Về làng Đầm nghe… Tương Phố, Đồ Phồn

02:12, 07/12/2011

Theo bước chân ông Hải tôi về với làng Đầm. Chiều cuối năm gió từ sông phả lạnh nhưng tình quê vẫn xao xuyến lòng người. Với ông Hải, làng Đầm vừa gần, lại vừa xa...

Nữ sĩ Tương Phố.  Ảnh TL
Nữ sĩ Tương Phố. Ảnh TL

Càng tuổi xế chiều, ông Nguyễn Mạnh Hải càng nhớ về cái làng ven sông mà 80 năm trước ông đã cất tiếng khóc chào đời. Đó là làng Đầm nay thuộc xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Với ông, ngôi làng nơi thượng nguồn sông Lục ấy giờ như một chấm xanh ký ức, bởi đã già nửa thế kỷ kể từ năm 1945, ông phải rời làng Đầm theo gia đình tản cư chạy giặc. Trong những năm tháng ly hương ông trở thành anh bộ đội cụ Hồ giữa thời kỳ quân dân ta chuẩn bị tổng phản công kết thúc chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, ông được chuyển ngành và chọn một bến đỗ nơi phố phường đông đúc. Giữa xô bồ náo nhiệt mà ông đâu bớt nguôi ngoai về ngôi làng cổ ven sông. Làng đâu chỉ những con người thuần phác làm ra hạt lúa củ khoai, mà còn có những con người cầm súng đánh giặc. Điều đáng nói làng Đầm của ông đã sản sinh ra những con người của thi ca như nữ sĩ Tương Phố hay văn sĩ Đồ Phồn.

Theo bước chân ông Hải tôi về với làng Đầm. Chiều cuối năm gió từ sông phả lạnh nhưng tình quê vẫn xao xuyến lòng người. Với ông Hải, làng Đầm vừa gần, lại vừa xa. Thời ấy đi lại đất này chủ yếu bằng đường sông Lục Nam, tàu thuyền lớn chỉ lên được đến Đầm là mắc lại vì ghềnh đá. Quân Pháp đã lập tại Đầm một đồn lính khá lớn để khống chế các vùng lân cận. Biến đây trở thành trung tâm kinh tế, quân sự có nhà dây thép (bưu điện), có nhà thương (bệnh viện), có xóm nhà bò (chăn nuôi bò sữa), có đồn điền (café), có lò làm bánh (mỳ), có trại lính (khố đỏ)… Tất cả những hình ảnh ấy giờ như ảo mờ sương khói. Vốn là người chịu đọc, chịu để tâm tới xung quanh nên từ sâu thẳm trong ông còn có một làng Đầm của văn chương chữ nghĩa.

Mấy ai còn biết đến bà Tương Phố được sinh ra tại làng Đầm ở cuối thế kỷ 19. Bà Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm, con của cụ ông Đỗ Duy Phiên và cụ bà Nguyễn Thị Yếm, nguyên quán tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gốc gác là như vậy, nhưng tại sao nữ sĩ lại được sinh tại làng Đầm? Theo nhà nghiên cứu Duy Phi thì cụ thân sinh nữ sĩ nguyên là con một đề đốc của nghĩa quân Tán Thuật. Vì là dòng dõi một sĩ phu chống Pháp nên cụ đồ Phiên phải biệt tích lánh nạn. Cụ đã chọn nơi đây để đặt tráp gõ đầu trẻ. Và cũng tại đây người con gái đầu lòng của cụ được sinh ra và đặt tên Đàm (theo Hán tự đàm là đầm, cái đầm, hồ nước). Vừa lớn lên, Đỗ Thị Đàm đã được cha mẹ gửi ra Hà Nội học trường Nữ hộ sinh, sau bỏ dở để sang học trường Nữ sư phạm. Nhưng khi tốt nghiệp bà lại không theo nghề đã học. Trong thời gian ở Hà Nội, bà gặp một sinh viên trường thuốc là Thái Văn Du, em ruột thượng thư Thái Văn Toản, và họ trở thành vợ chồng năm 1915. Một năm sau, khi Tương Phố sinh người con đặt tên Thái Văn Châu, cũng là khi người chồng đang là y sĩ Đông Dương phải qua Pháp tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Đức. Chính thời kỳ này đã khiến nỗi lòng Tương Phố luôn đau đáu về người chinh phu nơi viễn xứ. Ba năm nhớ nhung, ba năm chờ đợi đến ngày được gặp nhau thì ngày vui ngắn chẳng tày gang, vợ chồng lìa xa âm dương cách biệt!

