Hội đủ điều kiện để trở thành di sản thiên nhiên (bài 1)

03:09, 08/09/2011

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc quy hoạch xây dựng một số thủy điện trong Vườn cùng với phê duyệt quy hoạch giảm diện tích rừng của Vườn khiến cho dư luận thực sự lo ngại.

(LĐ online) - Với Vườn quốc gia Cát Tiên và cả khu di tích khảo cổ học Cát Tiên, điều mà Hội đồng Di sản quốc gia đặc biệt quan tâm chính là những giá trị đặc biệt về thiên nhiên cùng với các giá trị về mặt văn hóa của nó. Chính nhờ những giá trị về mặt thiên nhiên và văn hóa đó mà VQG Cát Tiên cùng với di tích Cát Tiên trở thành một trong 4 đề cử của Việt Nam dự kiến trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên – văn hóa của thế giới.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc quy hoạch xây dựng một số thủy điện trong Vườn cùng với phê duyệt quy hoạch giảm diện tích rừng của Vườn khiến cho dư luận thực sự lo ngại.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Linga được phát hiện tại di tích Cát Tiên
Linga được phát hiện tại di tích Cát Tiên
Theo tài liệu của cán bộ chuyên môn VQG Cát Tiên, VQG Cát Tiên có tổng diện tích 73.878ha (Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 5.12.1998 của Thủ tướng Chính phủ), thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Hệ động vật rừng ở đây thật phong phú với nhiều loài quý hiếm như tê giác một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, hổ, báo hoa mai, báo gấm… Tương tự, hệ thực vật của Vườn cũng phong phú không kém: 1.362 loài thực vật bậc cao, hơn 440 loài cây gỗ quý…; trong đó, riêng hoa lan có đến 60 loài.

Năm 2001, UNESCO đã công nhận VQG Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới; tiếp đến, ngày 4.8.2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn là Khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và là thứ hai của Việt Nam. Hồi cuối năm 2010, đại diện tổ chức UNESCO tại Hà Nội đã đề nghị Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện hồ sơ VQG Cát Tiên để trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cũng cần nói thêm, trong những năm qua, sự hợp tác giữa các cơ quan hữu trách và Chính phủ Việt Nam với Ủy ban quốc gia UNESCO và Ủy ban quốc gia Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam đã mang lại những kết quả tốt đẹp trong việc tích cực duy trì và phát triển các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận, trong đó có khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên. 

Tuy nhiên, xét thấy VQG không chỉ là “thiên nhiên” mà còn có giá trị đặc biệt về văn hóa, đặc biệt là di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, nên các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tính đến chuyện lập hồ sơ trình UNESCO công nhận đây là di sản thiên nhiên – văn hóa thế giới.

Di tích lịch sử - văn hóa

Ông Lương Nguyên Minh – Trưởng ban Quản lý Di tích khảo cổ học Cát Tiên – tỏ ra bức xúc: “Khu di tích Cát Tiên đã qua nhiều lần khai quật trong một thời gian dài nhưng đến nay chỉ mới làm phát lộ một phần. Hiện, theo tôi, một phần không nhỏ của di tích đang còn nằm trong lòng đất cần được khám phá. Nếu bị nhấn chìm trong lòng nước thủy điện, chắc chắn công việc khai quật sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được”.

Theo tư liệu của Bảo tàng Lâm Đồng do ông Phạm Hữu Thọ (Giám đốc bảo tàng) cung cấp: “Di tích Cát Tiên là tên gọi một quần thể di chỉ khảo cổ học được phát hiện vào năm 1985, nằm trong bồn địa rộng hàng trăm hecta và trải dài khoảng 15km bao gồm rất nhiều gò đồi và bãi bồi được bao bọc bởi dãy núi cuối cùng của Trường Sơn Nam. Các phế tích phân bố rải rác dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai từ địa phận xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó các phế tích phân bố tập trung nhiều nhất ở khu vực xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng)”.
 
Cát Tiên được công nhận là khu hệ ngập nước quan trọng của thế giới (khu Ramsar)
Cát Tiên được công nhận là khu hệ ngập nước quan trọng của thế giới (khu Ramsar)

Cũng theo ông Phạm Hữu Thọ, qua nhiều lần khai quật từ 1985 đến nay, các nhà khoa học khảo cổ đã thu được hơn 1.000 hiện vật tại di tích Cát Tiên với các chất liệu khá phong phú như: Chất liệu bằng vàng gồm nhiều mảnh phù điêu có kỹ thuật khắc miết và dập nổi, các loại nhẫn, các linga, yoni có kích thước nhỏ…; chất liệu bằng đồng gồm có gương, đĩa, chân đèn, nhẫn, mặt tượng thần…; chất liệu đá thì có nhiều loại sa thạch, đá quý và bán quý được chế tác các tượng thần, dùng làm mi cửa, bậc thềm, mảnh khắc chữ…; chất liệu gốm gồm có các mảnh vỡ của đồ đựng, đĩa gốm, chân đèn gốm…

Năm 1997, Nhà nước đã công nhận di tích khảo cổ học Cát Tiên là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tính đến chuyện tiến hành các thủ tục cần thiết để trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới.

Ông Lương Nguyên Minh cho rằng, chỉ riêng những gì đã phát lộ qua những lần khai quật trong hơn nửa thế kỷ qua ở Cát Tiên cũng đã đủ chứng minh khu di chỉ khảo cổ học này là một thánh địa rất đặc biệt.

Ông Minh chứng minh về sự “đặc biệt” theo nhận định của ông: “Từ xa xưa, khi văn hóa Ấn Độ hội nhập vào vùng biển Đông và du nhập lên miền Cát Tiên, cổ dân vùng đất này đã có một cơ tầng văn hóa đủ sức để tiếp nhận và cả hội nhập với một nền văn hóa mới theo cách riêng của mình. Tượng thần Siva được tìm thấy ở Cát Tiên là một trong những minh chứng cho điều này. Thông thường, theo quan niệm của Ấn Độ giáo, thần Siva (một trong ba vị thần trấn giữ đền tháp) có nhiều cánh tay, các cánh tay thường cầm những vật dụng như đinh ba, dao găm, chén dầu lửa, chiếc lược… Khi đến Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng với cổ dân Cát Tiên), thần Siva chỉ còn hai cánh tay và hai cánh tay ấy chỉ thường cầm hoa sen hoặc lá sen (thay cho đinh ba, dao găm…). “Bản địa hóa” là điều dễ nhận thấy ở tượng nữ thần Siva khi du nhập từ Ấn Độ vào đến thánh địa Cát Tiên” – ông Lương Nguyên Minh cho biết.

Rõ ràng, những bí ẩn về thánh địa Cát Tiên, một thánh địa rất đặc biệt của Việt Nam, vẫn chưa được khám phá hết.

Thánh địa trong lòng đất này theo các nhà khoa học là không chỉ khuôn hẹp trong phạm vi tả ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận huyện Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng mà rất có thể còn mở rộng qua bên kia dòng Đồng Nai là Bình Phước và cả địa phận tỉnh Đồng Nai, hoặc cũng rất có khả năng kéo dài đến vùng văn hóa Óc Eo (Biên Hòa) và TP HCM. Và, sẽ rất là đáng tiếc nếu như các giá trị văn hóa đang còn chưa được khám phá đó bị nhấn chìm một cách vĩnh viễn trong dòng nước!

Khắc Dũng