Ông lật tung cả đống quần áo trong cái tủ đứng mà vẫn không tìm thấy chiếc nhẫn. Sắp tới giờ phải đi rồi. Đầu ông nóng ran lên vì bực bội. Xưa nay, ông vốn là người trọng hình thức. Ở nhà ăn mặc thế nào xong thôi nhưng mỗi khi bước ra khỏi cửa bao giờ ông cũng chỉn chu, tươm tất. Gần đây, do làm ăn khấm khá hơn, ông còn sắm một chiếc nhẫn ba chỉ để bổ sung vào bộ đồ trang điểm của mình. Vậy mà bây giờ đúng cái lúc cần nhất, ông lại không tìm thấy nó đâu cả. Ở ngoài nhà văn hóa xã hàng trăm người đang chờ để nghe ông giảng về kĩ thuật nuôi ba ba làm giầu kinh tế gia đình. Rõ ràng là trước lúc tắm ông đã đặt cái nhẫn vào trong tủ mà bây giờ không có cánh mà bay.
Ông lật tung cả đống quần áo trong cái tủ đứng mà vẫn không tìm thấy chiếc nhẫn. Sắp tới giờ phải đi rồi. Đầu ông nóng ran lên vì bực bội. Xưa nay, ông vốn là người trọng hình thức. Ở nhà ăn mặc thế nào xong thôi nhưng mỗi khi bước ra khỏi cửa bao giờ ông cũng chỉn chu, tươm tất. Gần đây, do làm ăn khấm khá hơn, ông còn sắm một chiếc nhẫn ba chỉ để bổ sung vào bộ đồ trang điểm của mình. Vậy mà bây giờ đúng cái lúc cần nhất, ông lại không tìm thấy nó đâu cả. Ở ngoài nhà văn hóa xã hàng trăm người đang chờ để nghe ông giảng về kĩ thuật nuôi ba ba làm giầu kinh tế gia đình. Rõ ràng là trước lúc tắm ông đã đặt cái nhẫn vào trong tủ mà bây giờ không có cánh mà bay.
- Ông tìm gì mà lục lọi lộn lên cả thế? Vợ ông ở ngoài cửa nói vọng vào.
Nghe tiếng vợ, ông vội hỏi:
- Bà có nhìn thấy chiếc nhẫn của tôi đâu không?
Vợ ông chạy vào, nghiêng ngó:
- Không! Tôi cầm của ông làm gì. Chắc nó chỉ lẫn đâu đó thôi.
Nhìn đồng hồ, thấy thời gian đã muộn, ông càng bấn lên, đầu óc mụ đi. Đột ngột, ông buột miệng:
- Lạ thật! Nhà chỉ có tôi với bà mà chiếc nhẫn lại biến đi đâu mất nhỉ.
Vợ ông đứng chết sững giữa nền nhà. Môi mấp máy một lúc rồi giọng như vỡ ra:
- Trời đất ơi! Ông nói thế là có ý bảo tôi ăn cắp của ông hay sao? Ông, ông!
Chưa tan cơn bực, ông đóng sầm cánh tủ rồi hầm hầm bước ra khỏi nhà.
* * *
Minh họa Ngọc Minh |
Xong công việc, từ nhà văn hóa xã ông thập thõm bước trở về. Lúc này đầu óc đã bình thản, nghĩ lại câu nói quá vô ý của mình hồi sáng ông thấy ân hận vô cùng. Vợ chồng sống với nhau năm chục năm chưa bao giờ ông phạm phải cái tội tày đình đến vậy. Chả lẽ cái sự lão hóa của tuổi già nó làm ông đổ đốn ra như vậy hay sao? Nhớ lại đôi mắt mở to kinh ngạc và gương mặt tái đi của vợ, ông thấy mình không thể tha thứ được. Ông thở dài đánh thượt. Chao ôi! Ngày xưa bà ấy đẹp nhất làng. Bà bằng lòng làm vợ ông, theo như bà nói là chỉ vì ông có giọng nói dễ nghe. Bà bảo người có giọng nói dễ nghe chính là người yêu chiều vợ con đến hết đời. Tưởng bà nói là để lấy lòng ông thuở mới yêu nhau, hóa ra đúng khít khịt. Ai đó đã từng nói, phụ nữ thường yêu bằng tai. Ai không biết chứ với vợ ông thì quả là vậy.
