Năm 2010 vừa qua, tiểu thuyết “Rừng khát” của cây bút Thanh Hương (Đạ Tẻh) đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải C (không có giải A, B)...
“Rừng khát” hấp dẫn người đọc không chỉ vì cách dựng truyện mới, tiết tấu mạch lạc, nhanh, bất ngờ, pha chất hài hước, cốt truyện có kết cấu chặt chẽ, mà trên hết là tác giả đã đặt ra vấn đề mà cả nhân loại đang quan tâm, đó là rừng - lá phổi của chúng ta đang bị hủy hoại nghiệm trọng, hãy hành động để bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Chuyện bắt đầu từ một vụ án: Anh thanh niên nghèo khó tên là Lê Hữu Tình vì muốn có một chiếc xe máy Trung Quốc để chở vợ con đi chơi sau mỗi ngày lao động vất vả, nên Tình đã đi làm thuê cho bọn lâm tặc với công việc chặt phá rừng. Trong một đợt vây quét của lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an, bộ đội, dân quân cơ động địa phương, Tình đã bị bắt quả tang khi trên tay hắn cầm một con dao dài sắc nhọn và gần đó là xác chết của một trung úy công an trẻ và một cán bộ kiểm lâm bị thương nặng. Lê Hữu Tình bị tuyên án tử hình vì 3 tội: phá rừng, chống người thi hành công vụ, giết người. Hắn kêu oan! Cơ quan điều tra vào cuộc, sau một thời gian vất vả đã tìm ra một đường dây phá rừng quy mô, đứng đằng sau là một thế lực bảo kê, tìm ra được kẻ giết người và Lê Hữu Tình được minh oan. Toàn bộ đường dây phá rừng, thế lực bảo kê ở địa phương ấy bị bắt.
Cốt truyện là vậy, nhưng không giống với bất cứ tiểu thuyết nào đã từng viết về rừng, về lâm tặc, với “Rừng khát”, tác giả đã không chỉ dừng lại ở tả thực cảnh những cánh rừng bị tàn phá ra sao, độ tàn phá đến mức nào, mà còn đi vào tả chân, lột tả cái gốc của vấn đề. Đó là những mánh khóe, móc nối, những thế lực cấu kết, những mối quan hệ khăng khít công phá vào rừng, rút ruột rừng; đó là những cuộc chơi trác táng, ăn nhậu thâu đêm của bọn phá rừng. Trách nhiệm công dân của tác giả như thấm vào từng trang viết “Hàng ngàn gốc cây bị cắt sát gốc, nhựa gỉ ra đọng lại, trong ráng đỏ hoàng hôn, trông như máu của rừng đang chảy” hoặc “Buổi sáng, sương đọng lại trên những thân cây bị đốn còn trơ gốc, trông như nước mắt của rừng”… đã có sức lay động mạnh mẽ đến tâm can người đọc, những người có lương tri trách nhiệm sẽ hành động để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh đang từng giờ từng phút bị lâm tặc “Gọt rừng như cầm dao gọt khoai tây”, “coi rừng như nhà vô chủ” để tự do chặt phá.
Với “Rừng khát”, tự các nhân vật nói ra và tự hành động, diễn biến truyện diễn ra rất tự nhiên, dường như không còn sự sắp đặt, dẫn dắt của tác giả. Chính vì thế người đọc có cảm giác được “sống” cùng và hòa mình vào câu chuyện. Quá khứ, hiện tại đan xen trong từng nhân vật. Diễn biến tâm lý của nhân vật được biểu hiện qua từng hành động, cử chỉ, lời nói của những kẻ ác và người thiện đều được khắc họa rõ ràng mạch lạc. Mỗi nhân vật đều có diện mạo riêng, tính cách, cá tính riêng qua những chi tiết sống động. Có nhân vật mở miệng là nói tục chửi thề, có nhân vật luôn bắt đầu bằng một câu “Tôi đã nói là đúng” – để quần chúng gọi là “Ông duy nhất đúng”. Có kẻ nói một đường làm một nẻo. Có anh quen báo cáo láo với cấp trên. Có người luôn tự nâng cao mình bằng cách: “Tôi quen biết nhiều với các anh trên tỉnh, chỉ cần nói một câu là được”… Những nhân vật cứ như từ ngoài đời bước vào trang sách, rồi lại từ trang sách bước ra. Cách xây dựng nhân vật sống động, rõ nét đã cho người đọc càng thấy rõ: Phá rừng là tội ác! Hậu quả thì loài người đã thấy: thiên tai, lũ lụt, sóng thần, khô hạn đã trả lời do rừng cạn kiệt, môi trường sống bị tàn phá. Rừng đang đòi nợ chúng ta. Đọc để ngẫm, ta còn có thể thấy: “Rừng khát” còn là “khát” những biện pháp triệt để, hữu hiệu để ngăn chặn nạn chặt phá rừng.