Cần xem xét lại những tác động (bài cuối)

02:09, 12/09/2011

(LĐ online) - Bần đây, quyết định phê duyệt điều chỉnh VQG Cát Tiên cùng với những tính toán xây dựng thủy điện tại VQG này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

[links(right)] (LĐ online) - Về cơ bản, VQG Cát Tiên hội đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; và tương tự, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên cũng cơ bản hội đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trên cơ sở này, Hội đồng Di sản quốc gia đang hướng tới danh hiệu chung cho cả VQG lẫn di chỉ khảo cổ là danh hiệu “Cảnh quan văn hóa” (còn gọi là “Di sản hỗn hợp”) hoặc di sản thiên nhiên – văn hóa Cát Tiên.

Trong lúc vấn đề lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận là “Cảnh quan văn hóa” (hoặc di sản thiên nhiên – văn hóa) đối với VQG Cát Tiên và di tích thánh địa Cát Tiên được đặt ra thì gần đây, quyết định phê duyệt điều chỉnh VQG Cát Tiên cùng với những tính toán xây dựng thủy điện tại VQG này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Gạch dùng trong công trình kiến trúc đền tháp Cát Tiên
Gạch dùng trong công trình kiến trúc đền tháp Cát Tiên

GIẢM 2.500HA SO VỚI QUY HOẠCH CŨ

Theo quy hoạch mới nhất vừa được Bộ NN-PTNT phê duyệt (quyết định số 1535) thì VQG Cát Tiên sẽ giảm hơn 2.500ha so với diện tích cũ theo quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 5.12.1998 (còn 71.350ha so với 73.878ha). Đáng chú ý, so với quy hoạch cũ thì quy hoạch mới (giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến 2030) đã giảm diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên chỉ còn lại 54.099ha – giảm 14.738ha so với trước đây. Bên cạnh đó, cùng với tăng diện tích phân khu phục hồi sinh thái từ 5.382ha lên 14.926ha thì điều đáng quan tâm khác là phần phân khu dịch vụ hành chính đã được quy hoạch tăng lên một cách bất thường: từ 100ha lên những 2.325ha.  Như vậy, nhìn vào quy hoạch này, VQG Cát Tiên đã có sự điều chỉnh giảm diện tích phân khu nghiêm ngặt một cách đáng kể để chuyển sang phân khu phục hồi sinh thái. Điều này phần nào nói lên diện tích rừng của VQG Cát Tiên trong những năm qua đã bị xâm phạm một cách đáng kể với hậu quả là đến nay, từ thực tế, các nhà quy hoạch đã “nhìn thấy” đến những 14.926ha (trước đây chỉ 5.382ha) cần được “phục hồi sinh thái”.

Điều cần lưu tâm là so với diện tích cũ (73.878ha), quy hoạch mới đã giảm đến 2.528ha (còn chỉ 71.350ha) nhưng trong phần nội dung của quy hoạch mới này không thể hiện rõ việc “cắt giảm” đó nhằm mục đích gì. Trong khi đó, Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 5.12.1998 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ quy mô tổng diện tích của VQG Cát Tiên là “73.878ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai 38.100ha, Lâm Đồng 30.636ha, Bình Phước 5.143ha”. Với việc giảm diện tích với con số khá lớn (trên 2.500ha) như thế, hẳn cách lý giải của cơ quan chức năng rằng “do trước đây đo đếm nhầm” là khó thuyết phục.

VÀ NỖI LO THỦY ĐIỆN

Không chỉ việc “tự dưng biến mất” hơn 2.500ha rừng khiến dư luận đặc biệt quan tâm mà hiện tại, theo dự kiến, một số công trình thủy điện sẽ được xây dựng ngay trong VQG Cát Tiên, trên dòng sông Đồng Nai, cũng đang gây ra nhiều tranh cãi.
 
Người dân Cát Tiên thường xuyên sống trên vùng sông nước
Người dân Cát Tiên thường xuyên sống trên vùng sông nước
  
Sông Đồng Nai đoạn qua các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước ôm trọn VQG Cát Tiên và một phần khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Như bài trước đã nói, theo đánh giá của giới chuyên môn, VQG Cát Tiên có nguồn tài nguyên hết sức phong phú. Đặc biệt, cả “cơ thể” của Vườn đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; đồng thời, đây còn là vùng đất sống của quần thể tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam và thứ hai trên thế giới (trong thực tế, quần thể tê giác một sừng cực kỳ quý hiếm ở VQG Cát Tiên còn rất ít, chưa thể xác định số lượng một cách chính xác). Tuy nhiên, thực tế vài năm gần đây, việc xây dựng quá nhiều các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai đã khiến cho không chỉ dư luận mà ngay chính cả những người “chủ” của VQG Cát Tiên cũng tỏ ra lo ngại. Đã không ít lần chính lãnh đạo của Vườn phát văn bản gửi bộ chủ quản (Bộ NN-PTNT) kêu cứu về quần thể động thực vật cùng các vấn đề về môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái… của Vườn bị ảnh hưởng không tốt bởi có quá nhiều công trình thủy điện xây dựng cạnh Vườn. Mới đây, sự lo ngại cho VQG Cát Tiên một lần nữa được phát đi khi cơ quan chức năng tiếp tục lập hai dự án thủy điện sẽ được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai và ngay trên đất của VQG Cát Tiên trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và dự án thủy điện Đồng Nai 6A.

Theo quy hoạch, hai thủy điện mới nói trên có tổng diện tích lên đến 371ha; trong đó, diện tích thuộc VQG Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên chiếm đến 283ha (riêng diện tích nằm trong VQG Cát Tiên là 137ha). Điều đáng nói, trong tổng diện tích 371ha đất của hai công trình này thì diện tích đất có rừng được ghi nhận ở con số 328ha. Theo thiết kế, thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 135MW và công suất của thủy điện Đồng Nai 6 là 106MW. Dư luận cho rằng, việc xây dựng công trình thủy điện ngay trong VQG không chỉ làm cho một diện tích rừng không nhỏ bị biến mất mà còn làm cho hệ sinh thái trong khu vực bị xâm hại, dòng chảy của con sông Đồng Nai ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực…

Có thể nói, việc xây dựng công trình thủy điện trên VQG và khu rừng phòng hộ là cách làm thiên về lợi ích kinh tế; và ngược lại. Vậy, trong lúc này, sự lựa chọn nào là hợp lý và mang tính bền vững? Và hơn thế, liệu điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đề nghị UNESCO công nhận nơi đây là di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới?

Khắc Dũng