Ông Thung đang lúi húi cuốc cỏ vườn thì bỗng “độp”, quả banh bằng lá chuối khô của thằng Ngỗ rơi đúng vào lưng kèm theo tiếng cười hí hí của nó.
Ông ngẩng đầu: Lại thằng Ngỗ. Ông dứ dứ cán cuốc về phía nó: Mày liệu hồn, nghe chưa? Ông mà tóm được thì nhừ đòn đấy con ạ! Nói xong ông lại cúi xuống cuốc đất như không có chuyện gì xảy ra. Ông vốn tính mau quên.
Ảnh minh họa. |
Ngỗ tên cha mẹ đặt cho là Ngân. Ngân, tên hay đấy chứ! Ngân là bạc. Bạc có màu trắng bạc lấp lánh như dải ngân hà trên trời. Ngỗ mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bà con thân thuộc chẳng còn ai. Mới mươi tuổi đầu nó phải sống tự lập: mò cua, bắt ốc, mót lúa khoai, chăn trâu bò, rửa chén bát… việc gì vừa sức nó cũng làm, miễn là có mấy chén cơm bỏ bụng. Tối nó mò về ngôi nhà rách cha mẹ để lại để ngủ.
Tuổi nhỏ lại mồ côi, cuộc sống cơ cực nên nó thường bị kẻ khác bắt nạt, nhất là đám trẻ con trong làng. Thường bị hành hạ nên nó uất lắm, nó nghĩ cách chống trả, với bọn trẻ cùng lứa thì nó đánh lại, và lần nào nó cũng thắng. Phải lao động sớm để kiếm sống nên người nó rắn chắc chứ không mảnh mai như các cậu ấm, cô chiêu. Vì thân đơn, thế cô nên Ngỗ hay bị bắt nạt. Với người lớn, nó lẩm bẩm chửi thề: - Đồ ăn hiếp trẻ con. Có lần nó bị tát tai đau quá, người kia vừa dừng tay, nó chạy ra xa chừng năm bảy bước, vạch quần cầm “cái tý” dứ dứ về phía người nọ: Sợ cái con… này, này… Chửi xong nó kéo quần lên, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng để tránh lại bị tóm, bị đánh lần nữa.
Cuộc sống luôn bị vùi dập, chà đạp, khinh khi nên ý thức phản kháng trong người nó ngày càng tăng. Nó không còn biết sợ sệt đòn roi là gì, kể cả thần linh. Đồ cúng lễ ở miếu mạo nó lấy chén sạch. Một hôm có cụ già mang xôi gà ra miếu cúng. Cụ vừa quay lưng là Ngỗ bê luôn đồ cúng lễ ra bụi cây gần đó, ung dung thưởng thức cái hương vị ngon ngọt mà cả đời nó chưa biết là gì.
Với “thành tích” ấy, dân làng gán cho nó cái tên Ngỗ: Ngỗ ngược, xấc láo. Gọi riết thành quen.
Năm 18 đôi mươi, Ngỗ theo người lớn trong làng lên rừng làm nghề sơn tràng. Nó chưa hiểu sơn tràng là gì, cực khổ ra sao. Nó chỉ cần thoát khỏi cái làng nó đang sống, vì ở làng, nó chẳng được đối xử như một con người. Nó chỉ là hạng thứ dân cùng đinh khố rách.
Hành trang để nó đến với nghề sơn tràng cũng rất đơn giản: một bộ quần áo khâu lại từ quần áo cũ của mẹ nó, một chiếc nón rách, một cây rựa quéo sắc ngọt với một ruột nghé gạo quàng vai. Thế là nó nhập bọn.
