Dùng từ “bắt mạch” trong trường hợp này có vẻ hơi võ đoán và quá tự tin chăng? Cũng có thể, nhưng tác giả bài này vẫn “ngoan cố” sử dụng từ đó vì cho rằng nó đắc ý hơn cả sau mọi sự cân nhắc, chọn lựa.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh |
Trong cuộc đời làm phim của một đạo diễn điện ảnh, chỉ cần được một vài phim thành công, gây ấn tượng cho người xem, được công chúng tâm đắc, ghi nhận đã là quý lắm rồi; đằng này Đặng Nhật Minh ra phim nào là ngay lập tức trở thành hiện tượng điện ảnh cả nước. Ông kéo người ta quay về với phim nội đương khi họ mải mê phim ngoại, như một sự thách đố mà ông đã chiến thắng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí, truyền hình ông hay nhấn mạnh hai chữ “may mắn”, song tôi nghĩ cái may này đâu phải hú họa vớ được, mà là sự nảy mầm kết trái của những hạt giống tốt giữa thời tiết mưa thuận gió hòa.
Đặng Nhật Minh được học tiếng Nga từ nhỏ tại Liên Xô như một tiếng mẹ đẻ thứ hai. Nghĩa là phong cách Nga, văn học Nga đã chuyển hóa vào máu thịt. Đấy là lòng vị tha, đức hy sinh vì người khác, quả cảm khi tổ quốc cần...
Sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình lập lại ở miền Bắc, lúc ấy ông còn rất trẻ làm phiên dịch cho chuyên gia điện ảnh Liên Xô, đi quay phim cùng các đạo diễn nổi tiếng, dịch tài liệu và lời thoại phim Liên Xô. Về sau ông được bồi dưỡng tiếng Pháp, tiếng Anh. Vốn ngoại ngữ đã cho phép ông mở rộng quan hệ với những đạo diễn nổi tiếng trên thế giới. Ở xưởng phim truyện Việt Nam, ông trực tiếp đóng phim và làm phó đạo diễn rồi làm đạo diễn. Ông nhận mình tự học, thực ra là tự học có bài bản. Phim truyện đầu tay của ông gây được ấn tượng mạnh: Thị xã trong tầm tay (1982), giải Bông sen vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI; Bao giờ cho đến tháng mười (1984), giải Bông sen vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII; Cô gái trên sông (1987), giải Bông sen bạc liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII; Thương nhớ đồng quê (1996), Bông sen vàng giải đạo diễn xuất sắc liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI; Mùa ổi (2000), giải Bông sen vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII; và gần đây nhất là phim Đừng đốt được giải cao ở trong nước và quốc tế. Năm 2010, Đặng Nhật Minh được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) tôn vinh vì những cống hiến với điện ảnh Việt Nam…
Mỗi phim là sự tái hiện một giai đoạn lịch sử của đời sống dân tộc thông qua số phận những nhân vật chính.
Liên tục đoạt giải cao không phải các ban giám khảo nể ông - Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam 10 năm liền; nghệ sĩ nhân dân; giải thưởng Hồ Chí Minh…, hay cảm tình với một nghệ sĩ đẹp trai, đôn hậu, có nếp sống chuẩn mực, tài cao mà hiếm tật này. Điều gì khiến ông gặt hái được nhiều thế trong nghề nghiệp? Khiêm tốn ông lại trả lời: “May mắn”. Đương nhiên là có may, nhưng ít thôi. Theo tôi là thế này:
Ông thừa hưởng đức tính vị tha của các đấng sinh thành. Tôi không được biết về thân mẫu ông vì bà mất từ những năm kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng, một người giàu sang, quyền quý lặn lội cùng chồng đi làm cách mạng thì ắt phải có những hy sinh không thể kể vài dòng. Còn thân phụ ông, giáo sư Đặng Văn Ngữ, xung phong ra tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ và hy sinh ngoài mặt trận, đã trở thành danh nhân thì mọi người đều biết. Nói đến giáo sư Đặng Văn Ngữ, thầy trò trường Đại học Y Dược Hà Nội đều dành cho ông những lời cảm động. Ở ông có cái gì đó hơi giống Cụ Hồ. Tôi vinh dự được học ông hai tiết nhập môn Ký sinh trùng.
Tuy không trong quân ngũ, song Đặng Nhật Minh lớn lên và làm việc trong chiến tranh. Cảm xúc về chiến tranh của ông không phải là khái niệm, và sự hy sinh của người thân cũng là sự hy sinh của mình. Chính tự tay viết kịch bản và đạo diễn luôn đã giúp ông chuyển tải hết cảm xúc sáng tạo. Phim chiến tranh của ông không đơn thuần miêu tả trận chiến. Ông bắt đầu từ số phận con người trong chiến tranh và đặc biệt nhạy cảm với sự mất mát, ẩn ức của họ. Cuộc chiến như hoàn cảnh để bộc lộ ý đồ tác giả, và sự kiện là cớ để tạo ra nét nhấn tâm trạng, qua đó tính cách nhân vật thể hiện. Để ý sẽ thấy, ông có thể thiếu chi tiết không quan trọng, chứ không bao giờ thừa chi tiết hoặc lời thoại vu vơ. Điều này nâng nghệ thuật lên đẳng cấp hàn lâm. Lòng vị tha bao trùm, ứ tràn trong tấ cả các phim của ông, không sót ở phim nào. Số phận nhân vật gắn chặt với số phận đất nước. Cái quyết định thành công về nội dung, khiến ta đứng góc độ nào phán xét cũng phải đồng tình.
Còn nghệ thuật điện ảnh?
Mỗi loại hình nghệ thuật có đòi hỏi riêng, tác giả muốn gửi thông điệp đến công chúng phải nắm được cái chìa khóa ngôn ngữ của nó. Nếu tôi không nhầm, thời gian 6 tháng tư nghiệp ở Bulgaria, kết quả trao đổi với các đồng nghiệp ông mới ngộ ra điều này một cách viên mãn. Và ngộ ra tức là có chìa khóa trong tay. Tự tin, làm chủ được ngôn ngữ điện ảnh thì chạm vào cái gì cũng cinéma hóa! Thử hình dung những đoạn phim nhân vật ắng lại, không thoại nữa, chỉ dành cho âm nhạc các bạn sẽ rõ.
Cuối cùng: nghệ thuật thứ bày là tổng hợp của nhiều ngành nghệ thuật (văn học, hội họa, âm nhạc…). Tuy không chuyên nhưng ông đã từng hoạt động trong các lĩnh vực này. Sự hiểu biết, lòng say mê, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, cùng với đức khiêm tốn, tôn trọng, sẵn sàng chấp nhận cộng sự đã biến Đặng Nhật Minh thành người chỉ huy tài ba, gắn kết nhịp nhàng cả ê kíp những người làm phim ở những lĩnh vực khác nhau một cách hào hứng. Nghĩa là ông còn tài tổ chức nữa.
Một khi nghệ sĩ đã tràn tình, làm chủ phương pháp thể hiện, lại khéo tổ chức thì gặt hái được thành quả đâu phải là may mắn?
Tôi viết bài này như một lời chúc mừng ông, nhân dịp ông trở lại Đà Lạt ngày 9 tháng 11 vừa rồi.