“Học trong bụng mẹ” của nhà văn Trần Quốc Toàn

04:12, 14/12/2011

Cầm tập truyện “Học trong bụng mẹ” (NXB Kim Đồng) vừa được nhà văn Trần Quốc Toàn tặng, con gái 7 tuổi mới biết chữ của tôi vừa đọc vừa khúc khích cười...

Cầm tập truyện “Học trong bụng mẹ” (NXB Kim Đồng) vừa được nhà văn Trần Quốc Toàn tặng, con gái 7 tuổi mới biết chữ của tôi vừa đọc vừa khúc khích cười: “Ông bác sĩ đã trả lời câu hỏi đái dầm nhiều lần. Câu trả lời nằm sẵn trong máy tính, chỉ cần gõ phím một lần là xong. Nhanh đến nỗi ông không kịp biết mình vừa trả lời chính thằng cu Tý con trai mình , một đứa bé nhờ ham chơi game mà giỏi vi tính và rất có thể vì thế mà vẫn… đái dầm”…

Từ những ngày tuổi còn đôi mươi dạy ở trường làng, thầy giáo Trần QuốcToàn đã có những bài văn, bài thơ viết cho thiếu nhi đăng trên báo khiến đám trẻ con ngưỡng mộ thầy. Trở thành nhà báo, có điều kiện đi nhiều, Trần Quốc Toàn viết rất nhiều, đủ các thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện ký, tản văn. Trong đó, người đọc vẫn nhớ đến một Trần Quốc Toàn của thiếu nhi, của trẻ em. Có bạn văn từng nhận định: Như một dòng suối nhỏ róc rách chảy hoài qua tháng rộng năm dài, qua sỏi đá, nắng mưa, Trần Quốc Toàn là một trong số ít những cây bút thủy chung, cần mẫn, bền bỉ, không ngừng hướng đến các em, trò chuyện cùng các em”. Tập truyện “Học trong bụng mẹ” gồm 18 câu chuyện mới nhất. Vẫn là những câu chuyện bình dị, không có gì to tát, nhưng chính cách kể chuyện linh hoạt, sống động và giọng văn hóm hỉnh khiến mỗi câu chuyện trở nên lung linh, biến ảo lạ thường.

Nhắm trúng tâm lý của trẻ em nên trẻ em cầm trên tay truyện của ông là say mê đọc, không phải vì lạc vào thế giới thần tiên của truyện cổ tích hay thế giới siêu tưởng mà những câu chuyện “ngày nảy ngày nay” với web, máy tính, bàn phím, chuột cũng có thể chữa được… bệnh đái dầm.Với thế giới ảo có tên là Internet có các chú Lùn ở phố cổ tích, và các nhân vật trong phố cổ tích đã kết tóc làm máy đánh thức để chữa bệnh… đái dầm. Những câu chuyện của ông lý thú đến mức liên tưởng đến cả những nhân vật cổ tích, truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh được gắn kết vào những câu chuyện với nội dung rất mới. Xen lẫn trong đó là bài học về tình bạn, tình cảm với gia đình, tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước. “Đi tàu Thống Nhất khoái cực kỳ. Những lúc ngủ thì được lắc như đưa võng, những lúc thức thì lại được nằm võng mà coi phim bộ. Khung cửa sổ của toa tàu mở ra như màn hình ti vi. Màn hình hiện lên khi thì núi cao, khi thì biển rộng. Lại có khi phim đang chiếu, màn hình bỗng phụt tắt, tối mò. Đây là lúc tàu Thống Nhất chạy xuyên qua núi, thôi chiếu phim, chuyển qua diễn trò ảo thuật, biến ngày thành đêm” (Đi thăm ông nội). Trong cuộc sống nghèo khó, khí hậu khắc nghiệt, những đứa trẻ trên đồi cát Bình Thuận đã dùng trò chơi tuổi thơ (trượt cát bằng mo cau) để rồi cho ra đời dịch vụ cho thuê tấm trượt cát bằng nhựa để mưu sinh và đến trường... (Trời cao cúi xuống).

Từ trẻ em nông thôn, đến trẻ em thành phố với những trò vui chơi được tác giả khắc họa rõ nét với cái nhìn nhân văn và chất chứa tình yêu thương. Đặc biệt, bài học từ trong bụng mẹ đã cho các em thấy được mình được sinh ra như thế nào, đó là sự tác tạo của mẹ, tình yêu của cha, và bàn tay khéo nặn hình hài của tạo hóa. “Ngôi nhà đầu tiên của mỗi con người chúng ta là một thủy cung huyền bí xây trong bụng mẹ. Nó như một ổ gà để người mẹ, học con gà mái ấp một quả trứng tròn như số 0. Và người cha, học theo con gà trống gửi hơi nóng của mình vào đấy. Hơi nóng mà con người gọi là tình yêu... Mụ Bà chính là cô mẫu giáo nhà trời, một bà tiên được làm bằng dưỡng khí, thứ khí muôn loài hít thở. Là tiên, bà có thể tàng hình, theo gió vào với các cô cậu đang sống trong bụng mẹ. Bà vào theo hai đường hầm lỗ mũi giống như hầm Hải Vân xuyên chân núi Trường Sơn” (Những người bạn của bé thai nhi).

Bất cứ trẻ em nào đã học qua lớp 1 cũng nhớ bài thơ Mẹ và cô của ông in trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2: Buổi sáng con chào mẹ/ Chạy đến ôm cổ cô/Buổi chiều bé chào cô/ Rồi sà vào lòng mẹ. Mặt trời mọc rồi lặn,/Trên đôi chân lon ton/ Hai chân trời của con/ Là mẹ và cô giáo. Người cầm bút viết cho thiếu nhi, viết cho thành “văn” đã khó, nhưng viết để được các em đón nhận mến yêu như nhà văn Trần Quốc Toàn càng khó.

Thế giới tuổi thơ được ông phát hiện dưới một cái nhìn rất tinh tế và được lý giải bằng con mắt trẻ thơ.Từng đoạn văn được ông trau chuốt từ ý đến lời, hài hước, hóm hỉnh, ông bắt nhịp được sự hồn nhiên ngây thơ, ngộ nghĩnh trong suy nghĩ của trẻ thơ. Còn người lớn đọc truyện của ông thì cười phá lên, vì nhân vật trong truyện sao giống mình… ngày xưa đến thế. Ai cũng bắt gặp lại chính thời ấu thơ trong những truyện kể của ông. Học trong bụng mẹ của Trần Quốc Toàn không chỉ mang đến sự thích thú cho các em, mà người lớn đọc cũng thú vị, vì đọc Trần Quốc Toàn như được trở về tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, được “học” làm trẻ con để xứng đáng là người lớn tốt.

QUỲNH UYỂN