Rừng! Lần đầu tiên nó đến với rừng, với những con suối đầu nguồn, cái gì với nó cũng lạ lẫm, ngỡ ngàng. Nhưng nó là đứa trẻ sáng dạ, nên nó nhanh chóng học và biết được các cây củ thuốc nam, cách chữa chạy khi bị rắn độc cắn, biết phát hiện đàn ong mật, cách lấy mật, cách chặt cây vầu, cây bương sao cho gọn, cách cưa xẻ gỗ lậu trong rừng… Năm ba tháng Ngỗ lại được sai về làng để mua mắm muối, dầu đèn, thuốc rê để hút. Người làm nghề sơn tràng rất ghiền thuốc. Mua sắm xong Ngỗ lại mang lên rừng. Lần ấy Ngỗ về đến đầu làng thì thấy đám đông dân làng đang chạy vô chạy ra nhà ông Thung với vẻ lo lắng, hốt hoảng.
Hàng xóm cho biết: Cô Nhung, con gái đầu của ông Thung đi làm rẫy vừa bị rắn hổ mang cắn nơi cẳng chân, máu đang rỉ ra. Nếu không chạy chữa kịp, nọc độc ngấm vào máu thì nguy mất. Nghe thế, Ngỗ không do dự chạy ào vào nhà ông Thung, gạt mọi người đang xúm quanh, đến chỗ cô gái, mạnh dạn vén ống quần cô ta lên xem vết rắn cắn mà mặt cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, như việc đương nhiên nó phải làm.
Lúc đầu cô gái ngượng đỏ mặt, gạt phăng tay Ngỗ. Chàng Ngỗ bỗng nổi cáu: - Muốn chết hả? Để tôi chữa cho. Nếu chậm, nọc độc ngấm vô thì có mà trời cứu. Nói xong, Ngỗ thản nhiên dùng hai bàn tay vuốt từ bẹn cô gái vuốt xuống, nặn hết máu ứ ra, xong, lấy từ túi áo ngực một củ giống củ gừng nhưng có màu đen xỉn, cắn một miếng nhai dập dịt lên chỗ rắn cắn và bẻ một miếng nhỏ bằng đốt tay đưa cho cô gái bảo nhai kỹ nuốt ngay.
Xong, Ngỗ kéo ống quần cô gái xuống, đứng dậy xoa tay nói với mọi người: - May còn kịp, không sao đâu. Nọc độc sẽ tan, không việc gì, đừng lo. Bài thuốc này do các bác sơn tràng truyền cho tôi đấy. Thôi! Tôi đi đây. Ngỗ bước ra khỏi nhà ông Thung trước sự ngơ ngác của mọi người.
Sau này, nhiều đêm trong rừng, Ngỗ thao thức, trăn trở, cái cảm giác lần đầu được tiếp xúc với da thịt một cô gái tuổi đôi mươi cứ lâng lâng dâng lên trong lòng. Ngỗ cứ mơ màng, mơ màng cho đến lúc ngủ thiếp đi.
Cuối năm, trong một lần về làng để lo gạo nước, mắm muối cho toán sơn tràng thì đụng phải quân cảnh ngụy vây bắt lính. Vào lính được hơn năm, nhân một cuộc hành quân đi càn nó bỏ trốn, bị quân cảnh bắt lại tống vào quân lao cải huấn. Nhờ có thân hình rắn chắc, đẹp mã, chịu khó lao động lại thật thà, nên Ngỗ được tên Đại úy, trại trưởng quân lao tin tưởng và thương. Hắn đưa Ngỗ cùng mấy tên đào binh khác về chăm sóc trại chăn nuôi trong khuôn viên nhà. Đã nhiều lần Ngỗ bắt gặp ánh mắt của mụ Đại úy nhìn Ngỗ chằm chằm. Có lần mụ vờ xem công việc, đến gần Ngỗ, ỡm ờ:
- Anh Ngỗ này! Anh có cần tôi giúp gì không?
Lần đầu tiên Ngỗ nghe mụ gọi mình bằng anh.
- Thưa bà Đại úy. Tôi đâu dám phiền ạ!
- Không có bà Đại úy nào cả. Ở đây chỉ có tôi và anh, hiểu chưa?
