(Tham luận trình bày tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, tổ chức tại Tuyên Quang ngày 8, 9 - 9 - 2011)
Tranh mang tính minh họa của Đào Tuấn |
Tất cả những ấn tượng đó, ở một mức độ nhất định, thể hiện rõ trạng thái trầm tĩnh, lắng sâu của sự vận động thi ca, rộng hơn là của tiến trình văn chương dân tộc trong năm đầu tiên của thập niên thứ hai thuộc thế kỷ mới. Đã qua rồi thời kỳ sốc nổi có phần bồng bột, hoang tưởng trong quá trình hội nhập với nền thi ca tiên tiến của nhân loại. Nói như nhà thơ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì đó là lý do của hy vọng khiến ta không ngại ngần đặt niềm tin vào những thành tựu thi ca mang tính dung hợp, kết tinh xuất hiện trong một tương lai gần. Bây giờ, tôi xin mạnh dạn đi vào một vài vấn đề nảy sinh trong đời sống thi ca Trẻ mà bản thân cho là chưa được đồng thuận lắm trong nhận thức, do vậy rất cần được nhiều người cùng góp sức tháo gỡ, nếu chúng ta còn nuôi dưỡng niềm kỳ vọng vào những thành tựu thi ca mới nay mai.
1. Vấn đề thể nghiệm thơ. Thể nghiệm thường song hành với quá trình sáng tạo thi ca đích thực, nơi không hề có con đường chung cho hết thảy mọi người cầm bút. Đối với giới Trẻ vốn đặc biệt nhạy cảm với cái mới thì sự thể nghiệm càng trở thành một nhu cầu khẩn thiết và bức bách. Nó thể hiện ý thức khẳng định tiếng nói thi ca độc đáo của mình trong thời đại cái riêng thường bị chìm khuất đi trước cái chung đã trở nên giàu có, đa dạng hơn nhiều so với các giai đoạn trước. Nó còn thể hiện tinh thần hội nhập chủ động với nhân loại hiện đại theo quy luật có tiếp nhận và có đóng góp, một khi ai đó còn ý thức được sự tồn tại của mình trong tư thế một nhân cách văn hóa độc lập. Tuy nhiên, có ít nhất ba nỗi băn khoăn nổi lên trong tôi.
Một là, nội dung thể nghiệm có lẽ còn phiến diện. Phần lớn các bạn trẻ rất đam mê thể nghiệm trên lĩnh vực thi pháp. Cũng có thể hiểu được! Cách thức biểu hiện thi ca ở ta so với thế giới nhiều phần lạc hậu và đơn điệu. Tiếp xúc với những cái mới mẻ trong nền thơ hiện đại của nhân loại, rất dễ nảy sinh ra tâm lý sốt ruột. Có điều, tôi nghĩ, cái mới trong văn chương mà nói riêng trong thi ca chắc không chỉ nằm ở cách thức biểu hiện. Sức khám phá ít nhất còn ở 2 phương diện chính yếu sau nữa: tư tưởng và đời sống. Như thế mới có thể xem là đủ đầy chăng?
Hai là, việc xác định mục đích thể nghiệm có thể còn chưa thật chuẩn xác. Không ít bạn coi thể nghiệm đơn thuần chỉ là một đòi hỏi tự nhiên của sáng tạo thi ca. Phải tìm con đường chưa ai đi! Phải nói tiếng nói chưa ai nói! Lạ, rất lạ hình như được coi là mục đích của thể nghiệm văn chương. Tôi thì không hoàn toàn nghĩ vậy! Cái đích sau cùng của mọi thể nghiệm đúng nghĩa có lẽ nằm ở chỗ phải bằng mọi cách tạo ra được những giá trị thi ca mới mẻ, góp phần làm giàu có thêm gia sản tinh thần của dân tộc, và cao xa hơn là của nhân loại. Vậy thì thể nghiệm nghệ thuật đích thực không thể có cứu cánh tự thân. Phải chăng như thế mới được xem là những thể nghiệm nghệ thuật đúng hướng và hiệu quả?
Ba là, xu hướng thể nghiệm hình như có phần lầm lạc. Tôi nghĩ, đây là sự thể nghiệm thi ca. Một loạt yêu cầu sau nên đồng thời được đáp ứng trong thể nghiệm: Làm sao để khai thác mọi tiềm năng của thơ! Làm sao để nới rộng mọi giới hạn có thể của thơ! Làm sao để tăng sức quyến rũ mê hồn của thơ! Làm sao để đào sâu sự tinh tế, uyên ảo của thơ!... Mọi thể nghiệm chân chính không thể rời xa những định hướng quan thiết đó. Nói khác đi, tất cả mọi thể nghiệm đều được chúng ta dang cả hai tay đón nhận nếu chúng không rời xa bản chất đích thực của thi ca.
