Ngày 20/11 năm ấy, tôi vui sướng khi đứng giữa đám học trò của tôi.
Ngày 20/11 năm ấy, tôi vui sướng khi đứng giữa đám học trò của tôi. Nguyên, lớp trưởng thay mặt lớp, đứng lên mà vẫn ngập ngừng, giống như không thuộc bài trong giờ kiểm tra… Nguyên như một võ sĩ trước giờ vào trận đấu, trông thật tội nghiệp.Cả lớp trở nên ồn ào: “Cố lên… cố lên… Nguyên ơi cố lên !”. Tôi đưa tay ra dấu giữ trật tự, Nguyên cũng làm được công tác của mình : “Thưa cô! Hôm nay ngày Hiến Chương các Nhà giáo. Em thay mặt toàn thể lớp 8B3 xin chúc cô luôn có sức khỏe và thật nhiều hạnh phúc…” Cả lớp hình như chưa bằng lòng với lời chúc của Nguyên, nên có nhiều tiếng hô to: “Cám ơn cô nữa chứ!”, hoặc: “Chúc sức khỏe gia đình cô nữa chứ!”.
Ảnh minh họa. |
Tôi đón nhận bó hoa từ tay Nguyên, rồi nhìn một lần khắp lớp : - Xin cảm ơn, cô thành thật cám ơn các em! Cô mong rằng sắp tới cô trò ta sẽ học tốt hơn, để mỗi khi ai nghe đến 8B3 đều quí mến…”. Sau đó, học trò chen nhau lên chúc mừng tôi, ai cũng có trên tay một cành hoa hay một bó hoa nhỏ. “Em chúc cô”… “Em chúc cô…!”, đứa nào cũng nhỏ nhẹ, dễ thương, kể cả những đứa ngày thường thuộc loại “siêu quậy!” như Phương, Hoàng... Nhớ hồi đầu năm, khi Ban giám hiệu gợi ý tôi làm chủ nhiệm lớp này, tôi đã từ chối! Đó là một lớp nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt. Cái thị trấn cấp xã này xuất hiện một tầng lớp “nhà giàu mới” trong dân chúng, nên đã có một lớp trẻ được cưng chiều. đua đòi mới. Ai đời, học trò lớp 8 mà đã chạy xe máy, hút thuốc lá… Ngược lại, cũng trong thị trấn này xuất hiện các học sinh là con em của thợ thuyền, nông dân… nên việc đi học của các em phải đồng hành với việc lao động giúp đỡ gia đình. Nói chung, ở lớp này không có nề nếp sẵn, sẽ vất vả để chỉnh đốn, nâng cao thành tích được…
Sau khi liên hoan bánh kẹo, hạt dưa, nước tinh khiết và chương trình văn nghệ mà cô trò chúng tôi đều trở thành “ngôi sao ca nhạc”, vì ai hát cũng được vỗ tay quá chừng. Tôi về với “một ôm hoa” trong lòng đầy ắp niềm vui. Bỗng Phương đến gần tôi: “Thưa cô!”. Phương là đứa “phát triển sớm”, tiếng nói đã vỡ, mặt lấm tấm những hạt mụn dậy thì… Phương là thủ lĩnh đội bóng đá của lớp, cũng là đứa “đầu têu” những trò nghịch phá, gây gỗ, nhiều khi làm tôi rất bực mình. Phương lắp bắp: “ Thưa cô… vui quá cô ha !”. “Ừ vui lắm… cô cũng rất cám ơn các em!”. “Em cám ơn cô vì cô đã đến sinh hoạt cùng lớp mình…”. “Cô làm chủ nhiệm mà không sinh hoạt với lớp mình thì em bảo cô phải đi đâu?”. “Nhưng cô…”. Biết Phương muốn nói điều gì đó, nên tôi “bình thường hóa” vấn đề: “Cái chính là tất cả các em và cô điều vui. Em khỏe và tháo vát hơn, thường được các bạn tin tưởng, hãy cố nghĩ cách làm sao để lớp mình đều học giỏi, để ai nghe cái 8B3 của mình đều phải ngã mũ, nhé!”. Dường như đánh hơi bài đạo đức tôi sắp giảng đột xuất, Phương nói “xin phép!” rồi quay lại với các bạn.
