Xóm tôi

03:09, 07/09/2011

Tại sao ông lại lấy tiêu đề là Xóm tôi, nghe nông thôn quê mùa lắm, vì khu phố mình đang ở thị trấn kia mà.

Khi bản thảo được viết xong, tôi đưa cho ông bạn cùng xóm tham khảo.

Tại sao ông lại lấy tiêu đề là Xóm tôi, nghe nông thôn quê mùa lắm, vì khu phố mình đang ở thị trấn kia mà.

Ấy thế vì tôi thích từ “xóm” bởi nó là một cái gì gần gũi, thân thương. Những người trong xóm như là thành viên của một đại gia đình.

Làng tôi, một tỉnh duyên hải miền Trung có biển và cũng có cánh đồng hai mùa thơm hương lúa, có con sông bao đời chảy mãi mà ngày xưa tôi và lũ bạn thường rủ nhau ngụp lặn trong dòng nước nửa đục, nửa trong, nhà tôi ở xóm Hòa Thượng. Cái lạ, từ nhỏ cho đến tận bây giờ tôi chưa hề nghe ai trong làng giải thích vì sao có tên là xóm Hòa Thượng. Và cả tôi cũng vậy, cũng vô tâm chẳng tìm hiểu cái tên gọi nghe lạ tai mà từ nhỏ tôi chẳng thấy có ông Hòa Thượng nào trong xóm.

Xóm tôi, chỉ mấy mươi hộ gia đình, mọi người đều biết nhau từ già đến trẻ, sống chan hòa thân thiện, tối lửa tắt đèn không thiếu nhau. Thuở xưa, các vùng quê yên ả, những ngôi nhà tranh vách đất tọa lạc trong mỗi khuôn vườn nho nhỏ, con đường đất ngoằn ngoèo quanh xóm, cũng ngã ba, ngã tư nhưng chỉ rộng đôi mét đủ lối đi cho một chiếc xe bò. Thế mà mọi người đã sinh sống từ đời này qua đời khác, ôm ấp trong lòng bao kỷ niệm không thể nào quên khi đã đi xa.

Hình ảnh và âm thanh in sâu trong ký ức tôi đó là tiếng kẽo kẹt của chiếc võng trong những trưa hè mẹ nằm đung đưa ru con ngủ, những câu ca dao chân chất giàu tính nhân văn mang bóng dáng quê hương đã đi theo tôi trên mọi nẻo đường mưu sinh.

Buổi sớm khi mặt trời sắp thức, cũng là lúc những chiếc đèn hột vịt, bếp lửa của mọi nhà được thắp lên cho không gian xóm thêm phần ấm cúng. Ngoài sân, trong khi hơi sương còn nặng hạt, chú gà trống đã gáy vội báo một ngày mới sắp bắt đầu, trâu, bò cùng thức giấc để chuẩn bị cho công việc đồng áng mọi ngày. Bữa cơm sáng được dọn lên, cả nhà quây quần bên đĩa cá lóc kho um, mấy trái cà và tô canh rau muống. Chú chó mực nằm gác mõm nhìn tôi tiu nghỉu.

Giản dị và thân thương làm sao quá khứ mà ông bà, cha mẹ, tuổi thơ ta đã trải qua.
Hôm nay cuộc đời đã khác, đất nước ngày một văn minh, phát triển. Mọi người dường như đủ ăn, đủ mặc nếu như muốn nói là ăn ngon mặc đẹp.
...

Trong những bộn bề khó khăn của cuộc sống, nhiều người đã bỏ xóm ra đi tìm kiếm những vùng đất dễ làm ăn để sinh cơ lập nghiệp. Trong số người ấy: Có tôi. Có tâm trạng nào giống tôi không?! Ngày bỏ xóm ra đi, tôi như có bão trong lòng, tôi để lại xóm những giọt nước mắt tận đáy lòng, gửi những giọt nước mắt ấy cho dòng sông nhờ mang ra biển cả và thưa giùm tôi với đại dương là hình ảnh của xóm trong tôi quá lớn.

Cảm xúc có được hôm nay đó là một quãng đời xa xứ, hình ảnh những con người đang sống quanh tôi gợi nhớ những kỷ niệm xưa.

Nhà tôi hiện ở khu phố trung tâm thị trấn của cao nguyên, khí hậu vùng đất đỏ ba dan đã níu giữ bước chân của những người đi lập nghiệp nhờ sự ôn hòa của nó.

Xóm tôi bây giờ hiện đại hơn, có đường thảm nhựa, có điện lưới quốc gia, nhà nào cũng xây cất khang trang, tiện nghi nghe nhìn thì không thiếu, con cái được chăm lo học hành tươm tất. Một khu phố hẳn hoi, thế tại sao lại gọi là xóm, bởi cũng mấy mươi hộ gia đình, cũng những con người thân thuộc, chan hòa, gắn bó, tối lửa tắt đèn có nhau. Gọi là xóm bởi nó giữ được tố chất tinh thần của những giá trị truyền thống Việt Nam.

