Mẹ tôi

02:10, 26/10/2011

Tôi quay sang bảo vợ: "Thôi, em đừng vào! Tốt nhất bây giờ là đừng nên nói gì cả. Để mẹ yên! Anh hiểu phải làm gì!".

Tôi quay sang bảo vợ: "Thôi, em đừng vào! Tốt nhất bây giờ là đừng nên nói gì cả. Để mẹ yên! Anh hiểu phải làm gì!".

Em nhìn tôi ái ngại, khẽ gật đầu rồi nhẹ nhàng đi ra sân. Sự thực, tôi cũng chưa biết phải làm thế nào để lòng mẹ vơi bớt nỗi đau. Tôi bối rối. Mẹ vẫn trầm lặng ngồi đó. Mẹ gầy rộc hẳn đi. Dấu ấn của thời gian đã hằn lên thân thể bà, tấm lưng đã còng, tóc mẹ đã bạc trắng. Mẹ im lặng ngồi đó hàng giờ, khiến tôi hoang mang. Mắt mẹ nhìn thẳng, có lẽ chỉ điểm này là thời gian bất lực không thể làm mẹ thay đổi. Bao giờ bà cũng nhìn thẳng. Từ hôm đưa mẹ về Hà Nội thăm quê, dự đám hội rước Thành hoàng của làng, mẹ tôi buồn hơn. Trông bà già hẳn đi, cái dáng hoạt bát của bà như chững lại. Chúng tôi, những đứa con thật có tội. Từ cái thị xã này, về quê thì có đáng bao đường đất? Một trăm cây số không hơn. Thế mà, dằng dặc bốn mươi bẩy năm trời, cả nửa thế kỷ chứ ít đâu. Chúng tôi là những kẻ vô tâm! Đối với một đời người, nửa thế kỷ là dài lắm, năm mươi năm ấy, đời người đã từng trải qua những gì nhỉ? Từ ngày mẹ tất tả cùng bố dẫn bà nội chạy tản cư giặc Pháp về đây, rồi, chúng tôi tám đứa con mẹ thì lần lượt năm đứa học đại học ở Hà Nội, mẹ cũng không một lần có điều kiện về quê. Các cụ đã dạy: "Cá chuối đắm đuối vì con". Tôi càng nghĩ, càng thấm thía thương mẹ.

Mẹ tôi ngày trước là cô gái đẹp có tiếng ở làng Khương Trung. Làng tôi, nghe các cụ kể lại, con trai thì rất giỏi nghề cơ khí. Chẳng thế mà mấy ông chú em ba tôi đều là những thợ tiện, thợ hàn bậc sáu, bậc bảy của nhà máy Trung Quy Mô Hà Nội xưa. Con gái làng thì canh nông, buôn bán rất đảm. Cái tiếng ấy người kinh kỳ ai mà chẳng biết. Mẹ tôi đẹp người, đẹp nết, hay lam hay làm có tiếng trong làng. Các cụ ở quê vẫn bảo: "Đứa nào lấy được cái Trâm, nhà có phúc". Tôi nghe không nói gì nhưng lòng rất tự hào mỗi khi về quê, nghe các cụ, các bác kể về mẹ mình thời chưa tản cư, thời còn con gái. Vì thế mà mẹ tôi phải chịu một đời chìm nổi chăng? "Hồng nhan đa truân" mà. Mẹ tôi tính tình cương nghị, người đã quyết điều gì thì làm cho đến cùng mới thôi. Còn chúng tôi, xét cho cùng là những đứa con vô tích sự, chẳng ra gì, mặc dù được học hành đến nơi đến chốn.

