Không muốn nghĩ mà sao cứ vẩn vơ. Tiếng trống hội thùng thình bên xóm Trẹo, con gái làng í ới gọi nhau qua sông, miệng khúc khích cười. Làng bên đó năm nay hội, mười năm mới có một lần lớn vậy. Thôi thì, cứ đi cái đã rồi tính sau cũng được.
Đến khi mười tám thiếp đà năm con
(ca dao)
Không muốn nghĩ mà sao cứ vẩn vơ. Tiếng trống hội thùng thình bên xóm Trẹo, con gái làng í ới gọi nhau qua sông, miệng khúc khích cười. Làng bên đó năm nay hội, mười năm mới có một lần lớn vậy. Thôi thì, cứ đi cái đã rồi tính sau cũng được.
Ảnh minh họa. |
Thằng Toản mới trên huyện về mang theo đứa con gái nõn nà bắt mắt, đám trai làng nhìn theo rãi rợt. Cu cậu hếch mặt lên giời vênh váo sục nguyên cả mũi giầy vào đống phân trâu còn nóng hôi hổi. Gái làng bụm miệng cười. Cười gì mà cười, một lũ nhà quê. Đứa con gái phố huyện hậm hực tay bẹo tím sườn cu cậu. Thằng Toản cọ quẹo chân giầy vào nền cỏ chửi đổng. Sư cha, trâu với ngựa! Đám gái làng tản ra, tiếng cười vẫn còn váng vất.
-Úi xời tưởng thế nào, biết vậy đây cóc thèm về!
-Em, đi một vòng thôi!
Thằng Toản cố nằn nì, nó muốn đưa con bé đi một vòng quanh làng khoe ta đây có bồ đẹp. Con ranh đâu hiểu. Tiên sư, ông chiều mày lắm rồi mày ra thế. Nó lẩm bẩm chửi mà ngoài mặt tỉnh bơ. Con bé nhoẻn miệng cười, môi nũng nịu. Thì đi, nhưng sớm đấy, đây mỏi lắm rồi.
Chiếu chèo rộn tiếng vỗ tay, con bé kéo Toản lại ngó nghiêng. Đồ nhà quê, giờ ai còn chèo với trống, nó trề môi khinh khỉnh. Thằng Toản cố nín nhịn, nếu không vì cái mẽ thì nó đã sửng cồ lên từ lâu rồi. Ông Thiết nhìn sang chau mày. Cu cậu đỏ bừng mặt vì ngượng, ít ra nó cũng là đinh trong làng, ngày hội lớn vậy mà để con ranh coi thường, coi thường làng, coi thường hội, khác đếch nào coi thường nó đâu. Bấm bụng, nhịn, nhịn đi mày mà cái đầu cứ ong lên, mắt cứ vằn lạ. Người đến hội một đông, chẳng ai buồn ngó qua cái mặt nó, rõ chán. Về, về thôi. Con ranh phố huyện dùng dằng không chịu bước, mắt dán vào chiếc PS cáu cạnh, gã thanh niên xuống xe nheo mắt cười. Thằng Toản bặm môi kéo xệch đi. Con ranh miễn cưỡng bước, đầu còn ngoái sau bỏ lại cái nhìn lẳng lơ điếm đàng.
Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Giật thót mình, ừ mà không xưng danh ai biết đấy là đâu. Ý nghĩ thoảng qua theo tiếng mõ lốc cốc trên chiếu chèo. Mây lựng lờ. Người đâu mà khi nào cũng theo mây theo gió. Con bé đứng bên rụt chân cau mặt xuýt xoa miệng lẩm bẩm tập tễnh bước đi. Lại thế rồi, tự nhủ thôi không nghĩ nữa, đến đâu tính đến đó, những tháng nữa kia mà. Tiếng trống hội vẫn thùng thình rộn rã, đứng xem mà trước mắt chỉ một màu đen, tiếng ồn bạt qua tai như gió. Lại thế nữa rồi. Thôi đi về vậy.
Chị Thanh bảo, chẳng phải nhỏ nữa đâu, nhà mình nghèo phải gắng chịu em ạ! Nghe mà buồn quá. Ừ thì chịu nhưng sao cứ phải bắt người ta lấy chồng. Ngày mai nhà trai sang rồi, cô phải nghe lời mẹ, đừng làm gì để mẹ buồn rõ chưa! Chị Thanh dứt lời cắp mẹt nguây nguẩy cái mông đi ra ngõ. Gái làng này lấy chồng rõ sớm. Đã thành lệ, con gái mười bốn, mười lăm là chờ người đến hỏi, đến rước về. Nhớ hôm cái Thảo biên thư: Mày ạ, chị Nhu giờ đã là bà chủ rồi đấy, thành phố đẹp lắm, người thành phố ai cũng giỏi giang, chẳng lấy chồng sớm như gái làng mình đâu, suốt đời chỉ cắm đầu vào mấy sào ruộng mà nào có đủ ăn. Hay mày thu xếp ra đây một chuyến, ở mãi trong làng chưa chán sao? Biết nói thế nào với nó bây giờ. Chán thì có chán nhưng đi đâu có được.
