01 giờ sáng, điện thoại di động khẽ rung lên. Nhi như thấy có luồng điện chạy dọc người. Ai? Ai lại có thể gọi vào cái giờ này nhỉ? Hấp tấp đưa màn hình lên sát đôi mắt cận, 4 số di động đuôi mang năm sinh của anh mà Nhi cố mà vẫn không thể nào quên, hiện lên 1976…
Ảnh minh họa. Ngọc Minh |
Bây giờ thì cuộc tình giữa hai người đã cùng thời gian bước sang thiên niên kỷ thứ hai. Năm năm của thế kỷ 20, mười năm của thế kỷ 21. Mười lăm năm, hơn năm ngàn ngày, có thể cũng không quá dài cho một cuộc đời hay một cuộc tình nhưng với một cô gái, nó không những chiếm trọn mà còn đi qua tuổi xuân như một vết sẹo chạy hết mặt còn lan đến cổ. Những quãng thời gian chia tay kéo dài hàng ngàn ngày trước đây nặng nề hơn rất nhiều sự im lặng, không liên lạc gần một năm qua. Nó lặp đi lặp lại nên Nhi dần cũng quen. Bạn bè Nhi, những người chơi với Nhi mười năm trở lên, hầu hết đều căm hận anh. Những người biết Nhi trễ hơn thì ngạc nhiên: Chẳng lẽ lại có một tình yêu như thế? Ừm, như thế thì sao nào, tình yêu vốn dĩ là sự hi sinh vô điều kiện mà Nhi thì chắc chắn cái tình cảm mình dành cho anh là tình yêu rồi. Bạn thân bảo: Có thể là yêu nhưng là yêu đơn phương mà yêu đơn phương không phải là yêu mà là đau khổ. Đơn phương ư? Sự run rẩy bàng hoàng, ánh mắt đau đớn của anh khi rời xa Nhi lần thứ nhất. Những cú điện thoại tuyệt vọng trong lần mất Nhi thứ hai và cả những nụ hôn, những vòng tay cho lần này: Lần thứ ba. Những thứ đó Nhi vẫn nghĩ chẳng ai có thể làm giả được kể cả với một người đã được phong chức giáo sư trong nghệ thuật dối trá như anh. Tuy nhiên, Nhi chẳng biết giải thích thế nào cho bạn bè hiểu về anh. Có thể nào người ta yêu mà lại không muốn gặp gỡ chung sống với nhau? Hay là đàn ông con trai hầu hết ai cũng sợ sự ràng buộc, nhất là những người vừa thoát ra khỏi cái lồng hôn nhân? Nhưng Nhi đâu có phải dạng phụ nữ hay đòi hỏi, níu kéo hoặc trói buộc bất kỳ ai. Những người bạn cũ, mới của Nhi đều khuyên Nhi nếu đã không thể rời xa thì hãy giữ lấy anh. Cả hai có còn trẻ nữa đâu? Ở tuổi họ, người khác đã có thời gian sửa chữa sai lầm, nếu có, bằng một cuộc hôn nhân khác rồi nhưng quả thật anh giống như một nắm cát nếu Nhi lỏng tay thì nó nằm lại còn nếu Nhi nắm chặt lại nó lập tức tuột khỏi tay Nhi. Không phải Nhi chưa từng thử qua. Một buổi tối cô đơn, khi vừa từ chối hai lời mời hấp dẫn của những người khác phái để hẹn đi chơi với anh nhưng không thể nào liên hệ được, Nhi gạt nước mắt và nhắn cho anh: Em chấp nhận làm người thua cuộc và đồng ý với Kim rằng kể cả một tình yêu vĩ đại nhất cũng có thể bị bào mòn… Anh không trả lời tin nhắn cũng không gọi lại. Nhi nằm ôm gối ở nhà ba ngày không cả viết bài, đọc sách và ăn uống.
