Văn hóa điện thoại

03:11, 01/11/2011

Sở hữu điện thoại thì dễ, nhưng sử dụng như thế nào cho có văn hóa thì vẫn còn là một vấn đề, nhất là sử dụng ở chốn công cộng, nơi công sở.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Trong tuần rồi, chúng tôi được mời dự một cuộc họp tại một sở lớn của tỉnh với sự có mặt của Chủ tịch UBND tỉnh. Đó là một cuộc họp quan trọng nên hầu hết trên 30 đại biểu dự họp đều đến rất đúng giờ, thậm chí đến cả trước giờ họp rất lâu.

Cuộc họp bắt đầu với phần báo cáo của lãnh đạo sở, nhưng đột nhiên khi hầu hết mọi người đang lắng nghe báo cáo thì… chuông điện thoại di động bắt đầu reo. Không phải từ một máy mà có lúc đến cả vài máy cùng reo. Có máy tiếng reo nhỏ, nhưng có máy tiếng nhạc báo như mở hết cỡ. Thế là các chủ nhân thi nhau chạy ra cửa, vừa chạy vừa tranh thủ alô, còn chủ tọa cuộc họp thì nhiều lúc cứ phải chờ cho tiếng nhạc chấm dứt mới có thể nói tiếp. Buổi họp cứ thế bị cắt ngang vì những tràng nhạc vang lên không mong muốn. Nhưng điều lạ là, có vị nghe xong lại không chuyển điện thoại mình sang chế độ im lặng mà cứ thế đi vào họp lại, một lúc tiếng điện thoại lại reo. Có vị cũng chẳng buồn ra cửa, điện thoại reo cứ điềm nhiên móc túi cúi đầu thấp một chút xuống bàn rồi thản nhiên trao đổi.

Đã có không ít cơ quan hiện nay trong tỉnh yêu cầu cán bộ nhân viên của mình trong phòng họp tắt điện thoại di động, hoặc chuyển điện thoại sang chế độ im lặng để cuộc họp không bị cắt ngang, tránh làm phiền người khác. Nhưng giống như tấm biển báo cấm hút thuốc lá dù hiện diện, nhưng nhiều người vẫn điềm nhiên rút thuốc lá ra đốt và bào chữa “có chết ai”, chuyện tắt điện thoại có vẻ hãy còn rất lạ lẫm. Nhiều người đến các cuộc họp vẫn để chế độ nhạc báo vang lừng, khi chuông reo cứ lôi điện thoại ra a lô bất chấp việc quấy rầy cuộc họp và quấy rầy người khác.

Điện thoại di động hiện nay được sử dụng rộng rãi. Với không ít người, nó còn là vật để thể hiện đẳng cấp, một thứ hàng thời thượng cho mọi người biết chủ nhân nó là một người sành điệu.

Sở hữu điện thoại thì dễ, nhưng sử dụng như thế nào cho có văn hóa thì vẫn còn là một vấn đề, nhất là sử dụng ở chốn công cộng, nơi công sở.

Đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần quán triệt cho cán bộ công nhân viên của mình về văn hóa sử dụng điện thoại, nên có yêu cầu tắt điện thoại, hoặc chuyển sang chế độ im lặng trong phòng họp và nên coi đây như một tiêu chí tối thiểu để xây dựng một công sở văn minh.

VIẾT TRỌNG