Đà Lạt - thành phố bốn mùa hoa

04:12, 14/12/2011

Những ngày cuối năm đang vồi vội qua mau. Cả Đà Lạt đang xốn xang vào hội. Lễ hội hoa được tổ chức hai năm một lần làm dâng trào sức sống mới trong mỗi con người, cả liền ông, liền bà, cả người già, con trẻ.

Những ngày cuối năm đang vồi vội qua mau. Cả Đà Lạt đang xốn xang vào hội. Lễ hội hoa được tổ chức hai năm một lần làm dâng trào sức sống mới trong mỗi con người, cả liền ông, liền bà, cả người già, con trẻ.

Bước vào năm 2011, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam dẫn một đoàn nhạc sĩ vào với Đà Lạt, già có, trẻ có. Chúng tôi cùng các anh lãnh đạo Thành ủy – UBND Thành phố Đà Lạt đón đoàn. Nhạc sĩ Hoàng Lân, người thầy giáo đã đi qua hơn bảy chục mùa xuân từng cho ra đời hàng trăm tác phẩm âm  nhạc dành cho nhiều thế hệ học trò cũng “tung tăng” với các nhạc sĩ trẻ Tuấn Hội, Doãn Nguyên, Hạ Long... trong vườn hoa khổng lồ Đà Lạt. Đến Đà Lạt, người ta bỗng thấy mình trẻ ra, ít nhất cũng là trẻ hơn tuổi đang có, thế nên chàng trai người Tày Vi Quốc Hiệp vốn là họa sĩ, nay cứ hồn nhiên viết nhạc, làm thơ. Vậy mới có câu “Thành phố một lần mới gặp, ta đã say bởi những triền thông...” Nhạc sĩ Doãn Nguyên ngơ ngác lắng tai rồi hỏi “cái gì? Anh Hiệp vừa nói cái gì?” Hiệp lại hồn nhiên như cái thủa mười chín, đôi mươi. “Thơ đấy! thơ của tớ đấy!” và họ trao nhau bài thơ “Thành phố của lòng ta”, tiện thể tặng luôn bài thơ “Lang Bian - xứ sở tình yêu và nỗi nhớ” của bà xã Nguyễn Thị Thanh Toàn, cũng là một nữ sĩ Đà Lạt. Doãn Nguyên reo lên như được mẹ cho cây kem cốm Tràng Tiền mỗi khi được điểm 10 thời cắp sách. Anh choàng vai tôi tâm sự: “Em mới vào Đà Lạt lần đầu, định kỷ niệm Festival hoa tác phẩm dài hơi, hoành tráng một tí nhưng bí lời quá, may sao em ở không ác nên đã gặp lành”, anh đọc thật to “Đồi lại đồi cỏ xanh mơn man, con đường dốc, tháng giêng anh đào nở. Hay thế nhỉ? Hay thế này thì đến phụ huynh em cũng chẳng nghĩ ra!”. Xin tiết lộ: phụ huynh mà Doãn Nguyên vừa nhắc đến ở đây chẳng ai khác, chính là đại tá - nhạc sĩ Doãn Nho đấy.

Thế là mười đêm, không đêm nào tôi được ngủ trước hai giờ. Doãn Nguyên gõ liên hồi trên các phím đàn để cho ra đời hợp xướng “Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa”.

Là người được Doãn Nguyên cho đọc đầu tiên, tôi nêu thắc mắc “sao không chọn La thứ cho phần solo nữ và hợp xướng nữ”. Anh bảo rằng: “La thứ để dành anh ca ngợi tình yêu biển của anh. Còn đây là rừng thông, rừng hoa của Vi Quốc Hiệp và Thanh Toàn. Phải mở đầu bằng Rê thứ, nó sẽ hợp hơn với ý đồ phần mở đầu chậm vừa - tha thiết - sâu lắng. Đoạn kết em sẽ chuyển sang Sol trưởng, nó sẽ trẻ trung - tự hào hơn với một Đà Lạt anh hùng, với một thành phố lưng trời bốn mùa lộng lẫy sắc hoa. Ý đồ dàn dựng của em là dùng giọng nam cao Đăng Dương và giọng ca sĩ trẻ Hồng Nhung”. À thì ra khi đặt bút viết anh ta đã nghĩ đến lực lượng ca sĩ và dàn nhạc bán cổ điển (Semiclassic) duy nhất tồn tại ở nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam mà anh hiện là phó giám đốc kiêm  nhạc trưởng. Anh Nguyễn Ước - trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt giới thiệu với mọi người Doãn Nguyên là con trai nhạc sĩ Doãn Nho, tốt nghiệp khoa Lý - Sáng - Chỉ của Nhạc viện quốc gia (lý luận - sáng tác - chỉ huy). Một nhạc sĩ trẻ có truyền thống cha truyền con nối. Doãn Nguyên thanh minh “cha có truyền nhưng con chưa nối” với lý do âm nhạc của các cụ ngày trước là để đánh Mỹ “5 anh em trên một chiếc xe tăng” là “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc - nước mô xanh bằng dòng nước Sông La”. Ngày nay đến trồng hoa cũng dùng công nghệ sinh học thì âm nhạc không thể giậm chân tại chỗ được.

