Ơn

02:10, 05/10/2011

Trung tâm y tế huyện gửi công văn xuống trạm y tế xã, nội dung đại khái là: Dự án y tế cộng đồng có mở một lớp học đào tạo nhân viên y tế thôn bản, nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu tại thôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trung tâm y tế huyện gửi công văn xuống trạm y tế xã, nội dung đại khái là: Dự án y tế cộng đồng có mở một lớp học đào tạo nhân viên y tế thôn bản, nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu tại thôn. (Có hỗ trợ một ngày bảy nghìn đồng trên một người cho việc đi lại và ăn uống bữa trưa). Yêu cầu mỗi khu phố cử một người.

Người này đùn đẩy người kia. Không ai nhận đi vì lớp học xa nhà, rồi còn gia đình, con cái… Người lại chê không bõ công. Mà sau khi học xong làm việc lại không có lương, nên ai cũng tránh. Chỉ còn hắn là “ăn không ngồi rồi”. Hắn “được” điều đi học lớp đó. “Còn hơn suốt ngày đi bắt ốc, chặt củi”. –Tay khu phố trưởng nói.

Sau ba tháng đi đi về về, hắn được trang bị một số kiến thức sơ cấp cứu cơ bản về ngành y. Hắn được mọi người trong thôn biết đến với cái chức danh cán bộ y tế thôn bản. Công việc của hắn là đến ngày mồng năm hàng tháng đi cân trẻ, vận động trẻ đi uống vitamin A, vận động các bà bầu đi khám thai, uống sắt đầy đủ…. Rồi đi điều tra để nắm danh sách các hộ khẩu, nhân khẩu, tỉ lệ sinh tử trong địa bàn khu phố; theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em sau sinh đẻ, rồi tình trạng vệ sinh môi trường… Nói chung việc không to tát gì, nhưng cũng sổ sách rồi đi về như ai. Từ đó, đi đâu gặp người trong xóm hắn cũng được chào hỏi. Đại loại: “Cán bộ y tế Ơn đi mô rứa?”. “Chào cán bộ Ơn!”.  “Trần Ơn nay là cán bộ rồi đấy, oách hỉ”. “Làm bên trạm, lương chắc to lắm hè?”... Được chào cũng vui, cũng thích thiệt, nhưng chào và hỏi kiểu đó thì hắn không biết trả lời ra răng, chỉ biết cười trừ, bởi quả thực hắn có nhận được đồng bạc nào đâu mà trả lời với trả vốn. Ai đã từng làm cái “chức danh” như hắn thì biết, hắn nói cấm có điêu. Thiệt tình mà nói, sau mỗi lần đi cân trẻ, hắn nhận được mười nghìn đồng tiền công bồi dưỡng. Mỗi tháng cân một lần, một năm tổng cộng được một trăm hai mươi ngàn. Các việc như băng bó vết thương, hay cứu chữa các loại bệnh tật khác mà ở lớp hắn được học thì không mó tới. Bởi vì, hở có chuyện hệ trọng một chút bà con cũng chen nhau đưa lên tận bệnh viện tỉnh. Đến cán bộ trạm y tế xã còn rảnh rang nữa là cán bộ y tế thôn. Vậy là hắn làm thêm cái việc đi tuyên truyền vận động bà con nên đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, vì ở trạm cũng đã có y bác sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học y ra.

Vốn liếng kiến thức học được dần dần “bốc hơi”. Trung tâm lại mở lớp tập huấn đợt hai. Lần này có hỗ trợ của nước ngoài hẳn hoi. Mỗi ngày học viên được bồi dưỡng năm mươi nghìn. Năm mươi nhân với mười ngày, hắn được năm trăm. Ở quê mấy ai kiếm ra được đồng tiền dễ như thế? Thêm nữa, mỗi học viên được hỗ trợ một chiếc xe đạp và túi dụng cụ sơ cấp cứu gồm một kéo, một panh, một túi bông gòn, một cuộn băng dính. Oách thiệt! Hắn được bà con hỏi thăm nhiều hơn, khen ngợi nhiều hơn. Không ít người chép miệng tiếc rẻ vì ngày trước từ chối không đi.