2. Liên quan mật thiết tới thể nghiệm thơ là quan niệm về sự hiểu trong thơ. Vấn đề này hầu như luôn đối mặt với mỗi người khi bàn về giá trị thi ca. Ở đây nên có một sự phân biệt nhất định nào đó. Bởi, đời sống con người mà thi ca mong muốn biểu hiện bao giờ cũng bao gồm hai phương diện hòa hợp với nhau: phần tỏ và phần mờ, phần xác định và phần vô định. Giống như, có âm hẳn có dương, âm trong dương, dương trong âm vậy. Thiếu mặt nào cũng đều không trọn vẹn cả. Thế giới thi ca gắn bó mật thiết với đời sống cũng thế. Do vậy, phần quan trọng nếu không muốn nói là phần chính yếu trong thưởng thức thi ca lại thường ẩn chứa trong sự cảm nhận. Vì thi ca thường ưa biểu biện những gì mơ hồ, thậm chí ảo huyền. Lời vô ngôn gói hoang đường/ Trò chơi con chữ vô thường vậy thôi! - một ai đó từng cảm hứng mà đột nhiên thốt ra những lời thấu đáo như thế. Vậy thì ai dám cả quyết là có thể phân tách, diễn giải mọi thứ (trong thơ thường là thế giới vô hình bên trong của con người) cho tỏ tường đâu ra đấy được. Đã và mãi tồn tại cái bất khả trong đời sống. Mong mỏi chiếm lĩnh được chân lý tuyệt đối, chân lý sau cùng có thể lãng mạn, bay bổng và cuốn hút thật đấy, song chắc chắn chỉ là một ảo tưởng thi vị. Đã vậy thì sao ta lại đòi hỏi lĩnh vực kỳ diệu như thi ca một yêu cầu khác được. Trong thơ, sự cảm cần thiết không kém gì so với sự hiểu có lẽ là vì thế.
Do vậy, khi đặt ra vấn đề hiểu hay không hiểu trong thơ chủ yếu ta muốn nói tới phần tỏ, phần xác định trong biểu hiện đời sống của thơ mà thôi. Ở góc độ này, tôi không nghĩ thơ hiện đại hay là phải dễ hiểu. Như thế thì tầm thường hóa thơ và người thưởng thơ quá chăng! Nhưng tôi cũng không cho rằng thơ hiện đại hay nhất thiết phải khó hiểu. Nếu thế thì thơ viết cho ai nhỉ? Đặc biệt khi con người luôn có nhiều nhu cầu và sự chọn lựa tinh thần mà lại rất ít thời giờ vật chất như hiện nay? Chỉ cần mở ngoặc lưu tâm thêm điều sau: dễ hiểu hay khó hiểu nói đây là trong nhận thức của những độc giả có trình độ văn chương nhất định. Vậy thì câu trả lời của tôi bao giờ cũng là: thơ hay là thứ thơ không hoàn toàn khó hiểu. Có nghĩa, do cách thể hiện mang dấu ấn riêng nên thơ hay thường rất nhiều lớp nghĩa. Như củ hành ấy, rất nhiều lớp vỏ. Thưởng thơ cũng như việc bóc tách dần lớp vỏ của củ hành để dần dà đi vào cái lõi nằm sâu ở bên trong. Chỉ khác ở chỗ, đi vào tận cùng ý tình của những áng thơ hay có lẽ là không thể! Nhưng bí quyết của cái huyền ngoại chi âm ấy nằm ở đâu? - nhiều lần tôi tự hỏi, và câu trả lời khi nào cũng nằm ở sức dung chứa rộng lớn của chúng. Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng (Hữu Thỉnh). Thơ hay luôn là vậy, mang sức khái quát lớn về cõi đời và cõi người. Không dễ viết những câu thơ tưởng như dễ hiểu ấy đâu! Tôi biết, một quan niệm tương tự không hẳn đã nhận được sự chia sẻ rộng rãi của các bạn trẻ. Có thể một ai đó trong các bạn lại ưa thích sự cầu kỳ, rắc rối trong ý tứ, câu chữ và hình ảnh hơn kia! Chỉ mong các bạn ấy nên nghĩ lại.