Khiếp, gốc gạo làng anh gì mà… Thì thần gốc đa ma gốc gạo! Ơ này, có ma thật á. Chả tin. Tin không thì tùy, nhưng thật đấy. Mà thôi, nhanh cái chân lên. Thằng Toản giục con bé phố huyện. Tiếng xe gằn tiếng một, khói đen đặc túa ra như rơm đốt. Con bé nhăn mặt. Cái xe ở hội làng vừa rồi dễ đến trăm triệu ấy nhỉ! Ừ, nó là con ông chủ thầu xây dựng làng bên, cái loại ấy thì rồi cũng đi tù sớm. Sao thế? Im lặng. Chiếc xe lao đi trên đường làng, trống hội nhỏ dần phía sau. Chưa khi nào hội làng thằng Toản lại về sớm vậy, ờ mà ở lâu khéo con bé lại leo lên con xe PS thằng kia không biết chừng. Đã hơn tháng nay cu cậu không về làng, từ cái ngày nó hẹn hò bạn chat trên phố huyện. Mẹ hỏi. Thì đi học chứ đi đâu, lắm chuyện. Chẳng nhẽ ở mãi đây rồi lại bùn lại ruộng à, con cháu họ Phạm phải hơn chúng nó chứ! Mẹ nó nghe cũng thấy xuôi. Thì tao hỏi vậy, thế còn tiền không, tao cho tạ thóc đấy, ra huyện lo mà học hành. Biết rồi, lần nào cũng chỉ một câu đó thôi.
Nhận điện nhà, mẹ bảo mày phải về, đừng để nhà này ra đường không dám nhìn ai. Lại buồn nữa, muốn về lắm mà cứ nghĩ hoài, cái đám cưới lơ lửng như cái nơm chỉ cần bước chân vào cổng làng là bị úp. Chị Nhung bảo cầm tạm ít tiền về trả lễ, còn trẻ cưới xin gì, tao mà nghe lời mẹ tao thì giờ chắc ốm o, nheo nhóc mà chết từ tám hoánh. Vậy thôi, mẹ đâu có hiểu điều đó. Ở lại cho rồi. Người ta cũng con gái mười lăm mà tung tẩy đến trường còn gái làng mình thì chồng con bồng bế, bao giờ mới mở mày mở mặt.
-Cho chị ly nước cam sang bàn số hai nhé!
-Dạ vâng!
-Này, gọi nước cam sao đưa nước lọc thế?
-Xin lỗi em nhầm.
Phố ồn ào tấp nập, bụi mù như ngựa phi. Mỗi người một ý nghĩ, mỗi người một nỗi lo, họ cắm đầu lao đi như kiến. Có ai đang trốn chạy một đám cưới như mình không nhỉ? Đám cưới như cái nơm cứ lơ lửng đến bao giờ không biết. Vậy thôi, chứ nghe lời chị Nhu mang tiền về trả lễ là bị úp liền không đi nổi nữa đâu. Nhận lễ người ta rồi đâu cứ trả là xong được. Chị Thanh chắc giận lắm. Chị lấy chồng khi mới mười ba, giờ con cái nhếch nhác như đám ăn mày. Cái dáng nghiêng nghiêng, nguây nguẩy cạnh sườn một cái mẹt trông tội lắm, vậy mà khi nào cũng ráng chịu, ráng chịu, chịu đến bao giờ. Cái lần chị ào vào nhà như gió, ôm chặt mẹ khóc ngất mà thương, chồng với con kiểu thế ở vậy cho rồi, sao chị nhịn tài lạ. Ngày chị mới mười ba, người ta bảo, con gái mà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Mẹ tự hào, mẹ mừng ra mặt. Ấy mà giờ thắt phát hoảng, người khi nào cũng như cây lau, cây sậy bên mép sông.
Thương ơi, chat là gì thế? Chồng chị đi chat cả ngày đêm chẳng chịu về, buồn lắm em ạ! Nét chữ nguệch ngoạc nhòe nhòe như cái phận con gái làng đến tuổi mười ba. Biết trả lời sao đây. Thư chị Thanh gửi qua cái Biên hôm nó về làng như gói nước mắt chị. Phận gái làng thế thôi. Ừ thì thế, mắt lại cay cay nữa rồi. Nhớ hôm đi, sang nhà chị Thanh, đứng ngoài trông vào thấy đám trẻ ngằn ngặt khóc không cầm nổi nước mắt. Sao cái số chị khổ vậy kìa, cũng đảm đang, cũng thùy mị mà ông trời ác quá. Lén lau nước mắt lặng lẽ bỏ đi, biết bao giờ mới lại về, thôi, không nghĩ nữa. Trong thư chị bảo, ở đó lo làm ăn, không về cũng được. Chồng con cực lắm, như chị đây này. Lại khóc nữa rồi. Tiếc chị không bảo vậy sớm hơn.