Sau lần đó, Nhi đăng ký đi học một lớp Yoga. Thầy dạy Yoga là một đệ tử thiền phái nên một nửa số thời gian học Yoga, Nhi và các học viên chỉ ngồi xếp bằng chân rơi vào trạng thái không trọng lượng mà Nhi thường đùa là ngủ gật. Thầy giáo dạy: học thiền để biết tác dụng của sự buông thả. Khi nào con người đạt tới sự buông thả toàn phần khi ấy người ta sẽ cảm thấy tâm thật tĩnh, những tư tưởng bon chen thường nhật biến mất, toàn thân xác và tâm trí đều ở trạng thái êm ả, trong vắt như pha lê.
Nhi mới đi học được vài buổi, bắt đầu học Ujjayee Pranayama thì anh gọi, Nhi không bốc máy. Anh nhắn hỏi thăm sức khỏe, Nhi không trả lời. Anh gọi về số máy công ty và giận dỗi trách Nhi đã làm anh lo lắng. Anh nói anh không nhận được cuộc gọi hay tin nhắn nào hết. Nhi im lặng nhưng sau bao nhiêu dằn vặt đắn đo, tối đó Nhi lại nhắn vào cái số mà cô đã xóa đi mấy lần trước đây: Em phải làm thế nào để có thể hiểu được anh? Anh nhắn lại: Anh dễ hiểu lắm em ah. Em hãy để mọi sự tự nhiên đi. Để mọi sự tự nhiên nghĩa là lại thêm vài năm nữa âm thầm đợi chờ một đấng vô hình nào ở trên cao, thương xót vất cho hai kẻ lạc nhau một mẩu dây như hai lần tình cờ gặp lại trước đây sao? Và khi một kẻ lần tới đầu mẩu dây thì thường là kẻ kia đã buông tay ra để lại một sự hẫng hụt vô bờ”. Vì yêu anh em sẽ là người ra đi!”, Nhi không thích những bài hát sến như vậy nhưng tên bài hát ấy thật đúng với tình cảnh của Nhi lúc đó. Chỉ có thể buông tay, cắt đứt liên lạc với anh Nhi mới có thể giữ được lòng tự trọng của mình. Nhi thay số điện thoại khác, nhắn một tin nhắn gửi chung cho nhiều người thông báo số mới, không gửi cho những người quen chung của hai người, tránh khả năng nối lại liên lạc quá dễ dàng. Thời gian trôi nhanh lắm, mới đó đã gần năm. Một năm với những người đã vượt qua mốc ba mươi, đi qua nửa đời người thì thường là chỉ như một tháng nhưng với những người yêu nhau mà xa cách thì một năm vẫn có nghĩa là 8.760 giờ, 525.600 phút. Bây giờ thì Nhi đã khá thành thục với các Asana và Pranayama của Yoga, từ Shava Asana đến Shitali Pranayama. Thư giãn, tập trung tư tưởng, trầm tĩnh, buông xuôi, không giận hờn, không lo lắng, vậy thì tại sao phải ngại chứ ? Nhi bốc máy.
- Làm sao anh có số của em?
- Nếu cố tìm thì không gì là không thể tìm được, em vẫn nói thế mà.
- Nếu cố tìm thì đâu có thể mất cả năm mới tìm ra được một số điện thoại chứ?
- Nhưng anh đâu chỉ có tìm số điện thoại? Anh muốn tìm lại những cảm xúc của hai chúng ta kia?
- …
Sau cú điện thoại, Nhi trằn trọc, bây giờ thì cô lại thấy là thời gian học ngồi thiền trước đây là số 0. Thiền nghĩa là không tạp niệm vậy mà… 4h sáng Nhi vùng dậy, hấp tấp soạn đồ, vội vã trang điểm, mím môi nhìn đồng hồ, nằm vật xuống giường, rồi lại nhìn xuống phố, lác đác đã có người xe qua lại. Vài người đi tập thể dục buổi sáng, có lẽ họ là những người khó ngủ. Khóa cửa phòng, xuống cầu thang, Nhi khoác túi hòa nhập vào dòng người trên phố. Lúc đầu nhi đi vội vã, sau đó cô đứng lại tần ngần, rồi lại thong thả bước, xấu hổ và ngạc nhiên vì thấy kim đồng hồ mới chỉ con số 5.