Mụ liếc Ngỗ sắc lẻm. Cái liếc ấy như đe: Không chiều, không biết nghe lời là chết, lại như ngầm bảo: mấy ai được diễm phúc. Tối hôm ấy chàng Ngỗ nghĩ lung lắm. Nếu tiếp tục ở lại nhà tên Đại úy này có thể tránh được đạn lạc, tên bay nơi chiến trận, nhưng thể nào rồi cũng chết, không chết vì đòn ghen của lão Đại úy thì cũng chết trên tay mụ đàn bà này. “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, Ngỗ quyết trốn chạy, nhưng chưa tìm được cơ hội.
Hôm ấy, mụ Đại úy cho gọi Ngỗ vào phòng khách:
- Anh Ngỗ này! Mụ gọi thân mật – Anh không có tiền cắt tóc à? Mụ muốn “tân trang người tình”, tân trang con mồi. Mụ thường gọi Ngỗ bằng anh khi chỉ có hai người, còn khi có nhiều người hay trước mặt chồng, mụ lại gọi thằng kia, thằng nọ.
- Dạ thưa! Dạ…!
- Đây! Anh cầm ít tiền này đi cắt tóc ở hiệu cắt tóc trước nhà, sau đó đến khu phố X số nhà Y bảo họ chở thức ăn gia súc. Đây là tiền mua thức ăn gia súc. Anh nhớ theo xe áp tải về.
- Dạ vâng! Tôi đi được chưa?
- Anh nghe đây! Nhớ, sau này tôi cho gọi, phải đến ngay. Đừng có làm tôi bực mình. Anh đi được rồi.
Nhận được tiền và được sai đi mua thức ăn gia súc, Ngỗ mừng lắm. Ngỗ sẽ có cơ hội “vù”. Mụ Đại úy lại nghĩ: bước đầu hãy làm cho anh ta bớt e ngại, sợ sệt. Anh ta như cá mắc câu, như “kiến bò miệng chén”. Lúc nào “đùa bỡn” với anh ta mà chằng được, vội gì.
- Dạ! tôi đi.
Ra khỏi tiệm cắt tóc được khoảng vài cây số, Ngỗ liền tìm chỗ vắng, cởi bỏ quần áo đào binh, mặc thường phục vào, thuê xe ôm lặn sâu lên vùng Tà In, Đức Trọng, Lâm Đồng, nơi bọn ngụy quân, ngụy quyền thời ấy ít dám mò đến.
Ở Tà In, Ngỗ phát rương, phát rẫy sống với đồng bào dân tộc, dấu biệt gốc tích. Mãi đến cuối năm 1974, Ngỗ nghe phong thanh cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc. Ngỗ thu xếp hành trang chạy lên Đà Lạt tìm cách về quê để tìm Nhung, con gái ông Thung. Để kiếm sống, Ngỗ lại làm thuê cuốc mướn cho một chủ vườn trồng rau hoa, và, Ngỗ cũng lại được ông chủ tin cậy, cô con gái đem lòng yêu thương. Ở tuổi xấp xỉ 40, cái chí “tang bồng hồ thỉ” đã nhạt, nên Ngỗ quyết neo thuyền bến mới.
Sau giải phóng năm 1975, Ngỗ định cư hẳn ở Đà Lạt. Ngỗ thuê nhà ở riêng. Vợ chạy chợ kiếm sống. Nhờ 25 năm đổi mới, vợ chồng Ngỗ làm ăn khấm khá dần lên.
Ông Tùng từ quê vào thăm cháu ở Đà Lạt tình cờ gặp Ngỗ.
- Xin lỗi! Ông có phải là ông Vũ Tùng không ạ?
- Vâng! Tôi là Vũ Tùng ở xã X huyện Y, còn ông có phải là…?
- Tôi là Ngỗ, thằng Ngỗ ngày xưa ở cùng quê với ông đây mà.
- Ồ! Hóa ra ông là ông… Ngỗ đấy à? Thế là đã hơn 45 năm, chúng ta mới lại gặp nhau. Thật quý hóa quá. Từ đó câu chuyện của hai người xoay quanh chuyện làng xóm quê nhà.
