Kỷ niệm 38 năm ngày mất nữ sĩ Tương Phố

04:11, 09/11/2011

Ngày 8-11, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày mất nữ sĩ Tương Phố, đông đảo người yêu mến thơ bà từ nhiều nơi đã tìm tới đồi Tương Sơn (TP Đà Lạt) –để thắp lên nén hương tỏ lòng thành kính.

Ngày 8-11, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày mất nữ sĩ Tương Phố, đông đảo người yêu mến thơ bà từ nhiều nơi đã tìm tới đồi Tương Sơn (TP Đà Lạt) – nơi yên nghỉ cuối cùng của nữ sĩ để thắp lên nén hương tỏ lòng thành kính trong sự xúc động bùi ngùi.
 
Những người yêu thơ nữ sĩ Tương Phố  chụp hình lưu niệm bên mộ bà tại đồi Tương Sơn..
Những người yêu thơ nữ sĩ Tương Phố chụp hình lưu niệm bên mộ bà tại đồi Tương Sơn..

Nữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm, sinh ngày 14/7/1900 tại Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn (nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bà đã có công đóng góp rất lớn cho nền văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX với những tập thơ nổi tiếng như Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Trúc mai…

Theo các tài liệu còn lưu lại tại Nhà tưởng niệm nữ sĩ Tương Phố trên đồi Tương Sơn, bà là con của ông Đỗ Duy Phiên và bà Nguyễn Thị Yểm. Vừa lớn lên, bà ra Hà Nội học ở trường Nữ hộ sinh, sau bỏ dở để theo học Trường Nữ Sư phạm, nhưng khi tốt nghiệp bà đã không đi dạy. Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, bà gặp Thái Văn Du (em ruột Thượng thư Thái Văn Toản), một sinh viên trường thuốc, rồi họ thành vợ chồng năm 1915. Một năm sau (1916), Tương Phố sinh con trai là Thái Văn Châu, thì chồng bà (khi ấy đã là Y sĩ Đông Dương) phải qua Pháp tham chiến trong cuộc chiến tranh Pháp - Đức (1914-1918). Khoảng cuối năm 1919, ông Thái Văn Châu bị bệnh phổi phải trở về Huế rồi mất vào mùa thu năm 1920 khi bà còn đang học ở Trường Nữ Sư phạm Hà Nội.

Sau khi chồng mất, năm 1923 bà viết một bài văn xuôi có xen 8 đoạn thơ  lục bát và song thất lục bát, mang tên là “Giọt lệ thu”, được đăng báo năm 1928. Đây là tác phẩm gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ và cũng đã khơi dòng văn chương lãng mạn sầu não trong văn học Việt Nam hiện đại. Bởi nội dung bài thơ là tiếng khóc thê thiết, bi thương của một người vợ trẻ (Tương Phố) chờ chồng suốt ba năm, nhưng khi chồng (Thái Văn Du) về tới Huế chẳng bao lâu thì mất. Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, bài văn này đã được một nữ dịch giả người Pháp dịch ra tiếng Pháp, được một số nhà phê bình Pháp chú ý.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung, vai trò của nữ sĩ Tương Phố trong văn chương dân tộc chủ yếu gắn với tác phẩm “Giọt lệ thu” – một trong những dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn chương ở thập niên thứ ba của thế kỷ 20 như là tiếng kêu réo rắt, bi thiết của cá nhân con người hòa trong không khí buồn đau chung của thời đại, góp phần báo hiệu “Một thời đại mới trong thi ca” dân tộc – thời đại của thơ mới lãng mạn với những tên tuổi sáng chói như: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...

Ngô Khắc Lịch