-Có sao không?
-Không đâu!
-Nhớ nhà đó hả, thôi thu xếp mà về mấy hôm!
-Tao sợ!
-Cái làng mình cũng kì thiệt. Mới tí tuổi ranh biết gì mà cưới với xin, hôm tao về mẹ mày đòi ra theo, tao phải trốn đấy, bà quyết bắt mày về. Tội bà, nhận lễ rồi không biết ăn nói sao nữa.
Gió chiều thổi ngược bến sông, chị ngồi thẫn thờ bên doi cát, hôm nay nữa là đúng năm hôm, chồng chị lên phố huyện vẫn chưa về. Đời người con gái sao mà khổ. Cái Tí ngằn ngặt khóc đòi cha, tội nó. Đám choai choai bảo anh Huy đi chát trên huyện không biết về rồi. Chat là gì mà mê muội thế, bỏ vợ bỏ con. Mười bảy rồi ít gì đâu.
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì.
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không…(*)
Bài thơ buồn não, chị lặng lẽ cắp mẹt đi về, phía sau sóng vẫn xạc xào bờ cát. Bóng chị nhỏ nhoi liêu xiêu đổ phía trước. Hôm văn công về làng nghe câu hát thời con gái lưng ong mà suýt bật khóc. Chẳng phải cô gái giống chị mà thấy người ta lo cho em quá, còn chị chỉ cắp mẹt theo chồng, giờ em gái lang bạt đẩu đâu muốn gọi về cũng không dám.
Nhận thư cái Mận, chẳng biết nên vui hay buồn đây. Vẻn vẹn mấy dòng, thằng Toản bị công an bắt, tội giao cấu với trẻ em vị thành niên, về đi, mày không lo phải cưới nó rồi. Mấy ngày nay ông Thành lạ quá, cứ nhìn chòng chọc, cái Thảo bảo cẩn thận lão ấy, háu gái lắm. Nói nhỏ vậy thôi, để chị Nhu biết chị lại buồn. Cái phận gái làng vô học như chúng mình bèo bọt thế không biết.
-Ê cho một nâu đá, một cam, nhanh lên nhé!
Cái mặt quen quá, chẳng phải thằng An con ông chủ thầu xây dựng đó sao. Lại kia nữa, cái con ranh phố huyện hôm nào. Định bụng không mang, chị Nhu phải giục. Đành vậy. Thằng An nhìn xoáy vào ngực đến phát ngộp.
-Bán hàng đây lâu chưa?
-Em mới thôi!
-Chắc thăm chồng rồi hả, ngu thì chết!
Con ranh ngồi bên nắc nẻ cười. Uất nghẹn, chồng con gì. Cũng may cái Thảo ra đỡ lời chứ không chắc hắt cả cốc nước cam vào mặt chúng nó mất.
Mái đình cong lên như dấu hỏi, con gái làng không biết đã chồng con hết chưa. Chị Thanh ra đầu làng đón, cái dáng liêu xiêu trong nắng không lẫn vào đâu.
-Về thì tốt rồi!
-Có gì mới không chị?
-Vẫn vậy thôi, có điều không phải lấy chồng nữa, cô sướng nhé chẳng như chị. Nói đoạn thở dài. Mẹ vẫn lụi cụi sàng sẩy, cái lưng chưa đến tuổi đã còng, thương quá. Nào có muốn bỏ làng đi đâu, chỉ tại… đám nhỏ bu quanh kéo gấu áo đòi quà, tiếng khóc cười ngằn ngặt vọng lan. Làng giờ nhiều trẻ con thế không biết. Mẹ nhìn run run, có định lên huyện thăm nó lần không? Biết trả lời sao đây. Thôi để con tính. Chị Thanh sang ở bên nhà cả tháng nay, hai vợ chồng bỏ nhau, tội đám nhỏ. Ngoài trời gió lành lạnh thổi, bao người nơm nớp lo con bị bắt như thằng Toản nhà Thông. Chưa khi nào thấy làng có không khí nặng nề đến vậy. Thôi mai thu xếp lên huyện thăm thằng Toản một lần, dù sao nó cũng là bạn chăn trâu, cắt cỏ thủa nào. Nửa đêm mơ màng nghe tiếng trống hội, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Không xưng danh ai biết đấy là đâu!
*Thơ Đồng Đức Bốn