3. Đi cùng với những mong muốn thể nghiệm trong thơ là vấn đề liên kết thơ với các loại hình nghệ thuật khác. Có thể hiểu được xu hướng này. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa nhân loại đã xếp thi ca, văn chương thuộc vào một lĩnh vực chung gọi là nghệ thuật. Các ngành nghệ thuật đều giao hòa trong nhiều phẩm chất thẩm mỹ khiến chúng thật gần gũi đến mức trở thành anh em ruột rà. Do vậy, sau khi đã tách ra thành từng loại hình riêng biệt, chúng vẫn hướng về nhau, liên kết bổ trợ cho nhau bằng nhiều con đường và nhiều cách thức, nhằm thỏa mãn ngày một tốt hơn nhu cầu tinh thần vô hạn của con người. Ở nước ta thời trước, thi trung hữu họa và thi trung hữu nhạc đã trở thành những định thức thi ca quen thuộc. Tuy nhiên, chưa bao giờ như thời đại của chúng ta, các ngành nghệ thuật lại tự nguyện nắm chặt tay nhau đến thế! Không lấy làm lạ khi có lúc thơ đã đi tìm sự hỗ trợ bởi âm nhạc, tạo hình, sân khấu, vũ đạo, nhiếp ảnh và điện ảnh… Nếu đúng cách thì hiệu quả thẩm mỹ đem lại phải thừa nhận là không hề nhỏ. Nhiều cuộc ngâm thơ, trình diễn thơ hoặc nhiều tập thơ sắp đặt câu chữ, hình ảnh thành công là những minh chứng hùng hồn.
Có điều, cái gì cũng có mặt trái của nó. Ý thức về giới hạn sẽ phần nào hạn chế được mặt trái ngoài ý muốn. Tôi muốn nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, nếu còn duy trì mong muốn biểu hiện dự đồ sáng tạo bằng thơ chứ không phải bằng các loại hình nghệ thuật khác thì dứt khoát phải lấy đặc trưng và phẩm chất thơ làm trung tâm. Mà từ ngàn đời nay, thơ bao giờ cũng là thứ nghệ thuật ngôn từ. Mọi loại hình nghệ thuật khác trong những trường hợp này chỉ là nền. Quan trọng, dụng công đến đâu cũng chỉ giữ vai trò nền. Không thể khác được. Tâm điểm phải là chất thơ thể hiện qua ngôn ngữ đặc thù kết thành hình ảnh thơ, trôi chảy qua âm điệu thơ. Nếu không đảm bảo được nguyên tắc căn cốt ấy thì có thể tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ nào đó, nhiều khi khá sâu đậm, nhưng dứt khoát không thể xem là ấn tượng thi ca. Mọi ý định, dẫu tốt lành và da diết đến đâu, đôi khi đều trở nên xa vời. Mọi công lao, dầu tốn kém và quy mô đến đâu, có lúc đều tuột khỏi mong đợi của người sáng tạo. Thật đáng tiếc thay! Đó là lý do mà không ít người có nhiều điều kiện công bố thi phẩm của mình dưới những cách thức thật hoành tráng song cuối cùng họ đều tìm đến lối in ấn truyền thống quen thuộc, vừa dung dị lại vừa phù hợp và sang cả. Tôi trân trọng sự chọn lựa của họ. Hơn thế, tôi còn cảm phục khiếu thẩm mỹ ở họ nữa.
4. Cuối cùng, tôi muốn bàn thêm về mối quan hệ giữa chí và tài trong sáng tạo thi ca. Tôi tán đồng với ý kiến cho rằng, so với giai đoạn trước, hiện tại chúng ta chưa thấy xuất hiện thần đồng thi ca. Nói khác đi, khả năng, thiên hướng thơ thì có, nhưng tài năng thật sự độc sáng trong lĩnh vực này thì chưa. Trong tình hình đó, người cầm bút nên quan tâm nhiều hơn tới cái chí của mình. Đó có lẽ là sự khác biệt cơ bản giữa các nhà thơ Trẻ hôm nay với các thế hệ nhà thơ lớp trước. Giờ đây, giữa dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời, rất hiếm khi nhận ra những cây bút đam mê đến mức “sinh nghề tử nghiệp” cho thi ca và vì thi ca. Nhiều bạn còn nói ra thành lời nữa kia! Xem văn chương, thơ phú chỉ là một cuộc chơi theo nghĩa tầm thường nhất của từ này là một ví dụ. Thích thì làm, hứng thì viết, chứ sáng tạo thơ chưa thật sự trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người cầm bút. Tôi không cho như vậy là một lối ứng xử nghề nghiệp tích cực. Ai cũng biết cái nghề viết của chúng ta luôn khe khắt và nghiệt ngã lắm. Chớ nên ỷ vào “cái khiếu” văn chương. Thứ trời cho quý lắm song dẫu dồi dào đến mấy cũng rất dễ nhanh chóng vơi cạn. Cái quyết định khi nào cũng nằm ở sự kiên tâm. Sau khi đã có ít nhiều tư chất bẩm sinh, cố nhiên. Trong sự hình dung về nỗi cực nhọc của nghề văn tôi thích nhất lối so sánh với sự leo núi. Muốn chiếm lĩnh được những ngọn núi cao phải nỗ lực hết mình. Không được phép ngơi nghỉ. Trong từng giây, từng phút. Chỉ biết hướng tới cái đích cao vời ở phía trước. Đích càng cao thì lại càng phải gắng sức. Cái gì cũng có giá của nó mà!