          -Trần Ơn sướng hí! Có tiền, có xe đi, oách không ai bằng. Ông trạm trưởng trạm y tế trao chiếc xe đạp và túi đồ dụng cụ sơ cấp cứu cho hắn, mặt tỏ rõ sự ban tặng.  -Đó! Chú đã nói rồi, không thiệt đi mô mà sợ. Nghe nói sắp tới sẽ có cấp lương cho đội ngũ y tế thôn bản nữa. Đã chưa.
-Được rứa thì cũng động viên bọn cháu hơn.
-Mi có được suất học ni, cũng nhờ chú gợi ý với lão Toan khu phố trưởng đó chớ! Ở nhà chăn trâu cắt cỏ có mà ăn…
-Dạ. Cháu biết. Cháu cám ơn chú nhiều.

Làm y tế thôn, nhưng hắn vẫn giữ vững phong trào Đoàn. Có chút năng khiếu nghệ thuật trời phú, hắn thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ trong phường. Xem hắn diễn kịch, bà con sướng lắm! Cứ vỗ tay rào rào. Hắn còn dàn dựng các chương trình cho đoàn phường đi dự thi ở thị xã. Thành tích đưa về rất cao. (Điều trước đây phường hắn ít khi được nhắc đến trong báo cáo thành tích thi đua văn hóa văn nghệ). Mấy ông cán bộ văn hóa cứ gọi là rung đùi mà… nhận giải. Thế là không chỉ đoàn khu phố, đoàn phường mà cả hội nông dân, hội phụ nữ cũng nhờ. Trạm y tế cũng ra sức “khai thác” nhân lực. Sướng nhất, hãnh diện nhất là lúc đọc tên tác giả cũng là đoàn viên, hay nhân viên y tế thôn tự sáng tác dàn dựng và biểu diễn. Trong lúc các đơn vị khác phải giấu tên tác giả vì phải thuê tác giả lớn của tỉnh viết và dàn dựng. Anh cán bộ văn hóa xã nói: “Thấy chưa? Tôi đã nói là em làm được rồi mà”.

-Dạ em cảm ơn. Thành công được cũng nhờ sự đóng góp của mọi người!

Không hiểu tự bao giờ, mồm hắn luôn gắn hai từ “cảm ơn”. Nó như một quán tính khi ai nhắc đến công trạng với hắn mặc dù điều đó đúng hay sai. Nói xong, hắn thấy bực bội và thấy mình cũng giả dối không kém. Ít ra thì cũng giả dối chính mình. Nhưng, thói đời là vậy.

Trung tâm Văn hóa thông tin thị mở lớp bồi dưỡng biên đạo diễn sân khấu cho cán bộ văn hóa xã. Anh cán bộ xã lại sang “triệu tập” hắn. Anh nói:
 
-Đây là lớp dành cho cán bộ văn hóa xã, nhưng mọi người đều bận. Tôi nhường em đi hí?
Thấy hắn lưỡng lự, anh tiếp:
-Có bồi dưỡng xăng xe ngày bảy nghìn hẳn hoi. Đi rồi phường sẽ xem xét động viên sau.