…Ngày xưa em nói chỉ muốn có một ngày trọn vẹn ở bên anh… Cái ước mơ đơn giản như thế nhưng hình như chưa bao giờ anh tặng em… anh đợi em lúc 6h ở bến xe…
Một ngày, phải rồi, Nhi chỉ cần có một ngày bên anh để than thở, trách móc, để bày tỏ những nhớ mong, khao khát và cả cái nguyên nhân chính khiến cho bao lần cô muốn rời xa anh mà không được. Một ngày đi đường, một ngày bên nhau. Hôm nay là sáng thứ bảy. Những kỷ niệm một thời lại ùa về. Đã bao lần hai người hẹn đi du lịch cùng nhau nhưng cuối cùng thì chỉ một ngày bên nhau cũng không có. Cuộc sống của những người nghèo khó nhất có lẽ cũng không khổ sở như cuộc sống của những người bình thường nhưng nhiều tham vọng. Những tủi nhục vì không có tiền anh đã trải qua như thế nào, có thể Nhi không biết nhưng những cố gắng để thành đạt thì Nhi rõ hơn ai hết. Khi mà Nhi đã qua những ngày khó khăn căng thẳng nhất, chấp nhận cuộc sống của một công chức loại ba để có được cuộc sống bình thường, với những buổi tối được ở nhà xem ti vi, đọc sách, ngày chủ nhật được nghỉ ngơi, đi du lịch thì anh vẫn miệt mài với những lớp học, những ngày đi làm, đi dạy thêm, những dự án, những kế hoạch lớn lao. Sau nhiều lần bị tổn thương, Nhi vẫn yêu và tha thứ cho anh một phần vì biết anh làm tất cả cũng chỉ vì cái khát vọng muốn đổi đời, muốn chứng tỏ khả năng có thể thành đạt nhanh chóng của mình. Tuy nhiên, như người ta vẫn nói, giàu nghèo, sang hèn thật ra cũng có số cả. Những cố gắng tích cực của anh gần như chưa bao giờ mang lại kết quả như mong muốn nên mới đẩy anh tới hạ sách: kết hôn. Lúc hận anh, Nhi gọi anh là Phaoxto là Raphaen nhưng lúc bình tĩnh lại cô lại tự nhủ thật ra những người đàn ông khác ở vào địa vị anh chắc gì đã làm khác. Anh lấy vợ khi đã chia tay Nhi. Kim, vợ anh trẻ hơn Nhi ba tuổi, không tốt, không xấu lại có điều kiện chăm sóc nhan sắc nên ngoài tình yêu thì cô hơn Nhi về nhiều mặt. Anh chẳng ghét, chẳng yêu vợ chỉ cần một sự an cư để lạc nghiệp và kết hôn với một người giàu dù sao cũng hơn với một người nghèo. Trước đây, vì ảo tưởng về tình cảm anh dành cho mình, Nhi chẳng cần hỏi lý do tại sao cuộc hôn nhân của anh tan vỡ. Lần thứ hai thì thời gian quay lại quá ngắn ngủi khiến Nhi không kịp hỏi. Mà thật ra chẳng phải tự an ủi cho cái tuổi băm mấy nhát mà vẫn cô đơn của mình, Nhi vẫn nghĩ: cái mô hình một vợ, một chồng, một đời bên nhau chắc gì đã là chuẩn mực đáng ao ước