Xa quê ngần ấy năm, cuộc đời vật đổi sao dời, thế mà những người trong xóm tôi không hề thay đổi, có lẽ họ đã ra đi, cũng đến đây từ những làng quê, từ những xóm, từ những dòng sông, những cánh đồng và họ đã mang theo những câu hò, điệu lý, những câu ca dao dân dã nghe đến nao lòng.


Từ mấy mươi năm ở với xóm, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự xích mích giữa các gia đình, các chị phụ nữ của xóm thật là tuyệt vời, họ quan tâm đến nhau, họ giao tiếp tế nhị, lịch lãm, họ thường tổ chức những buổi họp mặt vui vẻ nhân ngày tám tháng ba, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày lễ, tết… Các chị cũng thường tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham dự các hội thi. Nếu được giải là tổ chức mừng khao cho cả xóm, thế là xóm được bữa vui ra trò. Những yếu tố ấy đã làm cho sự thân thiện càng gắn kết nhau hơn.

Có người bảo tôi, ông phải làm đề nghị công nhận xóm văn hóa được đấy. Riêng tôi, dù không làm đề nghị, dù chưa được công nhận, nhưng tôi tin rằng xóm tôi đủ nghĩa văn hóa, vì không ai hiểu về xóm tôi bằng tôi, và tôi mong rằng tất cả cộng đồng dân cư trên toan cõi Việt Nam dù có ở chốn phồn hoa đô hội chăng nữa, thì cũng nên giữ lại một chút hình ảnh của xóm mang đầy giá trị nhân văn.

Ngày tôi về nhập cư cùng xóm, chỉ vài hộ gia đình, nhà cửa thưa thớt, hoang sơ, mỗi đêm về vắng ngắt, buồn tênh. Những hộ gia đình xóm tôi thời ấy toàn những người trẻ tuổi đi lập nghiệp, nhà không điện, đường không nhựa, mỗi mùa mưa về bùn lầy trơn trợt.

Hơn ba mươi năm, xóm tôi giờ đông đúc hẳn, người lớn, trẻ nhỏ tíu tít. Đời sống vật chất, tinh thần tăng lên cùng sự phát triển chung của đất nước. Biết bao kỷ niệm về xóm, về tình cảm láng giềng, chúng tôi giờ đã là trung niên, con cái giờ đã gần tuổi chúng tôi ngày đầu có xóm.

Chúng tôi những người ra đi từ các miền quê tề tựu về đây lập xóm. Những gì tốt đẹp nhất của xóm, chúng tôi trân trọng gìn giữ và phát huy để có một xóm mang đầy đủ ý nghĩa với tên gọi của nó.

Những chuyện ngày xưa tưởng chừng cũ lắm, nhưng thưa không những gì cũ kỹ nhất còn tồn tại đến bây giờ đó mới chính là giá trị đích thực của văn hóa vậy.

Khi bài viết này chưa kịp gửi cho tòa soạn để cả xóm có dịp chuyền tay nhau tờ báo mà vui với tinh thần của nó. Bỗng, tai nạn ập đến đột ngột, người bạn thân thiết nhất của tôi, người đã cùng tôi ngày đầu lập xóm, lo cho xóm đủ mọi thứ trên đời đã vĩnh viễn không còn nữa.

Đám tang, như là chung cho mọi gia đình trong xóm. Thật đau lòng, những giọt nước mắt lặng lẽ, chẳng ai nói với ai lời nào, nhưng trong thầm kín là nỗi buồn thẳm sâu… nhìn mấy đứa trẻ đang độ tuổi trưởng thành trong bộ tang màu trắng, khuôn mặt như không còn cảm giác đứng lạy tạ khách viếng, nước mắt tôi trào ra.

Trong buổi chiều đưa linh cữu người ấy về nơi an nghỉ cuối cùng. Bầu trời ảm đạm, những tia nắng cuối ngày chầm chậm rồi rơi hẳn về bên kia phía núi, đốt đống củi bên mộ người đã khuất, tôi ngồi lại thật lâu, cũng chẳng biết để làm gì nữa, trong ánh sáng chập choạng một con quạ đen bay ngang qua cất tiếng kêu ghê sợ làm tôi bừng tỉnh.

Nhớ giây phút cuối cùng trong phòng chăm sóc đặc biệt, sự sống chỉ còn là mong manh, người ấy hoảng loạn níu kéo: “Cứ chích thuốc cho tôi đi, đau mấy tôi cũng chịu được, hãy cho tôi sống… các… con tôi!”. Một cái rùng mình, đầu nghiêng về một phía, thế là đời một con người được giải thoát khỏi bể trầm luân, mang đi bao điều trăn trở và những phần việc còn dang dở mà hơn một phần hai kiếp người chưa làm trọn.

Viết tiếp đoạn văn này, không biết có ai còn chia sẻ với tôi không, người thường chia sẻ với tôi đã không còn nữa, bạn đã xa. Hy vọng những ý nghĩ của tôi có thể tỏa vào không gian, và biết đâu đấy trong khoảng lặng vô hình linh hồn người được sưởi ấm.
PHẠM MINH CHÂU