Nhà thơ Quang Dũng ở cao nguyên

02:10, 12/10/2011

Nhà thơ Quang Dũng, tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Em mãi là 20 tuổi… tên thật là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, Hà Nội.

Nhà thơ Quang Dũng là người bình dị, đẹp trai, tài hoa và có năng khiếu về thơ- văn, nhạc - họa. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc. Nhiều bài thơ khác của ông cũng được các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Việt Dzũng, Phạm Trọng Cầu chuyển thành những bài hát phổ biến từ Bắc vào Nam. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Quang Dũng qua đời vào ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội.
 
Nhà thơ Quang Dũng và con gái ở Nam Ban (Lâm Hà)
Nhà thơ Quang Dũng và con gái ở Nam Ban (Lâm Hà)
Nhà thơ Quang Dũng, tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Em mãi là 20 tuổi… tên thật là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, Hà Nội.

Trước năm 1945, ông từng theo học Ban trung học Trường Thăng Long. Ra trường ông về dạy học ở Sơn Tây và tham gia quân đội, trở thành phóng viên của báo Chiến Đấu. Năm 1947, ông đi học Trường bổ túc Trung cấp Quân sự Sơn Tây về làm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Tây Tiến. Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến; rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Năm 1948, khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh, tỉnh Hà Nam ông đã viết bài thơ “Tây Tiến”. Ngoài ra ông còn viết rất nhiều truyện ngắn, kịch, vẽ tranh tham gia triển lãm tranh với các họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Sau năm 1954, ông là biên tập viên báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm biên tập cho Nhà xuất bản Văn học.

Cuối năm 1982 tôi rời Đà Lạt đưa gia đình về định cư ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Tôi gởi cháu trai đầu 3 tuổi vào học lớp mẫu giáo của cô giáo Bùi Phương Hạ. Không ngờ Hạ chính là con gái của nhà thơ Quang Dũng… Nhà thơ Quang Dũng lên thăm và ở lại với con gái rất nhiều ngày. Ông rất thương con vì thơ mình mà vất vả từ những bài thơ lãng mạn mà mình đã viết: Tây tiến đoàn binh không mọc tóc,/ Quân xanh màu lá dữ oai hùng./ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới./  Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Một lần nhà thơ Quang Dũng đến nhà tôi chơi, ông tận tình hướng dẫn cho tôi cách tập thể dục mỗi sáng sớm trước khi bước ra khỏi giường. Ông bảo: Cần phải có một số động tác vận động làm cho toàn thân ấm lên. Không được vùng dậy bước xuống đất mà chưa khởi động. Rồi ông “ biểu diễn” cho tôi xem. Nhà thơ Quang Dũng ăn uống rất khỏe, nhưng rất từ tốn, chậm rãi. Hôm đó, tôi nấu một nồi bắp nếp Tây Nguyên và mời ông dùng. Ông cảm ơn vừa ăn vừa nói chuyện. Một hồi lâu ông bảo: Mình đếm được 987 hạt nhé! Và nhẹ nhàng cầm bát nước bắp luộc lên uống từ tốn. Tôi thật ngạc nhiên.

Tôi hay gọi nhà thơ Quang Dũng bằng bác. Hai bác cháu nói chuyện rất tâm đắc. Hôm đó tôi mời nhà thơ Quang Dũng ở lại dùng cơm trưa với gia đình. Đến chiều, tôi đưa nhà thơ Quang Dũng về nhà Bùi Phương Hạ. Nói là nhà của Hạ, thật ra là căn phòng nhỏ trong khu tập thể dành cho giáo viên. Hai bác cháu vừa đi chậm rãi, vừa nói chuyện trên đoạn đường dài hơn 7 cây số từ khu Đống Đa vào đến Trường Đông Anh dưới dốc Bà Mão. Ông nhiều lần lên Đà Lạt và rất thích vùng đất này. Nhà thơ cũng có dự định vào Nam Ban ở hẳn với gia đình tôi để viết truyện ký, làm thơ. nhưng mấy năm sau trở về Hà Nội do sức khỏe không được tốt nên nhà thơ không vào được nữa.