Thực ra ông cũng hiểu điều này nhưng đó chỉ là khi tâm hồn còn trẻ trung mơ mộng chứ khi đã nên vợ nên chồng hàng chục năm rồi thì mấy ai còn để tâm đến lời ăn tiếng nói của nhau nữa. Có lẽ trên đời khó ai có được cái tâm cái tính như bà ấy. Vậy mà sáng nay, đùng một cái không hiểu sao ông lại nỡ ăn nói với bà ấy như một kẻ ti tiện, cục cằn. Với ông đó chỉ là sự bột phát trong lúc bức bối nhưng lại làm bà ấy tổn thương tới mức khó tha thứ. Ông nóng lòng bước vội về nhà.
Ông giật mình vì thấy bà vẫn ngồi như một bức tượng trên giường, đúng cái vị trí ban sáng. Vậy là từ lúc ông đi đến giờ bà vẫn ngồi im lìm như thế hay sao? Ông tá hỏa ngồi xuống bên cạnh:
- Bà ơi! Cho tôi ngàn lần xin lỗi! Hồi sáng vì gấp quá mà lại không thấy chiếc nhẫn nên tôi mới trót buông những lời quá đáng với bà chứ nào tôi có nghĩ ngợi sâu xa gì đâu. Cho tôi ngàn lần tạ lỗi với bà mà.
Lâu lắm bà mới quay lại. Tưởng bà đã nguôi giận, ông lập cập cầm lấy tay vợ. Nào ngờ bà giằng tay ông ra. Giọng bà đục như tiếng gầu va vào thành giếng:
- Vì sợ không có người coi nhà nên tôi phải chờ ông về, nếu không tôi đã sang nhà dì Thắm từ sáng rồi. Quần áo tôi đã sắp. Chỉ đợi ông về là tôi đi. Tôi sang để hộ con gái dì ấy mới đẻ. Dì ấy ngỏ lời mấy bận rồi mà chưa có dịp nào.
Ông chết lặng người. Ông thừa biết cái lí do bà đưa ra chỉ để che lấp cơn giận còn tràn đầy, chứ từ trước đến giờ dù có là việc tày đình cũng chả thể kéo bà ra khỏi cái mái nhà mà ông và bà đã năm chục năm chung sống. Ông luống cuống:
- Bà ơi! Bà đi thì tôi biết xoay sở ra sao đây. Bà thương tôi mà. Thôi! Có gì cho tôi xin lỗi. Ngàn lần tôi xin lỗi bà.
Bà như không nghe thấy những lời cầu khẩn đến nát ruột tan lòng của ông. Bà đờ đẫn đưa cặp mắt mờ đục hơi sương nhìn khắp căn nhà một lượt vẻ như tâm trạng của kẻ ra đi nhìn lại lần cuối những kỉ niệm thiêng liêng của đời mình. Nén tiếng thở dài, bà lò dò bước từng bước nhưng đầy cương quyết. Nhìn vẻ mặt thất thần của bà, ông biết rằng mọi chuyện đã không gì có thể cứu vãn.
Đúng lúc bóng bà khuất sau cánh cổng, ông lảo đảo ôm lấy ngực.
* * *
Cơn đau tim đột ngột đã làm ông nằm liệt giường suốt một tuần.
Mấy hôm nằm trên giường mắt ông cứ nhìn trân trân lên trần nhà, thở dài thườn thượt. Những cơn đau từ quả tim bằng máu bằng thịt của ông thì đã thuyên giảm nhưng trái tim dỗi hờn của ông thì lại bắt đầu quằn quại những cơn đau. Trời ơi! Tại sao bà ấy lại nỡ xử tệ với ông đến thế cơ chứ. Ừ, thì cứ cho là ông đã mắc lỗi với bà nhưng mà ông đã phải hạ mình xin tạ tội. Chao ôi! Cái người mà trước đây chỉ thấy ông ho nhẹ một cái thôi đã ríu cả chân tay vì xót thương, vậy mà cả tuần nay tim ông quặn thắt từng cơn mà sao lại dửng dưng tận nơi nào. Sao người đời lại tệ bạc đến thế nhỉ. Bây giờ thì người đã thỏa chưa. Người thích thì người cứ việc đi đi, tôi chẳng thiết. Tôi đau đớn thì mình tôi chịu. Tôi có bỏ thế gian này mà đi thì cũng mình tôi cam chịu. Cứ mỗi tiếng thở dài, ông lại tuôn ra bao lời trách oán xa xôi.