Đau khổ đẻ tác phẩm. Với nữ sĩ Tương Phố là như vậy. Từ đau thương mất mát, từ tủi hận u sầu mà nước mắt người thiếu phụ đã hóa Giọt lệ thu khi tuổi đời 28, cũng từ đó mà cái tên Tương Phố nhanh chóng chiếm được cảm tình người đọc. Giọt lệ thu ra đời đã gây tiếng vang trên văn đàn thời ấy, đồng thời đã khơi dòng văn chương lãng mạn bi thương trong văn học Việt Nam hiện đại. Giọt lệ thu càng nổi tiếng khi được một dịch giả người Pháp dịch sang tiếng Pháp, đem nỗi buồn mùa thu đến tay bạn bè thế giới. Đó là một nỗi buồn thời đại, một nỗi buồn văn chương mà chính bà là chứng nhân của nỗi buồn ấy.

Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng
(Giọt lệ thu-1923)

Tương Phố làm thơ khóc chồng và cũng chính là để khóc cái thân phận hồng nhan của mình. Đọc Giọt lệ thu để thấu hiểu cái đớn đau tột đỉnh của nỗi đau. Có hiểu được nỗi đau mới thấy hết giá trị của niềm vui và hạnh phúc, để rồi biết nâng niu trân trọng, biết gìn giữ vén vun. Sau này người ta càng biết đến bà với các tập Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Trúc mai… Bà cũng từng làm thơ xướng họa với chí sĩ Phan Bội Châu, với thi sĩ Đông Hồ. Nữ sĩ Tương Phố còn có người em gái Đỗ Song Khê, tác giả thi phẩm nổi tiếng Muốn ăn rau sắng chùa Hương dưới bút danh Đỗ Tang Nữ nhắn gửi thi sĩ Tản Đà năm 1923.

Rồi nỗi buồn cũng vơi đi, năm 1935, nữ sĩ tái giá với tuần phủ Phúc Yên Nguyễn Khắc Khánh (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Về với người chồng mới, nhưng đó vẫn là nước mắt, là sầu cảm khôn nguôi:

Tấn tuồng tạo hóa vui chua chát
Quán trọ phù sinh khách lỡ làng
Dồn cuộc trăm năm còn giọt lệ
Thấm lan giấy mực mấy muôn hàng.

Cuộc đời nữ sĩ thật truân truyên. Từ làng Đầm của thuở thiếu thời bên sông Lục đến Hà Thành một thời thiếu nữ, rồi từ Huế mộng mơ đến Nha Trang nắng gió, những vùng đất ấy đã góp phần dung dưỡng một tâm hồn thi sĩ. Và cuối cùng tâm hồn ấy lại chọn cho mình một nơi không kém phần lãng mạn để vào cõi thiên thu, đó là ngọn núi thấp thuộc rặng Lang Bian vốn chưa tên gọi. Chỉ từ khi nữ sĩ về đây yên nghỉ thì người đời mới gọi Đồi Tương Sơn. Dưới ngàn thông vi vút là tấm bia mộ  mang dòng chữ: Tương Phố nữ sĩ chi mộ (1900 -1973) hướng về phương Bắc quê hương như vọng tưởng nỗi niềm viễn xứ. Nhìn sang bên là nơi người con trai duy nhất Thái Văn Châu đang nằm. Giữa mây trời cao nguyên có một ngọn đồi được gọi Tương Sơn. Giữa thành phố ngàn hoa Đà Lạt có một con đường mang tên Tương Phố. Ngày 8 tháng 11 năm 2011 vừa qua là ngày giỗ thứ 38 nữ sĩ Tương Phố. Xin thắp nén nhang tưởng nhớ tới người!

Bến đò làng Đầm
Bến đò làng Đầm

Tạm dừng những gì về nữ sĩ Tương Phố để tìm đến một bậc văn sĩ tiền bối, đó là nhà văn, nhà thơ trào phúng Đồ Phồn. Thẳng con đường giữa làng chạy ra bến đò Đầm, ông Hải chỉ về khu đất trước mặt: Đây chính là gia đình cụ Đồ Phồn từng ở. Văn sĩ Đồ Phồn có tên Bùi Huy Phồn, ông là con một nhà nho chi trưởng họ Đại Bùi, gốc gác huyện Ứng Hòa, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Cụ thân sinh Đồ Phồn phần do thi cử không đỗ đạt phải phiêu dạt lên Bắc Giang làm nghề dạy học. Đồ Phồn được sinh ra tại làng Đầm vào ngày 18 tháng 12 năm 1911. Chuyện kể rằng khi cậu bé Bùi Huy Phồn mới đầy tuổi tôi, nhân lần làm lễ cho cậu và để xem sau này cậu thiên về đường văn hay võ nên đã đặt trước mặt cậu một kiếm và một bút, cậu liền nhoài người với lấy cây bút. Thấy vậy cả nhà ồ lên, thằng này nay mai sẽ thiên đường văn chương. Quả thực, sau này Bùi Huy Phồn trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo với nhiều bút danh quen thuộc, nhưng thân thuộc hơn cả vẫn là Đồ Phồn. Có một bài thơ của ông đã khá lâu rồi nhưng nhiều người nơi đây vẫn nhớ:

Hai mươi năm trước buổi giao thời
Phong cảnh phố Đầm nghĩ chửa vơi
Dưới phố rộn ràng Tây đá lính
Ngàn dâu khúc khích đĩ ve bồi
Trên đồi mây đuổi trăng thua chạy
Dưới nước thuyền neo lửa tập bơi
Bỗng chó xua ma gà đuổi cáo
Đầu làng tiếng khóc mẹ sinh tôi.

