Thơ Nguyễn Khuyến về sự học

02:09, 30/09/2011

(LĐ online) - Chúng tôi cảm thấy may mắn được đi dạo trong vườn Bùi – nơi bắt nguồn cảm hứng cho những áng thơ trữ tình, lai láng yêu thương với thiên nhiên, con người và cảnh vật nơi thôn dã của nhà thơ Nguyễn Khuyến...

(LĐ online) - Chúng tôi cảm thấy may mắn được đi dạo trong vườn Bùi – nơi bắt nguồn cảm hứng cho những áng thơ trữ tình, lai láng yêu thương với thiên nhiên, con người và cảnh vật nơi thôn dã của nhà thơ Nguyễn Khuyến và trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Tùng – dòng trưởng đời thứ năm của cụ Nguyễn Khuyến, về nỗi lòng cụ đối với cuộc đời, khoa cử, quan trường… ẩn chứa qua những vần thơ.
 
Ông Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải) – cháu trưởng đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến trò chuyện với khách bên bia tưởng niệm Nguyễn Khuyến trong vườn Bùi.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải) – cháu trưởng đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến trò chuyện với khách bên bia tưởng niệm Nguyễn Khuyến trong vườn Bùi.

Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng (1835-1909), người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Sinh ra trong gia đình khoa cử, nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học, nhưng cha mất sớm, nhà nghèo, ông phải đi dạy học để kiếm sống và nuôi mẹ. Đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1864 tại Nam Định, nhưng trượt kỳ thi Hội ngay năm sau (1865), phẫn chí ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến với ý khuyến khích mình, rồi về kinh học ở Quốc Tử Giám. Sau 6 năm đèn sách với tên mới Nguyễn Khuyến, năm 1871, ông đỗ luôn Hội Nguyên và Đình Nguyên, được vua Tự Đức ban cờ hiệu và hai chữ Tam Nguyên (đỗ đầu ba cuộc thi Hương, Hội, Đình). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ được đào tạo theo khuôn mẫu đạo đức của Nho giáo. Tức là, con người sinh ra ở đời sau khi học hành, đỗ đạt thì phải ra làm quan để "thờ vua giúp nước", thực hiện nghĩa vụ "trí quân trạch dân" (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ). Vì thế, ông nổi tiếng là quan thanh liêm, chính trực. Nhưng trong cảnh nước nhà lầm than, triều đình bạc nhược phải cắt đất dâng Pháp, dân bị hà hiếp, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt… Ông viết thơ tiễn học trò là Nghĩa định Sứ quân Lê Như Bạch, nhân tiện gửi các học trò ở kinh thành:

Nghĩ đến bút nghiên, trào nước mắt,
Ngước nhìn sông núi, những buồn đau.

Nguyễn Khuyến bất lực, bế tắc vì không làm gì để thay đổi thời cuộc nên cáo quan về ở ẩn tại vườn Bùi, làng Yên Đổ, nhưng trong lòng vẫn áy náy vì chưa phò tá được minh quân:

Ơn vua chửa chút báo đền,
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.
(Di chúc)

Vì thế, thơ ông luôn có âm hưởng buồn:

 
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
(Ngày xuân dặn các con)

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 là xã hội thực dân nửa phong kiến với những biểu hiện lố lăng, kệch cỡm, với giá trị đạo đức truyền thống bị khuynh đảo bởi cái “văn minh” được kẻ xâm lược mang vào. Những kẻ khoa bảng, bọn quan lại suy đồi đạo đức, đánh mất lương tri trước tiền tài và danh vọng. Bài thơ “Thầy đồ ve gái goá” là một ví dụ:

Ở góa thế gian nào mấy mụ
Ði ve thiên hạ thiếu chi thầy
Yêu thầy cũng muốn cho thầy dạy
Dạy cháu nên rồi mẹ cháu ngây.

