Ở đô thị cao nguyên Đà Lạt, những vách taluy đá, những ngõ đá, những dốc đá, những lối đường nhỏ lát đá đã có tự thưở khai sơn lập phố...
Ảnh Bình Nguyên |
Chông chênh đá. Tròng trành đá. Rêu phong đá. Men theo những triền dốc, những rặng hoa dại dẫn về ngọn đồi trên cao, thung lũng dưới thấp, những ngõ đá cứ như đung đưa theo mỗi bước chân người. Những viên đá nối tiếp những viên đá như bắc những chiếc cầu dọc ngang, lên xuống, bổng trầm những nhịp hoài niệm thổn thức về miền thẳm sâu đã xa. Bao nhiêu năm qua, dù đã thân quen mến thuộc, nhưng mỗi lần đặt bước chân qua những ngõ đá, những lối nhỏ lát đá, tôi vẫn thấy hồn mình nao nao những cảm giác như ảo, như thực. Hư bởi những tưởng tượng, những suy nghiệm lẽ đời, những chống chếnh trong chính lòng mình. Thực bởi những dốc đá nơi này đã được gọi thành tên. Triền đá chênh vênh dẫn chân khách lãng du đến với những lối đường đá, tới những tên làng, tên phố: Nhà Bò, Trại Hầm, Trạm Hành, Đông Tĩnh, Ánh Sáng, Xuân An… Mỗi một con hẻm nhỏ nơi này cũng từng lưu dấu biết bao ký ức. Mỗi thớ đá đã gánh bao vết chân thân phận. Mỗi lối đi trên đá chứng kiến lẽ biến dịch tuần hoàn của ngàn tháng, trăm năm...
Ai đó nói, thành phố này là “vương quốc hoa” với hàng ngàn công dân “có hộ khẩu” là những loài hoa nhập cư từ khắp bốn phương trời. Ai đó thương những loài hoa dại, những thành viên chính gốc bản địa nhưng chịu ẩn danh khuất lấp thân phận. Phận hoa hoang dại nơi nẻo vắng, rừng xa đành chịu khuất lấp nhưng vẻ đẹp tụ khí đất trời thì tỏa khắp mọi ngõ ngách của “vương quốc” sang trọng này. Theo bước chân của người yêu hoa, những loài hoa dại ấy về sống trong lòng phố. Bao tháng rồi bao năm, hoa dại cứ quấn quyện, cứ níu kéo hồn người theo những dốc đá, ngõ đá, những vách đá, những lối đường đá. Hoa dại đã cộng sinh cùng đá, cộng cảm với đá tạo nên hồn của phố, của nhà, của làng. Hoa và đá như một phần tâm cảm Đà Lạt. Phố đẹp hơn, sống động hơn khi chứng kiến bước chân thiếu nữ e ấp gõ nhịp guốc lóc cóc trên đá, nghiêng đầu gỡ tóc rối dưới rặng dã quỳ vàng. Cách ngõ cong phía dưới, người con trai nôn nao đứng đợi. Tiếng thở hổn hển leo theo triền dốc và tiếng đập của nhịp tim nôn nao trong chiều tà ủ làn sương mỏng. Phố đẹp hơn khi ở sân vườn lưng chừng ngọn đồi, người đàn ông lòa xòa mái tóc hoa râm đứng ngóng về dốc đá dưới thung lũng hoang hoải nắng chiều. Ánh mắt xa xăm như đong đầy hoài niệm về hình ảnh gánh hàng hoa thiếu nữ đã chìm vào làn sương mờ ký ức. Chợt nhớ, ngày dưới ấy đưa dâu, chiếc lọng hoa cũng thấp thoáng leo từ lưng chừng dốc…
Đá cũng đổ mồ hôi. Đá cũng rỉ nước mắt. Đá cũng thở theo nhịp điệu hải hà. Dân gian tưởng tượng rằng, mỗi hòn đá trên đời đều dấu một mảnh linh hồn. Đá vô tri. Người đã vận phận người vào đá. Ở xứ sở này, có những con người mà suốt từ lúc sinh ra cho đến ngày rời xa cõi sống đều gắn lối đi của đời mình cùng đá. Ngày chào đời, con đường đá dẫn sinh linh mới về nhà trong tấm tã che kín tiếng khóc ấu nhi. Tháng ngày dài trong cuộc trần ai, những kỷ niệm buồn vui đã in hằn những bước chân nặng nhẹ trên đá. Đá hằng chia sẻ niềm hạnh phúc và cũng từng gánh chung nỗi đau thương. Ngày giã từ cõi thế, chiếc quan tài trên tay những người thân, cùng bước chân nặng nề của niềm tiếc nuối leo dốc. Theo dốc đá chênh vênh, người đưa người đi đến bến bờ vĩnh hằng, nơi ấy đá cũng đang chờ…
Thời gian lê bước chân vĩnh cửu vô hạn. Không gian có những biến dịch theo lẽ của nó. Đô thị ngày càng hiện đại. Những ngõ đá chênh vênh, những dốc đá thăm thẳm, những con đường đá ghép nhỏ bé, cheo leo ở xứ sở này dần nhường chỗ cho bê tông, cốt thép, cho những nẻo đường lớn phong quang. Người đi xa, tìm về ký ức có thể thấy mừng vui với sự đổi thay, cũng có thể bùi ngùi tâm trạng. Đứng trước đá không phân lẽ dở hay, chỉ biết rằng, hoài niệm thì bao giờ cũng tìm về những ký ức xưa cũ…