỉnh, những năm gần đây, số lượng bạn đọc đến mượn và đọc sách đã và đang có tỷ lệ giảm sút so với dân số của tỉnh. Dù rằng, thư viện tỉnh đã được xây dựng mới tương đối khang trang, kinh phí dành cho các hoạt động của thư viện ngày càng được chú ý hơn, nhưng số lượng bạn đọc thực sự đến với thư viện quả thật là chưa tương xứng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Còn ở các thư viện cấp huyện trên địa bàn Lâm Đồng, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Điều đó đã dẫn đến tình trạng là nhiều ấn phẩm, sau khi mua về vẫn cứ ngủ yên cùng năm tháng trên các giá sách.

“Hai đối tượng cần đọc nhất trong xã hội là học sinh, sinh viên và những người làm công tác quản lý lại là những người ngại đọc, ít đọc nhất.”
Chẳng nói đâu xa, ngay trong hệ thống thư viện, nhiều cán bộ làm công tác trong ngành này hầu như đều không có thói quen đọc sách. Hơn 7 năm công tác tại thư viện tỉnh và trước đó, ở trong ngành văn hoá, tôi đã rút ra được kết luận đáng buồn này. Cho đến bây giờ, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Vậy thì con số 30% người đọc nhiều, đọc thường xuyên mà kết quả điều tra xã hội học của Bộ VH –TT - DL mà chúng tôi đề cập trên đây, rõ ràng là chưa có cơ sở để tin cậy, ngay cả trong số cán bộ thuộc hệ thống thư viện công cộng của tỉnh Lâm Đồng, nghĩa là nơi đang được giao nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng và phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng của tỉnh, chắc hẳn cũng chưa đạt được tỷ lệ đó.

Mặc dù vậy, nội dung bản đề án đã nêu lên được một thực trạng đáng lưu ý là việc đọc mới chỉ được tập trung ở một số đối tượng, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, các cán bộ nghỉ hưu. Trong khi đó thì: “Hai đối tượng cần đọc nhất trong xã hội là học sinh, sinh viên và những người làm công tác quản lý lại là những người ngại đọc, ít đọc nhất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục - đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực của đất nước ta hiện nay”.

Cùng với nhận xét này, bản dự thảo đề án còn cho biết là xu hướng đọc đang có những biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ thích đọc truyện tranh với nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh. Trong khi đó thì xu hướng thưởng thức các loại hình văn hoá nghe nhìn đang có chiều hướng lấn lướt văn hoá đọc. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình, đặc biệt là trong đối tượng học sinh, sinh viên chiếm tới 55%...
 
Nguyễn Thị Thảo - SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM  (thứ 2 từ trái sang) tư vấn cho bạn đọc thư viện sách miễn phí do Thảo tự mở tại công viên
Nguyễn Thị Thảo - SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM (thứ 2 từ trái sang) tư vấn cho bạn đọc thư viện sách miễn phí do Thảo tự mở tại công viên. Nguồn Dân trí online

* Văn hoá đọc, cần xây nhà từ móng

Trước khi đi sâu tìm hiểu nội dung này, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu cần thiết để bạn đọc tham khảo:

Theo báo cáo tổng kết của Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) thì năm 2010, tổng số sách toàn ngành xuất bản đạt số lượng 25.769 đầu sách với 277.765 triệu bản đạt 105% về cuốn và 102 % về bản so với năm 2009. Trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh, chỉ với 3 nhà xuất bản đã chiếm 1/7 số đầu sách xuất bản trong cả nước. Về khâu phát hành, ước tính có khoảng 60-70%, số lượng sách của cả nước được phát hành tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo Cục Xuất bản thì, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam có 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Về xu hướng đọc, theo kết quả một cuộc thăm dò của Báo Lao Động thì loại sách được đọc nhiều nhất là truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).

Số lượng sách xuất bản tính trên mỗi đầu sách, trung bình chỉ đạt 1.000 bản, rất hiếm có cuốn nào được in tới 2.000 bản. Với số lượng bản in như thế, thì có bao nhiêu người của một đất nước có hơn 80 triệu dân như nước ta được đọc sách.
Về mạng lưới thư viện công cộng trong cả nước, tính đến giữa năm 2011 đã có 64 thư viện cấp tỉnh, 587 thư viện cấp huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cấp xã. Ngoài ra, cả nước hiện còn có khoảng 10.000 điểm Bưu điện văn hoá xã và gần 10.000 tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng vẫn chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số.

Theo thống kê, trong năm 2010, Thư viện Quốc gia chỉ có khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên; Thư viện cấp tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000-2.000 bạn đọc, cấp huyện chỉ khoảng 500-600 bạn đọc và hệ thống phòng đọc sách, thư viện cấp xã chỉ đạt khoảng 100-200 bạn đọc. Trong khi đó thì số lượng sách xuất bản tính trên mỗi đầu sách, trung bình chỉ đạt 1.000 bản, rất hiếm có cuốn nào được in tới 2.000 bản. Với số lượng bản in như thế, thì có bao nhiêu người của một đất nước có hơn 80 triệu dân như nước ta được đọc sách, chưa kể công tác phát hành để đưa sách đến các vùng sâu, vùng xa còn có vô vàn những khó khăn, nan giải. Ngay ở tỉnh ta, các hiệu sách cũng chỉ tập trung ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, còn các địa phương khác trong tỉnh thì hầu như không có.