Ở cái thị xã nhỏ bé này, có lẽ các cụ già đều biết bà. Một phụ nữ chỉ với chiếc đòn gánh trên vai, đã quần quật với cuộc đời nuôi tám đứa con ăn học với một người chồng ốm yếu, qua suốt những năm dài khốn khó. Ba tôi, ngày toàn quốc kháng chiến là chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội. Ông bị thương ngay trong những ngày đầu cuộc chiến. Di chứng của vết thương hầu như đã lấy đi hoàn toàn sức khỏe của ông. Ba tôi ốm đau quanh năm. Mẹ tôi, một người đàn bà không biết chữ nhưng nghị lực thì có thừa. Tôi nhớ, khi anh lớn tôi học hết phổ thông, vì đạt giải nhì học sinh giỏi toán miền Bắc, nên được cử đi đào tạo bậc đại học ở nước ngoài. (Ngày ấy chưa có quy chế thi tuyển đại học. Việc tuyển dụng chủ yếu xét theo lý lịch gia đình). Giấy gọi về đến địa phương, ủy ban nhân dân thị xã giữ lại. Họ họp hành, bàn bạc rất lâu. Một hôm, ông trưởng ban đại diện khu phố vào nhà tôi bảo gia đình tôi thuộc thành phần tiểu thương, mẹ tôi bán bún phở, vi phạm chế độ lương thực của nhà nước. Anh tôi không được đi học. Tôi còn nhỏ nên không biết gì, chỉ thấy mẹ khóc và bất lực trước sự buồn bã của anh tôi. Bà có lên xuống ủy ban nhiều lần nhưng chẳng ích gì. Sau đó, bà đã quyết định không vi phạm chế độ lương thực của nhà nước, lao đao chuyển sang bán nước chè và hoa quả tươi để nuôi gia đình. Có lẽ, mẹ tôi sợ chuyện học hành của những đứa con sau này gặp trắc trở. Ngày ấy nhà tôi rất nghèo, nhưng anh em tôi lại rất ham học và thường được khen là học giỏi. Mẹ tôi vất vả nhưng rất tự hào về điều đó. Ở đây người ta phục và quý trọng bà. Từ ngày tản cư về đây người ta chỉ thấy bà suốt ngày đầu tắt mặt tối, vui buồn nơi bà là chuyện chồng, chuyện con. Chỉ thế thôi sao? Không phải! Nơi đất khách quê người, có lẽ ngoài chồng thì chỉ còn những đứa con hiểu được tâm sự của bà. Biết được những đau đớn, mất mát trong gia đình riêng của bà ở Hà Nội. Chúng tôi thường được nghe mẹ kể về làng Khương Trung, về gia đình mẹ ngày xưa. Mẹ tôi không biết chữ nhưng tính nhẩm lại rất giỏi, về điểm này bọn tôi chào thua và phục mẹ lắm. Bà thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ và bảo người làng Khương Trung ai mà chả vậy. Thuộc, để còn vận vào cuộc sống hàng ngày chứ! Không biết chữ mà truyện Kiều bà đọc vanh vách mới tài chứ. Mẹ bảo, ông ngoại hay lẩy Kiều, mẹ thích, lẩy theo rồi thuộc lúc nào không hay. Các cụ ta ngày xưa kể cũng kỳ lạ thật.

Lo toan đè mãi, mấy khi mẹ được sống cho riêng mình. Bây giờ tôi mới hiểu thấm thía điều ấy, nhưng, biết làm sao đây? Chỉ còn biết thương mẹ! Những đêm mẹ khóc khi kể về bà ngoại, về cậu Thụ của những năm xa xưa lại rấm rứt tìm về, tôi thật không còn chịu nổi. Mẹ ơi! Trong anh em tôi cũng mỗi người hiểu và cảm thông, chia sẻ với niềm đau của mẹ một khác, mỗi người mỗi cách cư xử. Tôi hiểu mẹ không trách ai. Lòng mẹ bao dung.