Nhà thơ Quang Dũng cao to như Tây. Ông từng bị dân quân bắt trói dẫn về trụ sở xã, vì tưởng ông là phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. May có người biết chuyện nói cho bà con nghe, ông mới được thả ra.

Một lần, nhà thơ Quang Dũng bị tai biến. Bàn tay của nhà thơ không duỗi ra được. Bùi Phương Hạ chăm sóc cho bố tận tình. Nhưng hằng ngày nhà thơ Quang Dũng vẫn đi ra giếng của hợp tác xã cách khu tập thể giáo viên mấy trăm mét, xách nước về cho Hạ. Hạ không đồng ý, nhưng nhà thơ bảo rằng: Cần phải tập luyện để bàn tay trở lại như cũ. Lần sau, vào thăm nhà thơ Quang Dũng, bác khoe đã viết được rồi và đưa cho tôi xem mấy trang bản thảo nhà thơ vừa viết xong. Nét chữ tuy không còn như xưa, nhưng vẫn hiện lên những cảm xúc mà ông dành tâm huyết thổ lộ trong đó.

Ngày Bùi Phương Hạ còn dạy học ở Nam Ban, Hạ có tặng cho tôi một bức ảnh về nhà thơ Quang Dũng đội mũ ca-lô. Tôi thấy chiếc mũ hơi là lạ. Tôi hỏi. Hạ giải thích: Đó là chiếc mũ làm bằng…chiếc khăn quàng bằng len. Em quấn chiếc khăn lên đầu bố, kết thành chiếc mũ ca-lô như thời bố đi bộ đội Tây tiến. Con trai bác Trần Lê Văn (bạn thân của nhà thơ Quang Dũng) đã chụp bức ảnh này.

Khoảng cuối năm 1984, tôi ra Hà Nội và ghé thăm nhà thơ Quang Dũng ở nhà số 45 khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Khi vào nhà, bác Bùi Thị Thạch đưa chúng tôi vào thăm nhà thơ Quang Dũng. Ông nằm trên chiếc giường bệnh, phủ drap trắng. Tôi không tin trước mắt mình là nhà thơ Quang Dũng. Một con người to cao như Tây ngày nào, bây giờ là một bộ xương khô, teo tóp, lọt thỏm trên chiếc giường hơn một mét rưỡi. Trên khuôn mặt ông vẫn rạng rỡ. Mắt ông nhắm nghiền. Bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng ghé miệng vào tai nhà thơ nói nhỏ: Có anh Trác ở Lâm Đồng ra thăm ông. Tôi thấy trên khóe mắt nhà thơ hai giọt nước mắt rơi ra lăn xuống đôi má hóp. Miệng ông thoáng một nụ cười nhẹ. Rời Hà Nội trở về Đà Lạt, trong một thời gian ngắn sau đó tôi nhận được tin nhà thơ Quang Dũng đã từ trần tại bệnh viện ở Hà Nội.

Mấy lần ra Hà Nội, tôi đến thăm nhà thơ Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lữ Giang, nhạc sĩ Mặc Hy… những người bạn rất thân của nhà thơ Quang Dũng, tôi được nghe nhiều câu chuyện về nhà thơ Quang Dũng, càng hiểu hơn nhân cách lớn của ông. Bây giờ tôi không còn được thấy nhà thơ Quang Dũng, em Bùi Phương Hạ bằng xương bằng thịt - nhưng hình ảnh của hai bố con ông luôn hiện hữu trong tôi. Những kỷ niệm không thể nào quên ấy sẽ mãi mãi đi suốt cuộc đời của tôi. Đó là những con người mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng. Những năm tháng khó khăn, vất vả của thời bao cấp không làm cho hai bố con gục ngã. Nhân cách lớn đã làm nên một con người, không chỉ là những bài thơ để đời và ở lại với triệu triệu trái tim người mà là đạo lý làm người của nhà thơ Quang Dũng.

TRẦN NGỌC TRÁC