Lần đầu tiên nhìn thấy con Tía của ông Năm, tôi cùng chục người nữa gồm nài ngựa lẫn du khách đứng nhìn và nghe ông Năm nói...
Ảnh minh họa |
Đại khái trong đám chúng tôi, người nào chỏ miệng vào con ngựa đều bị ông Năm gạt ngay. Con ngựa mới, con ngựa cưng, con ngựa đắt giá nhất khu du lịch mà! Ông mất cả tuần lễ, chọn trong bầy ngựa thải của trường đua, tốn cả cây vàng mới đưa được con ngựa này về. Tiếng ngựa thải, hơi già, khớp cổ chân bị trặc đã lành, không còn thích hợp với tốc độ trường đua, nhưng nó vẫn là con ngựa đẹp nhất trong đám ngựa đang làm dịch vụ tại khu du lịch này. Nó to và cao hẳn so với đám ngựa cỏ. Nước lông tía bầm mầu nâu đen có pha chút đỏ thẫm, cổ thon, ngực nở, nhất là cái bờm với đám lông dài mềm mại, trông như những con ngựa chiến trong phim Tàu, đẹp thật!
Con Tía có mỗi nhiệm vụ chụp hình với khách. Khách khoác áo gi-lê, đội nón da rộng vành, mang dây đạn và chiếc súng ngắn - dĩ nhiên là súng, đạn giả, sẽ có một tấm ảnh đẹp đang cưỡi ngựa như những chàng chăn bò thứ thiệt trong phim viễn tây của Mỹ. Đôi khi khách phải xếp hàng để chụp hình, cha con ông Năm đếm người lấy tiền, mổi kiểu hình ba ngàn, khỏe re! Thỉnh thoảng, ông Năm cho khách thuê giờ, nghĩa là khách ngồi lên ngựa, thằng Đạt nắm dây cương dắt đi quanh quanh trong khu du lịch, mỗi giờ được trăm ngàn. Ai cũng nói ông Năm hái ra tiền từ con Tía!
Tuần lễ đầu về khu du lịch, con ngựa quen dần với cái tên Tía dân dã, chỉ cần ông Năm gõ lưỡi “chóc, chóc!” vài cái, Tía chạy đến với ông ngay. Vắng khách, ông Năm chải, cắt từng chiếc lông bờm, lông đuôi… ông cho là vô trật tự, làm xấu Tía! Thỉnh thoảng, ông Năm nhảy lên lưng ngựa, túc tắc lướt qua khu mua bán hàng đặc sản. Hứng chí, ông giật nhẹ tay cương, con Tía hí vài tiếng, hai thầy trò phi nước đại một vòng ra đến dãy đồi xa, hay những buổi chiều, thầy trò ông Năm chầm chậm nước kiệu về nhà, một hình ảnh đẹp! Thật vậy, không phải những anh chàng trẻ trung, đẹp trai, mà chính ông Năm, ông già trên ngũ tuần, ngồi trên con Tía là chàng kỵ mã đẹp nhất khu du lịch. Nhưng “đẹp” hơn cả là hình ảnh lúc con Tía cạ mõm vào người ông hoặc lúc ông vuốt ve nó, ai cũng thấy giữa ông với con ngựa có một cái gì thân thiết, thân thiết đến thiêng liêng!
Hai năm sau, dù thương yêu con Tía bao nhiêu, ông Năm cũng phải “chuyển quyền sử dụng ngựa” cho thằng Đạt. Thằng con trai của ông lấy vợ và con Tía là món nó thích nhất trong số tài sản gia đình. Con Tía trở thành vốn ban đầu của ông Năm cho con mình…
Tôi hạp với ông Năm vì ông đánh giá tôi rành tướng ngựa. Thực ra tôi chỉ nhờ vào mớ kiến thức “bạ đâu đọc đấy” và các chương trình thế giới động vật trên TV… Có vậy mà ông hay chiếu cố tôi từ bia đến rượu, làm các đồng nghiệp chụp hình dạo của tôi lắm khi phát ghen.
