Điện ảnh Việt Nam liệu có trễ tàu?

02:12, 12/12/2011

(LĐ online) - Như Lâm Đồng Online đã đưa tin, Hội Điện ảnh (ĐA) Việt Nam vừa kết thúc trại sáng tác 10 ngày tại Đà Lạt. Nhân dịp này, Báo sẽ đăng tải một vài cuộc trao đổi giữa PV với các nhân vật dự trại.

(LĐ online) - Như Lâm Đồng Online đã đưa tin, Hội Điện ảnh (ĐA) Việt Nam vừa kết thúc trại sáng tác 10 ngày tại Đà Lạt. Nhân dịp này, Báo sẽ đăng tải một vài cuộc trao đổi giữa PV với các nhân vật dự trại.

Nhà biên kịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam:

Tài ơi, người ở đâu?

* PV: Điện ảnh Việt Nam đang kém vui. Thái độ và trách nhiệm của nhà biên kịch (BK), đạo diễn (ĐD), nhà sản xuất (SX), nhà phân phối trước thực trạng của “nghệ thuật thứ 7” thế nào thưa chị ?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

* Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát: Thưa anh, là một nhà BK, phải nói là tôi cũng rất buồn trước thực trạng ĐA hiện nay. Đây là nỗi buồn chung cho ngành, chứ không phải buồn riêng cho từng mảng nào. Mặc dù SX vẫn SX, phát hành vẫn phát hành…ai vẫn vào việc nấy sao lại buồn? Vô lý ở chỗ đó. SX thì phim tư nhân phải nói là càng ngày càng SX được nhiều phim hơn trước. Đây là tín hiệu vui. Họ thu được vốn và có lãi (nghe báo chí nói vậy còn cụ thể như thế nào thì làm sao biết được), được vậy quả là mừng. Bên cạnh đó mấy Hãng phim lớn thuộc nhà nước thì ì ạch hơn do thân thể cồng kềnh rệu rã, khó cất cánh nhẹ nhõm được như các Hãng tư nhân. Bức tranh toàn cảnh như những mảng màu lỗ đỗ mà chưa có mảng chủ đạo toàn cục, vì thế SX và phát hành phim Việt chưa hỗ trợ được cho nhau. Mạnh ai người nấy đi. Một năm SX được có 10 bộ phim lại không phải phim nào cũng hay, vì thế phát hành không thể ngồi chờ, họ phải mua phim Mỹ, phim Trung quốc, phim Hàn Quốc về chiếu là đương nhiên…Vai trò nhà  nước ở đây là phải biết lấy cái này hỗ trợ, thúc đẩy cho cái kia phát triển. Lấy lãi của phát hành hỗ trợ cho SX phát triển.

* PV: Có nhận xét cho rằng ĐA Việt Nam hiện không có những người viết kịch bản chuyên nghiệp và càng không có những kịch bản rung động người xem, theo chị ?

* Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát: Đội ngũ viết KB ĐA không thiếu, chỉ có điều họ có hào hứng viết không mà thôi. Đa phần trong số họ tốt nghiệp chính qui, tại chức đàng hoàng. Nhiều nhà văn đá sang viết KB cũng rất chắc tay như anh Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Nguyễn Quang Lập…Nhờ sự chắc tay này mà ĐAVN có được vài bộ phim khá (Đời cát, Lưới trời…). Hai nữa, việc tiếp cận thực tế lâu nay khá bê trễ. Ngày xưa có nhiều cuộc đi lấy tư liệu, vốn sống ở các lĩnh vực nhiều hơn bây giờ. Đi chiều rộng, đi chiều sâu có cả. Bây giờ thảng hoặc có đi thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi. Không sống cùng, thở cùng, vui cùng, đau cùng với hiện thực cuộc sống hôm nay làm sao viết sát, viết xúc động cho được? Và nữa, đôi khi người viết còn né tránh những vấn đề gai góc, sợ động đến khó được thông qua, khó xin tiền…Nhiều nỗi sợ (có thể là mơ hồ) cũng làm chùn tay người viết, chùn ý tưởng muốn sáng tạo. Tặc lưỡi đi theo lối mòn cho an toàn. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân thiếu KB rung động người xem? Vấn đề nữa không kém phần quan trọng là, có KB rung động rồi, vào tay đạo diễn liệu có còn rung động không hay họ sửa chữa, cắt xén méo mó đi vì nhiều nguyên nhân…? Có thể là tài, có thể là tâm…chao ôi…làm được cái gì hay bao giờ cũng thậm khó anh ạ.