Tất cả những yếu tố trên đã phần nào cho ta thấy được ngôi nhà “Văn hoá đọc” ở nước ta quả là còn khá nhiều nội dung cần phải hoàn thiện. Trước hết, cần phải xác định một cách sâu sắc rằng, văn hoá đọc là một phạm trù rộng lớn, gồm nhiều vấn đề kết hợp và tổng hoà. Nó cần phải có cả một hệ thống hỗ trợ như: có nhiều thư viện được trang bị các phương tiện chuyên dùng phục vụ cho việc đọc, nghiên cứu, tra cứu, tìm tin… với đầy đủ các xuất bản phẩm được xuất bản. Trong mỗi gia đình, lại cần có những tủ sách được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ. Văn hoá đọc không chỉ là một thói quen rất cần thiết, mà còn phải tạo ra một cách đọc sách có khoa học, phải biết mình cần gì trong những cuốn sách sẽ đọc… theo giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ thì Văn hoá đọc cần có 3 điều cơ bản “Thói quen đọc sách; khả năng lựa chọn sách để đọc và cách đọc sách”. Và nếu cứ căn cứ vào 3 nội dung này thì ở nước ta, có lẽ còn thiếu cả 3.

Từ rất lâu thói quen đọc sách đã biến mất khỏi đời sống của rất nhiều người dân Việt Nam. Trong khi ở nước ngoài thì đọc sách đã trở thành một nhu cầu tinh thần và tri thức hầu như không thể thiếu trong đời sống. Họ có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi khi điều kiện cho phép. Chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh khách du lịch nước ngoài vừa đi vừa đọc sách, dù chỉ là một cuốn sách hướng dẫn du lịch. Nhưng ở nước ta, ngay cả học sinh, sinh viên, cũng như các cán bộ quản lý, là những thành phần đáng lý ra phải có thói quen đọc sách để học tập, nghiên cứu… thì vì nhiều lý do khác nhau, họ lại rất lười đọc sách, thậm chí, có rất nhiều người và trong nhiều năm chưa hề đọc được một cuốn sách nào.

Chẳng phải tìm ở đâu xa, ngay tại Thư viện tỉnh, trong nhiều năm công tác tại đây hầu như tôi chưa thấy một cán bộ nào có thói quen đọc sách cả. Người ta có thể chứng kiến họ tranh luận rất sôi nổi về những chuyện như thời trang, xe cộ, điện thoại di động… nhưng trong một thời gian khá dài công tác tại đây, tôi chưa hề được chứng kiến họ thảo luận hay tổ chức trao đổi, mạn đàm xung quanh một tác phẩm nào đó.

Khả năng lựa chọn sách cũng là một trong những yếu tố thể hiện văn hoá đọc của mỗi người. Đã và đang hình thành một xu hướng đọc sách theo cảm tính, chẳng cần cuốn sách đó có nội dung như thế nào và có ích lợi gì cho bản thân hay không.

Cách đây không lâu, trong một lần đến phòng mượn thư viện tỉnh tôi đã chứng kiến một thiếu nữ đến mượn cuốn Liêu trai chí dị, của Bồ Tùng Linh, và người thủ thư cứ việc vào kho lấy sách đưa cho bạn đọc này và coi như là đã xong việc.

Còn nhớ cách đây hơn 45 năm, khi chúng tôi đang vào học năm thứ nhất của khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã rất hồ hởi kéo đến thư viện khoa để mượn sách. Thủ thư khi đó là vợ nhà văn Phan Tứ, sau khi biết chúng tôi đều là sinh viên mới, thì đã rất kiên quyết từ chối những yêu cầu mượn các tác phẩm mà trong chương trình năm thứ nhất chưa học đến. Thay vào đó, cô đã tận tình giới thiệu cho chúng tôi hàng loạt sách cũng như nhiều tài liệu tham khảo phù hợp với các giáo trình mà chúng tôi đang và sẽ theo học trong năm thứ nhất. Chính điều đó đã góp phần tạo cho chúng tôi bước đầu biết chọn lựa những sách phù hợp cho việc đọc của mình.

Cũng cần phải khẳng định rằng, thủ thư ở các thư viện không phải chỉ làm một việc đơn điệu giống như một cái máy, nghĩa là chỉ biết đưa sách cho độc giả mượn theo phiếu yêu cần và rồi tiếp nhận sách do họ trả. Những thủ thư có trách nhiệm và năng lực chuyên môn phải là người bạn đồng hành cùng độc giả, biết lựa chọn sách phục vụ từng loại đối tượng và hơn ai hết, họ phải là những người làm tốt nhất công tác tuyên truyền, giới thiệu sách đến với độc giả. Để làm được điều đó, thủ thư, ngoài niềm say mê với nghề nghiệp, họ phải là những con “mọt sách” cần mẫn ngày đêm, ít ra là cũng với kho sách do mình quản lý.

