Chợ sớm đón bình minh

02:01, 04/01/2012

Một Đà Lạt đẫm hơi sương, gió lạnh và hoa trái, yên bình với góc họp chợ từ nửa đêm đến gần sáng. Những chuyến hàng đến, từng lớp người mua, níu kéo từng khoảnh khắc của Đà Lạt với những cận cảnh rất “đời”!

Một Đà Lạt đẫm hơi sương, gió lạnh và hoa trái, yên bình với góc họp chợ từ nửa đêm đến gần sáng. Những chuyến hàng đến, từng lớp người mua, níu kéo từng khoảnh khắc của Đà Lạt với những cận cảnh rất “đời”!

Khi những nẻo đường còn vắng lặng, Đà Lạt trong lành sáng sớm, cái không gian se sắt, rét ngọt, bảng lảng trên cao nguyên mùa đông. Dọc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và quanh chợ Đà Lạt, những góc hàng đã san sát, rau và hoa kết thành một hành lang mềm mại của nông sản. Ánh điện đêm sưởi ấm những góc hàng, tiếng trao đổi, cân đong cũng khẽ khàng, có lẽ để cho thành phố khỏi thức giấc. Chợ nông sản đêm có ngôn ngữ và đời sống đặc trưng riêng.
 

Chợ sớm
Chợ sớm nhẹ nhàng, dễ mua, dễ bán.

Nếu đã một lần dừng chân đến với chợ đêm, dường như đời sống của chợ đặc biệt này sẽ đem đến một cảm nhận rất khác. Đó là một Đà Lạt lắng đọng mà không cô đơn, một Đà Lạt yên bình và thuần phác, Đà Lạt của những chuyến hàng rong ruổi từ các góc vườn trực tiếp về thành phố để đến với người tiêu dùng. Nếu chợ nông sản Trại Mát - chợ rau chính thức của thành phố tấp nập, ồn ào, rau được tính bằng đơn vị: tạ, tấn, xe hàng… thì ở ngôi chợ này, những mặt hàng nông sản tích góp về từ vườn nhà, tươi ngon trên những gánh hàng, rổ rau.

Sau đêm thu hoạch, la ghim được thồ ra chợ bán từ 12 h đêm - khi bước qua thời khắc đầu tiên của ngày cho đến hửng sáng. Trong không gian ấy, các tiểu thương ở những khu chợ nhỏ đến lấy hàng, người dân địa phương đi tập thể dục rồi dạo chợ mua thức ăn, khách du lịch tìm đến chợ để mua đặc sản và cũng xem chợ như chính một món “đặc sản” riêng có của Đà Lạt. Rau, hoa và người cùng tập trung trong chợ, với người bán là kế mưu sinh, với người mua là nhu cầu và hơn cả là sở thích, hàng hóa là “nhân vật chính” trong thước phim quay chậm về rau và hoa “từ nhà ra chợ”.

Đã nhiều năm ngồi ở chợ này, không khí và hương vị còn vương nồng mùi đất của các loại rau như thấm vào nhịp sinh hoạt của chị Thanh (phường 7, thành phố Đà Lạt). Góc hàng nhỏ chỉ vài kg cà rốt, cải thảo, súp lơ thu hoạch trong vườn, chị trực tiếp là người đưa vụ mùa ra với chợ, vụ kế vụ, mùa kế mùa, qua bao năm… Ánh mắt thức đêm bán hàng vẫn đầy háo hức khi kể về đời sống, về chợ đã nuôi sống bao gia đình có lối canh tác nhỏ. Đi chợ mà như đi vào hành trình của người nông dân chân chất trên cao nguyên với hai mùa mưa- nắng, phủ đầy rau và hoa từ những bàn tay lam lũ mà vẫn thấy nhẹ nhàng với công việc đồng áng. Tiếp xúc lâu năm cùng khách du lịch, chị và các chị em, những cụ xung quanh vui với các câu chuyện được hỏi về cuộc sống của mình. Một bà lão ngồi cạnh chị Thanh dù đã cao niên vẫn miệt mài ở góc chợ vì chợ không những đem đến nguồn sống mà cả nguồn vui lao động, như nối tiếp mạch sống bền bỉ với chợ không tên mà đã định hình trong trí nhớ của nhiều thế hệ người tiêu dùng

Nhà thơ Đỗ Trung Quân - tác giả của “Quê hương” nao lòng đã từng nhìn nhận về chợ : “Thói quen và sinh hoạt văn hóa vùng miền quyết định việc hình thành chợ”. Có lẽ, điều này có phần đúng với chợ nông sản đêm Đà Lạt. Lối canh tác nhỏ và sống túc tắc, bình dị của nhiều hộ gia đình, cái cần cù, chịu khó của nông dân đã đem hàng ra đến tận chợ, không qua trung gian, hàng vừa tươi nguyên, vừa có giá rẻ. Chị Hoàng An - một du khách đến từ phố biển Nha Trang mỗi dịp đến nghỉ lại Đà Lạt vẫn thường chọn một khách sạn gần khu trung tâm để sáng sớm có thể tản bộ ra chợ, mua vài bó hoa về làm quà, một ít rau củ về thưởng thức. Chợ nhẹ nhàng, dễ mua, dễ bán, không gian này dễ làm nhiều du khách cảm thấy vẫn “mắc nợ” Đà Lạt, đi đâu xa lại muốn quay về.

Lúc mặt trời le lói, cái rét đã dịu bớt, phiên chợ hoàn thành, người bán lại quay về tiếp tục việc đồng áng, nông sản theo chân người tiêu dùng tỏa đi các nẻo. Đà Lạt đón bình minh lên để chờ một sớm mai lại đến, chợ mở, người và người gặp nhau qua mối duyên không dứt cùng nguồn rau và hoa bất tận của cao nguyên.

HẢI YẾN