Nhà thơ đã châm biếm, chỉ trích nền Nho học, khoa cử đã xuống cấp, không còn được coi trọng, có thể dùng tiền để mua bán, đổi chác, xuất hiện trong xã hội nhiều hư danh mà không có thực học, như những con rối để cho bè lũ thực dân cướp nước giật giây:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời.
Ghế tréo, lọng xanh, ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.
(Tiến sĩ giấy)

Đây cũng chính là giọng điệu tự nhạo báng mình của Nguyễn Khuyến. Ông thừa nhận, mình không khác gì tiến sĩ giấy, khi cũng học hành, đỗ đạt mà chỉ ngồi nhìn, không làm được gì…

Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
(Tự trào)

Tuy vậy, ông vẫn lo lắng khuyên nhủ các con không lơ là việc đèn sách, sống làm người hữu ích cho xã hội, dù gia sản để lại cho con chỉ là một ít đất ở và một bó sách cũ nát:

Chín sào tư thổ là nơi ở
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.
Các con nối chí cha nên biết
Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà.
(Ngày xuân dặn các con - I)

Việc dạy con cũng chính là nỗi lòng, trách nhiệm của kẻ có học, quan tâm đến chí hướng, đường đời của con cái sau này. Đó là mối hành xử của người nặng nghĩa cha con, muốn chỉ bảo cho con về danh, về chí, về thời cuộc… Nhưng ở thời của Nguyễn Khuyến, mọi suy nghĩ không thể bộc lộ rõ ràng thành lời, nên ông đã dùng thơ chữ Hán để dạy con, dặn con, gửi riêng cho con những điều thiêng liêng, tích chứa cả đời trong ruột gan với mong muốn giúp con hành trang vào đời. Trong rất nhiều bài thơ chữ Hán viết cho con, ông có ba bài thơ “Ngày xuân dặn các con”, trong đó, ông chỉ dịch có một bài:

(…)
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
(…)

Bài thơ viết sau khi ông cáo quan. Ông tự nhận thấy việc học hành, đỗ đạt, chẳng giúp ích được cho đời, chữ nghĩa đã thành vô dụng trong cảnh nước nhà loạn lạc. Hai câu kết vừa là tiếng thở dài, vừa lấy ý trách con, mà là dặn con, dạy con, rằng cha không biết làm gì để đền đáp cho những năm tháng cuộc đời đang trôi đi vô nghĩa, mà sao con vẫn mê mải vui chơi:

 Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng
 Sao con đàn hát vẫn say sưa.

Mặc dù quyết chí không tham gia vào sự đời, nhưng nỗi lòng đau đáu về quê hương, đất nước vẫn canh cánh trong ông. Ông khuyên con: “Bể học cần nhất là đừng phù phiếm”. Nguyễn Khuyến khuyên con từ kinh nghiệm bản thân ông trong thời cuộc ấy:

Làm quan biết cách khó vô vàn.
Danh cao sợ lấn lòng ngay mất.
(Ngày xuân khuyên con là Hoan)

Mong ngóng, mừng vui khi con được làm quan, nhưng ông vẫn cảnh báo: Danh chỉ là cái bóng của người, nhưng ở đời, có danh, người ta dễ biến thành cái bóng của danh, mà neo mình theo cái vai hư ảo đó, chứ không còn là chính mình nữa. Ông dạy con nhìn nhận về danh tiếng, nhưng là để con biết cách sống tự bảo vệ mình:

Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ,
Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham!
(Dặn con là Hoan)

Và dù cho tuổi tác, thế thời và sự đời bủa vây, nhưng ông vẫn khẳng định:

Một tấm lòng son vẫn có thừa
(Tuổi già)
 
Ao sen vườn Bùi
Ao sen vườn Bùi
Nguyễn Khuyến đã ra đi 100 năm có lẻ, để lại di sản là bộ sưu tập thơ Hán, thơ Nôm, câu đối và thơ dịch của ông khoảng 800 bài. Con cháu ông vẫn thấm nhuyễn lời dặn dò của cụ tổ ngày xưa, lấy sự học làm nền tảng căn bản. Trong số họ có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân; Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học ứng dụng nguyên tử Nguyễn Mộng Giao… Trải qua hơn một thế kỷ, ông vẫn là một danh nhân đất Việt kiệt xuất cả trong sự học và khoa cử, cùng tấm chân tình với non sông, đất nước…

LÊ HOA