Ở đây liên quan tới một vấn đề khá nhạy cảm hiện nay là việc PR trong thơ. Sống giữa thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, sao ta có thể đứng ngoài mà vân vi hoài rằng có nên hay không nên quảng bá thơ văn nhỉ? Cứ phấp phỏng e ngại sản phẩm tinh thần linh diệu của con người ấy sẽ mất thiêng đi! Tôi cho lối nghĩ ấy đã tỏ ra lỗi thời từ lâu rồi. Vì, cho dầu đặc thù đến đâu thì thơ văn suy cho cùng cũng chỉ là một loại “hàng hóa” thôi mà. Vấn đề là cần quảng bá thế nào cho phù hợp với tính chất của nó, nhất là phù hợp với giá trị thực của nó. Nói đến đây, tôi chợt giật mình nghĩ ngay tới những bài giới thiệu tác giả, hay hẹp hơn là giới thiệu tác phẩm có phần tung hô, tán dương vô lối hiển diện đầy rẫy trên các trang web hay blog vào thời gian gần đây. Không loại trừ cả những trang báo in chuyên và không chuyên về văn chương. Đọc chúng, ta cứ nghĩ nền thi ca Trẻ sao mà nhiều tài năng độc sáng đến thế! Rồi tự nhiên vô cớ quay sang trách cứ các nhà phê bình: Gớm, sao các ngài thận trọng, khắt khe làm vậy! Hay khả năng thẩm định thơ thể hiện ở thước đo thơ của các ngài đang có vấn đề? Ở đây, có lẽ tai hại nhất lại nằm ở bản thân đối tượng được (bị?) phê bình. Bởi, bao giờ chẳng vậy, trong nghề viết mà chúng ta đang hết lòng đeo đuổi, sự ngáng trở bên trong mới đáng kể, vì vậy, mới đáng sợ. Nếu không làm chủ được mình, rất có thể các cây bút Trẻ trong những trường hợp này sẽ chuếnh choáng. Cứ như say rượu bia ấy, không còn biết trời cao đất rộng là gì nữa. “Mục hạ vô nhân”. Mình là nhất. Thơ của người khác chỉ là cỏ rác… Hậu quả thật khôn lường! Đáng ngại nhất là từ đó người thơ lúc nào cũng phải mặc một cái áo quá rộng so với khổ người của mình. Đi đứng, nói năng cứ phải khác người. Là “thi sỹ nổi tiếng” rồi mà! Không tìm đâu ra thực chất nên rất dễ khôi hài. Chỉ những ai đứng ngoài mới hay sự khôi hài ấy trơ tráo đến mức nào!
Vâng, tôi đã tâm sự nhiều điều về thơ Trẻ. Chắc không ít bạn cảm thấy không mấy hài lòng. Chẳng sao cả đâu! Trên những diễn đàn quan trọng, tôi vốn không thật ưa những lời nói ve vuốt một chiều. Mặc dầu vẫn rất biết lời ngọt nhiều lúc cũng lọt đến tận xương tủy. Bởi vậy, tôi đã sẵn lòng đón nghe những ý kiến phản hồi từ phía các bạn. Nhưng có điều này thì tôi ý thức thật rõ: những gì tôi nói ra đều được suy ngẫm rất kỹ càng, nhất là, đều chỉ bắt nguồn từ một nỗi hy vọng không nguôi ngoai vào tương lai tươi sáng của nền thi ca dân tộc mà chủ nhân của nó không ai khác chính là các bạn.