Đà Lạt - người, hoa

09:01, 30/01/2012

Dù bất cứ ai, từ phương nào đến, khi thành cư dân Đà Lạt thì họ đã mang trong mình một chất Đà Lạt không lẫn. Điều này không dễ lý giải…

Một người bạn gợi ý với tôi rằng, Đà Lạt là xứ hoa, điều ấy ai cũng biết, dù hoa Đà Lạt cũng là hoa du nhập, gọi sang trọng là "di hoa". Và người thì cũng thế. Người gốc Đà Lạt là người Lạch, người Mạ, còn người Kinh thì đều là từ nơi khác mà đến, sau khi Yersin phát hiện ra cao nguyên mờ sương xa ngái này, và ông đã dấn thân lặn lội bằng một tình yêu và sức lực phi thường ngày ấy để bây giờ ta có một Đà Lạt thiên đường của du lịch, thiên đường của tình yêu và thiên đường của hoa.

Mầm xuân
Mầm xuân

Vấn đề là, dù bất cứ ai, từ phương nào đến, khi thành cư dân Đà Lạt thì họ đã mang trong mình một chất Đà Lạt không lẫn. Điều này không dễ lý giải, nếu như ta thấy ở Việt Nam này chỉ có vài nơi có được điều ấy, và những địa danh ấy đều có lịch sử văn hóa, truyền thống từ rất lâu đời, như Hà Nội, Huế... Ngay thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa có cái bản sắc riêng của mình ngoài vài khái niệm rất chung chung là năng động, khỏe khoắn...

Người Đà Lạt thì khác, có một mẫu số chung khi ta tiếp xúc hoặc chỉ thoáng qua trên đường, nhất là phụ nữ. Ấy là cái dáng dịu dàng e ấp, có phần lặng lẽ với nước da trắng, phong thái nhẹ nhàng với những màu áo khoác cố hữu. Cái câu thơ nổi tiếng của Vũ Hữu Định: "Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông" nếu gán cho Đà Lạt có vẻ hợp hơn.

Và một điều nữa mà ít nơi khác có được, đấy là tình yêu và lòng tự hào Đà Lạt luôn thường trực trong mỗi người Đà Lạt. Ngồi với một người Đà Lạt, dù là gốc hay ngụ cư, chớ dại mà chê Đà Lạt, mà so sánh Đà Lạt với nơi này nơi khác. Họ không sừng sộ ngay đâu, nhưng trong mắt họ, anh không còn là bạn bè đúng nghĩa nữa, anh trở thành một người hời hợt, cạn nghĩ.

Tôi đã cố cắt nghĩa mà vẫn không hiểu tại sao người Đà Lạt, tự họ thôi, chả có một khuôn mẫu, một bắt buộc nào, mà họ lại tự tạo cho mình một phong thái riêng, một bản sắc riêng như thế, cái phong thái và bản sắc mang đậm dấu ấn văn hóa của một vùng khu biệt, như là đã tồn tại hàng nhiều trăm năm, như một thói quen lịch lãm tự tại truyền từ đời này sang đời khác, dù rất nhiều gia đình mới ở Đà Lạt chưa quá một thế hệ. Nó quy nạp mọi sắc thái văn hóa và... biến thành của mình.

Tôi có nhiều người quen và bạn bè ở Đà Lạt, họ đều từ nơi khác đến. Khác với Pleiku là chỉ người Bắc và người Trung lên lập nghiệp, Đà Lạt có khá nhiều người Nam Bộ bên cạnh rất đông người Bắc và người Trung, nhưng khi lên Đà Lạt họ trở thành Đà Lạt một trăm phần trăm. Tức là với Đà Lạt, nó dung nạp đủ văn hóa của cả ba miền để rồi nhào nặn tự nhiên, biến hóa tự nhiên, phối ngẫu tự nhiên, thành văn hóa Đà Lạt.