chứ? Thử hình dung nếu người ta bên nhau suốt 365 ngày chỉ cần trong mười năm thôi, giả sử chỉ toàn bày tỏ những lời nói, cử chỉ yêu thương thì hàng ngàn hàng vạn lời nói, cử chỉ ấy cũng sẽ có rất nhiều lời nói lặp đi lặp lại đến trở nên nhàm chán. Đấy là chỉ nói những lời yêu thương, tốt đẹp chứ thường thì hai phần ba cái thời gian bên nhau đó người ta lại dùng để cằn nhằn, than phiền, cãi cọ. Thế thì cái chuyện ở thành phố bây giờ cứ ba cặp dắt nhau đến phòng đăng ký kết hôn thì hai cặp dắt nhau ra toà có gì lạ để mà hỏi chứ. Nhưng nếu anh và Nhi cưới nhau thì sao nhỉ? Nhi thì vừa quá yêu anh lại quá tôn trọng tự do cá nhân, anh thì vừa sợ danh tiếng vừa không có thời gian nên có thể họ sẽ chẳng dắt nhau ra toà đâu nhưng có một gia đình đúng nghĩa vợ chồng con cái quấn quýt bên nhau thì… Nhi khẽ thở dài. Thật ra tiếng là yêu nhau gần mười lăm năm nhưng tính đủ từng giây từng phút thì thời gian bên nhau của Nhi và anh đâu có được mười lăm ngày trọn vẹn. Có lẽ vì ít có thời gian bên nhau như vậy nên mỗi giây phút bên anh đều đáng khao khát chăng? “cho em một ngày, một ngày thôi, một ngày không khắc khoải chờ đợi…”. Ừ, Nhi sẽ có hẳn một ngày, không chính ra là hai ngày bên anh. Nhi lại hình dung tới cảnh được ngồi trong lòng anh suốt chặng đường dài, được nằm cạnh anh dưới tán những cây thông cổ thụ và được cùng dắt tay anh đi giữa bạt ngàn hoa. Đà Lạt không phải là nơi Nhi thích, đơn giản vì Nhi chỉ lên đấy một mình. Sự cô đơn của Nhi, giữa những đôi những cặp quấn quít bên nhau, trong mắt người khác đồng nghĩa với sự bất hạnh. Từ Sài Gòn tới Đà Lạt mất sáu tiếng. Chiều nay Nhi sẽ bên anh, tận hưởng ánh mắt ghen tị của một số rất ít những người một mình lẻ loi trên Đà Lạt.
Bến xe cách nhà Nhi chỉ có chừng mười lăm phút đi bộ nên dù có đi chậm đến mấy Nhi vẫn đến nơi sớm hơn nửa tiếng theo giờ anh hẹn. Biết chuyện đó là hoang tưởng nhưng Nhi vẫn hi vọng bất ngờ thấy anh đã đến sớm hơn, đứng đâu đó quan sát Nhi như Nhi bây giờ đang làm. 5h 45 phút, 6 giờ, 6h hơn. Chiếc túi chỉ có hai bộ váy áo và mấy đồ trang điểm dần xiết lên vai Nhi khiến cô phải tháo quai, đặt xuống chỗ ghế ngồi. 6h20’ Nhi nhìn những chuyến xe đầu tiên rời bến với một nỗi tê tái. 6h45’, Nhi chậm chạp đứng dậy khoác chiếc túi đã trở nên nặng trịch lên vai lê bước tới quầy vé.
- Cho tôi một vé đi Đà Lạt! Mấy giờ xe chạy hả chị?
- Hai lăm phút nữa, xe ở đằng kia chị ạ!