Bài thơ thất ngôn bát cú đó có tựa đề Nơi sinh được Đồ Phồn viết ra năm ông 20 tuổi tại làng Đầm, cái buổi giao thời đó chính là thời kỳ đầy biến động ở một đất nước nô lệ đầu thế kỷ 20, cũng chính thời kỳ đó, giang sơn này đã sinh ra nhiều người con ưu tú để trở thành những chí sĩ kiệt xuất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết: Làng Đầm của ông có tên cổ gọi làng Lạm thuộc tổng Lại An. Ngày ông còn nhỏ vẫn thấy các cụ gọi đình làng là đình Lạm. Từ khi Pháp xây bốt, đóng đồn có thể do khẩu âm Tây lâu dần bị nói chệch từ Lạm sang Lầm. Chính bến đò Đầm ngày xưa không phải tên vậy, mà có tên bến Lầm, nên thế Đồ Phồn mới có câu:

Tàu son mà đậu bến Lầm
Tai trâu nghe gảy đàn cầm biết chi

Nghe nói hai câu đó được Đồ Phồn tức cảnh để ám chỉ một người đã không tường tận văn chương lại còn giở giọng giễu cợt chữ nghĩa với ông. Cũng theo các cụ, tên gọi Đầm chỉ xuất hiện khi đất này trở nên sầm uất, vì ngày ấy cả khu vực này có hai nơi được gọi phố, đó là phố Đầm và phố Chũ, tất cả đều trên bến dưới thuyền tạo thành một trung tâm buôn bán. Ngoài những cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ cho bộ máy thực dân cai trị, đây còn có nhà cho vợ con Tây ở, có nhà thổ để bà đầm, me Tây phục vụ giải trí. Nên thế mới có cảnh: Dưới phố rộn ràng Tây đá lính/ Ngàn dâu khúc khích đĩ ve bồi mà thơ Đồ Phồn từng mô tả. Dù gì chăng nữa, nhưng một thực tế có một làng Đầm bên sông Lục thuộc huyện Lục Ngạn trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã sinh ra nữ sĩ Tương Phố và văn sĩ Đồ Phồn.

Tại làng Đầm, Bùi Huy Phồn ngoài hai bà chị, còn có một ông em là Bùi Huy Trù, thân sinh tướng Bùi Huy Bổng, nguyên chính ủy Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên, nguyên chính ủy Mặt trận Lào. Ông tướng ấy nay đã tuổi ngoài 80 sau một thời áo lính, nhưng vẫn nhớ về làng Đầm, nơi sinh ra ông, nơi mấy thế hệ ông cha mình từng sống. Như vậy, làng Đầm thời hiện đại, ngoài một ông tướng còn có 6 vị đại tá thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Trước năm 1940, gia đình Bùi Huy Phồn thuộc hàng phong lưu mã thượng, nhưng từ 1940 đến 1945, cùng những biến động của buổi giao thời, gia đình ông phải rời làng Đầm để trở về cố hương Ứng Hòa. Bùi Huy Phồn đã qua chương trình tú tài chữ Hán và thông thạo tiếng Pháp nên từ khi chưa có cách mạng ông đã dạy học, làm thơ, viết văn, cộng tác với nhiều báo. Năm 1957, ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà Văn Việt Nam Khóa 2 (1962 – 1972) và từng giữ nhiều trọng trách khác. Sau gần 80 năm kể từ khi Đầu làng tiếng khóc mẹ sinh tôi bên dòng sông Minh Đức, văn sĩ Đồ Phồn đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 31 tháng 10 năm 1990.

Chúng tôi trở lại làng Đầm vào những ngày đông đang tàn, xuân đang lại. Đúng dịp 100 năm ngày sinh văn sĩ Đồ Phồn và hơn 100 năm ngày sinh nữ sĩ Tương Phố. Xã hội cứ biến động từng ngày mà làng Đầm bỗng trở nên yên ả. Vẫn bóng tre rủ xuống con đò. Vẫn dòng sông chở đầy suy ngẫm. Vẫn sóng nước lao xao rì rào gió thổi. Ngắm con đò bến đợi mà trầm tư sâu lắng, mà phảng phất câu thơ cùng… Tương Phố, Đồ Phồn.

NGÔ MINH BẮC