Bảy nghìn, hắn tính không đủ tiền xăng cho bốn vòng đi về một ngày. Nhưng hắn vốn yêu thích nghề này. Muốn đi mở mang thêm kiến thức. Học xong, hắn viết đơn xin trợ cấp của phường như đã hứa, nhưng chỉ nhận được lời ậm ừ hẹn chờ xét duyệt. Đi “xin” đến lần thứ ba thì hắn đã hết kiên nhẫn. Thôi thì dù sao hắn cũng học được nhiều điều. Ở đó hắn được học lý thuyết, kỹ năng và phương pháp sáng tác dàn dựng sân khấu do một người thầy có tiếng giảng dạy. Hắn được đào tạo chuyên nghiệp hơn cái bản năng tự có trước đây. Đó là cái mà hắn thấy được, đỡ bức xúc hơn khi nghĩ đến lời hứa suông của lãnh đạo ủy ban. Kết thúc lớp học, vở kịch của hắn được đánh giá cao nhất. Hắn được Trung tâm Văn hóa thông tin thị chú ý. Hắn được mời đi đóng kịch, viết và dàn dựng chương trình cho đoàn thị xã đi lưu diễn khắp tỉnh. Tiền công được trả rất hậu. Tiếng tăm của hắn dần dần được giới văn nghệ cả thị biết đến. Hôm hắn lên nhận giải thưởng của ủy ban thị, đồng chí trưởng ban văn hóa xã tươi cười, bảo:

-Em thấy chưa. Có lọt đi mô mà sợ. Trách chi phường mình nghèo nàn. Mình phải biết nắm bắt cái lớn chứ. Nếu anh không nhường cho em đi, thì làm chi có ngày hôm ni.
-Dạ, em biết. Cám ơn anh.
-Mà tối ni phải khao giải đó hí!

Hắn tức anh ách, rứa mà vẫn cảm ơn, dạ, vâng.

Hắn nhận giải xong, giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thị gọi đến:

-Cháu rất có năng khiếu, nên phát huy. Cháu tốt nghiệp trường nào ra?
-Cháu chưa qua trường lớp nào cả. Văn hóa mới hết lớp chín.
- Thế à! Ông tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi tiếp: - Cháu nên đi học tiếp. Đừng dừng lại ở đó mà phí tài năng. Cơ quan nào muốn nhận cháu vào làm cũng khó khi cháu chưa có bằng cấp.

Với kinh tế hiện nay của gia đình, đi học quả là một điều nan giải. Nhưng lời nói của chú Trịnh giám đốc bắt hắn suy nghĩ. Dường như đây là lần đầu hắn suy nghĩ lâu trước một lời khuyên của người khác.

Hắn quyết định làm đơn đi học tiếp hai năm ba lớp bổ túc văn hóa. Rồi cũng rậm rịch làm hồ sơ thi tuyển đại học, đúng chuyên ngành năng khiếu của hắn. Trong thời gian đi học, hắn vẫn viết, diễn và dựng chương trình để lấy tiền trang trải. Chủ yếu là làm các chương trình lớn ở thị, ở tỉnh mới có kinh phí kha khá. Còn dựng cho phường thì được từ trăm rưỡi đến hai trăm nghìn trọn gói vở kịch từ viết đến dàn dựng đến thủ vai chính. Ở phường, họ coi chất xám của hắn rẻ hơn bèo.

Hắn chạy xe trên đường, ngang qua trạm y tế thì tiếng chú trạm trưởng kêu lại:

-Ơn à. Sắp tới có hội thi phòng chống suy dinh dưỡng, chuẩn bị viết hí.- Ông nói như ra lệnh.
-Nhưng cháu sắp thi rồi.
-Thi tốt nghiệp bổ túc thì có chi khó hè?
-Cháu còn ôn thi đại học nữa.
-Xí. Mơ ước lớn quá hỉ. Thôi, lấy cái bằng bổ túc mà về làm văn nghệ xã là tốt rồi.- Ông cười nhếch mép nói.
-Cháu muốn thử sức.
-Thôi làm chi mặc kệ. Phải giúp chú cái vụ này xong rồi làm chi thì làm.

Hắn đi tiếp, để lại đằng sau tiếng làu bàu của tay trạm trưởng. Ngang qua Ủy ban, cũng bị kêu lại:

-Ơn, Ơn.

Két. Chiếc xe phanh gấp. -Chi rứa chị?

-Viết cho chị cái màn chào hỏi để hội nông dân đi hội diễn.
-Dạo ni em bận lắm chị ơi. Mấy phường khác cũng mời mà em từ chối hết.
-Gớm hí! “VIP” rồi đó.

