Trang phục lễ hội và trang phục hàng ngày mang lại cho chúng ta một góc nhìn về bản sắc độc đáo của từng tộc người.
Trang phục Cơ Ho |
Mang đặc trưng trang phục cho loại hình choàng quấn của Tây Nguyên: Nam sử dụng khố, áo chui đầu; nữ sử dụng chiếc váy mảnh (bằng tấm thổ cẩm không khâu). Cùng là các tộc người có nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải; màu sắc để nhuộm dùng bằng rễ cây (hoặc vỏ cây, các loại lá cây…) màu nền của trang phục là màu đen, màu chàm nhưng cứ nhìn vào trang phục là có thể nhận ra ngay đâu là người Ba Na, Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên, đâu là người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru ở Nam Tây Nguyên. Sự khác biệt nằm ở cách trang trí hoa văn trên thân váy; ở các loại áo cánh may kiểu chui đầu, hoặc thể hiện sự khác nhau qua màu vải nền.
Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Lâm Đồng còn ca tụng vẻ đẹp thổ cẩm Mạ như sau: “Tiêng pần rớ, tòm cần hoan con chao”, nghĩa là: đẹp nổi tiếng thế giới dân tộc. 20 năm trước, người Mạ ở Lâm Đồng còn phổ biến nghề trồng bông, dệt vải. Bông được trồng ở những mảnh rẫy mới phát đốt lần đầu tiên, sau khi thu hái bông về, vào mùa nông nhàn, những phụ nữ Mạ mang bông ra cán tách hạt bông, sau đó bông cho vào guồng se thành sợi. Đồng thời, họ tự chế màu nhuộm. Cho đến nay, các công đoạn nhuộm màu vẫn phải “cữ” (không truyền cho người khác tộc). Màu để dệt váy, áo, khố và tấm đắp của người Mạ giữ nguyên màu đỏ, da cam, lục, lam, chàm, tím. Cách đi màu của người Mạ thường theo lối “độc trị độc” như: trắng đi với đen, xanh đi với đỏ… nhưng do nền đen hoặc nền trắng rộng nên trang phục Mạ không hề sặc sỡ, mà biến hóa thành một vẻ đẹp khó tả.
Dụng cụ dệt của người Mạ gồm những khúc lồ ô, số thanh lồ ô tùy thuộc vào số lượng hoa văn nhiều hay ít (nhiều nhất có thể tới 17 - 19 khúc lồ ô). Các em gái thường được bà hoặc mẹ dạy cho tập dệt thổ cẩm từ lúc 8 - 9 tuổi. Tấm thổ cẩm đầu tiên bao giờ cũng là chiếc váy. Váy của phụ nữ Mạ gồm 3 tấm thổ cẩm khâu lại với nhau theo chiều dọc. Hoa văn trang trí làm 3 mảng chạy quanh gấu váy, thân váy…
Trang phục truyền thống của phụ nữ Mạ chỉ mặc váy mà không mặc áo. Trước đây, nam giới thường đóng khố, ở trần và chỉ mặc áo trong dịp lễ hội. Khố có màu nền chàm, trang trí hoa văn dọc bìa và hai đầu khố, đồng thời họ tết tua rất dài; loại khố dùng thường ngày ngắn hơn, không có hoa văn và tua. Áo của nam giới Mạ có màu nền trắng, được trang trí hoa văn ở hai thân áo với mô típ là những hiện tượng thiên nhiên như chim, khỉ, cánh đồng lúa…
Với người Cơ Ho, nghề dệt đang tiếp tục tồn tại ở một số buôn làng như buôn BNớ C - xã Lát, thôn 1 (xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương), thôn Liêng Trang (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông). Sở dĩ nghề dệt còn tồn tại là do nhu cầu mua sắm váy, khố, áo, khăn làm lễ vật bắt buộc phải có trong tục “bắt chồng”. Luật tục có từ lâu đời này muốn thông qua những tấm thổ cẩm để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của một cô gái bằng trang phục dệt. Váy của phụ nữ Cơ Ho là một tấm thổ cẩm nền đen, có trang trí hoa văn, khi mặc quấn quanh thân từ eo bụng trở xuống. Áo của nam giới là một mảnh thổ cẩm hình chữ nhật được gấp đôi, khoét cổ ở giữa đường gấp, rìa vải hai bên sườn khâu bịt lại; nền áo màu đen, hoa văn trang trí trên áo thiên về đường nét điểm xuyến tạo hiệu quả màu sắc trầm.
Lễ phục của đàn ông người Chu Ru có nền trắng, kể cả tấm choàng buộc chéo từ nách bên này sang nách bên kia cũng màu trắng, tấm khăn quấn trên đầu cũng màu trắng. Váy lễ hội của phụ nữ Chu Ru cũng được mua từ sản phẩm dệt của người Chăm, người Cơ Ho. Nhưng điểm để phân biệt họ với các tộc người khác chính là tấm choàng bằng thổ cẩm có nền màu trắng vào dịp thực hiện các nghi lễ dân gian; màu nền đen, chàm được sử dụng hàng ngày.
Trong không gian văn hóa cồng chiêng, người đàn ông Mạ, Cơ Ho, Chu Ru trong y phục cổ truyền này toát lên vẻ đẹp vạm vỡ, khỏe mạnh, hoang dã, hòa quyện với núi rừng thiên nhiên… Người phụ nữ uyển chuyển, kín đáo và mềm mại trong chiếc váy bên cạnh vẻ đẹp sơ sài đến nghèo nàn của chiếc khố vẫn tạo riêng một nét đẹp quyến rũ, độc đáo.