Mẹ về quê, mà gần như không còn nhận ra được gì ở cái làng Khương Trung xưa nữa. Bây giờ là phố rồi. Đường vào làng nay đã thành phố Khương Trung. Ngay đầu phố là cái chợ khang trang, đông đúc. Cổng làng, vũng Pheo, mộ bà Hậu, quán Vàng... tất cả đã đi vào dĩ vãng. Ngay đến vị trí cái giếng Giỏ, với bao nhiêu chuyện về ma của một cô gái làng tên là Bông, mẹ đã làm chúng tôi sợ bao đêm, mẹ đã kể như một chuyện cổ tích. Thế mà, giờ đây mẹ cũng không thể xác định nổi nó nằm ở chỗ nào. Anh cả tôi phải dẫn mẹ đến, mẹ cứ bần thần trước cái ngôi biệt thự năm tầng trên nền giếng Giỏ. Tôi hiểu mẹ đang nghĩ gì! Mẹ lùi lại, đặt đĩa hoa và thắp hương trên một khoảng đất trống, hướng về giếng Giỏ khấn vái cô Bông. Kể cũng đúng thôi, bốn mươi bảy năm xa cách thì biết bao nhiêu biến đổi. Nhất là mươi năm trở lại đây, thời kỳ đất nước mở cửa, kinh tế thị trường, mọi thứ đều bung ra. Tôi thấy trong mắt mẹ có điều gì đó như một day dứt, luyến tiếc. Đưa mẹ về quê, điều tôi sợ nhất là khơi dậy niềm tâm sự, nỗi đau trong lòng mẹ. Một thời xa cách, các con đã lớn, nỗi khát khao được trở lại thăm quê của mẹ là cháy bỏng, là niềm thôi thúc. Thế mà, tôi thấy mẹ cứ ngần ngừ ái ngại. Nhiều khi mẹ bàn rất sôi nổi xong lại thôi, lại bần thần. Tôi hiểu mẹ, bà đang gánh chịu những khổ đau của riêng mình. Lời nói của mẹ ngày trước cứ khắc sâu trong tâm khảm tôi, day dứt: "Bên ngoại con như thế là không còn ai nối dõi tông đường. Cậu con chết khổ quá, sự hy sinh của cậu con cũng chẳng ai biết đến, chẳng ai xác định". Lớn lên, tôi mới hiểu thế nào là sự nối dõi tông đường của một dòng họ, thế nào là tình máu mủ ruột thịt. Thấu hiểu tại sao mẹ lại xót cậu đến thế. Cũng như tôi, khi chị tôi đột ngột qua đời ở độ tuổi thanh xuân, tôi bàng hoàng đau đớn. Không tin, không tin cho đến tận bây giờ. Tôi càng nghĩ càng thương mẹ hơn...

Đình Khương Trung đã được xây cất lại trên một khu đất khác, mẹ bảo đây là đất của cánh đồng Vườn Vải. Ngay trước cửa đình về phía trên trái, có dựng một tấm bia ghi công những người con của làng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của đất nước. Không có tên cậu tôi. Tôi bối rối và xót xa nhìn mẹ. Tôi thấy mẹ như già hẳn đi. Mẹ không nói gì, lầm lũi quay về nhà anh cả tôi. Một căn nhà được dựng trên miếng đất của bên ngoại để lại.

Ngày tôi xa nhà, hiểu nỗi xót xa của mẹ, trước khi đi tôi nói với bà: "Mẹ ạ, cậu con bị bắt vào tháng mười, con sẽ giỗ cậu vào ngày rằm tháng đó mẹ nhé". Mẹ nắm tay tôi, mắt nhìn tôi như muốn nói: "Con mẹ thật ngoan và có hiếu!". Tôi hiểu mẹ tin tôi. Thực ra trước nỗi xót xa của mẹ về cậu, tôi cũng muốn tìm hiểu về cậu tôi lắm. Nhưng cuộc đời thật đa đoan, số phận cứ đưa đẩy tôi mãi, khiến tôi không sao thực hiện được điều đó. Tôi biết mình có tội với mẹ. Tôi hiểu rằng, trong cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta, những trường hợp hy sinh vô danh như cậu tôi cũng là lẽ không thể không có. Nhất là cậu tôi chỉ là một chiến sĩ tự vệ thủ đô trong những ngày đầu đánh Pháp. Mẹ tôi chắc cũng nghĩ như thế. Nhưng nỗi xót xa, tình máu mủ cứ day dứt, chảy ngược vào lòng. Điều này tôi biết lắm. Cậu tôi bị bắt, đưa vào bốt Hàng Vôi, một bốt khét tiếng của giặc Pháp thời đó ở Hà Nội. Người ta đã nói "lạc" vào đó thì chín phần chết mới có một phần sống. Đúng là như vậy. Cậu tôi mất tích luôn từ ngày ấy. Ngày miền Nam chưa giải phóng, mặc dầu còn nhỏ, nhưng không biết thế nào tôi lại nghĩ và nói với mẹ: "Có khi cậu con vẫn còn, cậu đang hoạt động ở trong miền Nam thì sao hở mẹ?". Mẹ không nói gì, nhưng tôi thấy mắt mẹ sáng lên. Có lẽ bà chợt nghĩ ra một điều gì, một hy vọng, mặc dù là hy vọng mong manh. Tôi đã vô tình gieo vào lòng mẹ một niềm khắc khoải, một niềm an ủi nhỏ nhoi. Những ngày mới giải phóng miền Nam, tôi thấy bà đứng ngồi không yên. Có lúc bà ngồi hàng giờ trước cửa, rồi thẫn thờ quay vào nhà thắp hương trên bàn thờ. Tôi thương mẹ, cứ thầm cầu trời khấn Phật điều tôi nói với mẹ ngày xưa là sự thật. Sự trông chờ thật mệt mỏi. Giải phóng đã hơn hai mươi năm rồi, niềm hy vọng mong manh của mẹ đã hết. Bà cứ héo hắt dần theo năm tháng. Tôi thật không biết nói thế nào với mẹ nữa...