Đang từ chối thì giọng anh cán bộ văn hóa oang oang:

-Chào nhà biên kịch. Có việc, có việc đây. Viết cho anh vở kịch để đoàn phường đi thi phòng chống HIV dưới thị.
-Anh ơi, không được rồi. Nửa tháng nữa em thi.
-Dào ôi! Mấy lắm. Em chỉ cần bỏ ra năm mười phút là ok.
-Anh nói như chơi. Làm nghệ thuật, phải suy nghĩ nát óc mới có tác phẩm hay chứ tưởng dễ. Anh làm trong ngành mà còn nói thế.
-Thì anh có nói chi mô. Như tụi anh có vắt óc cả tháng cả năm cũng không ra một cái tử tế. Em có năng khiếu sẵn rồi.
-Nhưng em còn thi nữa.
-Chưa chi đã mắc bệnh sao rồi. Con em trong phường thì phải biết vì phường chớ.
-Người ta con nhà nòi còn trượt lên trượt xuống. Mới được tí chút đã vênh vang.- Tay trưởng ban phòng chống tệ nạn xã hội trên đường đến tìm hắn để nhờ vả, nghe vậy cũng chêm vào.
-Ở nhà kiếm lấy cái chân văn hóa xã cho nó chắc ăn.

Hắn trầy trật học đêm học ngày. Đúng là sự học vất vả thật, nhưng hắn quyết tâm. Một phần cũng như để chứng tỏ cho mấy vị “lãnh đạo” biết, mình cũng không thua kém ai. Nhất là để khỏi phụ công chú Trịnh chỉ bày.

Ngày hắn ra Ủy ban xin dấu để làm thủ tục nhập học đại học. Vị chủ tịch ký xoẹt một cái, rồi nhìn hắn cười kiểu nửa thán phục nửa ban ơn. Xuống cô văn thư xin cái dấu, cô ngó nghiêng lật đi lật lại như sợ giấy báo đỗ đại học của hắn có sự nhầm lẫn nào chăng, rồi cạch, cạch hai phát vào bộ hồ sơ. “Chúc mừng nhà đạo diễn tương lai”.

Trước khi đi, Ủy ban cũng có tổ chức một buổi họp mặt gặp gỡ con em trong phường đã đỗ đạt, hắn cũng đến dự. Mỗi người được thưởng năm mươi nghìn. Cao đẳng và trung cấp thì một người được hai mươi nghìn (mà trong số đến nhận thưởng hai phần ba là cao đẳng và trung cấp). Thôi thì gọi là an ủi khích lệ. Hắn thay mặt gần bảy mươi tân sinh viên phát biểu ý kiến, bày tỏ lời cảm ơn đến cơ quan Đảng bộ, chính quyền địa phương đã quan tâm, khích lệ, giúp đỡ, tạo điều kiện… vân vân và vân vân. Sau đó hứa quyết tâm sẽ học hành chăm chỉ về phục vụ quê hương. Hắn nói rành mạch. Mấy vị lãnh đạo gật đầu lia lịa. Lúc xuống, một vị chộp ngay câu cuối cùng hắn vừa phát biểu. “Nhớ là về để phục vụ quê hương hí”. Ông Phó Chủ tịch đặt tay lên vai hắn, nhắc nhở: “Đi mô, làm chi cũng phải nhớ đến nơi mình bắt đầu”. Như sợ hắn chưa hiểu, ông giải thích thêm “Nghĩa là nhớ đến người đã dìu dắt mình”. Ngang qua anh cán bộ văn hóa xã, anh bắt tay hắn: “Chúc mừng em. Em có được ngày hôm ni là phải nhờ công anh lớn lắm đấy. Liên hoan nhớ mời anh hí. Nếu anh không mời em tham gia vào đội văn nghệ của phường, rồi không cho em đi học lớp bồi dưỡng sáng tác sân khấu thì mần chi có ngày hôm ni”. Hắn dạ. Chưa dứt lời, đồng chí nguyên bí thư chi đoàn cũng chêm vào: “Nếu rứa thì phải kể đến công tui chứ. Nếu tui không đến vận động đồng chí đi sinh hoạt đoàn thì giờ này chắc đồng chí đang mò cua bắt ốc, đi chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng ấy chớ”. Hắn lại dạ. Gật đầu. Cười. Cảm ơn rối rít.

Còn một việc nữa hắn phải giải quyết cho xong trước ngày lên đường nhập học. Hắn viết một lá đơn tường trình lý do xin thôi làm nhân viên y tế thôn bản. Hắn phải trả lại chiếc xe đạp cũ rích và túi dụng cụ y tế (không được thiếu một thứ gì). Gần ba năm hắn làm không lương, giờ đến lúc hắn nghỉ thì có công văn gửi xuống cấp lương cho đội ngũ y tế thôn bản. Một tháng bảy mươi nghìn đồng. Quyết định thì có gần một năm rồi, nhưng bây giờ tiền mới chuyển tới tay người được nhận. Hắn cũng nhận một lúc mấy tháng. Ông trạm trưởng bảo hắn ký nhận tiền, cười thân thiện. “Cháu thấy chưa? Nếu cháu không thi vào trường sân khấu, thì cũng đậu vô đại học, không nữa là cao đẳng, trung cấp y tế. Cháu có tài. Chú nhìn người nỏ sai”. “Dạ”. “Nhân tài đã quý. Người phát hiện nhân tài càng quý hơn. Cháu nên biết điều đó”. Hắn lại dạ. Chuẩn bị bước đi, thì tiếng chú gọi giật lại: “À nì, cho chú cái địa chỉ, sau  có chi chú nhờ, viết xong “meo” vô cho chú hí!”.

Hắn đi học đại học mà phải hàm ơn bao nhiêu người. Tự nghĩ, hay là do ba mẹ đặt tên mình là Ơn nên suốt đời phải mang ơn. Hắn cũng biết là mình nên nhớ đến công lao của những người đã giúp đỡ mình. Vì vậy, trước khi đi, hắn đã tổ chức liên hoan ở quán nhậu để mời những người mà hắn phải chịu ơn. Mọi người có mặt đông đủ, chỉ thiếu duy nhất chú Trịnh - người quan trọng nhất hắn đáng mời. Chú gửi quà cho hắn và xin lỗi vì không đến được với lời chúc học giỏi, thành đạt. Hắn e ngại, e rằng mời chú ra quán nhậu bình dân không phù hợp. Mà nơi sang trọng thì hắn không đủ tiền. Hắn bứt rứt và hối hận mãi.
 
Lần về nghỉ hè, hắn tìm đến cơ quan thì chú đã nghỉ hưu. Hắn xách túi quà tìm đến tận nhà để cảm ơn chú. Chú rất vui khi thấy hắn đến. Nhưng khi hắn đưa túi quà, chú không lấy mà còn mắng hắn một trận, rồi bắt mang về. Chú nói: “Cháu thành đạt là món quà lớn nhất đối với chú”. Đời chú giúp không biết bao nhiêu người nhưng chưa bao giờ nhận quà của ai dù chỉ là cái nhỏ nhất.

Trên đường về, hắn hít thở thật sâu, nghĩ, trên đời này vẫn còn lắm người tốt. Hắn sống như thế cũng biết trước biết sau, không phụ lòng ai rồi. Vừa về đến nhà, mẹ hắn nói: “Mấy ông bên xã họ trách con về mà không đến chào hỏi họ một câu cho phải phép”. Rồi thỉnh thoảng hắn vẫn nghe những lời như: “Nó có được ngày hôm ni là nhờ công tui đó chớ! Thế mà hắn nỏ biết điều chi cả. Cái đồ vô ơn”.
Truyện ngắn: Cát Miên