* * *
Suốt ngày bận rộn công việc giúp đứa cháu mới sinh nhưng đến khi mặt trời xuống núi bà lại ra ngồi lặng lẽ trên chiếc chõng tre ở hiên nhà, mắt ngước nhìn về xa xôi. Rồi bà thấy canh cánh một nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ cứ xoáy siết từng hồi trong lòng bà. Bà thở dài trách mình sao lẩn thẩn. Mà bà nhớ ai mới được cơ chứ? Nhớ “lão ấy” thì bà chẳng thèm. Ừ, can cớ gì mà bà phải nhớ nhung cái người đã đang tâm rỉa rói bà bằng những câu nói như mũi dao đâm cơ chứ. Không! Bà tự nhủ lòng là không bao giờ thèm nhớ cái con người bạc bội đã dám buông những câu nói hồ đồ đến thế. Nhưng rồi không hiểu sao, cái nỗi nhớ trái ngang ấy bà muốn xua đi mà không nổi. Như có ma xui quỉ khiến, mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, mỗi đêm cái giọng nói lành hiền nhẹ nhàng, êm dịu như gió thoảng bờ tre mà bà đã từng được nghe suốt năm chục năm ròng, cứ luôn văng vẳng bên tai bà.
Mấy hôm nay bà còn sinh ra tật máy mắt. Bà thấy nhột nhột trong dạ. Chẳng hiểu có điềm báo gì không? Bà thấy lòng choáng váng.
Đến cuối tuần thì bà không thể chịu đựng nổi được nỗi nhớ da diết cứ mỗi lúc một trào dâng trong lòng. Cuối cùng, chấp nhận là kẻ thua cuộc, bà thầm tự thú là mình không thể nào sống thiếu cái giọng nói ngọt ngào như mía lùi của ông ấy được. Nghĩ lại lời xin lỗi vừa thật thà vừa khổ sở của ông bà bỗng thấy mủi lòng. Thôi được! Bà thầm tuyên bố: “Tôi tạm tha cho ông đấy, ông biết chưa”.
Sáng hôm sau bà nhất quyết từ biệt cô em gái, khăn gói quả mướp trở về.
Thấy ông đang nằm trên giường, bà hốt hoảng, ríu lưỡi:
- Ông…! Ông lại lên cơn đau tim phải không? Thảo nào mà…
Ông ngoảnh mặt vào trong, không nói năng một lời.
Bà đặt tay lên vai ông:
- Khổ quá! Thật đúng là... Thôi thì vợ chồng chín bỏ làm mười. Cho tôi xin lỗi ông mà! Tha lỗi cho tôi!
Một lúc lâu lắm ông mới quay ra, giọng nghèn nghẹn mà lại ra chiều dửng dừng dưng:
- Không! Tôi khỏi rồi. Bà chẳng cần quan tâm làm gì cho mệt. Thôi, bà đi đâu thì cứ đi đi. Nếu không đi nữa thì trông nhà để tôi sang nhà ông bạn cựu chiến binh tư vấn cho ông ấy nuôi ba ba. Ông ấy ngỏ lời với tôi cả năm giời nay rồi.
Không thèm nhìn bà lấy một lần, ông trở dậy, đeo cái ba lô con cóc phăm phăm bước ra khỏi cửa, trước con mắt ngạc nhiên đến đau đớn của bà.
* * *
Trong cơn hờn dỗi đang ém sâu trong lòng, ông nhận lời với ông bạn cựu chiến binh sẽ ở lại một năm (và có thể còn lâu hơn nữa). Đang lúc thiếu người có kinh nghiệm và kĩ thuật nuôi ba ba, ông bạn mừng rơn.
