Vẻ đẹp nhân ái từ “Những hạt bụi”

04:11, 30/11/2011

“Những hạt bụi” là tập truyện ngắn mới nhất của Đào Hữu Thức (Hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng) vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt tháng 10 năm 2011.

“Những hạt bụi” là tập truyện ngắn mới nhất của Đào Hữu Thức (Hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng) vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt tháng 10 năm 2011. Tác phẩm chọn lọc tất cả 15 truyện với độ dài ngắn và thành công khác nhau. Đọc văn không chỉ hiểu đời hiểu người mà quan trọng hơn còn hiểu chính bản thân mình. Đọc “Những hạt bụi”, ta cảm nhận một cách nhức nhối chất nhân bản đang có nguy cơ dần mai một trong cuộc sống.
 
Tác giả Đào Hữu Thức.  Ảnh BN
Tác giả Đào Hữu Thức. Ảnh BN

Hầu hết các truyện ngắn được xây dựng trên cơ sở giải quyết mâu thuẫn gay gắt giữa truyền thống và lối sống hiện đại. Tác phẩm thường tồn tại hai không gian nghệ thuật lúc hòa vào nhau, lúc đối lập nhau để qua đó hiện lên số phận con người (Lễ hội, Chim rừng về phố). Đó là không gian buôn làng Tây Nguyên mang vẻ đẹp nguyên sơ yên bình, tươi vui mỗi khi lúa chín vàng đầy nương, rộn ràng lễ hội Mừng lúa mới, đâm trâu, những lễ hội thiêng liêng khi con người hòa mình với thiên nhiên, giao tiếp với thần linh, vũ trụ. Ở đó nổi bật lên hình ảnh người con gái K’Ho mạnh mẽ, trong trẻo, hồn nhiên như núi rừng. Thế nhưng một thực tế là không gian ấy đang thu hẹp dần nhường chỗ cho một không gian hiện đại, đầy tiện nghi nhưng cũng đầy bất trắc “Ở làng bây giờ không còn yên ổn. Đám con trai mới lớn đi đãi vàng về suốt ngày ầm ầm xe máy, nhậu nhẹt, phá phách lắm, khi còn đánh nhau! Trước đây, cổng nhà chỉ khép hờ, con gà, con heo thả rông, thoải mái đứng chỗ này, nằm chỗ kia, bây giờ cứ ngó lơ là mất. Đám con gái bạn M’Lan không dám tắm ngoài hồ Đạ Mơ ngoài suối Đạ Mi như ngày trước. Sau khi mất con heo gần ba chục ký, mẹ M’Lan làm lại hàng rào để giữ con gái?- M’Lan nghĩ thầm. Mà con gái M’Lan bây giờ như con chim đang muốn chui ra khỏi nhà, bay ra khỏi làng” (Chim rừng về phố). Sự thật đó như không thể nào cưỡng lại. M’Lan từ một cô gái hồn nhiên của buôn làng bắt đầu biết buồn nhớ thành phố, biết hát trong nhà hàng karaoke và cuối cùng biết làm tiền. Sự vận động của hoàn cảnh gắn với sự tha hóa tính cách nhân vật. Đại diện cuối cùng cho truyền thống, Già K’Sar Thon (Lễ hội) qua đời, tiếng hú của Brèo lẫn vào tiếng cồng chiêng làm náo loạn cả một góc làng dự báo về một lối sống mới.