Sáng nay tôi “xin phép về sớm vì lý do sức khỏe” trong buổi họp mặt truyền thống 20/11 do Ban Chấp hành hội Cha mẹ học sinh tổ chức. Quả tình, hơn 25 năm đứng lớp, sức khỏe tôi đã đến hồi suy kiệt. Có lẽ đây là dịp cuối cùng tôi tham gia vào một cuộc hội họp như thế này vì năm tới tôi nghỉ hưu. Vừa về đến nhà, chồng tôi báo tin: “Em về sớm một chút thì đã gặp khách của em rồi!” “Ai thế hả anh?”. “Một thanh niên cao to, trắng trẻo, lễ phép lắm, học trò cũ của em ấy mà!”. Tôi phân vân, cố hồi tưởng xem mình có cậu học trò nào “cao to, trắng trẻo lại lễ phép” như chồng tôi vừa nhắc đến một cách trân trọng như vậy. Làm một nhà kinh doanh lâu năm, chồng tôi thường không thích đám học trò của tôi, nó “ồn ào, nhí nhố…”, vậy mà… Tôi bỗng “nhìn” lại mình, mấy mươi năm dạy học, từ một phân hiệu nhỏ ở một thôn xóm xa xôi lớp học bằng tre nứa đến ngôi trường cấp 3 khang trang, hiện đại… tôi luôn luôn làm việc với một tấm lòng (Nghề dạy học là nghề tôi mơ ước từ những ngày mới học tiểu học cơ mà!). Có khi tôi còn “trên mức hoàn thành nhiệm vụ”, đó là những năm tháng mới vào nghề, có sức khỏe, bất chấp mưa bão, trái tim xem thường mọi gian khó. Tôi gặp những đồng nghiệp lớn tuổi, hết lòng với nghề, đối xử với tôi như một người thầy, một người huynh trưởng, giúp tôi qua được những khó khăn vật chất, nhìn thấy được cái hạnh phúc của người đứng lớp… Buổi sáng hôm nay, đã vắng thêm hai người trong ngày họp mặt vì một lý do đơn giản, các thầy ấy “đã về trời!”.
Tiếng xe máy đánh ào đến, Phương tới! Đúng là Phương, cậu học trò hơn mười năm trước của tôi. Đúng là Phương cao to, đẹp trai… như chồng tôi đã nói. “Em chào cô ạ! Em đến thăm cô nhân ngày 20/11 nhưng hồi sớm cô không có nhà…”. Em biết đấy, tôi không thể thiếu trong buổi họp mặt truyền thống này được…”. “Và cô đã xin phép về sớm ?”. “Vâng, vì lý do sức khỏe!”. “Hồi em là “siêu quậy” lớp 8B3 của mười năm về trước, cô đã từ chối buổỉ họp mặt có tiệc chiêu đãi đâu phải vì lý do sức khỏe, đúng không ạ?” “Ừ, đúng là hôm ấy cô phải có mặt cùng các em, vì cái lớp mà suýt nữa cô phải trả lại ban giám hiệu chức chủ nhiệm, vì những tai tiếng, trong đó có một phần nguyên nhân do em”. Phương cuối đầu: “Dạ…”. Nhìn thấy bó hoa trên tủ chè, tôi hỏi Phương: “Sao lại hoa điệp vàng hả Phương?”. Phương nhìn tôi với đôi mắt của cậu Phương - mụn mười năm về trước: “Ngày ấy em cũng mang tặng cô một bó hoa điệp vàng, em đã hái trong vườn nhà, cô nhớ không?”. Làm sao tôi quên được, trong những bó hoa tôi mang về nhà năm ấy, hầu hết là hoa hồng, ly, hoặc cúc trắng… thì lại có một bó hoa điệp vàng, một loại hoa không phải từ các gian hàng hoa ngoài tiệm, ngoài chợ. Có lẽ vì thế mà tôi có ấn tượng và nhớ đến bây giờ! Thì ra, số tiền mẹ Phương cho để mua hoa tặng cô giáo, cậu bé xài hết nên nảy sinh sáng kiến bẻ một cành hoa điệp vàng vườn nhà đem tặng cô giáo mình. Tôi hỏi Phương: “Vậy hôm nay, cậu Phương - nhà - giàu cũng hết tiền nên mới bẻ hoa hàng rào tặng cô đúng không?”. Phương phản đối: “Em xin đính chính: một. em không là cậu “Phương-nhà-giàu” nữa mà là “Phương-nhà-giáo” đang dạy ở ngôi trường cấp 2 ngày xưa cô dạy đấy. Hai, Em rất nhiều tiền nhưng em vẫn hái những bông hoa điệp vàng tặng cho cô như mười năm về trước, bỡi vì với bó hoa điệp vàng cùng với ngày 20/11 năm ấy mà em khôn ra, tu chí học hành, đến năm cuối cấp em đã trở thành học sinh giỏi. Sau này tốt nghiệp sư phạm loại khá, em đã “chọn” ngôi trường cũ của mình để dạy. Cô biết tại sao không? Tại cô đó!”. Tôi thực bất ngờ, khi Phương nói rằng em biết hôm ấy tôi từ chối tiệc tùng để vui chơi cùng các em (vì ba em ở trong Ban Chấp hành hội Phụ Huynh học sinh?). Cố lắm tôi cũng chỉ nói được với Phương, người học trò cũ, người đồng nghiệp trẻ một lời cám ơn.
Trước khi về, Phương còn dặn tôi: “Chiều nay cô đến với lớp của em nhé! Em hẹn với học trò chiều nay ở lớp rồi. Em sẽ đến đón cô, cô nhé !” Tiễn Phương về, tôi phải đưa tay lên ngực đè lên tim mình, khi những xúc động như muốn làm ngực tôi vỡ ra. Cám ơn em! Cậu học trò cá biệt ngày nào đã trưởng thành một cách thực sự, cho tôi một hạnh phúc ngọt ngào trong cuộc đời dạy học…
Truyện ngắn: ĐÀO HỮU THỨC