Tôi có những tấm-ảnh-ngựa để giới thiệu với khách du lịch, “tiếp thị” cho Tía và cả cho tôi! Theo ông Năm, chỉ có tôi chụp hình con Tía là đẹp nhất, nhưng thực ra, tôi có những tấm hình ngựa đẹp là nhờ con Tía. Khi có khách muốn chụp hình với ngựa, thế nào tôi cũng đưa khách đến chụp Tía. Tôi “đạo diễn” cho khách mang súng, đội nón da rộng vành, hai tay nắm dây cương, nhìn hướng về phía trước như một kỵ sĩ thực thụ đang phi nước đại. Tôi còn tư vấn cho khách tạo dáng, nghiêng người về phía trước, ngón tay cái đặc dưới cằm, chống cùi chỏ lên bờm ngựa, trầm tư như một diễn viên điện ảnh… Tôi thường hạ thấp máy, làm cho hình ảnh con Tía và khách như nổi lên trên ngọn thông hay trên nền trời, nên tấm ảnh luôn có bố cục đẹp và hoành tráng. Có lúc tôi ăn gian, bấm quá số lượng khách yêu cầu, nhưng khách vẫn lấy hình và thanh toán đủ vì tiếc “những tấm hình quá đẹp!”. Có lúc tôi bỏ ra hằng giờ, tìm những góc đẹp, chỉ để chụp hình Tía, mỗi mình Tía không có ai cỡi lên nó, một cách thích thú cho dù những tấm ảnh ấy không mang lại tiền bạc gì cho tôi!
Một chiều trời mưa, trong lúc tôi lo sấy đồ nghề, anh Tư xe ôm đến nhà: “Anh Thọ! Bác Năm gọi anh vào gấp!”. Tôi ngạc nhiên: “Vào làm gì giờ này? Mưa thấy mẹ, ông già muốn chụp hình thì gọi đại đứa nào cũng được, tao đã tháo ống kính, mà cũng hết phim rồi…”. Thấy tôi có ý bàn lùi, Tư lớn tiếng: “Có chuyện! Bác ấy mới gọi anh, chứ dân chụp hình đầy trong khu du lịch”. Xem như một mệnh lệnh của ông già, tôi gom vội đồ nghề đi theo Tư. Tư không chở tôi vào khu du lịch mà đi vòng ra ngọn đồi phía sau, và tôi đã biết tại sao ông Năm gọi tôi trong lúc mưa gió!
Con Tía! Tôi chỉ nhận ra được con Tía nhờ cái đầu với cái bờm của nó, còn thân và đùi đã được lột da gần hết. Hai cẳng sau con Tía còn co giật, cặp mắt nó mở như những lúc tôi đến gần vuốt ve nó. Ông Năm đang giữa cảnh khủng khiếp ấy! Tôi đến gần gật đầu chào, nhưng ông Năm chẳng nói năng gì. Người ông rũ xuống, nét mặt như đang phải chịu đựng một điều gì ghê gớm. Tôi đưa máy lên, theo thói quen bấm một kiểu ảnh, rồi đóng máy, lặng yên xem người ta xẻ thịt con Tía…
Những ngày mưa, khu du lịch không có khách, thằng Đạt bắt con Tía kéo xe. Từ một con ngựa kiểng sang kéo xe, nhưng Tía vẫn kéo đến cả tấn hàng vì thằng Đạt ra roi không thương tiếc. Tía là con ngựa du lịch duy nhất đi kéo xe cùng với đám ngựa của hợp tác xã xe thô sơ của phường. Đạt kiêu hãnh về sáng kiến của nó và năng lực của con Tía, nên nó quyết tâm đi sớm về muộn, tăng năng suất lao động. Tội nhiệp con Tía, hơn một tháng mùa mưa, nó không còn là con ngựa đẹp mã ngày nào nữa.
Ngọn đồi phía sau khu du lịch đã san bằng, trồng rau được mấy vụ, tốt ra trò, khoai ra khoai, sú ra sú… Mưa làm cho cây tốt, nhưng con đường vào vườn được làm thủ công, trở nên hư hỏng, bùn lầy đến máy công nông còn có khi phải “rớt”. Cũng vì máy cày không dám vào nên thằng Đạt mới có mối hàng này, nó sung sướng làm được bốn chuyến trong ngày… Khi ra chuyến chót, chủ hàng yêu cầu chở thêm mấy tạ nữa cho hết luôn, nó đòi thêm tiền rồi chở cả, cho dù nó cũng biết xe hàng nặng và con Tía đã quá mệt. Trời tạnh nhưng đường vẫn lầy, con Tía phải bấm từng bước nhỏ để kéo xe đi. Đoạn xuống dốc, bốn chân Tía đều phải trụ xuống, vừa bước, vừa dùng cả thân mình chịu hết sức nặng của chiếc xe cứ muốn đùn về phía trước. Bỗng… hấp! Con Tía sụp xuống một hố đầy bùn, ngã nghiêng, rồi nằm hẳn! Tía bị nguyên chiếc càng xe đè lên… Khi thằng Đạt bỏ được rau, kéo càng xe ra thì con Tía đã sùi bọt mép, tắt thở! Biết con ngựa chết, Đạt tìm ngay mấy tay chuyên làm bò lậu, bán thịt con ngựa… Ông Năm vào đến nơi, con vật vừa được chọc xả tiết và bắt đầu lột da!”. Hãy đào một cái hố chôn đi, dù sao nó cũng là ngựa có nghĩa, nó đã giúp cho gia đình ta nhiều rồi…”. Khi nghe ông Năm nói thế, thằng Đạt gạt ngang: “Chôn! Đem tiền đi chôn à? Ba biết con bán được mấy trăm ngàn không?”. Biết không thể ngăn được thằng Đạt, ông Năm đứng chết lặng! Quyến luyến con Tía không muốn rời, nhưng ở đó, ông nhận hết những sự đau đớn, mà hình như chỉ có ông thấy được, ngoài con ngựa.