Vậy mà mới đến ngày thứ bẩy, dù luôn tự nhủ phải cứng rắn lên nhưng lòng ông cứ vữa ra. Ngày ngày, mắt hướng về phía đàn ba ba bơi qua bơi lại mà sao ông cứ luôn nhìn thấy đôi mắt mờ đục hơi sương của “bà lão” trong mặt nước nhập nhòa. Bỗng ông giật thót mình khi nghĩ biết đâu lúc này bà ấy đang quằn quại trong cơn đau bụng. Bà ấy vẫn mang căn bệnh dạ dày mạn tính mà.
Chỉ gan lì thêm được một ngày nữa, ông gãi đầu gãi tai xin lỗi ông bạn cựu chiến binh về sự thất hứa, cho phép ông về.
Ông về nhà trong vẻ mặt tái nhợt vì lo lắng. Gặp bà ngoài ngõ người vẫn khỏe mạnh bình thường, ông hỏi một câu như chưa khảo đã xưng:
- Hình như…. Bà không bị… đau bụng?
Bà phì cười, thấu hiểu tận tâm can ông:
- Ông muốn tôi phải đau bụng à? May là lần này dạ dày tôi không tái phát đấy. Nhưng tôi lại bị đau ở chỗ khác. Sao ông không đi biệt tăm đi cho sướng cái thân?
Ông tủm tỉm cười. Vẻ đã hoàn hồn, ông lẳng lặng trở vào nhà lấy trong ba lô
Ra mấy thang thuốc dạ dày len lén cất lên tận nóc tủ.
* * *
Đêm ấy, hai vợ chồng ông lại ngủ chung một giường, bàn chân mảnh dẻ của bà lại đặt lên bụng ông. Hàng ngày, những lúc vui chuyện, ông vẫn thường tự hào khoe với các ông bạn già rằng năm mươi năm kể từ ngày về sống với nhau vợ chồng ông chưa có một đêm ngủ riêng. Và điều quan trọng là suốt năm mươi năm, đêm nào cũng như đêm nào bao giờ ông cũng để bàn chân bà gác lên bụng mình, đúng như đêm tân hôn. Ông đã thách tất cả các ông bạn già làm nổi cái việc cỏn con mà “vĩ đại” ấy.
Ông khẽ cù vào bàn chân bà, nói bằng giọng êm ái thường thấy:
- Này! Vậy là đến mười lăm đêm không được thế này rồi đấy nhỉ.
- Nỡm! Nhưng mà ông lại hay quên. Mười sáu đêm chứ không phải mười lăm. Đúng mười
sáu đêm tôi không trọn giấc. Cái bàn chân tôi quen được thế này rồi, đặt dưới chiếu cứ buồn bã không sao ngủ được.
Ông bật cười thành tiếng:
- Thì tôi cũng thế. Không có bàn chân bà gác lên, cái bụng tôi nó cứ hẫng đi như thiếu thiếu một cái gì đấy. Thôi từ nay chớ dại bỏ nhà bỏ cửa mà đi như thế nữa nhé.
- Mà là tội của ông đấy. Chiếc nhẫn lăn dưới chân tủ mà lại đổ vạ cho người ta.
- Nhưng tội của bà cũng có tí tỉnh ấy chứ.
- Ừ! Mà có khi chẳng ai có lỗi. Lỗi là tại tuổi già lẩm cẩm thôi. Ông bảy sáu, còn tôi cũng bảy tư rồi còn gì.
- Bảy tư với bảy sáu thì làm gì đã già.
Bà phì cười:
- Thì còn trẻ với ai.
- Trẻ với chính mình chứ cần trẻ với ai. Mà thôi! Già trẻ cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng là bàn chân bà dù đi đến góc bể chân trời nào rồi cuối cùng vẫn phải về đây, trên cái giường ọp ẹp này để gác lên bụng tôi là được rồi. Thế là tôi vô cùng mãn nguyện.
Ông nói đúng. Đố lão bạn già nào của ông làm nổi các việc cỏn con là cả nửa thế kỉ nay đêm nào cũng cho vợ gác bàn chân lên bụng như thế này.
TRUYỆN NGẮN: HỒ THỦY GIANG