Có thể nói tập truyện ngắn đã đặt ra một cách bức thiết vấn đề số phận con người trong vòng xoáy xã hội hiện đại. Thế giới nhân vật trong “Những hạt bụi” của Đào Hữu Thức thường là những con người dưới đáy xã hội, những thân phận nhỏ bé đáng thương. Đó là cha con người bán hàng ở “chợ đồ sôn”, anh xe thồ, tên lang băm bịp bợm, anh nhà báo, cô sinh viên, người ăn xin, những cô gái vũ trường, gái bán hoa… Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người gắn với một không gian riêng nhưng điểm chung là nhân vật luôn bị hoàn cảnh xô đẩy, thử thách. Nhà văn đặt những đứa con tinh thần của mình vào tình huống rất oái ăm khi xã hội đang chuyển dần sang cơ chế thị trường, đồng tiền khiến con người tha hóa, mai một tình người. “Tám què” phải thay đổi để thích nghi, phải dùng tới mánh khóe mới để tiếp tục kinh doanh tình thương của thiên hạ. Câu nói của nhân vật làm ta xót xa “Mưa này chứ mưa nữa Tám vẫn cứ đánh trần thế thôi, cái lòng nhân đạo của con người ta nó bắt tôi phải ướt át, run rẩy thế mới vừa lòng”. Con người không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh mà còn là nạn nhân của con người. Truyện ngắn “Quạ nghĩa trang” thật ám ảnh người đọc. Loài quạ ăn xác chết ở đây là ẩn dụ một loại người làm người chết nằm dưới ba tấc đất mà cũng chẳng yên thân. Cùng với quạ nghĩa trang, hình ảnh con ngựa Tía trong “Bộ ảnh ngựa” để lại dấu ấn đậm nét. Cái chết của con Tía thật khủng khiếp, đúng như một nhân vật đã nói: “Biết là một sự tận hiến theo một quy trình tự nhiên của cuộc sống, nhưng mà sao đau đớn quá”. Đây có thể xem là những biểu tượng văn học thành công có sức ám ảnh.

Văn Đào Hữu Thức có lúc như là tiếng kêu tha thiết hãy bảo vệ những giá trị văn hóa. Nhà văn đã lồng ghép tư duy phân tích vào câu chuyện làm cho trang văn giàu chất phóng sự. Người đọc thấy nhói lòng khi mà văn hóa vốn là tinh hoa của dân tộc lại bị đem ra mua bán như một món hàng. Ấy là mặt trái của xã hội hiện đại. Lễ hội không còn mang tính chất văn hóa nữa, tất cả vì tiền “Khách đi tham quan rừng núi một vòng, cần cồng chiêng…, có ngay”, “Không có nhạc K’Ho thì có những ca khúc hiện đại, hoặc những bài hát lời Việt mang âm hưởng Ê Đê, Gia Jai… với nhạc có sẵn trong đĩa, là cồng chiêng ngay” (Lễ hội). Dần dần chính chủ nhân các sản phẩm tinh thần ấy mặc nhiên thừa nhận việc kiếm sống kiểu “mì ăn liền” như vậy là hết sức bình thường “Người ta càng tìm về bản sắc dân tộc, dân cồng chiêng Liêng Tar càng có nhiều cơ hội làm ăn, có ngày một đội diễn mấy “show”, đỡ khổ hơn đi đốt than, chặt củi!”. Lễ hội thật sự chỉ còn là cái xác không hồn. Dù lấy bối cảnh Tây Nguyên nhưng vấn đề văn hóa mà nhà văn đặt ra chính là những điều chúng ta đang trăn trở.

Tuy nhiên, “Những hạt bụi” không hề làm người đọc bi quan, chán nản. Dù đi vào hoàn cảnh nào, truyện ngắn Đào Hữu Thức cũng ánh lên vẻ đẹp của tình người giản dị, thân thương. Nhà văn đã thành công khi xây dựng hình ảnh người lao động nghèo mà giàu nghĩa tình. Chính họ đã khơi dậy lòng tin nơi con người. Vẫn còn đó trong gian khổ, khốc liệt vẻ đẹp những người lao động hăng hái đi xây dựng vùng kinh tế mới. Vẫn còn đó những người biết hy sinh thầm lặng, sẵn sàng sẻ chia với những người có hoàn cảnh éo le mà không cần trả ơn (Bóng mây ngang đầu)… Đọc “Chợ âm phủ” mà ta lại có cảm giác ấm áp lạ thường. Xoay quanh gánh hàng đêm của chị Ly thôi là cả một thế giới những con người sống về đêm thuộc đủ loại: Nhóm Lan già - đám gái vũ trường nghèo, những anh xe ôm, khách tha phương, những người gánh rau từ vườn ra… Dù nghèo khó, sống bấp bênh nhưng nhân vật nào cũng giàu nghĩa tình. Đám “Lan già” tuy nghèo mà rất sòng phẳng. Nhóm xe ôm thì thương nhau như ruột thịt, nhường nhau từng cuốc xe. Họ nhận ra vẻ đẹp của nhau, vẻ đẹp mà những người khác hoàn cảnh có thể không bao giờ nhìn thấy vì thiên kiến. Nhân vật “tôi” - người chạy xe ôm và Hoa - cô gái đứng đường tìm được nhau trong đồng cảm “Từ đó, dưới mắt tôi, những nét phấn nham nhở, cái mùi nước hoa rẻ tiền chẳng làm nó xấu đi. Nó lão làng trong nghề đứng đường đón khách nhưng với tôi, nó vẫn như một đứa con gái nhà lành” (Một con ma chết). “Những hạt bụi” vì thế ngời lên vẻ đẹp của tình thương yêu con người, cảm thông sâu sắc đối với những phận người.