* PV: Có thể nhận xét một cách nghiêm túc là có những đạo diễn còn cẩu thả nên xuất hiện quá nhiều chi tiết phi lý trên phim ?

* Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát: Vâng, cái này có đấy. Lúc nào cũng đổ cho ít tiền. Cũng đúng. Và thêm nữa là dù có nhiều tiền thì cũng vẫn cẩu thả nếu người làm phim không muốn cẩn thận chỉn chu mà lại muốn bớt xén, chia chác…Tôi rất phục ai đó nghĩ ra câu “tham nhũng vặt” thật chính xác. Vừa không được hay ho vừa thấy tội nghiệp…Không phải là tất cả nhưng cũng có đạo diễn không tập trung vào chất lượng bộ phim lại cứ tập trung vào những cái ngoài phim…nên nó mới thế. Hơn nữa, đầu óc mụ mị mới không biết chi tiết nào phi lý, chi tiết nào không nên để mà xử lý, người thông minh, có tài ai lại để thế, phải không ạ?

* PV: Có một thực tế hiện nay là phim giải trí thì né hiện thực xã hội, phim chính luận cũng chẳng đề cập thấu đáo về những vấn đề xã hội đang bức xúc, hệ quả là kém hấp dẫn ? Vì vậy, khó có phim đạt được tiêu chí điện ảnh là “tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội một cách trung thực”. Là nhà quản lý nhiều năm, cũng có chức khá…to, chị có cho rằng nguyên nhân vì bị chi phối khắt khe của kiểm duyệt?

* Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát: Vâng, đáng buồn là như vậy. Phim giải trí thì vui vẻ trẻ trung, trai tài gái sắc, chân dài ăn mặc xe cộ nhà cửa lộng lẫy- đồng tính nhảy nhót đủ cả. Chỉ để giải trí vui cười xả sì- choét, thu hồi vốn và có lãi là OK! Cũng chả trách họ được. Có đa số khán giả thích thế thì họ phải chiều thế. Khán giả đi kiếm tiền mệt rồi, không thích phim nghĩ ngợi, nặng nề, đao to búa lớn, thích tán róc, cười vui…Cho nên trước đây có dòng tiểu thuyết 3 xu ra đời không phải là không có lý.

Điều quan trọng là, bên cạnh dòng phim này, còn có dòng phim khác- như anh nói là phim chính luận ấy. Thật ra cũng đã làm gì có phim chính luận. Nói chả dám nói thì “luận” cái gì. Cứ tự bó mình đến khô cứng thì là tại mình chứ trách ai? Nào đã ai nói ai cấm đâu? Vấn đề ở đây là nói như thế nào cho hay, cho lọt tai, lọt lòng người- xúc động thật sự, lay động được thật sự trái tim người xem- khi ấy mới có thể nói đến sự chuyển tải thông điệp hay chính luận gì đó…Tóm lại là TÀI. Phải có tài. Làm việc gì dù nhỏ, cũng cần có tài- giống như của trời cho này, không có nó thì đánh vật cả đời cũng khó làm nên chuyện lắm anh ạ. Mà Tài ơi, người ở đâu? Đố anh tìm được đấy…

* Rất cảm ơn chị đã có cuộc trao đổi thẳng và đầy trăn trở này !  

MINH ĐẠO thực hiện