Nhi bước lại xe, trên xe đã có một số người ngồi. Nhi tìm dãy ghế của mình. Ngồi xuống đưa mắt nhìn xung quanh, may mắn dãy ghế của cô chưa có người nào ngồi. Vẫn còn mười lăm phút nữa, Nhi ngồi sát ra phía cửa, co chân lên, nhắm mắt lại. Ngay cả ngồi trên xe ồn ào nếu muốn người ta vẫn có thể thiền. Mấy tháng vừa rồi bận rộn quá Nhi đã quên Pranayama Asana. Nhưng thôi chỉ cần rơi vào trạng thái không trọng lượng, giảm những căng thẳng, gạt bỏ những tạp niệm trong 5 phút. Im lặng. Một sự va chạm nhẹ, khiến Nhi mở mắt ra. Một người thanh niên khoác chiếc áo da đang vừa đặt chiếc va li xuống, vừa tò mò nhìn Nhi. Nhi khẽ khàng buông chân xuống.
- Số ghế của tôi là…
- Xin lỗi anh có thể đổi cho tôi được không? Tôi muốn ngồi gần cửa.
- Dạ!Chị cứ tự nhiên!
- Cám ơn anh!
7h20 phút, xe đã bắt đầu chật kín. Tài xế cũng đã lên xe, Nhi nhìn ra cửa mắt cô gần như hoa lên. Anh đang xuống xe và đưa mắt lướt nhanh. Nhi xách túi tính nhảy ra khỏi xe thì chuông điện thoại vang lên bản nhạc right here waiting for you quen thuộc. Nhi vội vã ấn nút xanh. Giọng anh vang lên cùng lúc với tiếng xe lăn bánh.
- Em đang ở đâu?
- Em đang trên xe đi Đà Lạt, được… nửa đường rồi anh ah!
- Trời ơi! Sao nhanh vậy? Em không chờ anh sao? Tối qua anh nói vậy sau nghĩ lại có một ngày làm sao mà kịp cả đi lẫn về, tính nói lại với em nhưng thôi tính đợi sáng nay mà dậy trễ quá. Không có anh mà em cũng đi sao? Em quay về đi!
- Không anh ah. Anh đã đến quá trễ rồi.
- Nhi! Em có biết anh ở tận Cao Đạt và từ chỗ anh ra bến xe đường luôn luôn kẹt không?
- Dạ!
- Vậy mà chỉ vì chưa đầy tiếng trễ hẹn em đã đi xa đến thế sao?
Nhi im lặng. Có thể đoạn đường từ nhà anh ra bến xe xa gấp mười lần từ nhà cô, có thể một tiếng chỉ là một phần hai bốn so với một ngày và là một phần rất nhỏ so với thời gian cô yêu anh nhưng một tiếng là rất nhiều khoảng khắc và một khoảng khắc đôi khi có thể thay đổi số phận một con người. Như giọt nước tràn ly, mười mấy năm cô đơn mòn mỏi bỗng trôi vùn vụt qua trí não Nhi, nhanh hơn cả vận tốc 60km mà xe đang chạy… Nhi không nghe thấy tiếng anh nữa. Cô để máy xuống ghế, thậm chí không gấp lại, thờ ơ nhìn ra hai bên đường.
Người thanh niên bên cạnh, rời mắt khỏi cuốn sách, tò mò nhìn cô
- Chị cũng đi Đà Lạt có một mình thôi ư?
Nhi khẽ gật đầu, mặt người thanh niên rạng rỡ hẳn lên.
- Tuyệt quá!
Rồi như biết mình lỡ lời anh ta vội mở nắp rồi đưa chai nước cho Nhi.
- Xin lỗi chị! Nhưng chị sẽ thông cảm cho tôi vì tôi luôn phải đi Đà Lạt một mình chị ạ! Tôi làm ở viện nông nghiệp nghiên cứu về giống cây trồng mà chị.
Nhi khẽ cười
- Tôi là Nhi. Rất vui được làm quen với anh!
- Tôi cũng vậy.
Phải rồi cuộc sống luôn là như thế. Một cánh cửa này khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra và đôi khi một sự buông xuôi để rơi xuống lại có thể khiến người ta đạt được kết quả tốt hơn những nỗ lực không đúng cách để bay lên.