Xen vào trong tập truyện là những truyện ngắn giàu chất hài hước, hóm hỉnh như “Thuốc gia truyền”. Đằng sau tiếng cười là giọt nước mắt vì những trớ trêu, những bất hạnh, những niềm đau mà con người quá vô tâm đã gây cho nhau. Kết thúc tác phẩm là phút bừng tỉnh của nhân vật bấy lâu bị hoàn cảnh đẩy đưa, sống trong lầm lạc.

Đi vào những mối quan hệ đời tư, thế sự, “Những hạt bụi” đã lý giải được phần nào bi kịch cuộc sống hiện đại. Giữa sự xô bồ, hỗn loạn cái xấu - cái tốt, cao cả - thấp hèn, giữa bon chen và nhường nhịn, người ta nhận ra năm tháng rồi sẽ qua đi, tiền tài danh vọng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu giữa con người với con người là mãi mãi: “Khi người ta đói chỉ mong muốn làm sao cho no, khi đủ no thì tâm tâm niệm niệm kiếm tiền, khi đạt tất cả rồi đâm ra trống rỗng và hiểu rằng điều duy nhất nên tìm lại trong đời lại là tình người” (Bóng mây ngang đầu). Trong “Bộ ảnh ngựa”, nhân vật triết lý về số phận con Tía nhưng thực chất là triết lý về nỗi khổ kiếp người. Tính triết lý trong “Những hạt bụi” làm nên chiều sâu cho tác phẩm mà không quá nặng nề để làm mất đi sự đẹp đẽ của nghệ thuật ngôn từ.

Đề cập đến những con người bình dị, những vấn đề đời thường, nhà văn đã vận dụng khéo léo lời ăn tiếng nói hàng ngày làm cho trang văn trở nên sinh động. Mỗi nhân vật có một ngôn ngữ riêng phù hợp với tính cách và hoàn cảnh. Tác giả thường nhập vai vào nhân vật như người thầy giáo, anh thợ ảnh… để thấu hiểu và thể hiện cảm xúc sâu sắc hơn. Tác phẩm thường có kết thúc bi kịch hoặc mở để người đọc bị ám ảnh, phải suy nghĩ, phải đặt câu hỏi và lý giải. Nhưng có lẽ sức cuốn hút mạnh mẽ nhất của tập truyện chính là nghệ thuật xây dựng không gian và tình huống. “Những hạt bụi” đã có được những tình huống độc đáo, lôi cuốn và ám ảnh, đánh thức người đọc nhìn lại mình để hoàn thiện nhân cách. Không miêu tả kể lể dài dòng nhưng tập truyện đã nói lên được bao phức tạp của hiện thực cuộc sống.

“Những hạt bụi” vừa mang giá trị hiện thực sâu sắc vừa chứa đựng chất lãng mạn. Nổi bật lên là khát vọng, ước mơ của nhân vật và tác giả về một cuộc sống tốt đẹp, nhân ái hơn. Chính khát vọng ấy đã làm nên vẻ đẹp rất đáng trân trọng của tập truyện.
KHÁNH LY