Một góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Đà Lạt. Ảnh Internet
Một góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Đà Lạt. Ảnh Internet

Thực ra bảo cắt nghĩa một cách thấu đáo thế nào là người Đà Lạt thì sẽ rất khó và hoàn toàn mù mờ cảm tính. Nó chỉ là một cảm nhận vừa mơ hồ vừa chắc chắn, nhưng bao quát ra, nó mang một dấu ấn Đà Lạt rất rõ. Ngay cái tình yêu hoa ở xứ này cũng khó nơi nào bì kịp. Từ là một nghề kiếm sống, những người trồng hoa là những nông dân thứ thiệt, hiện giờ người trồng hoa Đà Lạt là những nghệ sĩ, họ trồng hoa tài tử và chơi hoa bằng sự lãng mạn thăng hoa, bằng tình yêu cái đẹp, sáng tạo ra hoa, nâng niu hoa, thổi hồn mình vào hoa, bảo vệ hoa như bảo vệ một giá trị văn hóa mỏng manh dễ vỡ. Thử hỏi cả nước mình có nơi nào mà nhà nhà trồng hoa, người người chơi hoa như Đà Lạt. Khi làm nhà thì việc đầu tiên là chừa chỗ để trồng hoa. Nhà mặt phố, đất đắt hơn vàng, nhưng vẫn có những ô, những chậu, những rãnh... để trồng hoa. Hoa mặt đất, hoa lủng lẳng trên không trung, hoa nhô ra ban công, hoa e ấp ở cửa sổ, hoa tưng bừng trên tầng thượng... tạo nên một thành phố hoa, người lẫn vào hoa, hoa quấn quýt người, nâng đỡ nhau, tôn vinh nhau, làm đẹp cho nhau. Hoa làm dáng một cách khiêm nhường chứ không cố phô ra, chường ra kiểu trọc phú. Hoa ở Đà Lạt, như người, giản dị như nó phải thế, đương nhiên thế và hẳn nhiên thế.

So với Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... rõ ràng Đà Lạt trẻ hơn, cư dân Đà Lạt mới hơn, nhưng lạ một điều là Đà Lạt đã làm được một việc mà các thành phố khác không làm được, ấy là đồng nhất văn hóa, là biến người khác thành mình. Theo tôi biết, người Hà Nội ở Đà Lạt rất nhiều, và bây giờ cốt cách Hà Nội ấy đã biến thành Đà Lạt. Huế cũng thế, cũng có rất nhiều cư dân trở thành cư dân Đà Lạt một cách tự nhiên tự nguyện, dù có thể nói, người Huế là người bảo thủ bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, đi đâu thì đi, hàng năm vẫn tìm cách về với Huế.

Tôi chưa có duyên nợ nhiều với Đà Lạt dù có mươi lần ghé qua, nhưng từ trong tâm tưởng, vẫn thấy mình gần Đà Lạt. Những chiều sương mù giăng kín, tôi thèm lững thững trên con đường ven hồ Xuân Hương mà xuýt xoa mà thu lu tay trong túi và mở hết các giác quan cảm nhận một Đà Lạt nửa xa vắng nửa gần gụi. Hay những đêm khuya, ra ngồi chợ đêm, cảm nhận một Đà Lạt khác, một Đà Lạt sinh sôi và náo nhiệt, nửa như ngái ngủ nửa như đầu đời. Ấy là cái quán bốc khói giữa sương, là những lưng trần bốc vác chất hoa, trái cây, rau lên các xe tải về xuôi. Có lần một mình ngơ ngác giữa hoa, tôi đã tưởng tượng mình lạc một người con gái, mà cũng không biết đấy là cô gái hay hoa, hay một điều gì đấy rất mơ hồ, không mạch lạc được, không cụ thể được, để mà thốt lên: "Đà Lạt hoa sương muối/  em lang thang giấc ngủ không dầy/ vân vi cúi mặt nhìn mây/ tìm thao thức giữa hằng hà sa số./... Nở lại đi bông hoa dại ven đường/ cỏ Đà Lạt xanh mềm thiếu nữ... chẳng lẽ mình mãi mãi lạc nhau...". Và trong một tinh sương như thế, tôi đã lên một chuyến xe sớm, rời Đà Lạt sau khi dự một festival hoa mà cứ ngất ngây đến tận khi ngồi gõ những dòng này, lúc mùa xuân đang gõ cửa...

HOÀNG HƯƠNG GIANG