Gặp lại nhà thơ sau gần 20 năm xa vắng - vào tuổi 82, Văn Thảo Nguyên (Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng cách đây 34 năm) tuy mái đầu trắng tuyết sương nhưng phong thái vẫn linh hoạt, nhỏ nhẹ, dịu dàng và bặt thiệp như thuở nào!
Chân dung nhà thơ thời trẻ. Tranh Vi Quốc Hiệp |
Đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp rồi đánh Mỹ, là nhà biên kịch và nhà thơ quân đội nổi tiếng, dấu ấn chinh chiến và “thế thái nhân tình” không thể nào phai trong cuộc đời ông. Đọc bản thảo “Nhặt những hạt rơi” dự kiến xuất bản năm 2011, tôi thật ngỡ ngàng và cảm động vì đã đôi chục năm rồi thật hiếm khi được dịp rung cảm với một tập thơ đầy đặn, ăm ắp sự thuần phác, hồn nhiên, lạc quan của người lính chân quê trong bom rơi, lửa đạn chiến trường. Hòa bình đã đi qua gần bốn thập kỷ nhưng “Nhặt những hạt rơi” trong ký vãng Văn Thảo Nguyên vẫn tươi rói, vẫn đập dồn, vẫn nhiều trăn trở…
Sinh ngày 9 – 9 – 1930 vùng sông Đáy ngọt lịm phù sa, đất lụa “xứ Đoài mây trắng quá” (thơ Quang Dũng) vì thế phải chăng tâm hồn thơ Văn Thảo Nguyên đã được bồi lắng, trầm tích sự dung dị, mộc mạc, chân tình từng tạo nên một phần tâm hồn thi sĩ Nguyễn Bính xưa…? “Anh cầm tay em rất lâu/ Mưa bụi mùa xuân giăng xuống ướt đầu/ Gió mặt sông thổi bay hơi thở/ Ta lại về với nhau” (Đi giữa buổi cày), “Chưa cày xong anh đã đi rồi/ Cầu bắc qua sông nối hai bờ đất/ Đám trai làng rủ nhau đánh giặc/ Tuổi hai mươi đi nhún nhảy cầu/ Đám con gái lung linh khóe mắt/ Tiễn nhau đi – còn hỏi đi đâu?/ Đi đến đây/ và trăm con sông đêm ngày bom dội” (Cái cầu trên giời cái cầu dưới đất). Hình ảnh thân thương làng quê châu thổ sông Hồng được Văn Thảo Nguyên phác họa bằng những gam màu, nét cọ trong sáng, sinh động và trữ tình: “Con đê làng ta đắp bằng đất/ Hai vệ đê cỏ non xanh biếc…/ Ta lớn lên/ Theo mùa cày theo những tháng năm/ Bàn chân ta/ mang phù sa từ ruộng sâu lên đê mỗi buổi/ Cả những ngày ta sắp cưới/ Hai đứa nằm bên vệ đê trăng” (Con đê làng). Trong “Nhặt những hạt rơi”, ở bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào trái tim người chiến sĩ luôn hướng về quê hương, làng mạc với những hình ảnh, tình cảm rất đỗi thuần Việt: “Thị xã mỗi căn nhà ca hát/ Chào cô dâu chú rể đi qua/ Cô dâu như bãi bờ bát ngát/ Hai má hồng phù sa/ Chú rể như con tầu đi qua cánh đồng cỏ mật/ Chở nụ cười về thơm sân ga” (Anh ở lại đây – thơ tặng Đỗ Chu, 1964).