Hôm ấy, tôi lẳng lặng bỏ về sau khi nghe hết chuyện con Tía. Xem lại “bộ ảnh ngựa”, gồm những tấm ảnh tôi chụp Tía từ lúc mới về đến ngày cuối của nó, bộ ảnh hiếm trong sự nghiệp chụp hình dạo, thỉnh thoảng ngứa tay bấm một tấm ảnh nghệ thuật của tôi. Tấm này, con Tía co một chân trước, đầu ngẩng lên trời, hí! Tấm kia, con Tía đang nước kiệu lẫn vào rừng thông với những tia nắng chiều chiếu xiên. Tấm khác, con Tía đang tung bốn vó, bờm và đuôi bay trong gió, phi! Bộ ảnh đẹp thật, nhưng xem đến tấm cuối cùng, tôi cứ rờn rợn. Máu con Tía đỏ thành vũng, lớp da nâu đã lột, cả thân hình nó là một tảng thịt bầy nhầy những máu và gân trắng. Mắt con Tía! Con mắt nó nhìn về phía tôi, nửa thân thiết, nửa oán trách. Trách gì tao Tía ơi! Tao biết mày tình nghĩa, vất vả một đời cho con người, nhưng cuối đời còn bị lột da, xẻ thịt… Biết là một sự “tận hiến” theo một quy trình tự nhiên của cuộc sống, nhưng sao mà đau đớn quá! Nghĩ cho cùng, đời tao cũng có một chiếc xe, một ông Năm, một thằng Đạt vô hình, biết đâu may rủi, tôi cứ nhớ đến cái chết của Tía, rồi nghĩ. Tấm hình khủng khiếp ấy, tôi chẳng dám cho ông Năm xem…
Lâu lắm mới có được một buổi chiều như chiều nay, trời nắng vàng như lụa, đâu đâu cũng một màu xanh. Ở nhà uổng quá! Tôi xách máy đi một vòng khu du lịch và mấy quả đồi hình bát úp, khơi khơi vậy thôi, gặp khách gọi thì chụp, còn không thì đi rửa đôi mắt suốt mười mấy ngày bị mưa phủ mờ.
Bên rìa ngọn đồi cỏ xanh, những cây mua, cây sim… gặp mưa lên ngang tầm ngực, nở bông hoa tím, đẹp bất ngờ! Thiên nhiên, kể cả những vùng tôi đi qua nhiều lần, nhưng mỗi lần nhìn thấy tôi đều thấy nó có những nét đẹp riêng và mới. Tôi đưa máy lên ngắm những đóa hoa dại, chưa bấm thì đã nghe tiếng ai gọi ngựa!
Bên kia con suối nhỏ, trong vùng cây bụi, bóng ông Năm thấp thoáng! Ông khua tay vào không khí, miệng gõ “chóc… chóc…”, thỉnh thoảng gọi “Tía ơi!” như một tiếng rên. Ông Năm bệnh! Tôi biết ông bị bệnh tâm thần từ sau cái chết của con Tía…
Tôi đưa máy lên mắt, đẩy ống kính ra, rút ảnh gần lại, bấm! Trên nền trời chiều, khuôn mặt ông Năm hiện rõ dưới chiếc mũ da rộng vành. Khuôn mặt xanh xao, tiều tụy, đôi mắt thất thần của ông Năm đang nhìn về một hướng vô định nào đó!
Đây là tấm ảnh cuối cùng trong “bộ ảnh ngựa” của tôi…