Nghe anh nói, tôi lại nhớ tới thầy tôi - giáo sư Ca Lê Thuần ngày trước dạy tôi sáng tác thì phải biết tổ chức các phức điệu đúng công năng T-S-D. Vừa rồi có chuyến đi Châu Âu về, mấy nhạc sĩ trẻ xứ người tặng ông mấy đĩa nhạc không lời của họ. Ông nghe một cách thích thú rồi quay lại bảo tôi “mấy thằng Tây con này nó viết ngược công năng mà nghe vẫn có lý cậu ạ”. Hóa ra “lý luận màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Tôi là nhạc sĩ trưởng thành trong Quân đội, một thời đã say sưa với “tiếng hát át tiếng bom”, là lớp đàn em của nhạc sĩ Doãn Nho, mà hôm nay nói chuyện với nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng không hợp khẩu. Anh nói “ngày trước các anh vừa làm nhạc sĩ, vừa làm chính trị, mà làm chính trị thì lắm lý luận, lắm chủ nghĩa lắm, các anh cho rằng tư duy văn nghệ là lạc quan tếu, là lôgic tiểu tư sản. Các anh có hiểu được cái phút thăng hoa của tâm hồn thơ, tâm hồn nhạc đưa người ta bay lên không? hàng chục triệu người bay theo đấy. Chả thế mà năm 1941 - người Nga dùng thơ của Mai-a-cốp-xki để đánh tan các mũi tiến công của phát xít Đức, ở ta có Tố Hữu cũng khác gì. Có điều mình hay, mình giỏi, nhưng đừng quy chụp người khác là “nhân văn giai phẩm”! Ác khẩu lắm! làm thui chột cả một thế hệ văn nghệ sĩ có công với cách mạng đấy.

Tôi có gặp một đồng chí được cử vào ban tổ chức Festival hoa 2012 của tỉnh để giới thiệu hợp xướng giao hưởng “Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa”, nên chăng bổ sung vào chương trình mong góp một tiếng hân hoan của bạn bè cả nước cho thêm tưng bừng lễ hội. Anh ấy bảo tôi “ở đây người ta không biết Doãn Nguyên là ai, người ta quen nghe nhạc Bảo Chấn hơn. Vì thế Ban tổ chức đã thuê Bảo Chấn lo phần âm nhạc rồi.

Tôi nhớ hồi trước còn tại ngũ được cử giúp dân làm thủy lợi, các cụ già làng dạy tôi cách cầm mai xắn đất sao cho ngọt, ra tấm ra miếng. Các cụ còn nói việc của cái mai là xắn đất nên khi tra cán phải tìm gỗ chắc hoặc đoạn tre đặc ruột nó mới chịu được lực. Bây giờ người ta phân công mấy anh cán thuổng đi làm cán mai thế này thì muôn đời bách tính còn khổ!!!

Thì ra sự trăn trở này không phải của riêng tôi mà ngồi ở đâu tôi cũng được nghe. Các nhà trồng hoa thì băn khoăn bệnh phô trương, hình thức nó sẽ lấn át cái sâu lắng còn đọng lại sau lễ hội, viết nhạc phải đắn đo từng điệu thức mở đầu đến các chuyển đoạn về kết, thì tiêu tiền cũng cần có văn hóa chứ.

Dù sao, Đà Lạt cũng thật vui đón nhận bản hợp xướng thứ ba có phần đóng góp không nhỏ của vợ chồng anh Vi Quốc Hiệp - Nguyễn Thị Thanh Toàn. Với những nỗi niềm gửi bạn bè gần xa “Nắng rót mật trên đồi cỏ miên man... Tiếng vó ngựa nao nao võng dốc, cành phượng tím cả khoảng trời bâng khuâng...”. “Đỉnh Lang Bian nơi bốn mùa mây trắng, bản tình ca xanh mãi với đại ngàn”. Festival hoa này, những âm thanh hoành tráng, đầy kiêu hãnh ấy không được vang lên trên hệ thống loa phóng thanh nhưng sẽ vang lên trong lòng bạn bè dịp xuân về tết đến. Bản hợp xướng “Đà Lạt mờ sương” của tác giả Việt Anh viết trước ngày giải phóng miền Nam, bản “Đà Lạt - thành phố anh hùng” của nhạc sĩ Hà Huy Hiền năm 2008 và hôm nay chúng ta đón nhận Hợp xướng giao hưởng “Đà Lạt - Thành phố bốn mùa hoa” của nhạc sĩ Doãn Nguyên phổ thơ Vi Quốc Hiệp - Nguyễn Thị thanh Toàn trong niềm vui, niềm tự hào của những công dân phố núi, những công dân của một thành phố Festival hoa Việt Nam.

DƯƠNG TOÀN THẮNG