“Nhặt những hạt rơi” mới tuyển có 18 tác phẩm nhưng là tập thơ giàu sự trải nghiệm, trách nhiệm của người lính và người cầm bút. Từ năm 1978 khi đến xã 5 thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng, tâm hồn chân thực, nhạy cảm của Văn Thảo Nguyên đã thổn thức, day dứt rất sớm trước hiện thực “có điện quên trăng”: “Có thể nào ta đã cách xa/ Với mảnh đất từng nuôi ta sống?/ Giặc vừa tan – vui nhà cao cửa rộng/ Ánh điện xanh – quên cả mảnh trăng rừng/… Buồn hay vui mà em khóc đấy/ Kìa manh áo rách gió lùa!...Giặc tan rồi áo mẹ đã lành đâu/ Vầng trán cha hằn những vết sâu/ Cha vẫn lưng trần vác gỗ/ Chị lặng im trước bập bùng ngọn lửa/ Mắt đắm nhìn bên bếp đỏ than/… Ngậm cần rượu với cha với mẹ/ Rượu vốn ngọt – ta nuốt sao đắng quá/ Tiếng mã la sâu thẳm điệu tâm hồn” … Từ 33 năm về trước, người chiến sĩ - nhà thơ - nhà báo Văn Thảo Nguyên đã nhủ với lòng mình: “Không thể được đâu – hỡi trái tim/ Không thể được đâu – hỡi mắt nhìn/ Hãy sống lại những gì đẹp nhất/ Ngày đẹp nhất như những ngày đánh giặc/ Là những ngày sống giữa lòng dân/ Lại về với buôn xa đến với bản gần/ Cõng muối trên lưng/ làm con ngựa thồ chung thủy” (Nói với trái tim mình)…
Bươn bả qua bao bể dâu của cuộc sống, cũng như “Nhặt những hạt rơi”, “Lời nguyện” vẫn vang vọng âm hưởng bi tráng của chiến tranh đấy thế nhưng ở tập thơ đã chan chứa nét hào hoa; sự bao dung, rộng lượng: “Tất cả sự đời ta đều có/ Chỉ hận thù ta để trắng tay” .
Đọc “Lời nguyện”, “cái tôi” trữ tình của Văn Thảo Nguyên thêm hiển hiện rõ nét. Ngẫm ngợi thơ ông, ta cảm nhận sâu sắc ý thơ Phạm Tiến Duật “đường ra trận mùa này đẹp lắm” bởi lẽ sống thanh cao, hào hùng của lớp lớp cha anh luôn hướng về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lý tưởng và niềm tin ấy trong thơ Văn Thảo Nguyên thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh bình dị mà giàu biểu cảm: “Qua đêm dài – gà gáy/ Tiếng em cười rạng đông/ Chân mây bừng lửa cháy/ Hương cỏ mật ngát đồng/… Đường hành quân ra trận/ Gặp con chim sẻ đồng/ Một tiếng chim nho nhỏ/ Mà bay khắp mênh mông” (Con chim sẻ đồng) hay “Tháng tư có gì mà mong thế/ Bàn chân em tảng sáng đã lấm bùn/ Máu rớm nơi gót chân em nẻ/ Cây súng em cầm ướt hơi sương” (Tháng Tư)… Tháng 9 – 1970 ở chiến trường Mường Phalan – Lào viết tặng con Văn Thị Đào Uyên ngày đi học vỡ lòng ở Hà Nội, nhà thơ đằm thắm và cũng thật hào sảng: “Cây súng và con – đôi cánh cuộc đời/ Con đi cùng cha trong giông bão/ Vẫn hát hoài giữa lửa cháy bom rơi” (Con bước vào đời).
Sau những khoảng lặng của chiến tranh hay của đời sống nhiều biến động, Văn Thảo Nguyên cũng trải lòng mình với những nỗi niềm say đắm, những rung động chan chứa nhân tình: “Tôi không sinh ra ở đây/ Bản Đông vẫn thương vẫn nhớ/ Ngày chưa có giặc trên đường đi chợ/ Con voi mang trái tim tôi đến cùng em/… Theo dấu chân em lượn in trên cát/ Hoa Chăm – pa ơi! Gọi em tôi hát” (Trở lại Bản Đông, 1971). Rồi trái tim nhà thơ từng vỡ òa trước sự kết tinh của “chân, thiện, mỹ”: “Ta lăm – vông trong vòng tay bạn/ Bồng bềnh trôi trong mắt em yêu/ Ly rượu thơm mềm môi uống cạn/ Hồn ta bay như một cánh diều?/... Trên cao xanh có một trời sao đẹp/ Mắt em buồn từng giọt long lanh/ Ta uống mãi không bao giờ hết/ Thật tuyệt vời – em ơi Viêng Chăn) (Nói với Viêng Chăn).
“Nhặt hạt rơi – ngỡ hạt vàng?” – với tôi chủ ý của tác giả không “ngỡ” đâu mà Văn Thảo Nguyên (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và hiện là Nhà hoạt động xã hội Quốc tế) rất có ý thức gom những hạt vàng thật sự lấp lánh trong trái tim mình – những bài thơ tâm đắc của một thời cầm súng để lưu với thời gian qua hai tuyển tập “Nhặt những hạt rơi” và “Lời nguyện”!