Tiếng hát trên đường về Nam

01:10, 05/10/2011

Chiếc xe khách xuất phát từ Hà Nội, bon bon trên đường về phía Nam. Từ chiếc máy thu thanh gắn ở đầu xe, giọng cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam ngọt ngào, ấm áp mời thính giả nghe những bài hát về Thanh niên xung phong và cảm xúc của các nhạc sĩ về những bài hát ấy.

Chiếc xe khách xuất phát từ Hà Nội, bon bon trên đường về phía Nam. Từ chiếc máy thu thanh gắn ở đầu xe, giọng cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam ngọt ngào, ấm áp mời thính giả nghe những bài hát về Thanh niên xung phong và cảm xúc của các nhạc sĩ về những bài hát ấy. Tốp nữ mở đầu: "Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh / Tiếng hát ai lay động cây rừng/Phải chăng em cô gái mở đường/…". Giọng hát mượt mà, gợi cảm niềm lạc quan phơi phới của lớp tuổi thanh xuân một thời đi mở đường chiến thắng. Một số hành khách lớn tuổi hát theo. Đám trẻ mầm non (chắc là theo bố mẹ về thăm quê) ngồi ở hai hàng ghế ngay sau người lái xe, cùng nhau vỗ tay. Lúc đầu chúng vỗ còn ngượng ngập, lạ thay, dần dần chúng vỗ rất đúng nhịp hát, mắt xoe tròn nhìn về phía trước …

Bỗng người lái xe tắt máy thu thanh. Những tiếng hát theo của số hành khách lớn tuổi cũng "lịm" dần. Bọn trẻ như luyến tiếc, vẫn còn vỗ thêm mấy nhịp theo cảm giác. Một cháu gái chừng 4 tuổi quay sang hỏi bố: "Bố ơi, sao không hát nữa hả bố?". Người bố nhìn con, thả giọng buồn buồn: "Đài mệt nên phải nghỉ. Lát nữa đài hết mệt chú lái xe lại cho đài hát!". Cháu bé vặn "lại": "Sao ở lớp, chúng con hát không mệt mà đài lại mệt hả bố?". Hành khách đã bắt đầu để ý đến câu chuyện của hai bố con. Người bố cũng thấy có lỗi vì đã nói dối con, trở nên lúng túng. Còn chiếc xe vô tri vô giác thì cứ lầm lì lăn bánh! Ngay lúc ấy, từ hàng ghế sau, mẹ của cháu - một thiếu phụ chừng 30 tuổi nhoài lên, giơ hai tay đón: "Con gái sang đây với mẹ". Đặt con ngồi đối diện trên đùi mình, chị nhìn con, cất tiếng hát: "Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/… Em đi lên rừng cây xanh mở lối/Em đi lên núi, núi ngả cúi đầu…". Mấy cháu nhỏ lại vỗ tay đánh nhịp. Riêng con gái chị thì lần này không vỗ tay nữa. Nó hỏi mẹ rằng đi mở đường để làm gì? Cô đi mở đường có lớn bằng mẹ không? Sao núi lại cúi đầu?… Người mẹ trẻ giảng giải cho con nghe. Sau, như đã vừa lòng, cháu bé đòi mẹ hát lại. Bây giờ thì nó hát theo: "Đi giữa trời uya (khuya) sao đêm lấp lánh/Tiếng hát ai lay động cây ừng (rừng)…". Miệng hát, tay vỗ, trông con bé đến là yêu! Người mẹ hát, vô tình nhìn qua chiếc gương chiếu hậu của xe, thấy hình ảnh người lái xe đang nở nụ cười như hưởng ứng cùng mẹ con chị. Chị càng phấn chấn… Vừa lúc đó, người lái xe với tay mở vô-lum máy thu thanh. Một bài hát nữa về Thanh niên xung phong vừa bắt đầu. Giọng nam cao bay bổng: "Đoàn thanh niên ta ơi!/Ai qua khu Bốn mà trông, mênh mông biển Đông sóng vỗ/Trong nắng tỏa, nước da thêm hồng! …". Cả chiếc xe như được sống lại trong không khí của những ngày đánh giặc hào hùng.

Tự nhiên trong tâm trí tôi hiện về một chương trình ca nhạc rất đặc biệt trên Đài Tiếng nói Việt Nam cách nay đã hơn 40 năm (những năm 1972-1973), bộ đội ta gọi là chương trình "Ca nhạc hành quân". Các ca sĩ hát suốt ngày đêm, bài nọ tiếp bài kia, không có lời giới thiệu. Hình như sợ rằng giới thiệu thì không kịp hòa theo những bước chân hối hả ra tiền tuyến. Càng kính yêu các chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người làm nên chất liệu cho những khúc ca chiến thắng - lại càng thêm biết ơn những người đã chuyển tải những khúc ca dạt dào tình yêu quê hương đất nước ấy vào tâm hồn các thế hệ người Việt Nam, tiếp thêm sinh lực để chúng ta dệt thêu non sông gấm vóc Việt Nam ngày càng tươi đẹp.
PHẠM XƯỞNG