Thằng Trưởng, con trai lớn của anh tôi trong bộ lễ phục trước Thành hoàng hớn hở chạy về như muốn khoe với bà. Hôm nay, nó được cầm cờ rước trong đám trai thanh. Thời gian trôi nhanh thật, bây giờ nó đã là một thanh niên. Chúng nó lớn lên trong cảnh thanh bình, đất nước đang đổi mới, đỡ gian nan hơn thế hệ chúng tôi nhiều. Thế hệ chúng tôi không có cảnh lễ hội, không có cảnh rước Thành hoàng như nó. Tôi chỉ được biết qua sách vở. Nhưng, thế hệ mẹ thì khác. Không biết cảnh lễ hội trong thời mẹ có giống cảnh lễ hội thời nay không? Nhìn dáng vẻ bà, nó dè dặt hỏi:

- Bà ốm hở bà?
- Không, bà chỉ hơi mệt thôi! Mẹ tôi cười hỏi nó: "Cháu đi hội có vui không?".
- Dạ, vui lắm bà ạ. Cháu chỉ về nhà một tí rồi ra đình ngay đây. Trưa nay, bà cũng ra đình ăn cơm bà nhé.
- Ừ, cháu đi trước đi, chút nữa bà ra.

Thằng bé lại hớn hở chạy ra đám rước.

- Mẹ thấy ngày hội làng thế nào? Tôi quay sang hỏi bà.

Mẹ tôi trầm ngâm một chút rồi nói: "Lễ hội nhộn nhịp, không khí náo nhiệt, nhiều màu sắc nhưng không được nghiêm trang như ngày xưa". Mẹ nói xong quay vào nhà trong.

Tôi buồn bã quay sang anh tôi, nói: "Anh thấy đấy, mẹ thì cứ mãi thế. Anh em mình biết làm sao bây giờ? Giá cậu mất còn thấy xác, còn có một nấm mồ có lẽ mẹ cũng được an ủi phần nào. Ở nhà, mỗi khi xem truyền hình tới mục "Nhắn tìm đồng đội" em thấy mẹ không yên. Mẹ khổ tâm lắm! Những suy nghĩ của người già về cái chết, về một nấm mồ, có lẽ anh em mình còn những điều chưa hiểu nổi. Chắc họ muốn tránh những day dứt, để khi ra đi được thanh thản. Thật buồn, mẹ cũng không được quyền hy vọng trong mục nhắn tìm, để đưa em mình về như người ta".

- Mọi sự đã rồi chú ạ. Về sự đa cảm và nghị lực của mẹ thì anh hiểu. Ngày chú chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị, thằng Sơn cùng phố, cùng đơn vị chú về nói chú đã hy sinh, chính tay nó chôn cất chú. Cả nhà lặng đi. Ba là người khóc trước. Mẹ vẫn là người cầm lái. Về cậu, anh cũng chỉ được biết qua ông Lăng, bạn cùng trung đội tự vệ với cậu. Hỏi mẹ, mẹ cũng chẳng biết gì hơn. Vì ngày ấy mẹ đã đi tản cư. Trưa ấy, trung đội tự vệ của cậu đã lập mưu bắt sống hai thằng lính Pháp ngay trong làng. Ngay trưa đó nhà bà ngoại bị giặc đốt, bà bị giam trong nhà, may mà tự vệ cứu ra được. Còn cậu thì bị giặc bắt. Chúng nó đưa thẳng cậu về bốt Hàng Vôi. Nghe nói, ngay đêm hôm đó cậu bị chúng nó đưa lên cầu Long Biên bắn chết, rồi quăng xác xuống sông Hồng. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Mẹ thì ở tít nơi tản cư. Sự việc cứ chìm dần, rồi chẳng ai nhắc đến cậu nữa. Chỉ mẹ là mãi xót xa...

Tôi càng thấm thía những hy sinh, mất mát của các bà mẹ Việt Nam. Mỗi người mỗi cảnh, cứ lặng lẽ âm thầm cống hiến.

Ngay sáng hôm sau mẹ bảo tôi đưa về nhà. Dẫu gì, nơi đây vẫn còn ngôi mộ của cha tôi.
NGUYỄN KHƯƠNG TRUNG