Để phát triển văn hoá đọc một cách bền vững, ngoài hai yếu tố cơ bản trên đây thì đọc sách phải có phương pháp, nói đúng hơn, đó là một kỹ năng để có thể đọc được nhiều sách trong một thời gian ngắn nhất nhưng lại thu nhận được tối đa về sự hiểu biết. Song kỹ năng hay phương pháp đọc sách như thế nào cho có hiệu quả nhất thì đến nay vẫn chỉ là những lý thuyết được truyền miệng qua một số người có kinh nghiệm đọc sách.

Sách bán chạy ở Việt Nam trong những năm gần đây vẫn thường là những tác phẩm mang tính chất giải trí thông thường, ít có giá trị nhân văn hay thẩm mỹ, hoặc cung cấp cho người đọc những kiến thức tri thức trên các lĩnh vực của đời sống. Những sách có giá trị mang tính nghiên cứu, khảo cứu… thường bị tồn kho, vì rất ít người mua và phải bán giảm giá. Điều này đã làm cho không ít nhà xuất bản lao đao, và để tồn tại, chính họ lại buộc phải chấp nhận chạy theo dòng sách giải trí đơn thuần. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho văn hoá đọc ở nước ta khó được định hình, còn nếu có thì cũng chỉ mới là một dạng văn hoá đọc giải trí và bình dân.

Vậy, phải làm sao để có thể thực hiện được “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng” do Bộ VHTTDL chủ trì nhằm thực hiện cho được một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hoá là phải “xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”, theo chúng tôi, trước hết phải bắt đầu từ gốc rễ, nói khác đi là phải xây dựng cho được một nền móng vững chắc cho ngôi nhà văn hoá đọc. Muốn vậy, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức về văn hoá đọc cho người dân. Trước hết là những người làm công tác văn hoá, trong đó, các cán bộ làm công tác thư viện phải là những người đi đầu trong việc thực hiện “chiến lược quốc gia về văn hoá đọc”. Bởi vì họ chính là chiếc cầu nối thân thiện và gần gũi nhất giữa sách với bạn đọc. Còn nếu họ, những người đang làm công tác này mà lại lâm vào tình trạng “lười đọc”, cả tháng, thậm chí nhiều năm trời, không đọc được nổi một cuốn sách, thì nói gì đến việc vận động, tuyên truyền quần chúng đến với sách.

Bạn đọc bây giờ đến thư viện, ngoại trừ một số ít có chính kiến từ trước, thì phần lớn giống như người vào rừng, chỉ thấy rừng rậm mênh mông, nhưng không tìm ra cho mình một cái cây cần thiết. Vì vậy, họ rất cần được sự hướng dẫn tận tình, chu đáo và có trách nhiệm của các thủ thư. Do vậy, nếu không đọc thì các thủ thư còn biết gì để mà hướng dẫn, để vận động và tuyên truyền mọi người cùng đọc sách?!

Rất cần phải xây dựng cho được một môi trường lành mạnh cho văn hoá đọc phát triển.
Bên cạnh đó, lại rất cần phải xây dựng cho được một môi trường lành mạnh cho văn hoá đọc phát triển. Để làm được điều này, rất cần đến các nhà hoạch định chiến lược văn hoá từ các nội dung về luật cho đến việc in ấn, xuất bản, phát hành… Mặt khác, các nhà xuất bản lại cần phải chú trọng xuất bản các loại sách có nội dung đa dạng, phong phú hơn, luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất của nhân loại trên toàn thế giới.

Cùng với những việc làm trên đây, cần có biện pháp để tiếp cận sách từ tuổi mẫu giáo cho đến người lớn. Cái chính là làm cho việc đọc sách phải trở thành không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà còn là một thức ăn tinh thần hứng thú, bổ ích, để mỗi người dân khi tiếp cận với sách biết chọn lọc, biết cách đọc cho riêng mình một cách hiệu quả nhất. Bạn đọc tìm đến sách như là một nhu cầu nội sinh, tự thân, không tính toán hay là theo phong trào… Có được như vậy thì văn hoá đọc, khi đó mới có thể phát triển bền vững và sẽ không có một cuộc vận động hay tuyên truyền bề nổi nào có thể thay thế được. Ngôi nhà văn hoá đọc, nhờ vậy đã được xây dựng trên một nền móng vững chắc.

Để khép lại bài viết này, cũng như từ thực tiễn của nhiều năm làm công tác trong hoạt động thư viện, chúng tôi có thể khẳng định rằng: nếu không tạo được những bước “đột phá” một cách mạnh mẽ, cũng như không có những biện pháp quyết liệt thì chắc chắn việc: “nâng tỉ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020. Trước mắt, từ 2011-2015, là giai đoạn xây dựng các tiền đề nhằm khôi phục và đặt nền móng cho văn hoá đọc phát triển. Từ 2015-2020, là giai đoạn hình thành phong trào đọc sách trong xã hội”, như đề án của Bộ VH - TT&DL đã đưa ra là không thể thực hiện được.

 Hoàng Kim Ngọc
(Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng)