Chân dung mẹ

03:10, 19/10/2011

Tảo tần, lặng lẽ đồng hành cùng nắng mưa, hôm sớm, bầu bạn cùng nhọc nhằn, lo toan – là mẹ, “vĩnh cửu và lớn lao như cuộc đời”. Chắc hẳn trong trái tim mỗi chúng ta ai cũng khắc sâu một hình bóng thân thương như thế. Viết về mẹ, không giấy nào đo được tình sâu nặng, chẳng bút nào nói hết sự biết ơn.

Ru cho đời nín cái đau
À ơi mẹ chẳng một câu ru mình…
(Bình Nguyên, À ơi tay mẹ)
 
Tảo tần, lặng lẽ đồng hành cùng nắng mưa, hôm sớm, bầu bạn cùng nhọc nhằn, lo toan – là mẹ, “vĩnh cửu và lớn lao như cuộc đời”. Chắc hẳn trong trái tim mỗi chúng ta ai cũng khắc sâu một hình bóng thân thương như thế. Viết về mẹ, không giấy nào đo được tình sâu nặng, chẳng bút nào nói hết sự biết ơn.

Tháng 12 - 2008, Nxb Phụ Nữ đã phát hành tuyển tập: Mẹ của nhà thơ do Nguyễn Tuấn Cảnh tuyển chọn như một lời tri ân của những đứa con gửi đến mẹ. Với một trăm bài thơ của một trăm tác giả hiện đại và đương đại, tuyển tập đã giúp độc giả có sự hình dung đầy đủ nhất về chân dung mẹ. Mỗi tác phẩm là một “mảnh tình riêng” của các nhà thơ đối với mẹ của mình.

Huy Cận nói lên tiếng lòng biết ơn sâu sắc đối với người mẹ cả đời “thương chồng nuôi con”; Tố Hữu đắm mình trong tiếng mẹ ru nhè nhẹ đi theo suốt chiều dài cuộc đời ông; Nguyễn Sĩ Đại mãi trăn trở với hình ảnh mẹ trong ngày mưa lũ; Trần Đăng Khoa lo lắng ngày mẹ ốm; Ý Nhi với nỗi niềm bồn chồn sau bao lần trở về rồi lại ra đi…

Nhà thơ nào cũng thấu hiểu tâm tình mẹ và biết yêu thương những sợi tóc bạc, vết chân chim và bờ vai gầy tảo tần sớm hôm. Trong sâu thẳm tâm hồn, họ dành cho mẹ một tình yêu thiêng liêng không gì thay thế nổi bởi cả cuộc đời “mẹ dành bên lở, bên bồi nhường con” (Nguyễn Thị Ngọc Hà).

Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã có lối so sánh rất độc đáo: “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng/ Cau - ngọn xanh rờn/ Mẹ đầu bạc trắng”. Tưởng là lẽ tự nhiên nhưng những vần thơ ấy mang cả nỗi xót xa, lo lắng của người con khi thấy mẹ cứ mòn mỏi dần theo thời gian. Cũng tình yêu ấy, bất chợt nhà thơ Nguyễn Hồng Hà lại thấy thấm thía hơn bao giờ hết sự vô tâm của mình trước sự hy sinh của mẹ: “Cả tuổi thơ của con/ Nhẹ tênh trên lưng mẹ/ Con cõng mẹ một lần/ Mà lòng con nặng trĩu”. Với Phùng Quán, ấn tượng về mẹ khắc sâu trong trái tim ông bởi bài học về lòng chân thật. Trần Nhuận Minh lại cảm ơn mẹ bởi tuổi thơ đắm mình trong truyện cổ với tình yêu con người và lòng bao dung với cuộc đời. Với Nguyễn Bảo Chân, ý niệm về mẹ không chỉ có thế, mẹ còn dạy ta những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại làm nên cuộc sống để ngày hôm nay, những đứa con của mẹ mạnh mẽ hơn, tự tin hơn với “vầng mặt trời mẹ đã thắp cho con/ sau cơn mưa ngày trước”.

Từ tuổi thơ ngọt ngào, những đứa con lớn lên và đi xa, mẹ lại dành nửa đời còn lại để “hun hút trông theo” (Phạm Ngọc Cảnh) để vui cùng niềm vui, lo hơn nỗi lo của con. Và sau những bon chen thường nhật con trở về tặng lại mẹ lời hát ru thuở nào mong “ngủ đi tuổi già/ngủ đi xót xa” (Phi Tuyết Ba) mà lòng bỗng dưng xa xót quá. Mẹ như bến bờ yên bình chờ đợi những đứa con yêu trở về những khi cô đơn và tuyệt vọng nhất. Hay nói như Nguyễn Ngọc Phú thì “mẹ là nơi neo đậu sâu thẳm nhất”. Con chẳng thể níu lại thời gian, chẳng thể xóa mờ nếp nhăn năm tháng và nhuộm lại “mái tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con” (Phạm Đình Ân) bằng nỗi niềm ký ức. Tác giả Đoàn Thị Lam Luyến từng mang trong mình niềm khao khát đưa mẹ thoát khỏi nỗi lo cơm áo bằng những vần thơ. Nhưng buồn thay, sau bao phen “sống mái với đời thường” người con ấy nhận ra thơ chỉ làm “riêng tôi đã khát” còn mẹ vẫn lặng lẽ nhọc nhằn hôm sớm như xưa. Lời tâm tình ấy chứa chan cảm xúc và thấm đượm cả giọt nước mắt ân hận muộn màng.

Khi ta nhận ra lòng nhận hậu, tình yêu thương vô bờ của mẹ thì: “Mẹ giờ khuất ở phương nào/ Chỉ nghe tiếng lá rụng vào thinh không” (Nguyễn Thị Ngọc Hà). Sự hẫng hụt, mất mát ấy còn được nhà thơ Trần Ngọc Trác ví rằng: “Con hiểu cuộc đời không có mẹ/ Như mầm cây trong kiếp phù vân”. Đó cũng là tâm sự của rất nhiều nhà thơ khác trong tuyển tập như Tế Hanh (Bên mồ mẹ), Phạm Hổ (Nhớ Má), Vũ Duy Thông (Mẹ), Vương Trọng (Khóc giữa chiêm bao)…

Mỗi tác giả viết về mẹ bằng một tình yêu khác nhau qua những thể loại khác nhau như ngũ ngôn, tự do, lục bát… nhưng lời thơ của họ phần lớn đều giản dị, âm điệu hiền hòa, trong sáng như “lời ru mẹ” từng ăn sâu vào máu thịt mỗi người. Một trăm bài thơ đã cho ta biết bao hình dung về mẹ. Những bài thơ ấy giúp độc giả trân trọng hơn những tháng ngày có mẹ, yêu hơn khuôn mặt nhiều nếp nhăn, thương hơn bờ vai tần tảo. Dẫu cả đời lầm lũi “ước mơ không vượt quá ngọn tre làng” (Trương Nam Hương) nhưng mẹ đã ươm những mầm xanh để chúng làm nên đất nước. Cảm ơn những nhà thơ trong tuyển tập đã tái hiện chân dung mẹ tuyệt vời đến thế.
QUỲNH XUÂN