Trước khi tạm biệt, ông Ngỗ tha thiết
- Ông còn ở lại chơi lâu, hôm nào mời ông ghé nhà tôi chơi. Nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, cũng gần đây thôi.
- Được! Được! Thế nào tôi cũng đến chơi. Đến để cùng ông tâm sự và xem giờ ông sống ra sao để còn về khoe với bà con ở quê chứ. Ông Ngỗ tiếp ông Tùng ở phòng khách ngôi nhà xây hai tầng khang trang, bắt mắt. Trang trí nội thất toàn thứ đắt tiền. Ông đưa ông Tùng đi khắp nhà vừa để giới thiệu vừa để khoe sự giàu sang. Trở lại phòng khách, ông Ngỗ kể:
- Tôi lập gia đình cuối năm 1974 đến nay (1996) đã có sáu con, bốn đứa đã vào đại học, hai cháu đã đỗ cử nhân luật, hai cháu nhỏ đang học cấp III. Ông tính như tôi, thằng Ngỗ ngày xưa có nằm mơ cũng không thể có bốn con vào đại học, đỗ đạt thành tài lại có cả một cơ ngơi thế này, mà không riêng gia đình tôi, nhiều gia đình khác cũng làm ăn phát đạt lắm. Xưa! ở quê ta có đốt cháy hết dãy núi Bìn-nin cũng không thể tìm thấy một cô tú, cậu tú nói gì đến cử nhân, tiến sĩ. - Với nụ cười rạng rỡ, ông Ngỗ tiếp tục: - Lâm Đồng đã xóa xong nạn mù chữ, đã phổ cập tiểu học. Không như thời tôi và ông muốn đi học mà không có tiền đành chịu dốt nát. Còn phố xá nhà cửa thì Đà Lạt giờ khác xưa nhiều lắm. Nhà cao tầng mọc lên san sát, chứ không vắng vẻ, đìu hiu như những năm trước. Bệnh phong, bệnh hủi cũng được chữa chạy tận gốc. Được công nhận là tỉnh không còn bệnh phong. Đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa giờ đã có nước sạch để dùng, có điện để thắp sáng. Ngay như tại K’Long - Hiệp Thạnh - Đức Trọng giờ cũng thành một thị trấn đông vui của đồng bào dân tộc, chứ không vắng vẻ như xưa. Đời sống văn hóa và dân trí được nâng lên rõ rệt, chỉ trừ một số xã quá heo hút còn gặp khó khăn mà thôi. Cây cà phê, cây chè và cây hoa đang phát triển tốt. Tỉnh đã hình thành nhiều khu công nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh ngày càng nhiều. Du lịch - dịch vụ ngày càng phát triển. Sắp tới đây, đầu năm 2012 sẽ có lễ hội hoa thu hút nhiều du khách đến thăm Đà Lạt - miền đất hứa. Hy vọng tình hình kinh tế còn phát triển nhanh hơn nữa. Ông Ngỗ ngừng lời mời thuốc lá và nhìn ông thăm dò:
- Hay ông chuyển vào đây sinh sống, tối lửa tắt đèn có nhau.
- Vâng! Thì chuyến đi này… tôi cũng đang tính… Đất lành chim đậu. Đồng bào các nơi còn đến Đà Lạt - Lâm Đồng để lập nghiệp thì tôi có vào chắc cũng làm ăn sinh sống được, phải không?
- Ồ! Ông cứ vào! Ông nên vào. Bến hiền thuyền đậu. Ta lại nương nhau.
Trên đường về ông Tùng cứ ngẫm nghĩ:
- Đúng! Đất lành chim đậu. Bến hiền thuyền đậu. Thằng Ngỗ… ông Ngỗ đã đổi đời rồi. Bây giờ ông ta nên lấy lại cái tên Ngân cha sinh mẹ đẻ đặt cho mới phải. Khi nào gặp lại mình sẽ bảo với ông ta như thế.