Gánh thơ… bán giữa chợ đời

03:10, 12/10/2011

Cách đây gần thế kỷ, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) đã “đánh giá” thị trường “văn chương” là “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” cho dù “túi thơ đeo khắp ba kỳ” thì cũng “Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly”.Và một “cây viết tầm cỡ” khác cụ Nguyễn Vỹ cũng đã buột miệng than rằng: “Nhà văn An Nam khổ như… chó!”. Có nghĩa là cuộc sống của những người làm văn chương ở thời kỳ ấy (Pháp thuộc) là rất khổ cực, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Gánh thơ trong một điểm du lịch ở Đà Lạt.
Gánh thơ trong một điểm du lịch ở Đà Lạt.
Cách đây gần thế kỷ, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939) đã “đánh giá” thị trường “văn chương” là “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” cho dù “túi thơ đeo khắp ba kỳ” thì cũng “Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly”.Và một “cây viết tầm cỡ” khác cụ Nguyễn Vỹ cũng đã buột miệng than rằng: “Nhà văn An Nam khổ như… chó!”. Có nghĩa là cuộc sống của những người làm văn chương ở thời kỳ ấy (Pháp thuộc) là rất khổ cực, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Người làm văn chương không được xã hội coi trọng, trong suy nghĩ của người đời, họ chỉ là những người chuyên “ thương vay khóc mướn”, hoặc “than mây khóc gió”, suốt ngày chỉ biết “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để linh hồn treo ngược trên cành cây…”, nên tác phẩm viết ra, in ra cũng ít được mọi người tìm đọc, nguyên nhân thì có nhiều, trong phạm vi “tản mạn” của bài viết, khó có thể nói hết được, chỉ xin mạn đàm ở cái chỗ “tác phẩm văn chương” khó có thể tiêu thụ ở chốn “người trần mắt thịt”, nên Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã suy nghĩ đến cách “tiếp thị” ở chốn…” thiên đình”, bằng cách “gánh thơ” lên bán cho “Trời”! Theo kiểu: “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:/ - Anh gánh lên đây bán chợ trời”.

Thực ra không phải chỉ có thơ ca, các tác phẩm văn xuôi như truyện, tiểu thuyết… từ lâu đã được bày bán trên những quầy, kệ hay tủ kiếng của các tiệm sách. Vấn đề ưa chuộng và tìm đọc của mọi người, lại tùy thuộc vào thương hiệu, tên tuổi của tác giả và cả độ “hay” của tác phẩm. Phương pháp truyền bá của tác phẩm đến độc giả bằng nhiều con đường khác nhau, đó là nghệ thuật quảng cáo mà ngày nay người ta hay gọi là PR, đưa các tác phẩm văn học đến tận tay người đọc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Văn chương, đặc biệt là thơ ca đã được công chúng hâm mộ chuyền tay nhau đọc qua con đường truyền khẩu và chép tay, chép trong nhật ký… được tác giả hay bạn bè tặng cho quyển thơ là vô cùng vinh dự và cảm động, nâng niu cất giữ như báu vật, vào tiệm sách là người ta luôn ghé mắt đến quầy bán sách văn học để xem các tác phẩm mới được in ra và xuất bản. Song “duyên nợ” văn chương cũng như của nàng thơ với người đọc hiện nay đã không còn “mặn nồng” như trước nữa. Những tập thơ xinh xắn, hoành tráng được in với công nghệ hiện đại ra đời ngày càng nhiều, nhưng phần đông chỉ để “khoe”, “kính biếu”, “kính tặng” mà chẳng bán được bao nhiêu! Nhiều chiêu thức PR “tân tiến” được đem ra áp dụng, nhưng chẳng làm người đọc “rung động”. Thơ được bán theo hình thức “tài trợ” hoặc “mua mão” của một cơ quan, đơn vị kinh tế, để rồi mãi mãi… lưu kho mà chẳng đến tay người đọc. Người làm thơ bây giờ có những kiểu “bán thơ” chẳng giống ai như: Đem tới các cơ quan đơn vị, nhờ Công đoàn, đoàn thể mua giúp, tới các trường học, vừa đọc thơ, diễn thơ và quảng cáo để các em học sinh mua hộ, ký gửi thơ ở các nhà sách mà chẳng biết đến khi nào mới… thu hồi lại vốn? Một anh bạn làm thơ ở miệt sông nước có cách “bán” ngộ nghĩnh: Gặp bạn bè quen biết, anh đưa quyển thơ nói đọc chơi, sau đó “vờ mượn… mấy chục lẻ” rồi tuyên bố “huề” với tập thơ anh vừa đưa! Nàng thơ lâm vào cảnh “chợ chiều” ế ẩm!

Mới đây, khi ghé thăm một khu du lịch nổi tiếng của xứ “ mộng mơ” bỗng gặp một hình thức “bán thơ” rất…dân tộc và cũng rất dễ thương: Một gánh thơ, với hai thúng hai đầu chứa đầy những tập thơ và một cái bàn nhỏ cách điệu, trưng bày thơ. Có bản giới thiệu và ghi giá tiền. Khách yêu thơ bỗng cảm thấy xúc động ngậm ngùi, thương cho “nàng thơ” với một “gánh thơ” ở giữa chợ đời với muôn khách thập phương xuôi ngược. Âu cũng là một hình ảnh “đẹp” trong việc quảng bá và tiếp thị thơ trong thời buổi kinh tế thị trường! “Cơm áo không đùa với khách thơ!”.

Lại nghe ở xứ Tây Ninh có ngọn núi Bà Đen là nơi khách du lịch đến hành hương mỗi độ xuân về, những người làm văn nghệ tại đây đang có kế hoạch in một tập thơ chuyên viết về núi Bà để bán làm quà trong Hội xuân năm 2012, khơi dậy một “quán thơ” từng có ở núi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cũng là một cách thức quảng bá “nàng thơ” hâm lại những tâm hồn yêu chuộng thơ ca đã trót hững hờ và nguội lạnh…

Cầu mong nàng thơ dù phải “một gánh” xuôi ngược cũng sẽ lung linh tỏa sáng trong trái tim của những người yêu thơ ca.

TRẦN HOÀNG VY